Tại sao Hamas lại tấn công Israel?

Vào ngày 7 tháng 10, một bình minh mới đã đến trên vùng đất Thánh, nhưng không có ánh sáng nào có thể xua tan bóng tối của sự hận thù và đau buồn.
Hàng ngàn tên lửa thi nhau lao vào Israel, theo sau là cuộc tấn công từ mặt đất, trên không và cả đường biển. Lãnh thổ của Israel cứ thế mà bị xâm nhập. Họ tấn công các cơ sở quân sự và tạm thời chiếm giữ nhiều khu định cư. Số người Israel thiệt mạng đã vượt quá 1.200, trong đó có hơn 120 binh sĩ; hàng chục con tin Israel cũng đã bị bắt và đưa vào Dải Gaza. Mỗi lần tiếng nổ vang lên, một gia đình mất đi người thân, một đứa trẻ mất đi tương lai, một ngôi nhà bị sụp đổ.
 

Đứng sau những xung đột này, là bóng dáng của Hamas - tổ chức chính trị và quân sự kiêm tôn giáo, đôi khi được mô tả như một "tổ chức khủng bố" bởi một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Đặt trước chúng ta là một câu hỏi lớn: Hamas là gì? Và vai trò của họ trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đang diễn ra là gì?
Để trả lời câu hỏi này, ta cần nhìn sâu vào bản chất của Hamas, lịch sử hình thành và cách họ đã và đang ảnh hưởng đến biến động của khu vực. Tôi biết rằng sẽ rất nhiều độc giả ở đây muốn hiểu được nguyên nhân xảy ra cuộc chiến này một cách đơn giản nhất, và tôi sẽ cố gắng tóm tắt ngắn gọn mọi thứ chỉ trong vòng 3,000 từ cho các bạn.
Xin lưu ý rằng bài viết chỉ mang tính chất truyền tải thông tin, tác giả không ủng hộ các hành vi mang tính chất bạo lực của bất cứ phe nào. Các bạn cũng có thể tìm xem các Video đã được ra mắt trước đó của Spiderum để hiểu rõ hơn về tình hình cuộc chiến ở góc nhìn của cả 2 phe, còn bài viết này sẽ chỉ tập trung vào Hamas. Các thông tin trong bài cũng được tổng hợp từ Wikipedia, các trang báo trong và ngoài nước bao gồm Washington Post, Al Jazeera, báo Tuổi Trẻ, VOV và báo Quân Đội Nhân Dân.

Hamas và mục tiêu tối thượng


Ngay từ khi có sự hiện diện của hai dân tộc Do Thái và Ả Rập trên mảnh đất nhỏ bé mà cả hai đều coi là quê hương mình, mâu thuẫn giữa Israel và Palestine đã không ngừng gia tăng. Khao khát tự do, độc lập, và có lẽ là cả sự phân biệt đối xử từ phía Israel đã khiến người Palestine cảm thấy bức xúc, tạo nên một bối cảnh căng thẳng, không ít lần đã bùng phát thành các cuộc đụng độ và xung đột.
Một trong những biến cố quan trọng nhất định hình nó là quyết định của Liên Hợp Quốc vào năm 1947. Lần này, Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 181, quyết định chia tách khu vực “Mandate for Palestine” này thành hai quốc gia riêng biệt: một cho người Do Thái (Israel) và một cho người Ả Rập (sau này là Palestine). Quyết định này đã tạo ra một sự chia rẽ sâu sắc và đặt nền móng cho một loạt xung đột sau này giữa hai bên.
Chính quyết định này đã gây ra sự bất đồng và phẫn nộ trong cộng đồng Ả Rập. Họ không chấp nhận việc một phần lãnh thổ truyền thống của mình bị trao cho một nhóm người mà họ coi là "người ngoại lai". Điều này đã tạo ra một tình trạng không ổn định, với cả hai bên đều đấu tranh quyết liệt cho quyền kiểm soát lãnh thổ.

