Kể từ đầu năm 2024 tới nay, tỉ giá USD/VND đã liên tục phá đỉnh lịch sử và chạm ngưỡng 25.500 VND/USD vào tháng 4. Trong 4 tháng đầu năm này, giá trị đồng USD đã tăng hơn 5% so với đồng VND (xấp xỉ lãi suất nhận được từ kênh tiền gửi tiết kiệm trong 1 năm).

Biểu đồ tuần tỉ giá USD/VND từ năm 2022 đến năm 2024 - Investing.com

Vì sao tỉ giá “dậy sóng?

Chênh lệch lãi suất điều hành

Giai đoạn 2020 – 2022 là một giai đoạn “đau thương” đối với nền kinh tế trên toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng khi liên tục đón nhận nhiều sự kiện “đen tối” như đại dịch Covid-19 hoành hành khiến hơn 7 triệu người tử vong trên toàn cầu, Đông Âu “rung chuyển” khi chính quyền Moscow phát lệnh tấn công vào Ukraine. Trong bối cảnh đó, nguồn cung bị thắt chặt khiến giá cả hàng hóa tăng vọt. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ liên tục “bơm tiền” ra nền kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng ở người dân sau đại dịch, khiến lạm phát leo thang và đạt đỉnh 40 năm (9.1%).
 

Thống kê mức độ lạm phát tại Mỹ giai đoạn 2020 - nửa đầu 2024 - Cục thống kê và lao động Hoa Kỳ
Nhằm hạ nhiệt lạm phát đang trên đà tăng nóng, kể từ tháng 3 năm 2022, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã khởi động “cuộc đua” nâng lãi suất điều hành. Và kể từ đó tới nay, Mỹ đã có 11 đợt nâng lãi suất điều hành liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 22 năm (5.33%).

Biểu đồ lãi suất quỹ liên bang giai đoạn 2002 - 2024 - Hội đồng Thống đốc của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ

Trong bối cảnh FED và nhiều Ngân hàng Trung ương toàn cầu áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã “đi ngược đám đông” với 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và “cứu” thị trường bất động sản đang trong thời kì khủng hoảng. Điều này làm chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và đồng USD bị nới rộng đáng kể khiến giá trị đồng VND sụt giảm nghiêm trọng so với đồng USD.

Tâm lý đầu cơ hoặc dự trữ ngoại tệ

Đồng USD ngày càng mạnh do lãi suất cao, nhu cầu tích trữ lớn khi USD được coi là kênh đầu tư an toàn so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh địa chính trị diễn biến khó lường, khủng hoảng hệ thống ngân hàng với các vụ “sập tiệm” lớn như SVB Financial, Signature Bank. Chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với 5 đồng tiền lớn bao gồm: EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) được duy trì trên mức 100 trong suốt năm 2024.

Biểu đồ ngày chỉ số DXY năm 2024 - Investing.com

Chênh lệch lãi suất âm giữa 2 đồng USD, VND và thực trạng đồng USD ngày càng mạnh khiến tâm lý đầu cơ, tích trữ tăng mạnh. Giá USD chợ đen và USDT (1 loại tiền điện tử có giá trị quy đổi 1:1 với đồng USD và có thể mua thông qua các đầu mậu) tăng vọt vượt ngưỡng 26.000 VND/USD thể hiện sự “nhộn nhịp” trên các thị trường “underground” của đồng USD.

Biểu đồ giá USD chợ đen từ 04/06/2024 đến 03/07/2024 - Chợ giá

Giá bán USDT ngày 18/06/2024 - Binance

Các hoạt động đầu cơ, tích trữ đồng USD đã làm trầm trọng thêm sự mất giá của đồng VND do nguồn cung VND ra thị trường tăng mạnh và cầu VND giảm mạnh.

Dòng tiền đổ vào thị trường tiền điện tử

Thông tin về việc quỹ Bitcoin ETF được thông qua vào đầu năm 2024 tạo tiền đề cho một “mùa uptrend” của loại tiền điện tử này. Vào tháng 3/2024, giá Bitcoin đã chính thức vượt đỉnh lịch sử 68.800 USD được thành lập vào cuối năm 2021 và vượt mốc 70.000 USD.

