Dead Poets Society (1989): Bức thư về lý tưởng sống cho thế hệ trẻ

Là bộ phim tiêu biểu của Hollywood mang đề tài giáo dục. Dead Poets Society (hay còn được biết đến là Hội Cố Thi Nhân) đến với mình vào một thời điểm vô cùng đặc biệt, khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đắm chìm trong các tờ đề Toán, Lý, Hóa khô khan (các môn học tự nhiên bắt buộc của học sinh ban A). Với thông điệp về tình bạn, khuyến khích trải nghiệm mới mẻ, theo đuổi ước mơ được sống đúng với chính mình đã thực sự mở ra cho bản thân một góc nhìn mới về cuộc sống và niềm tin của mỗi con người. Trên bề mặt, phim đề cập đến giáo dục, sự khác biệt giữa các thế hệ, sự nổi loạn của tuổi trẻ. Nhưng ẩn sâu bên trong, thông điệp thực sự của phim là sự đối lập của 2 trường phái triết học: hiện thực (realism) và lý tưởng (idealism). Qua sự xung đột đó, phim đã để lại cho ta nhiều bài học đắt giá, có sức sống mãnh liệt qua nhiều thập kỉ.

Một buổi học của thầy Keating

Tóm tắt phim: Phim kể về cuộc hành trình của thầy Keating một giảng viên Anh Văn với phương pháp giảng dạy độc đáo khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập, phản đối sự truyền thống và quy tắc cứng nhắc, khích lệ việc thể hiện bản thân thông qua thơ ca và tìm kiếm giá trị sống cao cả. Được truyền cảm hứng bởi thầy, các cậu học sinh của trường Walton đã thành lập Hội Cố Thi Nhân một nhóm các thành viên yêu thơ ca và khám phá những lý tưởng cốt lõi trong cuộc sống. Dù gặp nhiều nghi ngờ từ phía nhà trường và phụ huynh, phương pháp dạy học đặc biệt của thầy đã thay đổi cuộc sống của mỗi người học trò, tiếp thêm nghị lực để các em theo đuổi đam mê.

1.Sự áp đặt của chủ nghĩa hiện thực


Bối cảnh chính của phim là Walton, một ngôi trường giàu truyền thống đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh ưu tú của nước Mỹ. Trường được biết đến với phương pháp giáo dục vô cùng khắt khe. Ngay từ những thước phim đầu tiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự quy củ đến mức gò bó, sự ngột ngạt bóp chết đi tính sáng tạo với đủ các môn học từ tự nhiên đến xã hội, mang tính hàn lâm cao, có thể kể như: lượng giác, hóa học, tiếng Latinh, xã hội học,... Khán giả đã được chỉ ra những đức tính cao cả mà mọi học sinh trong trường cần có như: Tradition (truyền thống), Honor (danh dự), Discipline (kỷ luật), Excellence (xuất chúng). Sự truyền thống, thậm chí có thể coi là gia trưởng của trường còn được thể hiện qua việc chỉ nhận nam sinh và các giảng viên trong trường cũng toàn là nam giới. Không chỉ mỗi nhà trường, phụ huynh học sinh cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào các em. Ta được biết mỗi học sinh trong trường đều được gia đình định hướng để trở thành bác sĩ, kĩ sư tương lai. Có thể thấy, gia đình và nhà trường trong Dead Poets Society đại diện cho chủ nghĩa hiện thực với suy nghĩ rằng chỉ cần tuân theo những quy tắc, chuẩn mực xã hội, đỗ một trường đại học danh tiếng, kiếm một công việc ổn định, lập gia đình, trở thành một bánh răng trong cỗ máy xã hội. Đối với họ, việc nuôi dưỡng tâm hồn, cảm nhận vẻ đẹp trong cuộc sống là điều không cần thiết.