Lãnh thổ của Palestine qua từng thời kì

Trong bối cảnh đó, Hamas ra đời như một biểu hiện của sự bất bình và khát khao giải phóng cho người Palestine. Từ năm 1987, khi phong trào nổi dậy của người Palestine, được gọi là Intifada đầu tiên, bắt đầu, Hamas đã chính thức được thành lập như một tổ chức Hồi giáo Sunni với mục tiêu giải phóng Palestine khỏi sự chiếm đóng của Israel và thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập.
Khi nhắc đến mục tiêu tối thượng của Hamas, người ta không thể không nói về khao khát tái lập quê hương cho nhân dân Palestine, một nơi không có sự tồn tại của Nhà nước Israel. Trong Hiến pháp của Hamas, mục tiêu này được thể hiện rõ ràng: xóa sổ Israel khỏi bản đồ thế giới, thậm chí cực đoan hơn, là sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai mang quốc tịch Israel. Điều này không chỉ dựa trên khía cạnh chính trị hay lãnh thổ, mà còn là một nghĩa vụ tâm linh, một sự kết hợp giữa lòng yêu nước và niềm tin tôn giáo. Đối với Hamas, việc Israel tồn tại trên đất Palestine không chỉ là một vấn đề lãnh thổ mà còn liên quan đến danh dự, tín ngưỡng và lịch sử của dân tộc Palestine.
Hamas coi Israel là một "đối tác chiến tranh" chứ không phải là một "đối tác hòa bình". Điều này không chỉ được thể hiện qua các bản tuyên bố chính thức mà còn qua những hành động thực sự trên chiến trường. Những cuộc tấn công tự sát, việc phóng rocket vào lãnh thổ Israel hay các chiến dịch quân sự khác đều là minh chứng cho quan điểm này.


Một trong những yếu tố quan trọng giúp Hamas phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng tại Dải Gaza chính là việc họ được hỗ trợ từ nhiều quốc gia và tổ chức ở Trung Đông. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của một lực lượng chính trị đối diện mạnh mẽ ở Dải Gaza cũng đã giúp Hamas nắm bắt được cơ hội để trở thành đại diện chính thức của người Palestine tại đây. Điều này được thể hiện rõ nét vào năm 2006, khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp, và sau đó nhanh chóng tiếp quản Dải Gaza sau cuộc nội chiến với Fatah vào năm 2007.
Khả năng tổ chức, vận động và thực thi quyền lực của Hamas tại Dải Gaza đã giúp họ kiểm soát hoàn toàn khu vực này, từ quản lý cơ sở hạ tầng cho đến việc duy trì an ninh và quân sự. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực từ phía Israel và cả quốc tế, Hamas vẫn tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ chốt ở Dải Gaza và đưa ra những chiến dịch quân sự nhằm thách thức sự tồn tại của Israel.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, mục tiêu của Hamas không chỉ đơn thuần là chống lại sự tồn tại của Israel. Họ cũng đấu tranh cho quyền sống và tự do của nhân dân Palestine, cho một cuộc sống không bị áp đặt, bị kìm hãm. Và dù cho việc thực hiện mục tiêu này có gặp nhiều khó khăn, Hamas vẫn tiếp tục kiên định với lộ trình mình đã đặt ra. Và họ đã hành động.

Ai là kẻ ra lệnh?


Một trong những lãnh đạo nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của Hamas là Ismail Haniyeh.
 

Ismail Haniyeh là lãnh đạo chính trị của nhóm này và từ năm 2019 đã sống ở nước ngoài; hiện không hề có thông tin về vị trí nơi ở của ông hiện tại. Ông là trợ lý chính cho người sáng lập Hamas, Ahmed Yassin, người đã bị hạ sát trong một cuộc không kích vào năm 2004, theo thông tin từ Associated Press.
Hamas lên nắm quyền ở Gaza vào năm 2006 sau khi đánh bại đảng chính trị đối lập Fatah, đảng kiểm soát hầu hết Dải Bờ Tây, trong cuộc bầu cử lập pháp. (Không có cuộc bầu cử nào được tổ chức kể từ đó.) Kể từ năm đó, Hamas đã liên tục phóng tên lửa vào Israel từ Gaza; Israel ngược lại đã cắt đứt Dải Gaza và phong tỏa dân cư ở đó bằng cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không, chỉ cho phép một lượng nhỏ hàng hóa và người qua lại thông qua hai điểm trên đất liền, và cả 2 điểm này đều đã bị cắt đứt trong các cuộc chiến tranh tuần này.


Haniyeh đã được bầu làm chủ tịch ủy ban chính trị của Hamas vào năm 2017 và tái bầu vào năm 2021. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định Haniyeh là một kẻ khủng bố vào năm 2018, cho biết: “Haniyeh có mối liên mật thiết với cánh quân sự của Hamas và là người ủng hộ cuộc chiến tranh vũ trang, bao gồm cả chống lại người dân thường.”
Có thể coi Haniyeh là bộ não của Hamas, còn Mohammed Deif là khẩu súng của họ. Mohammed Deif là lãnh đạo bí ẩn của cánh quân sự của Hamas, lực lượng Izzedine al-Qassam, được thành lập vào khoảng năm 1991. Ông được biết đến với việc “triển khai các kẻ đánh bom tự sát và bắt cóc các binh sĩ Israel”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã xếp ông vào danh sách khủng bố vào năm 2015.
 

