Danh sách những vật dụng cần chuẩn bị khi đi leo núi (phần 1)

Bạn đi leo núi ở đâu? Gần nhà hay xa nhà? Điểm đến có xa không? Thời tiết lúc bạn đi như thế nào? Tại đó đã đưa vào khai thác du lịch chưa? Bạn đi một mình hay đi cùng bạn bè? Có trẻ em hay người lớn tuổi đi cùng không? Bạn đã từng đến đó chưa? Bạn có biết đường không? Có ai dẫn đường hay khuân vác đồ đạc giúp bạn không? Bạn đã biết những gì về kỹ năng leo núi và sinh tồn trong thiên nhiên? Chi phí bạn có thể chi trả là bao nhiêu? v.v.
Quá nhiều câu hỏi? Đúng vậy, vì khi bạn leo núi, có rất nhiều yếu tố tham gia vào quá trình lên kế hoạch và chuẩn bị hành trang của bạn. Tôi sẽ đưa ra danh mục những nhóm đồ dùng lớn, sau đó tùy vào từng tình huống mà tôi sẽ đưa ra tùy chọn tương ứng với tình huống đó. Trải nghiệm của tôi như thế nào thì tôi sẽ chia sẻ như vậy, các bạn có thể tham khảo và đánh giá lại sự phù hợp với bạn.


Một số vật dụng tôi đã chuẩn bị trong chuyến đi Phan Dũng - Tà Năng vào mùa khô
Tôi chia danh sách chuẩn bị vật dụng leo núi của mình thành 5 nhóm đồ lớn: Trang phục, dụng cụ, y tế, phụ kiện và thực phẩm.