Hiệu trưởng Nolan: "Chuẩn bị cho chúng vào đại học John, và những chuyện khác sẽ ổn"

Cảnh phim thể hiện điều này rõ nhất là khi các học sinh được đọc bài "Hiểu về thơ ca" của Dr J.Evans Pritchard. Mặc dù đánh giá các tác phẩm văn học là cần thiết, hướng dẫn học sinh đo lường chúng trên một thang điểm lại là tư duy sai lầm, giết chết đi vẻ đẹp cốt lõi của tác phẩm, khiến cho học sinh trở nên lười biếng trong việc nhìn nhận về giá trị của một bài văn, bài thơ. Phương pháp giáo dục sai lầm, một nền giáo dục đề cao thành tích dễ dàng biến học sinh thành những "chú gà công nghiệp" , chỉ nhồi nhét kiến thức mà không hiểu bản chất vấn đề. Mặc dù đã ra đời từ năm 1989, nhưng những vấn đề của ngành giáo dục cũng như của toàn xã hội được đề cập trong phim vẫn có thể được tìm thấy ở thời điểm hiện nay.

2. Sự bay bổng của chủ nghĩa lý tưởng


Trái ngược với chủ nghĩa hiện thực là chủ nghĩa lý tưởng (idealism). xuyên suốt bộ phim, đây chính là tinh thần mà thầy Keating hướng đến cho học sinh của mình. Chủ nghĩa lý tưởng là một học thuyết đề cao suy nghĩ tự do, phá vỡ đi các khuôn phép thông thường đồng thời khuyến khích con người sống trọn từng khoảnh khắc, theo đuổi một lý tưởng sống để trở nên vĩ đại. Giống như những câu thơ ở buổi học đầu tiên mà thầy Keating bắt các học sinh đọc:

"Nhặt nụ hồng khi ngươi còn có thể Thời xa xưa là một mũi tên bay Và bông hoa mỉm cười hôm nay Ngày mai sẽ lại héo tàn" To a virgin who make much of time by Robert Herrick
Tinh thần đó đã được thầy Keating lồng ghép vào từng buổi học bằng phương pháp giảng dạy độc đáo. Lần đầu gặp gỡ, ông cho các em xem lại ảnh của các khóa học sinh cũ, những người cũng từng giống như các em bây giờ và đọc những vần thơ của Robert Herrick. Thông điệp sống mà thầy Keating muốn truyền tải có thể gói gọn trong một từ: "carpe diem", tiếng Latinh có nghĩa là "mỗi người chỉ được sống một lần trong đời, hãy sống một cuộc đời phi thường". Ở buổi học thứ hai, thầy bắt học sinh xé đi những trang sách trong phần giới thiệu của cuốn Anh Văn, trong đó có phần "Hiểu về thơ ca" của tác giả J.Evans Pritchard vì ông muốn dạy học sinh cách tự suy nghĩ, tự nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của chính mình thay vì dựa vào các thang điểm. Cuối buổi học, thầy Keating còn truyền tải một thông điệp đến không chỉ các em học sinh mà còn chính chúng ta, những khán giả về tầm quan trọng của thơ ca và nghệ thuật:

"We don't read and write poetry because it's cute. We read and write poetry because we are members of the human race. And the human race is filled with passion. And medicine, law, business, engineering, these are noble pursuits and necessary to sustain life. But poetry, beauty, romance, love, these are what we stay alive for" Mr.Keating
 