Không rõ Deif là tên thật hay là một bí danh. Nơi ở cũng không được biết đến, và ông cũng không xuất hiện trước công chúng, theo thông tin từ Associated Press. Có tin đồn rằng anh sử dụng xe lăn kể từ một cuộc tấn công của Israel vào năm 2006, The Post đưa tin vào năm 2014.
“Hôm nay, nhân dân chúng tôi đang giành lại những gì đáng lẽ là của dân tộc mình,” anh nói trong một thông điệp ghi âm hiếm hoi vào thứ Bảy, thông báo việc bắt đầu cuộc tấn công của Hamas lên Israel, mà anh gọi là “Bão al-Aqsa”. Tên của chiến dịch này lấy từ Nhà thờ al-Aqsa - nằm trên một ngôi đền linh thiêng mà người Hồi giáo biết đến là Khu vực Thánh linh.
Vào thứ Tư, đại diện của Hamas tại Lebanon, Ahmed Abdulhadi, cho biết với The Washington Post rằng lực lượng Israel trong tuần này đã tấn công vào nhà của gia đình Deif, giết chết anh trai anh, cũng như ngôi nhà của Deif, nơi đó trống vào thời điểm đó. Hamas trước đó cho biết Deif đã trở thành mục tiêu của một âm mưu ám sát không thành công vào năm 2014, khiến vợ và con nhỏ của anh thiệt mạng. Càng có lý do để Deif xuống tay hạ lệnh cho cuộc tấn công đẫm máu vào Israel.
Vai trò của Haniyeh và Deif trong vụ tấn công Israel vào tháng 10/2023 là không thể phủ nhận. Kết quả của cuộc tấn công đã thể hiện rõ ràng sức mạnh và quyết đoán của Hamas dưới sự lãnh đạo của Haniyeh. Hơn 1.200 người Israel, trong đó có hơn 120 binh sĩ, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công, số liệu được tính tới ngày 10/10/2023. Đồng thời, hàng chục con tin người Israel cũng được đưa vào Dải Gaza.

Bản đồ cuộc tấn công của Hamas

Nhưng tại sao lại là bây giờ?


Hành động của Hamas được kích hoạt bởi ba yếu tố. Đầu tiên, chính sách của chính phủ cực hữu của Israel cho phép bạo lực từ phía người định cư ở các vùng đất bị chiếm ở Bờ Tây và Jerusalem đã dẫn đến một tình trạng tuyệt vọng giữa người Palestine và nhu cầu tăng cao về một phản ứng. Đồng thời, tình trạng căng thẳng tăng cao ở Bờ Tây do những chính sách này yêu cầu việc điều động lực lượng Israel ra khỏi phía nam và vào phía bắc để bảo vệ các khu dân cư. Điều này đã cung cấp cho Hamas cả một lý do và cơ hội để tấn công.
Thứ hai, lãnh đạo Hamas cảm thấy bị buộc phải hành động do quá trình bình thường hóa Ả-rập-Israel đang diễn ra quá nhanh chóng. Trong những năm gần đây, quá trình này đã làm giảm tầm quan trọng của vấn đề Palestine đối với các nhà lãnh đạo Ả-rập, người ít hứng thú hơn trong việc gây áp lực lên Israel về vấn đề này. Nếu một thỏa thuận bình thường hóa giữa Ả-rập Xê-út và Israel đã được ký kết, nó sẽ trở thành một bước ngoặt trong xung đột Ả-rập-Israel.
 

Thứ ba, Hamas trở nên tự tin hơn sau khi họ khôi phục mối quan hệ với Iran. Trong những năm gần đây, phong trào này đã phải xem xét lại quan điểm chính trị mà họ đảm nhận sau một loạt các cuộc biểu tình và nổi dậy thuộc “Mùa xuân Ả Rập” hồi năm 2011, nhằm chống lại Iran và đồng minh của nước này là chế độ Syria.
Ngoài ra, tổng thư ký của Hezbollah (tổ chức chính trị và quân sự tại Liban), Hassan Nasrallah, đã nói rằng anh đã tham gia vào việc cải thiện mối quan hệ giữa Hamas và Damascus, thủ đô của Syria. Phải nhấn mạnh rằng cả Hamas, Hezbollah và Damascus đều có một kẻ thù chung là Israel. Một đoàn đại biểu của Hamas đã đến thăm Damascus vào tháng 10 năm 2022 và chủ tịch ủy ban chính trị của nó, Ismail Haniyeh, đã đi đến Beirut (thủ đô của Lebanon) vào tháng 4 và Tehran (thủ đô của Iran) vào tháng 6. Chỉ mới tháng trước, Nasrallah đã tiếp đón Tổng thư ký của Palestinian Islamic Jihad, Ziad al-Nakhalah và phó chủ tịch ủy ban chính trị của Hamas, Saleh al-Arouri.