1. Trang phục


Trang phục - Mang theo tùy nơi đến, thời gian đi và điều kiện thời tiết
Với một chuyến đi trong ngày đến một địa điểm có khí hậu ôn hòa thì tôi chỉ cần mang theo một bộ quần áo mặc trên người, đi xăng-đan, có thể tôi sẽ đi vớ để tránh sự ma sát vào quai giày gây phồng rộp chân, mang thêm một cái áo gió kiêm chống nắng gọn nhẹ, một cái mũ lưỡi trai. Kể cả khi đó là mùa khô (miền Nam) thì tôi vẫn mang theo một chiếc áo mưa gọn nhẹ vì ngoài công dụng che mưa thì nó có thể dùng để che nắng, bảo quản đồ đạc khỏi bị ướt khi đi qua sông, suối, hay trong trường hợp trời trở lạnh đột ngột thì chiếc áo mưa còn có công dụng giữ ấm. Thay vì sử dụng quần lót thì tôi ưu tiên sử dụng chiếc quần đùi có kèm lớp lót mỏng bên trong của mình bởi ưu điểm thoáng mát, không bó vào người giúp thoải mái vận động, giảm sự hầm bí do mồ hôi tiết ra, ngoài ra khi đến địa điểm cắm trại hoặc nếu cần tắm suối thì tôi có thể thay chiếc quần dài bên ngoài ra và chỉ mặc một chiếc quần đùi này, gọn nhẹ và hiệu quả.
Với chuyến đi qua đêm thì tôi sẽ mang thêm một chiếc áo, một chiếc quần đùi để thay khi đến nơi cắm trại, quần dài sẽ được tôi phơi khô và sử dụng lại vào ngày hôm sau, để đáp ứng điều này thì tôi chọn mua một chiếc quần có chất vải mau khô và có thể tháo ống quần để chuyển từ quần dài sang quần lửng, có thể sử dụng trong nhiều tình huống như lội suối hay muốn thoáng mát hơn. Tôi sẽ mang thêm một chiếc áo len để có thể giữ ấm khi qua đêm trên núi, kể cả khi ban ngày nhiệt độ rất cao thì khi đêm xuống, nhiệt độ ở trên núi sẽ xuống nhiều hơn so với dưới đồng bằng, và việc ngủ lại trong lều hay võng cắm trại cũng khác với việc chúng ta ở trong một ngôi nhà được xây kiên cố có thể cản mưa gió tốt.
Đối với điểm đến có khí hậu ôn đới hoặc cận ôn đới, đặc biệt vào các tháng 11 - tháng 2 thì tôi sẽ thay chiếc áo len mỏng sang một chiếc áo nỉ để giữ ấm tốt hơn, ngoài ra thì có thể mang theo một chiếc áo lông vũ hoặc một chiếc áo chống thấm giúp giữ nhiệt và chống mưa, sương giá. Lựa chọn này có thể linh hoạt, nếu không quá lạnh, trong một số tình huống chúng ta vẫn có thể sử dụng chiếc áo mưa của mình như giải pháp giữ ấm như tôi nói bên trên, việc này giúp giảm khối lượng hành trang mà chúng ta sẽ mang theo, điều cực kỳ quan trọng khi đi leo núi. Điều này có thể phụ thuộc vào ngưỡng chịu lạnh và khả năng tài chính của bạn (bạn có thể mua một chiếc áo rất nhẹ nhưng vẫn ấm, tuy nhiên nó có thể rất đắt).
Với những điểm đến có nhiều cát bụi, nắng gắt và gió thổi mạnh thì một chiếc khăn rằn hoặc khăn ống đa năng (loại các phượt thủ xe máy hay dùng) sẽ rất hữu ích, nó sẽ giúp bạn che nắng, bụi, lau mồ hôi, khăn tắm... Nếu bạn thích mặc áo ngắn tay vì sự thoải mái vận động, bạn có thể mang theo một cặp bao tay che năng cho phần cánh tay của bạn, chọn màu vải có màu sáng sẽ giúp giảm hấp thu nhiệt từ mặt trời hơn vải có màu tối.
Về việc sử dụng giày hay dép hay xăng-đan, tôi ưu tiên xăng-đan cho tất cả chuyến đi leo núi từ trước đến giờ của mình. Lý do thứ nhất là vì tôi chưa có một đôi giày leo núi chuyên dụng, thứ hai là tôi thích sự thoáng mát mà xăng-đan đem lại trong khi nó vẫn giúp tôi bám đường tốt, chắc chắn với phần quai bao bọc (không sợ tuột như đi dép), sự nhẹ nhàng, khả năng bảo vệ (tôi mang một chiếc xăng-đan có phần rọ mũi ở đầu ngón chân nhằm bảo vệ chân khi va vào đá, xuống dốc, gai góc từ các bụi cây), khả năng khô mau khi đi qua sông, suối hay vào khi đi dưới mưa. Kết hợp với một đôi vớ cổ cao thì tôi có thể tránh được vắt hay các loại côn trùng khác như muỗi, ong. Có điều nó sẽ không có đặc tính bảo vệ và nâng đỡ chân tốt như khi đi giày, khả năng bảo vệ trong trường hợp bị rắn cắn thì tôi chưa biết (cũng không mong sẽ được tự kiểm chứng), một số đôi giày có khả năng chống thấm tốt khi gặp mưa hoặc đi qua vũng nước, bùn lầy, nhưng nếu lội suối thì bạn hãy bỏ nó ra, nước vẫn sẽ vào qua đường miệng giày của bạn như thường. Đối với dép thì tôi không khuyến nghị, bạn có thể sử dụng nó khi đi lại quanh khu cắm trại, nhưng dùng nó vào việc di chuyển qua các vách đá hay đường mòn, sình lầy trơn trượt sẽ rất nguy hiểm. Nếu bạn mong muốn sự gọn nhẹ, hãy cân nhắc một đôi xăng-đan gọn nhẹ với ít nhất một cái quai giúp đôi xăng-đan bám chắc vào chân của bạn và nó có các rãnh đủ sâu ở đế nhằm tránh trơn trượt.


