Limerence - Có lẽ đó không chỉ là crush

Bạn đã từng bị ám ảnh bởi một người, tới mức không thể ngừng nghĩ về họ mặc mọi nỗ lực phân tán tâm trí?

Bạn nhạy cảm với từng hành vi, cử chỉ của họ, cảm xúc hoàn toàn bị lệ thuộc vào họ. Tự vẽ ra những viễn cảnh không (hoặc chưa) có thực khi họ đáp lời yêu, khi hai bạn hẹn hò, kết đôi, con đàn cháu đống. Muốn là phiên bản tốt nhất trước mặt người ấy, và có cảm giác đau tức lồng ngực khi không chắc chắn về cảm xúc của đối phương.

Limerence thường bị nhầm lẫn với Crush. Ở một mức độ cao hơn trong tình yêu, Limerence được mô tả là trạng thái Yêu đến điên cuồng, đặc trưng bởi những ám ảnh không tự nguyện, mơ tưởng và khao khát được đáp lại bởi người kia (Limerent Objective).

Đó không chỉ là “think of you”, bởi nó thua về cả lượng và tính. Sự ám ảnh có vẻ gần nghĩa hơn, nhưng ám ảnh không bao hàm cảm xúc, sự nhói đau trong con tim. Limerence là một hành trình đầy sự tò mò, hứng khởi và kỳ vọng.

Illustrator Seung Hee Han

LIMERENCE LÀ GÌ?

Limerence được khám phá lần đầu bởi nhà tâm lý học Dorothy Tennov trong cuốn sách Love and Limerence: The Experience of Being in Love năm 1979. Đây là trạng thái được duy trì bởi hy vọng (hope) và sự không chắc chắn (uncertainty). Bắt nguồn từ những thu hút mang tính tình dục, người rơi vào Limerence hơn hết khao khát một sự đáp trả ở phương diện cảm xúc từ phía đối phương.

Willmott (2012) định nghĩa Limerence là trạng thái tôn thờ và gắn bó không tự nguyện dành cho đối phương, bao gồm những suy nghĩ ám ảnh và quấy rối, cảm xúc và hành vi đi từ hưng phấn đến tuyệt vọng phụ thuộc vào cách họ được đáp trả.

MỘT SỐ TRẢI NGHIỆM KHI RƠI VÀO LIMERENCE

Sự hưng phấn: Khoái lạc Limerence đem lại có thể biến một người rất đỗi bình thường trở thành nhà thơ. Tình yêu là tín ngưỡng, trạng thái này ngày càng tăng nhưng cũng sẽ giảm dần khi chủ thể được đáp lại, hoặc họ chuyển mục tiêu sang người mới.

Suy nghĩ ám ảnh quấy rối: Với Limerence, mọi thứ trong cuộc sống gợi nhắc họ về đối phương. Hành vi này hoàn toàn mang tính bản năng, kể cả khi hiểu rõ mình không có cơ hội, chủ thể cũng không thể dừng những suy nghĩ ám ảnh trong đầu về người kia.

Nỗi sợ: Lo lắng khi gu ăn mặc không hợp thị hiếu, không xài hàng hiệu, có cảm giác bất an khi sử dụng từ ngữ có-vẻ-như không phù hợp, tất cả những cảm xúc này xuất hiện bởi nỗi sợ bị đối phương từ chối. Tâm lý này có thể làm đau chủ thể, tuy nhiên không thể phủ nhận chúng là chất xúc tác để tăng cường khao khát sở hữu đối phương.

Hy vọng: Mục đích của chủ thể là loại bỏ cảm giác không chắc chắn (uncertainty), chính vì vậy họ liên tục kiếm tìm hy vọng, ẩn trong những tương tác trước đó với đối phương. Đơn giản như việc họ từng nhận được tin nhắn chúc ngủ ngon từ người đó (...đúng một lần).

Nhận thức về đối phương: Phóng đại mọi khía cạnh dù nhỏ nhất. Ánh nhìn của họ, cách họ đi, sự chần chừ khi phát biểu, cách phối đồ mới lạ,... con mắt quan sát của chủ thể Limerence thể hiện sự tập trung cao độ. Những quan sát đó giúp hình thành trong chủ thể những phân tích, thậm chí suy diễn về cảm xúc và thói quen của đối phương.