Liệu có thể có một mặt trận thống nhất cho Hamas?


Iran đã phủ nhận sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của Hamas nhưng đã bày tỏ sự ủng hộ cho nó. Tướng Yahya Rahim Safavi của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nói: “chúng tôi ủng hộ hoạt động này và chúng tôi tin chắc rằng mặt trận kháng cự cũng ủng hộ vấn đề này”.
Tuy nhiên, việc Hamas tái hợp với “trục kháng cự” không nhất thiết có nghĩa là sẽ có một mặt trận đoàn kết trên mặt bằng đối diện với Israel. Ví dụ như việc phía Hezbollah chưa tham gia cuộc chiến. Hiện tại, chính trị nội địa ở Lebanon không thuận lợi cho một xung đột với Israel, điều này khiến nhóm Lebanon này không thể hành động.
Những gì Hezbollah đang cố gắng làm là cản trở quân đội Israel không đi quá xa trong việc trả thù Hamas tại Gaza, do đó, họ chỉ có thể gia tăng áp lực trên biên giới Lebanon. Việc họ bắn phá các vị trí của Israel có lẽ chủ yếu nhằm mục đích tạo ra tác động tâm lý hơn là quân sự. Hezbollah cũng đã quyết định không phản ứng quá mạnh liên quan đến việc ba thành viên của họ bị giết bởi không kích của Israel.
Tuy nhiên, cả Israel và Hezbollah đều đang trong tình trạng cảnh giác và tình hình căng thẳng cao, điều này có nghĩa là có thể xảy ra sai lầm.


Vậy thông qua cuộc tấn công, Hamas đang muốn đạt được gì về mục tiêu ngắn hạn?
Ba ngày sau cuộc tấn công của Hamas, mục tiêu chính của họ chưa rõ ràng. Ưu tiên của họ là bắt con tin để ngăn Israel trả thù và sau đó trao đổi chúng lấy tù nhân Palestine. Tuy nhiên, Israel không hề ngừng các cuộc đáp trả. Người phát ngôn của Hamas, Abu Ubaida, cho biết cuộc không kích của Israel đã khiến bốn con tin người Israel ở Gaza bị hành thích. Anh cũng cảnh báo rằng phong trào sẽ tiếp tục hành thích con tin nếu Israel không kích vào các ngôi nhà dân sự ở Gaza mà không cảnh báo.
Lãnh đạo Hamas cho biết mục tiêu của các cuộc tấn công là chấm dứt “vi phạm của Israel”, đảm bảo sự phóng thích của tù nhân Palestine, và “trở lại dự án thành lập một quốc gia”. Hamas có thể đạt được một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Israel, mặc dù trong quá khứ, nhiều người được phóng thích từ nhà tù Israel đã nhanh chóng bị bắt lại. Nhưng nhóm này không có một lộ trình rõ ràng để tiến lên “thành lập một quốc gia” và nó không thể có một lộ trình riêng biệt khỏi Chính quyền Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng.


Về tương lai, sau cuộc tấn công, Israel tăng cường không kích Gaza và áp đặt phong tỏa hoàn toàn. Chính phủ Netanyahu, đã gặp khó khăn trước cuộc tấn công, giờ đây càng gặp thách thức hơn. Israel sẽ phải quyết định liệu tiến hành xâm lược trên bộ hay không. Dù sao, chiến dịch sẽ phải chấm dứt và Israel có thể sẽ cần phía Ai Cập trung gian để khởi tạo một thỏa thuận. Khi cuộc tấn công kết thúc, Hamas sẽ phải biến động lực mới này thành chính sách hiệu quả phục vụ người Palestine.
Còn Hoa Kỳ thì sẽ phải tạm dừng kế hoạch trung gian bình thường giữa Israel và các nước Ả Rập. Dưới ánh sáng sự kiện hiện tại, việc thúc đẩy một thỏa thuận giữa Ả Rập và Israel trở nên phức tạp hơn. Những biến động này có lợi cho Iran, khiến họ có thể áp đặt áp lực lên Hoa Kỳ để tái ký thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Palestine và Israel vẫn chưa được giải quyết ở nguyên nhân gốc rễ, dẫn đến tiềm năng cho các chu kỳ bạo lực tiếp theo, và người hứng chịu tất cả những thiệt hại nặng nề nhất luôn là người dân của cả 2 bên.
 
133 | 10/15/2023 6:11:03 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Quân đội Israel - Nguồn Gốc và Sức Mạnh
Quân đội Israel - Nguồn Gốc và Sức Mạnh
Đây là lời tuyên chiến đầu tiên của Israel kể từ năm 1973, tỏ rõ ý định muốn chơi tới cùng với Hamas và chắc chắn sẽ giành được chiến thắng chung cuộc.