Một số kiểu giày bạn có thể cân nhắc: Shopee
Nếu bạn muốn sử dụng một đôi giày thể thao hay đôi giày thời trang khi đi leo núi? Bạn có thể cân nhắc. Một chuyến leo núi có thể khiến bạn phải mua mới một đôi giày khác cho mình, có thể nó sẽ mang một vết rách nhỏ, hoặc bung đế, mòn giày, lấm bẩn (rất bẩn)... giày thể thao hay giày thời trang không có những đặc tính bền bỉ như một đôi giày leo núi chuyên dụng. Một đôi giày chuyên dùng chạy trail thì sao? Tôi vẫn cảm thấy nó không phải tối ưu. Trong chuyến đi Phan Dũng - Tà Năng gần đây, một người bạn của tôi sử dụng một đôi giày chạy trail đắt tiền, nó có khả năng bám đường tốt, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó không bền bỉ như một đôi giày leo núi chuyên dụng, lý do là bởi lớp đế của nó khá mềm, dễ bị mài mòn theo thời gian, lớp vải bên ngoài cũng có vẻ mỏng và dễ chịu mài mòn khi bị gai nhọn đâm vào, đó là quan sát của tôi.

2. Dụng cụ



Dụng cụ leo núi cơ bản
Để chuyến đi được thuận lợi, chúng ta sẽ cần mang theo một số món đồ sau.
Đầu tiên là ba lô. Ba lô để đựng quần áo, các vật dụng cắm trại, thuốc men, phụ kiện, thực phẩm... Cách chọn ba lô phù hợp với mục đích chuyến đi và điểm đến tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.
Thứ hai là "túi sinh tồn". Túi sinh tồn hay còn được gọi là "túi mưu sinh", túi này sẽ là vật bất ly thân của bạn trong mọi trường hợp (trừ khi đi tắm, chắc vậy). Khi đi leo núi hay cắm trại thì có nhiều trường hợp bạn không thể mang theo chiếc ba lô cồng kềnh của mình, chẳng hạn như khi bạn đến nơi cắm trại và đi dạo quanh bãi cắm, khi có hỏa hoạn hay nước lũ đổ về nơi cắm trại và bạn chỉ có thể chạy thoát thật nhanh thì túi sinh tồn là thứ bạn cần phải ưu tiên mang theo bên mình, túi sinh tồn này có thể đựng những món đồ bạn cần sử dụng liên tục trong suốt thời gian leo núi và bạn sẽ không muốn mỗi lần lấy ra sử dụng và cất đi sẽ phải dừng lại cởi bỏ ba lô sau đó lại đeo lên. Túi sinh tồn có thể chỉ là một chiếc túi đeo hông nhỏ gọn (từ 3 - 5L), trong đó sẽ đựng những món đồ thiết yếu và dùng trong trường hợp khẩn cấp (khi đi lạc và cần nó để ứng dụng những kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, để tự vệ trước thú dữ, hay "con người", để xử lý vết thương, trị bệnh...). Túi sinh tồn của tôi sẽ bao gồm một con dao, 2 chiếc bật lửa, mồi lửa, một cái đèn pin đội đầu, la bàn, một đoạn dây dù dài 10 mét, một ít thuốc quan trọng. Có một số người sẽ mang thêm mền cứu sinh, dụng cụ lọc nước, một ít băng dính để sử dụng trong trường hợp cần vá khẩn cấp cho lều, tăng, bạt chống mưa, dán vết thương, làm bẫy thú... hoặc mang thêm cưa dây, lưỡi câu cá. Với những chuyến đi trước đây của tôi thì tôi không mang theo do những nơi đó đã khá phổ biến nên có thể tìm được nước (mua, và sẽ đắt hơn dưới chân núi hoặc hỏi xin từ những đoàn khác trong trường hợp khẩn, nếu không phải là sự cố tai nạn thì tôi sẽ tự chuẩn bị đủ hoặc dư một chút), hỏi xin sự giúp đỡ từ người xung quanh hoặc có thể tận dụng những món đồ có sẵn để thay thế. Ngoài ra, tôi có thể sẽ để vào túi này một ít lương khô hoặc sô-cô-la để ăn dặm dọc đường hoặc trong trường hợp khẩn cấp.
