[Review Sách] Đọc vị tâm trí
IMG

[Review Sách] Đọc vị tâm trí

148.000 ₫ 143.000 ₫ GIẢM 3%
Nếu đã chán ngán với những tình huống hư hư thực thực, những lời nói lập lờ nước đôi và những pha “quay xe” bất ngờ, cuốn sách “Đọc vị tâm trí” của Tiến sĩ David J. Lieberman sẽ giúp bạn
Lượt xem: 749
Mua ngay
Nếu đã chán ngán với những tình huống hư hư thực thực, những lời nói lập lờ nước đôi và những pha “quay xe” bất ngờ, cuốn sách “Đọc vị tâm trí” của Tiến sĩ David J. Lieberman sẽ giúp bạn. Ông chính là đồng tác giả của tựa sách “Đọc vị bất kỳ ai” từng bán được hàng triệu bản trên khắp thế giới.


Bối cảnh và giá trị của sách


  • “Yên tâm, tiền nong không phải là vấn đề”
  • “Anh/em (Chị/em) quý nhau nên giúp nhau là chính/mới nói cho nhau đấy”
  • “Nhìn tôi có giống như đang nói dối không?”
  • “Sao cứ phải lăn tăn thế nhỉ? Có thì cho tôi mượn, có tiền tôi trả ngay”
Đó là những câu nói mà có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe nếu đã bước vào giai đoạn dấn thân, lăn lộn với đời để sống. Dĩ nhiên nghe rồi để đó không sao, nhưng nếu nghe rồi mà vội tin thì đúng là “hi vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều”.
Con người rất khó khăn trong việc nhận ra sự thật, chấp nhận sự thật và nói ra sự thật. Đó là lý do đôi khi chính người nói dối cũng không biết được là họ đang nói dối và những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp thì không bao giờ để người khác biết được chúng nói dối cho đến khi vở kịch hạ màn.
Ở một phương diện khác, những tin tức truyền thông không chính thống và những mẩu quảng cáo lòe loẹt cũng đang liên tục nhắc đi nhắc lại những thông tin sai lệch cho đến khi chúng được phổ biến tràn lan đến mức độ được tin là đúng đắn hoàn toàn.
Đó là bối cảnh, vậy chúng ta cần làm gì trong bối cảnh này? Đó chính là học cách thích nghi và sinh tồn với đầu óc tỉnh táo để giữ vững tinh thần lạc quan mà không trở nên quá ngây thơ đến độ ngây ngốc.
Chúng ta có thể sẽ không cần thiết trừng phạt, bực tức hay giáo huấn dài dòng một kẻ đang âm mưu lừa dối nhưng tôi nghĩ ít nhất chúng ta cần biết được điều gì đang xảy ra để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa gạt. Nói cách khác, chúng ta sẽ chủ động bảo vệ bản thân khi đưa ra quyết định xem có nên tin tưởng hay không.
Tóm lại, nếu bạn đang:
- Mong muốn biết được ai đó đang muốn giúp đỡ hay làm hại mình trong một xã hội ngày một nhiều những nguy cơ tiềm ẩn, lừa đảo, trục lợi...
- Cần hiểu rõ các mối quan hệ mình đang có: cá nhân, đồng nghiệp, đối tác, người mới quen v.v.
- Là một doanh nhân cần biết được lòng trung thành, sự tận tâm của nhân viên, cộng sự đồng hành, vượt qua những mánh khóe trong buôn bán, kinh doanh.
- Hay đơn giản là một người bình thường đang trên hành trình làm chủ các cuộc đối thoại, giao tiếp, mối quan hệ và làm chủ cuộc sống ...
Thì bạn có thể tìm tòi những chỉ dẫn hữu ích trong cuốn sách “Đọc vị tâm trí” của Tiến sĩ David J. Lieberman- một nhà nghiên cứu lâu năm về tâm lý và hành vi của con người. “Đọc vị tâm trí” giống như một phiên bản mở rộng, cập nhật thêm các kỹ thuật mới của hai tựa sách “Đọc vị bất kỳ ai – Để không bị lừa dối và lợi dụng ” cùng “Đọc vị bất kỳ ai – Áp dụng trong doanh nghiệp”.
Cuốn sách 303 trang này gồm có 4 phần:
  • Phần 1: Tiềm thức tiết lộ
  • Phần 2: Cách phát hiện người nói dối
  • Phần 3: Chụp nhanh một bức ảnh tâm lý
  • Phần 4: Lập hồ sơ tâm lý
Trước khi sang đến phần tiếp theo, tôi muốn chuyển lời nhắn của tác giả đến bạn:

