Áo cappa là một loại áo choàng lễ dùng trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ Kitô giáo, chính xác hơn là một chiếc áo choàng dài hay đơn giản là một chiếc áo choàng, phía trước hở và có một băng vải cố định hai vạt hoặc một khóa gài. Áo cappa có thể có màu sắc theo phụng vụ.
Áo cappa có thể được mặc bởi bất kì cấp bậc nào của hàng giáo phẩm, cũng như đại diện giáo dân trong những trường hợp nhất định. Nếu áo được khoác bởi một vị giám mục, nó thường được mặc kèm với một chiếc mũ mitra. Các khóa gài của áo cappa, thường được trang trí cẩn thận, được gọi là morse. Trong nghệ thuật, các thiên thần thường được tạo hình khoác áo cappa, một ví dụ cụ thể là trong bức tranh sơn dầu ở Thời kì Cổ đại của Hà Lan.
Áo cappa có thể bắt nguồn từ một loại y phục sử dụng tại Rôma thời xưa. Ngoại hình của áo nhắc giống một chiếc áo mưa dân chúng thường sử dụng.[1]
Khoảng thế kỉ thứ V, áo cappa bắt đầu được sử dụng với mục đích tôn giáo, với vẻ bên ngoài là một loại áo khoác dài, phủ hết thân người và được khoác bên ngoài áo lễ. Chiều dài của áo khoác này dài đến sàn nhà, được các giáo sĩ sử dụng khi cử hành, đi theo đoàn rước, nhằm tránh mưa hoặc giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh Thói quen này giải thích tại sao tên Latinh của áo cappa này là “pluviale”, nghĩa là “áo mưa” hay “đối phó với mưa”.[1]
Trước khi khoác áo cappa, người sử dụng cần mặc trước áo alba và đeo dây các phép, (có thể mặc áo chùng thâm, áo các phép và đeo dây stola). Không cần phải làm phép áo cappa, vì áo này không nằm trong nghi thức truyền chức thánh.[1]
Thông thường, áo cappa là phẩm phục của vị chủ sự, nhưng đôi khi cả người tham dự cũng sử dụng, như các trường hợp: linh mục hỗ trợ giám mục chủ tọa giờ kinh trọng thể, các giáo sĩ tham dự giờ kinh phụng vụ trọng thể, ca viên thuộc ca đoàn.
Áo cappa có dạng nửa hình tròn, không có tay, phía trước ngực được đính, thắt lại bằng một cái nút, khuy cài hoặc một cái móc kim loại, hay đơn giải là hai sợi dây vải để cột lại với nhau.[1]