LIMERENCE VÀ TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Chỉ những thu hút thể xác là không đủ, trong những giai đoạn sơ khai của Limerence, sự ngây ngất bùng nổ mạnh mẽ đặc biệt trong cảm xúc tâm hồn. Tennov đã chia Limerence ra thành 6 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Phản ứng Limerence phát triển có thể từ lòng ngưỡng mộ hay sức hút ngoại hình. Thu hút tình dục chưa hẳn xuất hiện trong giai đoạn này, tuy nhiên đối phương được chủ thể nhìn nhận là một bạn tình phù hợp.

Giai đoạn 2: Bắt gặp bản thân suy nghĩ về đối phương, cơ thể sản sinh dopamine, tạo sự hạnh phúc và khoái lạc. Sự hưng phấn này là khởi đầu của một giai đoạn ám ảnh không tự nguyện.

Giai đoạn 3: Có những tín hiệu đáp trả từ đối phương, sự hưng phấn đạt cực điểm. Tâm trí hoàn toàn hướng về những điểm thu hút từ đối phương, trong đầu tua đi tua lại những khoảnh khắc bên cạnh nhau.

Giai đoạn 4: Rào cản xuất hiện và chủ thể cảm thấy không chắc chắn về cảm xúc của người kia, điều đó lập tức kéo họ lún sâu vào lo lắng. Sự hoài nghi càng lớn, sự hài lòng và thỏa mãn từ các giai đoạn trước đó sụt giảm. Bởi nỗi sợ bị từ chối, chủ thể Limerence sẵn sàng làm mọi thứ để khiến bản thân trở nên quyến rũ, đáng được khao khát hơn như thay đổi phong cách, ngoại hình theo đúng gu người đó.

Giai đoạn 5: Sự nghi ngờ xen lẫn các lý do để hy vọng, mọi thứ càng trở nên phức tạp. Sự hoang tưởng điều khiển, chủ thể vẽ nên những hành vi mà họ cho rằng sẽ thu phục được đối phương trong đầu.

Giai đoạn 6: Một lúc nào đó khi nhận được sự hồi đáp tích cực, trạng thái tuyệt vọng sẽ giảm đi, và sẽ lại tăng lên khi sự không chắc chắn (uncertainty) xuất hiện.

Limerence kéo dài trong bao lâu? Có thể là một vài tuần, vài tháng, hay thậm chí là vài năm. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Limerence không kéo dài mãi mãi, chủ yếu sẽ chấm dứt sau vài tháng, và có thể không chấm dứt hoàn toàn sau khi mối quan hệ phát triển thành yêu đương.

LIMERENCE CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN CHÚNG TA?

Limerence đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chủ thể. Trạng thái căng thẳng, mất ngủ, lệ thuộc cảm xúc, suy nghĩ quấy rối và khao khát chiếm hữu có thể tạo nên một lối sống không lành mạnh. Đặc biệt, Limerence có thể gây ra những hành vi nguy hiểm đến tính mạng. Một người đàn ông từng bắt cóc bạn gái sau khi bị từ chối bởi nỗi sợ hãi kích thích khao khát muốn chiếm hữu và khiến hắn si mê cô gái nhiều hơn. Bên cạnh đó, số người đánh đổi mối quan hệ và trách nhiệm đang có bởi trạng thái Limerence nhất thời với “một người thứ ba” là không nhỏ.

Làm thế nào để thoát khỏi Limerence? Nên hiểu rằng Limerence không hoàn toàn xấu. Khi hai người cùng chịu ảnh hưởng từ Limerence với đối phương, họ có khả năng xây dựng một mối quan hệ lâu dài và vững chắc. Nỗ lực làm mới bản thân để trở nên tuyệt vời hơn trong mắt người kia cũng là cách chúng ta phát triển bản thân. Để thoát khỏi trạng thái Limerence, Tennov chỉ ra việc ngắt liên hệ với đối phương là cách hiệu quả nhất. Điều này bao gồm việc không gặp gỡ, không tiếp xúc ngay cả trên không gian online. Thấu hiểu các giai đoạn của Limerence và lắng nghe bản thân giúp chúng ta dần hồi phục và hình thành một góc nhìn mới. Nghiên cứu chỉ ra rằng điều này có thể mất 4-6 tháng.

