Thế nhưng, suy cho cùng, tất cả mọi thứ xảy ra chỉ vì ý chí muốn được sống và được tồn tại trong kí ức người khác, khát khao muốn cả thế giới này nhận ra thực tế và mặt tối của xã hội và nhớ đến những người đã chiến đấu vì khát khao ấy.
THÔNG TIN CHUNG
Zankyou no Terror
- Số tập: 11
- Ngày công chiếu: 11/07/2014 – 26/09/2014
- Studio: Mappa
- Thể loại: Mystery, Psychological, Thriller
- Đạo diễn: Shinichiro Watanabe
- Âm nhạc: Yoko Kanno
TÓM TẮT NỘI DUNG
Một ngày mùa hè bình yên nọ, bỗng nhiên Tokyo bị một cuộc khủng bố làm xáo động. Nine và Twelve – hai thiếu niên trẻ tuổi đã dàn dựng cuộc khủng bố ấy, đã đăng video tiết lộ thông tin cho các cuộc tấn công tiếp theo của họ dưới cái tên “Sphinx”. Trong khi chính quyền không tài nào kiểm soát được tốc độ lan truyền của video, dân chúng bắt đầu lo sợ, khiến cả thành phố và toàn nước Nhật rơi vào sự hỗn loạn chưa từng có.
GIỚI THIỆU NHÂN VẬT
Nine
Nine có bề ngoài lạnh lùng, nghiêm túc cùng cái đầu bình tĩnh, luôn có thể lên kế hoạch và dự đoán chính xác. Bản thân Nine cũng là một người theo công lý, luôn hành động dựa vào lý tưởng của mình, dù điều đó có nghĩa cậu mất mạng.
Twelve
Twelve có tính cách trái ngược hẳn với Nine, là một người năng nổ, hoạt bát và rất cởi mở. Trong khi Nine là bộ não, thì Twelve chính là cơ thể và trái tim của Sphinx với sức vận động cao.
Mishima Lisa
Lisa là một cô gái bình thường, khá nhút nhát và cảm thấy lo lắng về mọi thứ. Do hay bị mẹ mình tạo áp lực nên Lisa cảm thấy cuộc sống mình tù túng. Khi tình cờ gặp Twelve, cô đã được trao cho hai lựa chọn: một là theo họ, hai là chết.
Five
Five là người sống sót chính thức từ dự án Athena và hiện đang làm việc cho chính phủ Mỹ. Cô là một người kỳ quặc và rất hiếu thắng. Có thể nói, mục đích sống duy nhất của cô chính là được gặp lại Nine và thách đấu cậu ta.
NHẬN XÉT
Cứ mỗi khi nhìn những chiếc lông vũ rơi, hay cánh chim lạc đàn trong bản nhạc mở đầu của bộ phim, tôi lại chợt nhớ về một câu hát:
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm.”
Nine và Twelve là những chú chim hắc vũ lạc đàn, dù là trong Opening khi họ còn nhỏ tại “The Settlement”, hay là ở cuối phim khi họ đã có thể sỏa cánh tung bay, gặp gỡ cùng một chú chim bạch vũ khác. Bản chất của họ chưa từng thay đổi, là những người từ nhỏ đã bị hoàn cảnh u ám cùng những thí nghiệm bao trùm. Những chiếc lông hắc vũ phủ đầy Nine và Twelve trong quá khứ là xiềng xích, là sự tiêu cực bao trùm lấy trái tim, trí não lẫn tâm hồn họ trong những ngày tháng ấy. Họ vẫn tiếp tục sống như những con chim hắc vũ cho tới tận ngày cuối cùng, ngày mà họ lìa đời. Nhưng chí ít, họ đã có thể sải cánh tung bay cùng một chú chim bạch vũ khác – Lisa, và cũng như đoạn cuối Opening, những chiếc lông hắc vũ đã không còn bao trùm mà thay vào đó là những chiếc lông bạch vũ, tượng trưng cho việc họ không còn phải giấu đi tâm hồn mình nữa.
Tuy nhiên, bộ phim còn vẽ ra sự song song giữa Lisa và Sphinx. Dù cho Lisa tượng trưng cho bạch vũ, nhưng cô cũng thấu nỗi đau bị cầm tù của những đứa trẻ tại The Settlement. Lớn lên trong sự bảo bọc quá mức của mẹ, bị áp lực bởi hàng loạt tin nhắn hoảng loạn của bà chỉ vì cô về trễ, chịu đứng sự sợ hãi bị bỏ rơi của mẹ mình, bên trong Lisa hình thành một sự khép kín, không dám bày tỏ cũng không dám phản đối. Điều duy nhất cô dám làm chỉ là một sự phản đối âm thầm khi bỏ đi bữa cơm của mẹ mình làm cho. Có lẽ vì áp lực, Lisa đã mắc căn bệnh biếng ăn. Thân hình gầy gò cùng việc cô không nếm trong khi nấu, thậm chí là những phân đoạn hài hước về tài nấu ăn dở tệ của cô khi ở cùng Sphinx, tất cả đều là những chi tiết nhỏ thể hiện về hội chứng ăn uống của cô do sống dưới áp lực của mẹ.