Bởi vì cuộc sống là một vở kịch đầy sức mạnh đang diễn ra, và chúng ta cần đóng góp một phần vào đó. Hành động tiếp theo mà thầy làm là đứng lên bàn để nhắc nhở bản thân luôn phải nhìn nhận mọi thứ theo các góc nhìn khác nhau, dù chúng có vẻ ngớ ngẩn hoặc sai lầm qua đó mong muốn học sinh có tư duy quyết đoán, dám nói lên tiếng nói của mình, dám trở nên khác biệt. Cuối cùng là buổi học cách tản bộ, khi thầy Keating khuyến khích mỗi học sinh đi bộ theo cách riêng, thay vì bước đều bước bởi vì ông tin rằng, mỗi người trong chúng ta mang những giá trị quan điểm khác nhau, có thể quan điểm đó đi ngược lại với số đông. Khi đối mặt với các thách thức từ xã hội, không ít người đã bị lung lay với lựa chọn của mình. Việc chọn cho mình một lối đi riêng cũng giống như việc giữ vững niềm tin của bản thân, mang cho mình một ý chí kiên cường, mạnh mẽ, không lung lay trước sự gièm pha của người đời. Những bài giảng của thầy Keating đã chạm đến trái tim của những người học trò, khiến họ nhận ra rằng mình mới chỉ tồn tại chứ chưa hề sống, từ đó nhen nhóm lý tưởng sống vào mỗi đứa trẻ.

3. Sự xung đột giữa hai lý tưởng

 
Mỗi học sinh trong lớp học của thầy Keating lại áp dụng chủ nghĩa lý tưởng để giải quyết các vấn đề cá nhân của riêng họ. Nhân vật chính của phim, Todd Anderson rụt rè, người luôn bị bố mẹ so sánh với người anh trai tài năng là cựu học sinh của trường. Nhờ có những bài học của thầy Keating, cậu đã dần trở nên tự tin hơn, dám tự sáng tác những vần thơ trước lớp, dám vứt đi những món dụng cụ mà bố mẹ gửi tặng sinh nhật vì cậu vốn dĩ đã không thích nó, và cuối cùng là dám đứng lên bàn để bảo về người thầy mà cậu vô cùng kính trọng. Chủ nghĩa lý tưởng đã thực sự thay đổi con người Todd theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như vậy.
Neil - bạn cùng phòng của Todd, có niềm đam mê mãnh liệt với diễn xuất nhưng lại gặp phải sự cấm cản từ người cha độc đoán. Nhờ sự khuyến khích theo đuổi đam mê của thầy Keating, cậu quyết định giấu cha và tham gia vào vở kịch của thành phố. Hành động của Neil khiến cha cậu nổi giận, ông rút hồ sơ của cậu khỏi Walton và đăng kí vào một trường dự bị quân sự. Vì cả cuộc đời luôn sống dưới vỏ bọc là một đứa con ngoan, Neil đã không thể thổ lộ cho cha mẹ về ước mơ cháy bỏng với diễn xuất của mình. Bi kịch cuối cùng cũng xảy đến khi cậu chọn tự kết liễu cuộc đời mình.
Nếu như Neil do quá cam chịu, không dám đứng lên bảo vệ lý tưởng của bản thân thì Charlie Dalton lại trái ngược hoàn toàn. Cậu liều lĩnh, táo bạo, thậm chí coi thường người khác khi đã tự mình nhân danh hội viết một bài báo đòi cho phép nhận nữ sinh vào trường Walton. Hành động bộc phát ở cuối phim cũng khiến cho cậu bị đuổi học. Charlie đã vận dụng chủ nghĩa lý tưởng một cách cực đoan, xa rời thực tế, làm sai lệch đi giá trị cốt lõi của nó. Bởi vì chủ nghĩa lý tưởng là đấu tranh cho một mục tiêu cao cả bằng những giá trị tích cực chứ không phải thích gì làm nấy, không để tâm đến hậu quả. Như lời thầy Keating đã nói: "Có những lúc phải táo bạo, có những lúc phải thận trọng, một người khôn ngoan hiểu khi nào thì cần". Cả Neil và Charlie đều chọn cách chối bỏ thực tại, chọn cách sống với những ảo mộng của riêng mình. Nếu như Neil quá sợ hãi thực tế, chỉ dám sống thật với bản thân khi đang ở trên ánh đèn sân khấu, thì Charlie lại khinh thường hiện thực, cho rằng mình mang trọng trách thay đổi cả một hệ thống giáo dục lâu đời. Khi những mộng tưởng của cả hai đã đi quá xa, sẽ rất khó để quay đầu.