Một số bạn sẽ muốn đốt lửa trại để nấu ăn hoặc sưởi ấm, và bạn sẽ cần đến cưa hay dao/rựa đi rừng? Với một số địa điểm cắm trại, bạn có thể tìm thấy củi hay những cành cây khô có sẵn ở gần bãi cắm trại do người đi trước để lại, hoặc do cành cây khô tự gãy rụng do gió thổi... vì thế mà bạn có thể cân nhắc liệu mình có nên mua một cái cưa cho chuyến đi đầu tiên của mình. Tôi có một con dao Morakniv dòng Companion, tôi có thể dùng nó để chẻ một số khúc củi nhỏ bằng cách lấy một cây khô tạo lực vào sống dao và chẻ dọc xuống, cách này có hiệu quả với một số cành cây khô có đường kính nhỏ hơn 5cm, và bạn nên để một miếng gỗ hay khúc cây bên dưới nhằm tránh để lưỡi dao của bạn khi chẻ xuống dưới sẽ chạm vào đá hay đất cát, điều đó có thể làm mẻ lưỡi dao và khiến bạn tốn công mài sắc lại nó.
Nếu bạn muốn nấu ăn trong chuyến đi của mình, bạn sẽ cần mang theo bếp cồn hoặc bếp gas mini và các vật dụng nấu nướng như nồi, chảo, chén đũa... Hiện nay các hãng sản xuất đã tạo ra những chiếc bếp nhỏ gọn để mang theo khi đi du lịch. Trong tiết trời ẩm ướt hoặc gió thổi mạnh, địa điểm cắm trại cấm đốt củi, vậy thì những chiếc bếp này sẽ phát huy hiệu quả, hoặc chỉ là bạn muốn chuẩn bị thật nhanh cho bữa ăn của mình, việc kiếm củi và đốt sẽ khá phiền phức. Các loại nồi, chảo nấu cũng đã được sản xuất để dùng riêng cho mục đích du lịch với thiết kế nhỏ gọn, đa năng, vì thế bạn có thể nghĩ đến nó thay vì mang theo những đồ dùng bếp ở nhà của bạn. Nhưng nếu bạn không ngại sự cồng kềnh và có thể bạn muốn thử trải nghiệm trước cho chuyến đi leo núi, cắm trại đầu tiên, những thứ này không nhất thiết phải được đưa vào danh sách đồ đạc cần mua, bạn có thể sử dụng chính những gì bạn đang có, hoặc đi thuê, mượn, sau khi đã có kinh nghiệm, bạn có thể quyết định xem mình sẽ mua thêm những món đồ gì cho lần tiếp theo. Tôi sẽ viết một bài về việc lựa chọn bếp dã ngoại và đồ dùng cho nấu nướng theo kinh nghiệm của mình trong một bài viết khác.
Cuối cùng là một sự chuẩn bị cho nơi trú ẩn của bạn, nếu bạn muốn qua đêm hay cần một nơi để nghỉ ngơi, tránh mưa tránh gió. Có hai tùy chọn phổ biến, sử dụng lều cắm trại hoặc combo võng + tăng/ bạt che mưa. Mỗi lựa chọn sẽ có ưu điểm và hạn chế riêng, tùy thuộc vào điểm đến, số lượng người tham gia, thời tiết, sở thích... Tôi cũng sẽ có một bài viết nói về những điều này sau.