Biểu đồ ngày giá Bitcoin giai đoạn 2018-2024 - Investing.com

Bên cạnh đó, dòng tiền “ách tắc” trong nước do không có hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, thị trường chứng khoán biến động khó lường đã đổ vào kênh đầu tư sinh lời đang vô cùng “màu mỡ” này. Theo thống kê năm 2023, Việt Nam đứng top 3 thế giới về số lượng người sở hữu Bitcoin (hơn ¼ dân số), đứng trên cả Trung Quốc.
 
Top 10 quốc gia có số lượng người sở hữu Bitcoin lớn nhất - CryptoCrunchApp

Lưu ý rằng, để có thể mua các đồng tiền điện tử, người mua cần sử dụng quy đổi tiền VND sang đồng USDT và sử dụng đồng USDT để giao dịch. Điều này khiến nguồn cung VND và cầu USDT đều tăng, gây áp lực mất giá lên đồng tiền nội tệ.

Cơn “sốt” vàng trong và ngoài nước

Trong nửa đầu năm 2024, tình hình địa chính trị khó lường cùng với xu hướng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu khiến nhu cầu tích trữ vàng tăng vọt. Cùng với đó, dấu hiệu nền kinh tế Mỹ suy yếu nâng tỉ lệ dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, sức mạnh đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc đồng loạt giảm làm giảm chi phí cơ hội khi đầu tư vào vàng càng gây sức ép tăng giá lên kim loại quý này. Kể từ đầu năm 2024, giá vàng thế giới đã “tăng không điểm dừng” và liên tục phá đỉnh lịch sử để vượt mốc 2400 USD/ounce vào tháng 4/2024.
 
Biểu đồ ngày giá vàng thế giới - Investing.com

Tình hình giá vàng trong nước cũng “nóng hổi” không kém thế giới. Tình đến tháng 4/2024, bình quân giá vàng đã tăng 20.75% so với thời điểm đầu năm. Hình ảnh hàng dài người dân xếp hàng trước các tiệm vàng chờ tới lượt mua đã không còn xa lạ trong suốt thời gian này. Thậm chí, nhiều tiệm vàng phải giới hạn số lượng vàng mỗi cá nhân được mua để tránh tình trạng “cạn kiệt” nguồn cung.

Biểu đồ ngày giá vàng trong nước - giavang.org

Người dân xếp hàng mua vàng - Thời báo Tài chính Việt Nam

Trong giai đoạn này, giá vàng trong nước dù đi cùng chiều nhưng liên tục duy trì khoảng chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Có những thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 30%. Điều này xảy ra cũng không hề khó hiểu khi sự “cuồng” vàng của người dân Việt Nam, bên cạnh đó là sự phụ thuộc vào vàng vật chất trong nước do Việt Nam chưa hợp pháp hóa sàn giao dịch tập trung và các công cụ phái sinh khiến giá vàng trở nên thiếu minh bạch, dễ dàng “thổi giá”.
Trong bối cảnh này, hoạt động nhập khẩu và nhập lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh nhằm hưởng chênh lệch từ giá vàng thế giới và giá vàng trong nước. Lưu ý rằng để mua vàng từ nước ngoài cần đổi tiền VND sang tiền ngoại tệ, khiến nguồn cung VND và cầu ngoại tệ đều tăng gây sức ép mất giá lên đồng tiền trong nước.

Tăng cường nhập khẩu hàng hóa

Trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng khiến nhu cầu ngoại tệ tăng. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6/2024 đạt 16.11 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 38.8 triệu tấn nguyên liệu với trị giá 11.78 tỷ đôla, tăng 43.4% về lượng và tăng 19.6% về trị giá so với cùng kì năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu trong nước đạt 368.53 tỷ USD, tăng 15.7% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Kim ngạch xuất-nhập khẩu trong nước từ năm 2015 đến năm 2024 - Tổng Cục thống kê

Như vậy, bên cạnh việc chênh lệch lãi suất điều hành, việc dòng tiền đổ vào các kênh ngoại tệ, vàng, tiền điện tử là các nguyên nhân khiến tỉ giá “nóng hổi” trong suốt nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường nhập khẩu từ nước ngoài cũng là 1 yếu tố gây áp lực mất giá lên đồng VND.

Tỉ giá “dậy sóng” dẫn tới những hệ quả gì?