Như được giới thiệu từ đầu, thầy Keating cũng từng là cựu học sinh của trường, cũng đã sống sót qua "Hell-ton". Dựa vào cách mà thầy muốn đốt đi cuốn kỉ yếu cũ của mình, có thể thấy ông cũng không hề yêu thích cách dạy học của trường và đã luôn tìm cách thay đổi. Việc ông tham gia vào hội Cố Thi Nhân cũng như việc trở lại Welton dạy học dù có thể giảng dạy tại bất kì nơi nào trên thế giới càng củng cố điều đó. Tuy nhiên sự đổi mới là không hề dễ dàng, nhất là với một hệ thống đã ăn sâu bám rễ qua nhiều thế kỉ. Bản thân thầy Keating hiểu rất rõ điều đó khi đã nhiều lần bị hiệu trưởng Nolan cũng như phụ huynh chỉ trích. Những thất bại của tuổi trẻ đã khiến thầy Keating đúc rút ra bài học rằng những lý tưởng cá nhân sẽ luôn bị khuất phục bởi hoàn cảnh thực tế.
Khi bi kịch của Neil đẩy sự việc lên cao trào, trước áp lực từ phía gia đình Neil, một cuộc điều tra đã được mở ra ngắm vào Hội Cố Thi Nhân và thầy Keating như một "vật tế thần", chịu trách nhiệm cho bi kịch xảy ra. Mọi thành viên trong hội bị buộc kí vào một tờ khai đổ hết trách nhiệm cho thầy, buộc ông phải rời khỏi trường và không thể theo đuổi đam mê dạy học. Tưởng chừng như đây là một kết thúc buồn, khi mà chủ nghĩa hiện thực dường như đã thắng thế, nhưng một khi đã có sự khai sáng ắt sẽ có thay đổi. Dù không thể chạm đến tất cả học sinh, nhưng chủ nghĩa lý tưởng mà thầy Keating truyền đạt sẽ luôn bằng một cách nào đó ảnh hưởng đến các em.
Cảnh xuất hiện cuối cùng của thầy Keating, khi các học sinh trong lớp dẫn đầu bởi Todd đứng lên bàn, hô to "O' captain my captain" là một tia sáng le lói giữa màn đêm tăm tối, là một minh chứng cho việc dù sẽ luôn bị đàn áp bởi chủ nghĩa hiện thực những lý tưởng cao đẹp sẽ luôn có sức sống mãnh liệt miễn là còn có người tin vào nó. Ánh sáng của chủ nghĩa lý tưởng mà thầy Keating thắp lên sẽ không bao giờ bị dập tắt.

Cảnh phim cuối cùng, khi các học sinh đứng dậy tri ân thầy Keating.

Lời kết:

 
Là một phần của nhân loại, chúng ta luôn mang những ước mơ, khát vọng to lớn, thậm chí có phần điên rồ và chả giống ai, một số người chọn giấu đi điều đó. Bước vào cuộc sống với những áp lực "cơm - áo -gạo - tiền" có thể khiến ta bận rộn với guồng quay cuộc sống, những lý tưởng, hoài bão dần bị lu mờ. Những tận sâu bên trong mỗi con người vẫn sẽ luôn bùng cháy ngọn lửa đam mê, thôi thúc ta tiến về phía trước. Hy vọng vào một ngày đang loay hoay trong bộn bề cuộc sống, các bạn có thể bật chiếc TV lên, thưởng thức Dead Poets Society và chiêm nghiệm lại những thông điệp cao cả mà phim nhắn nhủ, và biết đâu, các bạn có thể nhìn thấy bản thân mình trong đó giống như tác giả của bài viết vậy.
303 | 8/25/2023 8:37:02 AM
Bình luận
No data
NoData