Dĩ nhiên chẳng bao giờ cuộc đời này sẽ thỏa mãn được ước mơ của chúng ta, dù nỗ lực đến một lúc nào đó có lẽ khi chúng ta nhận ra cuộc sống là gì thì niềm tiếc nuối bao giờ cũng nhiều hơn sự hài lòng.
Chúng ta sẽ càng cần phải nỗ lực, chăm chỉ hơn cho cuộc sống của mình, hướng tới “mục tiêu”, “khát vọng sống” hay một điều gì đó tương tự. Cho đến một ngày nào đó, khi đã mệt mỏi đủ để ngồi xuống suy ngẫm, có lẽ câu hỏi quen thuộc này sẽ vang lên trong đầu các bạn.
“Cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì?”
Đấy chính là điều đã diễn ra trong “Soul”- thứ mà tâm lý học quen thuộc gọi là ‘’câu hỏi hiện sinh’’.
Vì chúng ta có một tài năng, một năng lực nên tất yếu chúng ta sẽ có một mục tiêu để chinh phục, một điều gì đó mà tài năng của chúng ta được biểu đạt, được công nhận bởi thế giới xung quanh và là thời điểm mà chúng ta chứng tỏ rằng mình đang có tồn tại. Như với Joe Gardner thì chính là được chơi nhạc Jazz cho một sân khấu lớn, tuy nhiên điều đó có bao giờ là dễ dàng.
Hành trình tìm kiếm thành công của Joe để trở thành nghệ sĩ chơi nhạc Jazz lừng lẫy, vấp phải vô vàn những cản trở. Ông không thể thành công trong việc tìm ra nơi lý tưởng cho bản thân mà phải điều đình cùng nó với một ngành tay trái là dạy nhạc cho bọn trẻ con, nhưng cũng vì vậy niềm đam mê Jazz của ông lại càng cháy bỏng bấy nhiêu. Thử thách càng lớn lại càng làm cho ý nghĩa sống trở nên mầu nhiệm và thu hút. Tuy nhiên, càng đặt ra những mục tiêu cao lớn và mỹ miều bao nhiêu cho cuộc đời mình, chúng ta lại càng mau chóng nhận ra chúng thật xa vời và càng đến gần chúng thì chúng lại càng mỏng manh, chẳng đủ để thỏa mãn cho “cơn khát” của con người, “ý nghĩa sống” của ta có lẽ từ đầu đã chẳng bao giờ tồn tại.
Với Joe, ngay khi cơ hội đến cũng chính là lúc ông nhận ra sự thật ấy trong cuộc sống, và ngay khi diễn xong đêm diễn tuyệt đỉnh trong đời mình thì “ý nghĩa sống” đã hoàn thành sự nhiệm màu của nó, ông lại đánh mất đi hy vọng, niềm vui sướng và trở nên hãi hùng, lo sợ với sự nhàm chán lẽ ra nên mất đi. Cái mục tiêu mà bản thân đặt ra có thể đã chẳng phải là “ý nghĩa sống”, mà chính việc lựa chọn theo đuổi mục tiêu mới chính thật là thứ tạo nên “ý nghĩa”. Đó cũng chính là đặc điểm của cuộc sống, như Martin Heidegger nói: Sự nhàm chán bởi vì việc lặp lại.
Cả Heidegger và triết gia Soren Kierkegaard cùng nhấn mạnh rằng bản thân cuộc sống là sự nhiệm màu nhưng nó đang bị trở nên lãng phí bởi sự lý trí của con người, khi đưa chính nó vào những hình thức khuôn mẫu lặp lại. Vì chúng ta cũng như Joe quên rằng khi chúng ta quá chú trọng vào mục tiêu phía trước, quá tham vọng, đôi khi chúng ta không nhận ra một cặp bài trùng đi cùng với “sự sống”, đó chính là “cái chết”.
Bởi nhờ “cái chết” chúng ta mới nhận ra được “sự sống” là không chắc chắn và không vĩnh hằng. Chúng ta có quá nhiều tham vọng trong ảo tưởng của mình mà quên mất thời gian cho mình thì giới hạn. Giống như Joe, chỉ khi biết mình sẽ chết Joe mới nhận thấy mình cần phải làm gì đó cho mình chứ không phải dành cho mục tiêu của mình. Khi quy tiếc mạng sống, chúng ta mới nhận ra bản thân còn đang sống chứ không phải lãng phí nó vì sự tồn tại của một mục tiêu mơ hồ.
Trong sự chấp nhận những hữu hạn của cuộc sống mang lại với sự lo âu không chắc chắn thì chúng ta mới thật sự ở trong cuộc sống của mình. Khi bất lực trước sự thiếu hụt để không còn chăm chú vào mỗi “ý nghĩa” của mình thì chúng ta mới thấy được ý nghĩa “hiện sinh”, khoảnh khắc mà mỗi thứ xung quanh dù nhỏ nhất cũng đều đang góp phần vào xây dựng nên những niềm vui và cuộc sống của ta. Như với Joe là người thợ cắt tóc cho ta kẹo, là chiếc lá rơi, là nói chuyện với mẹ v.v.. khi anh không gắn cuộc đời mình vào duy chỉ là được ngồi vào chiếc đàn jazz trên sân khấu.
Và may mắn rằng, chúng ta cũng được nhận những điều đó, dù rằng bạn có đang là ai hay như thế nào đi nữa thì trong sự hữu hạn mà cuộc sống dành cho bạn, đều đầy tràn những hạnh phúc như thế.
Nếu để trả lời cho câu hỏi “Cuộc sống bạn có ý nghĩa gì ?”, theo quan điểm tâm lý hiện sinh, câu trả lời là chúng ta cần phải thôi gắn chặt nó vào một cái ý nghĩa để định hình nên cuộc sống và nhìn nhận là ngay tại lúc này, chúng ta đang trong cuộc sống của mình.
Minh Hiển PSY
—
Còn bạn, câu trả lời của bạn là gì?