Bên cạnh một số doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu được hưởng lợi từ việc tỉ giá tăng như dệt may, thủy hải sản, nông sản, gỗ, nhiều doanh nghiệp “điêu đứng” vì tỉ giá tăng nóng. Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài phải chịu việc chi phí đầu vào “đội giá” có thể dẫn tới lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Ngoài ra, tỉ giá tăng cũng hạn chế kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, chẳng hạn doanh nghiệp có nhu cầu mua mới cơ sở vật chất, máy móc từ nước ngoài để phục vụ cho việc mở rộng.
Đồng USD đắt đỏ hơn cũng làm tăng nghĩa vụ nợ đối với Chính phủ và khối tư nhân trong việc thanh toán các khoản nợ bằng đồng ngoại tệ. Trong giai đoạn nước Mỹ áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế năm 2021, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản tăng cường vay USD “giá rẻ” để đầu tư dự án. Đến giai đoạn 2023-2024, trong khi thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều dự án bỏ hoang, nguồn cung và cầu sụt giảm khiến dòng tiền đổ vào các công ty bất động sản giảm mạnh, các khoản vay trái phiếu và vay nước ngoài đáo hạn gây sức ép trả nợ đến “nghẹt thở” lên các doanh nghiệp này. Khác với thời điểm đi vay, ở giai đoạn này đồng USD đã đắt hơn rất nhiều do tỉ giá tăng nóng càng khiến “công cuộc” trả nợ của doanh nghiệp “khó chồng thêm khó”. Không chỉ vậy, việc ngân hàng siết chặt điều kiện đi vay của doanh nghiệp sau khủng hoảng nợ của thị trường bất động sản trong năm 2023 khiến doanh nghiệp gần như “kẹt cứng” khi không thể xoay được nguồn tiền để trả nợ. Đó là lí do chính phủ đưa ra quyết định "bơm tiền" để "giải cứu" thị trường bất động sản như đề cập trong phần trước.

Nguồn: WorldBank

Nguồn: Bộ Tài chính

Tỉ giá tăng nóng cũng khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ đối với người dân Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn. Mình lấy một ví dụ điển hình là trường hợp của chính mình – người bị ảnh hưởng khá nặng nề do tỉ giá tăng. Mình chuẩn bị đi du học Anh Quốc vào tháng 9 năm nay. Trong suốt vài tháng gần đây, mình cần xoay xở rất nhiều khoản tiền để chuẩn bị cho hành trình mới này, và chính trong giai đoạn này mình đã cảm nhận được rất rõ “nỗi đau” do tỉ giá đem lại. Các loại chi phí cần thanh toán bằng đồng USD hoặc GBP (“kẻ tám lạng người nửa cân” với đồng USD khi tăng hơn 5% so với đồng VND kể từ đầu năm 2024) như phí xét thị thực, phí bảo hiểm, phí cọc nhà ở, vé máy bay đã “ngốn” của gia đình mình một khoản tiền không hề nhỏ khi so với số tiền bỏ ra cho các khoản phí tương tự khi chị gái mình đi du học vào năm 2022 (triển vọng kinh tế không khả quan khiến đồng Bảng Anh thấp kỉ lục vào thời điểm này).
 
Biểu đồ tuần tỉ giá GBP/VND từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2024 - Investing.com

Lang thang trên các diễn đàn du học sinh, mình bắt gặp nhiều trường hợp cũng oái oăm không kém như việc một chị gái dự kiến đi du học từ năm ngoái nhưng vì vấn đề cá nhân nên hoãn sang kì học năm nay, chi phí đi học đã đội lên cả tỉ đồng so với chi phí dự kiến cho năm ngoái và vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Đồng Bảng Anh “biểu dương sức mạnh” nhanh đến nỗi mới một vài tháng trước, số tiền tiết kiệm trong sổ mẹ mình lập cho mình chứng minh tài chính (được gửi dưới dạng đồng VND) để apply visa vẫn còn khá dư dả so với số tiền tối thiểu được yêu cầu (được thiết lập ở đồng Bảng Anh), vậy mà tới nay, số tiền đó đã “sát rạt” số tiền tối thiểu được yêu cầu.
Có thể thấy, tỉ giá tăng nóng đã đem đến rất nhiều “nỗi đau” cho cá nhân và gia đình Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 vừa qua. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã phải áp dụng một số chính sách nhằm khắc phục tình hình hiện tại như bán ngoại tệ ra thị trường, hút tiền qua kênh tín phiếu, nâng lãi suất OMO (lãi suất trên thị trường mở) nhằm bình ổn tỉ giá. Bên cạnh đó, NHNN tổ chức đấu thầu vàng, cũng như Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu và giao dịch vàng, ngoại tệ trong nước nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, “thổi giá”, gián tiếp gây áp lực lên đồng nội tệ.