Khi bạn biết thêm về người khác, tôi hi vọng bạn cũng sẽ hiểu hơn về bản thân mình và với một sự tự nhận thức sâu sắc hơn bạn sẽ có cơ hội nâng cao sức khỏe tinh thần, cảm xúc, cuộc sống và những mối quan hệ của mình
(trang 12)
Thay vì phân tích thông thường thì cuốn sách đưa ra rất nhiều ví dụ thực tế để người đọc thấy gần gũi và thấy được sự việc đó đã, đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. “Đọc vị tâm trí” không chỉ dừng lại ở việc phán đoán mà còn giúp hiểu được những điều nằm sâu trong tiềm thức của đối phương ngay cả khi chính họ phủ nhận hoặc ko chịu đối diện.
Hãy mở tập sách này ra với tâm thái tích cực đề không trở thành một thẩm phán hung hăng mà là một người tử tế biết yêu chuộng sự thật, bạn nhé.
Từ lý thuyết đến thực hành
Điểm đầu tiên mà chúng ta cần chú ý là không thể kết luận ai đó nói dối một cách chính xác nếu những dấu hiệu chưa đủ (chưa tính đến tần suất, dung lượng, cường độ và bối cảnh) và chưa phân biệt được đâu là tính cách và đâu là tâm trạng của họ. Tính cách là yếu tố tồn tại tương đối lâu bền còn tâm trạng sẽ biết đổi tùy vào không gian, thời điểm và cảm nhận của mỗi người.
Những dấu vết của sự thiếu ngay thẳng thường nằm lại rất rõ trong lời nói, ngôn ngữ cơ thể và các hành vi khác của con người. Chi tiết ra sao thì bạn có thể trực tiếp tìm đọc sách.
Bây giờ tôi có hứng thú bàn đến một sự kiện khác hơn: vụ lừa đảo của Theranos (vốn từng được ra mắt độc giả Việt Nam với tựa sách “Máu bẩn” của nhà báo John Carreyrou). Đến thời điểm sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi vẫn mang một nỗi băn khoăn về việc vì sao cú lừa này có thể xảy ra ở một khu vực tập trung tương đối nhiều chất xám (thung lũng Silicon) mà lại vừa kéo dài vừa kéo thêm được không ít nhân vật được xem là tinh khôn như vậy, thì đến nay, “Đọc vị tâm trí” đã cho tôi lời giải:

Lòng trung thành đến ngoan cố của chúng ta thường trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta đã bỏ ra thời gian, công sức hoặc tiền bạc vào thứ gì đó- dù đó là một mã chứng khoán lẹt đẹt lên xuống, một mối quan hệ mờ mịt, hoặc một công việc chán ngán. Thật dễ dàng rơi vào kiểu ngụy biện chết người như: Giờ tôi không thể từ bỏ được nữa vì tôi sẽ mất mọi thứ đã đầu tư! Sự bám trụ đến cùng một cách mù quáng ấy chẳng qua chỉ là một chiến thuật trì hoãn, là biến thể độc hại của sự phủ nhận – từ chối chấp nhận việc chúng ta phải thay đổi (trang 134, 135).
Sau khi sáng tỏ mọi việc, tôi nhận thấy hóa ra việc bị người khác lừa dối không đáng sợ bằng việc tự lừa dối bản thân- đây đúng là cảnh “chấp mê bất ngộ”. Có lẽ những kẻ lừa dối cũng thường góp sức để những người bị lừa tiếp tục tự dối mình và đổi lại, họ tự nguyện trao cơ hội thao túng vào tay kẻ chủ mưu.
Nếu bạn thấu hiểu bản thân, có sức khỏe tinh thần vững vàng và tâm trí lành mạnh thì khả năng bạn bị lừa sẽ rất thấp. Có lẽ điều tác giả muốn nói với chúng ta còn sâu sắc hơn việc bồi dưỡng kỹ năng vạch trần các lời nói dối: Ông muốn giúp chúng ta tránh được mối liên hệ với tất cả những lời nói dối ấy thay vì đón nhận hoặc tạo ra chúng rồi sau đó phải thu dọn tàn cuộc.