Bên cạnh lều, combo tăng + võng cũng là một lựa chọn thú vị (Nguồn ảnh: Pinterest)



3. Y tế



Y tế - Ít khi sử dụng nhưng lúc nào cũng cần chuẩn bị đầy đủ

Chúng ta sẽ cần chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất và cầu mong cho những điều tốt đẹp nhất.

Trên đây là một số loại thuốc và hóa phẩm tôi nghĩ nhất thiết phải có khi đi cắm trại hoặc leo núi để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người bạn đồng hành. Có thể một số bạn gặp phải những vấn đề sức khỏe khác nữa và các bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi tham gia leo núi, nhất là những bạn có vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch, hô hấp, xương khớp. Bạn có thể bắt đầu từng bước nhỏ, đi cùng với một vài chuyên gia y tế, leo núi, luôn chuẩn bị sẵn cho những trường hợp khẩn cấp. Dù thế nào đi nữa, bạn vẫn sẽ ổn thôi nếu bạn chuẩn bị kỹ càng, tôi biết với mỗi người thì định nghĩa về "sự kỹ càng" sẽ khác nhau, và chúng ta nên tôn trọng và chấp nhận những điều đó, và rồi tất cả chúng ta đều có thể hoàn thành những hành trình của riêng mình. Trước đây tôi gặp chấn thương mắt cá chân và đầu gối khi chơi thể thao, bây giờ tôi chuẩn bị băng thun co giãn để giữ sự ổn định cho khớp của mình, đồng thời chuẩn bị hai cây gậy leo núi để hỗ trợ khi leo/ xuống dốc, tôi vẫn ổn với những điều đó, biết mình có vấn đề gì và nghĩ cách để hỗ trợ, làm giảm rủi ro, đó là cách tôi suy nghĩ và hành động.
Có một lưu ý là khi bạn leo núi vào mùa mưa, bạn có thể gặp vắt, vâng, vắt là một loài vật sống trong rừng và chúng đặc biệt phổ biến vào những ngày mưa. Chúng bám trên những tán cây và đợi con mồi đi ngang qua, bám vào, và hút máu cho đến khi no nê mới thả ra. Khi phát hiện mình đã bị vắt cắn, đó là lúc bạn nhìn thấy ở vết thương có máu chảy ra, và bạn không sao cầm được máu cho dù cố gắng bịt chặt nó lâu đến thế nào. Đừng lo, bạn sẽ không mất máu đến chết, nhưng nó sẽ có những ảnh hưởng khác mà bạn sẽ rất không muốn, bạn có thể đọc thêm những bài viết trên internet về loài sinh vật này và cách để tránh bị vắt cắn, cũng như cách để xử lý vết thương khi bị vắt cắn. Tôi đã từng bị vắt cắn khi đi leo núi ở Lang Biang, tôi sẽ viết một bài viết để chia sẻ về trải nghiệm này và cách tôi xử lý từ những gì mình có. Và vì thế mà tôi có một khuyến nghị về món đồ bạn cần mang theo đó là thuốc chống vắt, hay thuốc chống côn trùng (trong rừng có rất nhiều côn trùng nguy hiểm), ngoài ra còn có một số vật dụng chống vắt như là vớ cổ cao, xà cạp, bó ống quần... chúng sẽ hạn chế việc vắt tiếp xúc với da thịt của bạn, đặc biệt là qua ống quần của bạn.


4. Phụ kiện




Phụ kiện - Có thể mang theo nhu cầu sử dụng
Những món đồ phụ kiện trên là những thứ bạn có thể cân nhắc mang theo nhằm hỗ trợ cho bạn hoặc để giải trí, bạn có thể không cần đến để tiết kiệm diện tích và khối lượng phải mang vác, bên cạnh đó còn là giảm thiểu sự ảnh hưởng bởi công nghệ đến hành trình bước vào thiên nhiên của bạn - trừ một thứ sau: đồng hồ, thực sự bạn nên mang theo, để xem giờ, trong một số trường hợp là xác định phương hướng. Bạn có thể không cần kính râm nếu đi leo núi trong những cánh rừng rậm rạp, có thể bạn không cần đến gậy leo núi chuyên dụng mà có thể tận dụng những cành cây khô nhặt được ven đường, bạn có thể không cần dùng đến điện thoại (hãy chắc chắn bạn biết đường đi, nếu không một chiếc điện thoại có định vị và chứa tracklog sẽ rất quan trọng đến khả năng sinh tồn của bạn nếu bị lạc), bạn có thể đợi cho đến khi về nhà mới viết lại những trải nghiệm của mình, và bạn có thể mang theo tiền thôi, không cần mang thêm 1 cái ví.
Khi đi leo núi hay cắm trại qua đêm tôi vẫn thường mang theo tất cả những phụ kiện kể trên, nói chung là để tiện lợi và phòng trường hợp bất trắc. Nhưng bạn vẫn có thể cân nhắc nếu bạn đã có đủ kinh nghiệm và bạn có thể nhận sự hỗ trợ từ những người bạn đồng hành.

