Ngay từ khi còn nhỏ, Teshima Aoi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sở thích của bố mẹ với những bộ phim ca nhạc cổ điển, chẳng hạn như The Wizard of Oz (1939), The Secret Garden (1993) hay Breakfast at Tiffany's (1961). Bài "Moon River" trong Breakfast at Tiffany's cùng với âm nhạc của "Nữ hoàng nhạc Jazz" - Ella Fitzgerald hay "Lady Day" - Billie Holiday đã trở thành nền tảng cho tình yêu với Jazz, cũng như ảnh hưởng to lớn đến phong cách âm nhạc của Teshima Aoi sau này.
Năm 18 tuổi, Teshima vinh dự được biểu diễn tại sự kiện Japan-Korea Slow Music World tại Hàn Quốc, nơi màn trình diễn của cô được khán giả đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Chính điều này đã thu hút sự chú ý của đạo diễn Goro Miyazaki, con trai của tượng đài Hayao Miyazaki. Toshio Suzuki, một trong ba nhà sáng lập huyền thoại của Ghibli đã rất ấn tượng khi nghe bản demo “ The Rose ” của Teshima theo lời giới thiệu của Miyazaki. Nhận thấy tài năng của cô ca sĩ trẻ này, Toshio Suzuki ngay lập tức mời cô thể hiện các ca khúc trong bộ phim sắp tới của Ghibli là "Gedo Senki" - "Huyền thoại đất liền và đại dương". Teshima đã tham gia vào Gedo Senki với vai trò ca sĩ lẫn diễn viên lồng tiếng cho một trong những nhân vật chính, Therru. Chỉ hai tuần sau khi nhận lời, Teshima đã hoàn thành việc thu cho bài hát chủ đề Therru no Uta, cũng là đĩa đơn đầu tay của cô.
Bài hát được dựa trên một bài thơ có nhan đề là "Kokoro"- nghĩa là "Trái tim" được viết bởi nhà thơ nổi tiếng Sakutaro Hagiwara (người giải phóng thể thơ tự do Nhật Bản khỏi sự kìm kẹp của các quy tắc truyền thống, và ông được coi là "cha đẻ của thơ thông tục hiện đại"). Mặc cho những đánh giá trái triều về "Huyền thoại đất liền và đại dương", bài hát chủ đề phim của Teshima vẫn đạt được những con số đáng ngưỡng mộ với khoảng 300.000 đĩa CD được bán ra, cùng hơn 650.000 lượt tải xuống, đồng thời đạt vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng Oricon - bảng xếp hạng độ phổ biến album tiêu chuẩn của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản. Đây là những con số lớn nhất đối với bài hát chủ đề của loạt phim Studio Ghibli vào thời điểm đó. Trong những năm sau, Teshima Aoi tiếp tục phát hành nhiều album mới như "Niji no Kashuu" hay "La Vie En Rose ~I Love Cinemas~". Năm 2011, Aoi Teshima tiếp tục hợp tác với Ghibli trong bộ phim hoạt hình "Kokuriko-zaka Kara" hay "Ngọn đồi hoa hồng anh". Album "Kokurikozaka Kara no Kashu", gồm các bài hát trong phim được cô cho ra mắt cùng năm đó. Bài hát chủ đề kết thúc của phim là "Sayonara no Natsu" được soạn bởi Takebe Satoshi và do Teshima Aoi trình bày.
Sayonara no Natsu - Tạm biệt mùa hè
Bài hát đã đưa mình đến với Teshima Aoi :3
Tình yêu của em là một cuốn nhật ký từng ngày, từng ngày được khắc lên trang giấy Tình yêu của em là con thuyền nhỏ lênh đênh giữa biển trời vô tận Nếu em ngoảnh lại trong chiều hoàng hôn ấy liệu rằng, anh có đang kiếm tìm em không...
"Sayonara no Natsu" có nghĩa là lời tạm biệt mùa hè, mùa hè của lời thơ, của lần đầu gặp gỡ, của những rung động đầu đời nơi thị trấn biển. Rõ ràng hơn, đó là lời tạm biệt của Umi với Shun, lời tạm biệt với tình yêu khi số phận nhẫn tâm trêu đùa cả hai, ngay khi họ nhận ra mình yêu đối phương đến nhường nào. Những giọt nước mắt bất lực của Umi thấm đẫm trên gối. Trong giấc mơ, cô đã gặp lại cha, và cái ôm như tiếp thêm sức mạnh để đối diện với thực tế phũ phàng: "Những lá cờ đó là lời nhắn em gửi đến bố. Em nghĩ bố gửi anh đến gặp em, em muốn tin là như thế. Em thích anh, Shun... Dù chúng ta chung dòng máu, dù là anh trai... cảm xúc của em sẽ không đổi"... "Anh cũng thích em."
Tình yêu của ngày hôm qua chỉ toàn là nước mắt nhưng rồi cũng sẽ khô cạn và tan biến Tình yêu của ngày mai chính là đoạn điệp khúc từng lời ca cất lên, vang xa mãi không ngừng Nếu ta tình cờ gặp gỡ trong chiều hoàng hôn ấy liệu anh sẽ ôm em vào lòng chứ?
Ngày hôm qua có thể toàn những đau thương, mất mát, nước mắt rồi cũng sẽ cạn khô và tan biến, nhưng rồi vào ngày mai, ngày sau nữa sẽ lại tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Cũng như Shun, vào một ngày kia, lúc anh tìm thấy nguồn gốc thật sự của mình, tình yêu ấy lại ươm mầm một lần nữa, như đoạn điệp khúc, từng lời ca cất lên, vang xa mãi không ngừng...
"Sayonara no Natsu" được đặt ở phần kết của bộ phim, như gợi nhắc về toàn bộ câu chuyện với đầy đủ những nốt thăng nốt trầm, cũng là lời chào tạm biệt với khán giả, với mùa hè nơi ngọn đồi hoa hồng anh, mùa hè của tình yêu gia đình, tình yêu tuổi trẻ và cả tình người...
Nói sao nhỉ... "món ăn" ấy đọng lại một dư vị thật khó tả.
Lời kết
Âm nhạc của Teshima Aoi không hề màu mè, ồn ã, đó là sự nhẹ nhàng, vương vấn, một tiết tấu đều đều, chậm rãi của sự bình yên pha chút buồn vương, tưởng như là dài đến vô cùng, vô tận. Với mình, âm nhạc không đơn thuần chỉ là một thứ để nghe, để giải trí, nó còn là điều gì đó to lớn hơn thế, một điều khó để nói ra thành lời. Mình tin rằng, một khi bạn tìm được thanh âm của riêng mình, nghe được thứ âm nhạc mà có thể khiến cho quả tim phải tan ra, sống lưng phải lạnh đi, thì khi ấy, bạn sẽ hiểu được âm nhạc thực sự là cái gì, ít nhất là với chính bản thân mình. Những thứ đơn thuần chỉ là cảm xúc thì đâu dễ dàng gì mà định nghĩa được, phải không?
Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người.
Robert Schumann
Dưới đây là danh sách mình tự xếp hạng các ca khúc của Teshima Aoi theo cảm nhận chủ quan của cá nhân (có kèm theo liên kết), bạn có thể nhấn vào để nghe và tự cảm nhận. Mong rằng bạn cũng có thể tìm thấy được vẻ đẹp của sự bình yên vô tận này...