Đến cuối cùng, không chỉ có Sphinx mà cả Lisa cũng được giải thoát.
Họ đã sải cánh như chính nguyện vọng của mình.
“Xin hãy nhớ rằng, chúng tôi đã từng sống.”
Không phải tồn tại, mà là sống. Di nguyện cuối cùng của Nine đối với Shibazaki, đối với cả thế giới này là hãy nhớ đến họ như những con người, chứ không phải chỉ là những thông tin trên trang giấy. Xuyên suốt phim, Nine được thể hiện như một người lý trí và không có chút cảm xúc nào, tạo cảm giác xa cách với con người, thế nhưng có thật sự là như vậy? Khi một người muốn ai đó nhớ về họ thì tức là người ấy đang khao khát sự kết nối. Một con người không cảm xúc lại có thể xin ai đó nhớ về họ hay sao?
Càng xem, tôi càng nhận ra người đang thật sự có cảm xúc mạnh mẽ, mang nhiều phần “người” nhất lại là Nine chứ chẳng phải Twelve. Dù cho Nine tạo cảm giác xa cách, nhưng cậu lại chưa hề một lần bỏ rơi Lisa hay những con người vô tội, thậm chí còn sẵn sàng bảo vệ một người hành khách bằng cách lấy thân che chắn cho họ. Còn Twelve thì sao? Dù biểu cảm cậu đa dạng và phong phú, nhưng những lời nói từ miệng cậu lại thể hiện một sự lạnh lùng khó đoán.
“Họ trông như những con kiến. Tớ thích kiến” - Twelve đã miêu tả người khác như vậy.
Trong mắt Twelve, có thể con người là một điều gì đó nhỏ bé và không đáng trân trọng, và cũng có lẽ vì vậy mà khi gặp gỡ một người lạ như Lisa, Twelve đã nổi lên sự tò mò và muốn được kết nối tình cảm với cô.
Trong Sphinx, Nine là người có khát khao được chứng minh bản thân mãnh liệt nhất. Không chỉ là chứng minh cậu đang sống, mà là cho cả 26 đứa trẻ của The Settlement, những đứa trẻ không có ai nhớ đến cho tới phút cuối. Hành động của Sphinx vẫn là tội ác quốc gia, là khủng bố, dù cho niềm tin cao đẹp “không bao giờ giết người vô tội” của họ thể hiện được mặt công lý của Sphinx. Người ta có thể nói hành động khủng bố quốc gia vì 26 đứa trẻ kia là không đáng, nhưng đối với Nine và Twelve, đó chính là “von” (hy vọng) của họ. Iceland và ngôn ngữ của đất nước này tượng trưng cho hòa bình và tự do trong phim, nhưng có lẽ cũng mang ý nghĩa như một điều gì đó ngoài tầm với. Khi mọi thứ sụp đổ, tất cả đều gục ngã, những gì còn sót lại trong tâm trí những người lính là một làn điệu xa xăm của nơi lạnh giá, như thể rằng hòa bình và tự do là điều gì đó quá xa vời. Câu nói “hãy nhớ đến họ” cũng là câu mà ở nhiều nước hay dùng khi làm lễ tưởng nhớ đến các thương binh liệt sĩ: Nhớ đến họ, nhớ những gì họ đã làm và chiến đấu cho chúng ta.
Nine và Twelve cũng vậy, họ khủng bố phải chỉ vì muốn chứng minh bản thân tồn tại, mà còn vì muốn người khác nhận ra mặt tối của chính phủ và dự án Athena, nhận ra về quả bom hạt nhân đang được giấu kín ấy có thể châm ngòi chiến tranh thế nào. Họ muốn cho cả thế giới này nhận ra tác hại của công nghệ hóa toàn cầu đã khiến con người mất đi cái “người” của mình, sự tiến hóa quá nhanh của công nghệ có thể khiến cho con người ta quên đi điều cốt lõi của việc làm người và gây nguy hại đến hòa bình thế giới. “Zankyou no Terror” tức là “Nỗi sợ vang vọng”. Cũng như các cuộc khủng bố khác ngoài đời được thực hiện để đánh tiếng về sự tồn tại của các thế lực khác, về chiến tranh chẳng ai nhận ra, Sphinx đã khiến cho cả Nhật Bản sợ hãi để cho họ nhận thức được có những điều tàn nhẫn đang xảy ra ngoài tầm mắt họ, chẳng hạn như dự án Athena, The Settlement và bom hạt nhân. Nỗi sợ này sẽ mãi mãi vang vọng trong kí ức những người đã chứng kiến, có thể trở thành nỗi ám ảnh, nhưng cũng lại là cách khiến họ nhớ mãi về những đứa trẻ.