5. Thực phẩm


Bạn yêu thích việc nấu nướng khi đi cắm trại hay muốn một bữa ăn đơn giản? Bạn có chấp nhận việc mang vác khối lượng lớn thực phẩm, gia vị, nước, đồ bếp dùng để chế biến món ăn khi đi leo núi không? Tùy vào điểm đến và sở thích của bạn sẽ có những cách chuẩn bị lương thực khác nhau.
Đối với việc nấu ăn phức tạp, bạn có thể nghĩ đến như các món ở nhà bạn vẫn hay dùng, chỉ cần bạn muốn, thì món nào cũng được, quan trọng là bạn có thể chấp nhận những khó khăn đi kèm.
Nấu ăn khi đi cắm trại cũng là thú vui với một số người

Đối với những bạn chỉ cần một bữa ăn đơn giản để giúp phục hồi thể lực, tạo một chút thư giãn sau một ngày leo núi khó khăn cùng bạn bè và gia đình, mình có thể gợi ý một số loại thực phẩm sau:
Tinh bột: Bánh mì, cơm, khoai lang, mì gói, ngũ cốc...
Bổ sung đạm: pa-tê phết bánh mì, xúc xích ăn kèm mì gói, trứng, lạp xưởng, giăm-bông...
Rau xanh, trái cây: xà-lách, bơ, chuối, táo, dưa leo, kim chi...
Đồ khô, ăn dặm: sô-cô-la, lương khô, bánh quy, các loại hạt dinh dưỡng, sữa, bột milo/ovaltine, trà, cà phê...
Những thực phẩm kể trên có ưu điểm là gọn nhẹ, bảo quản lâu (dưới thời tiết nóng nực, để lâu thì những đồ tươi sống, giò chả sẽ rất mau hỏng, nếu dùng có thể bị đau bụng, tiêu chảy, rất khó chữa trị khi ở trên núi nếu ngộ độc). Các thực phẩm này cũng dễ chế biến, thậm chí có thể ăn liền, rất tiện lợi cho việc đi leo núi, những chuyến đi dài ngày, mà vẫn có thể "chill" cùng bạn bè với những tách trà, cà phê trong tiết trời se lạnh, ngắm sao đêm hay bình minh...
Về nước uống, trung bình một ngày sẽ cần khoảng 2-3 L nước cho một người, bao gồm việc nấu ăn, nhưng không dùng để vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt, tay chân. Vào những ngày thời tiết nóng, mình sẽ mang thêm viên sủi hoặc nước uống thể thao để bù khoáng cho cơ thể bên cạnh nước lọc. Nếu mang nước uống thể thao thì mình giảm mang nước lọc lại, còn nếu mang viên sủi thì không cần. Bạn cũng có thể mang ít nước hơn nếu bạn có dụng cụ để lọc nước và bạn chắc chắn trên đường đi có nguồn nước đủ sạch để bạn lọc chúng trước khi uống. Hoặc với những điểm có khai thác du lịch, bạn có thể mua chúng, nhưng nó sẽ đắt hơn bình thường 3 - 4 lần, bạn có thể cân nhắc.
Trên đây là danh sách những thứ cần chuẩn bị khi đi cắm trại, leo núi, đi bộ dài ngày. Với mỗi người và tình huống khác nhau sẽ có những cách chuẩn bị phù hợp. Nếu bạn đã từng leo núi, cắm trại hay đi bộ dài ngày hay bạn có những cảm nghĩ riêng và danh sách bạn chuẩn bị khác những gì tôi chia sẻ, mong bạn có thể chia sẻ cùng tôi danh sách của bạn, cách bạn chuẩn bị cho mình. Trong bài viết có một số điểm còn chưa được hoàn tất, tôi sẽ viết về chúng trong những bài viết sau cho những bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn và mở ra không gian thảo luận từng vấn đề cụ thể.
Cảm ơn các bạn.
152 | 6/30/2023 4:05:53 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
No data
Không có dữ liệu