Khi một người mất đi sự sáng suốt của anh ta – khả năng nhìn nhận, chấp nhận và hồi đáp với thế giới của anh ta – điều đó có nghĩa là anh ta sẽ đánh mất toàn bộ tầm nhìn
(trang 167)
Với tâm trí mịt mờ, dĩ nhiên bạn không thể “đọc vị tâm trí” người khác. Tôi nghĩ đây là một trở ngại trong việc áp dụng các kỹ thuật mà chúng ta học được trong cuốn sách này. Bởi tôi nhận thấy hầu hết các phương pháp được trình bày trong sách không quá khó, nhưng đòi hỏi người vận dụng phải duy trì sự tỉnh táo, tập trung. Chúng ta cần một tâm thế phẳng lặng như một tấm gương để nhìn thấy sự thực.


Sâu trong tâm trí


Dù là dòng sách kỹ năng/chia sẻ kiến thức tâm lý học nhưng “Đọc vị tâm trí” sử dụng ít thuật ngữ chuyên ngành, do đó sách tương đối dễ hiểu. Ngoài ra, sách không chỉ sử dụng những kỹ thuật nắm bắt đối phương qua hành vi và lời nói thông thường (đây là phương pháp xưa cũ mà các cuốn sách khác đã đề cập và phân tích). Các kỹ thuật trong cuốn sách dựa trên nghiên cứu tâm lý ngôn ngữ học, khoa học thần kinh và khoa học nhận thức.
Từ chỗ biết nguyên lý cho đến khi vận dụng thành công thì bất kì ai trong chúng ta cũng cần sự rèn luyện chăm chỉ. Đến khi vận dụng thành công rồi, thì mong bạn cũng không “trở thành một cây búa nên nhìn đâu cũng thấy đinh”. Con người không phải là một cỗ máy phát hiện nói dối và cũng không phải là một chiếc máy nói dối thuần túy.
Đây cũng là lúc chúng ta sẽ cùng nhau hướng tới câu hỏi cốt lõi: ngoài những động cơ nhân văn, vì sao con người cảm thấy cần phải nói dối?
Đáp án chính là sự bất an do những rối loạn tâm trí và cảm xúc mang lại. Khi ai đó không đủ can đảm để nói thật, điều này có nghĩa họ đã không sống cuộc đời thật thuộc về họ.

Điều gì đó càng nhiều ý nghĩa thì càng mang đến nhiều hạnh phúc. Nằm dài trên ghế xô pha và xem tivi chắc chắn là thoải mái nhưng hiếm khi có ý nghĩa. Theo đuổi sự tiện nghi, thoải mái về cơ bản là lảng tránh cuộc sống và không chỉ ngăn chúng ta có được niềm hạnh phúc đích thực mà còn cắt bỏ đi sự trọn vẹn trong hạnh phúc của ta (trang 188)
Không chỉ dừng lại ở việc “khám phá xem người ta nghĩ gì, muốn gì và thực sự là ai?”, nếu giàu lòng trắc ẩn, bạn còn có thể giúp đỡ họ chữa lành những tổn thương bên trong.
Nếu đi xa hơn nữa, tôi nghĩ rằng “Đọc vị tâm trí” là câu trả lời (hoặc một dạng thiên địch) đối với cuốn sách “Đắc nhân tâm”. Bạn nên đối xử chân thành với mọi người và dĩ nhiên bạn cũng xứng đáng nhận được sự đối xử chân thành tương tự, thay vì phải trở thành nạn nhân của những trò đầu môi, chót lưỡi.

Về tác giả


Tiến sĩ David J. Lieberman là tác giả giành nhiều giải thưởng và được cả thế giới công nhận là người đi đầu về nghiên cứu hành vi con người và các mối quan hệ giữa con người.
13 cuốn sách của ông được dịch ra 28 thứ tiếng trên thế giới. Ông đã đào tạo nhân sự cho mọi lực lượng trong quân đội Hoa Kỳ, cho FBI, CIA và cho NASA, và cá nhân ông đã thực hiện nhiều hội thảo cho nhiều tổ chức, chính phủ và các doanh nghiệp khắp thế giới- cùng với các khách hàng trong 124 quốc gia và 35 ngôn ngữ đang tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến của ông.
Công trình của tiến sĩ Lieberman được nhắc tới trong hàng trăm xuất bản phẩm trên khắp thế giới và ông là khách mời thường xuyên với tư cách chuyên gia trên các kênh truyền thông quốc gia, như The Today Show, The View, và Fox & Friends.

Tags:
749 | 1/26/2025 11:58:22 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register