LIMERENCE VÀ CÁC HỘI CHỨNG BÊN LỀ

🔎 Sự ghét bỏ/Tính kỳ thị phụ nữ: Nghiên cứu của Nhà tâm lý học Dorothy Tennov nhấn mạnh về Sự ghét bỏ phụ nữ trong cách nhìn nhận Limerence. Những người phụ nữ trải qua Limerence bị coi là bệnh hoạn hay ác quỷ. Tuy nhiên khi chủ thể là những người đàn ông, phụ nữ bị đổ lỗi là kẻ đã quyến rũ họ.

🔎 Hiệu ứng Halo: “Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi”, chủ thể Limerence có xu hướng phóng đại điểm tốt của đối phương. Những điểm vô cùng bình thường cũng được coi là đáng yêu. Khả năng quan sát giúp họ nhìn ra những khuyết điểm, tuy nhiên tự thuyết phục bản thân rằng chúng là điều nhỏ nhặt không đáng bận tâm.

🔎 Idol Limerence: Trạng thái ngưỡng mộ và gắn kết với một thần tượng được Wallea Eaglehawk đặt tên trong cuốn sách đầu tay dựa trên mô hình Limerence gốc. Chúng được hình thành gắn liền với chủ nghĩa tư bản và tiêu dùng, và đặc biệt nổi lên trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Trạng thái này khiến người hâm mộ cảm thấy như thể sự liên kết giữa họ và thần tượng là định mệnh. Cảm giác hưng phấn hòa lẫn với thực tế rõ ràng rằng sự tồn tại của họ không được biết tới bởi thần tượng. Trải nghiệm này bao gồm việc tự vẽ nên viễn cảnh gặp gỡ, ở trong một mối quan hệ lãng mạn với thần tượng, hay suy nghĩ về họ khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào. Khi nhận thức được mặt trái của Idol Limerence, sự xấu hổ và tội lỗi, mong muốn thoát ra khỏi những suy nghĩ quấy rối và tuyệt vọng là cảm xúc nhiều người hâm mộ gặp phải.

🔎 Hiệu ứng Romeo và Juliet: Trong một mối quan hệ mà Limerence xuất hiện từ cả hai phía, các nhà tâm lý học cho rằng những rào cản bên ngoài mặc dù gây khó khăn cho họ, nhưng càng làm bền vững hơn mối quan hệ đó, như sự ngăn cản của phụ huynh với cuộc tình Romeo và Juliet.

_____________

Nguồn tham khảo:

Wakin, A., Vo, D.B. (2008) Love-variant: The Wakin-Vo I.D.R. Model of Limerence.

Tennov, D. (1979) Love and Limerence; The experience of Being in Love. New York. Scarborough House.

Revolutionaries (2020). Behind the book with echo from idol limerence. [online] medium.com

Marriage Helper (2018). Difference Between Love & Limerence. [online] marriagehelper.com

Tổng hợp: Love In-Psy

Thanh Vân

931 | 10/3/2021 9:59:38 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
[Homo Scachorum] Giỏi cờ vua hơn không đồng nghĩa với thông minh hơn
[Homo Scachorum] Giỏi cờ vua hơn không đồng nghĩa với thông minh hơn
Trong các bài trước chúng ta đã biết rằng vào thời kì Cờ vua Lãng mạn, cờ vua được coi như một công cụ giáo dục không thể chối cãi
Inferiority complex (Mặc cảm tự ti)
Inferiority complex (Mặc cảm tự ti)
Trong xã hội loài người, việc cảm thấy thua kém trước người giỏi hơn mình là chuyện bình thường. Bởi cảm xúc xấu hổ, thua kém người
Rối loạn nhân cách ái kỷ - có nên được giảm nhẹ tội trong pháp lý?
Rối loạn nhân cách ái kỷ - có nên được giảm nhẹ tội trong pháp lý?
Dành cho ai thắc mắc thuật ngữ ái kỷ. Từ này là từ mượn của Hán Việt, trong đó: ái - yêu, kỷ - tự bản thân mình
Oxytocin - Hormone của tình yêu, lòng tốt và sự tin tưởng
Oxytocin - Hormone của tình yêu, lòng tốt và sự tin tưởng
Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu đến các bạn một hormone đại diện cho thứ cảm xúc