Đầu hồ (chữ Hán: 投壺; Hangul: 투호놀이; Kana: とうこ) là một trò chơi thể loại du hí của giới thượng lưu trong khối văn minh Đông Á, phổ biến ở các nước Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Theo từ ngữ, "Đầu" nghĩa là ném và "hồ" là cái bình, chơi Đầu hồ là ném cái phi tiêu cho lọt vào trong miệng bình.
Đây là trò chơi xuất xứ từ Trung Hoa, phổ biến qua các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tương truyền từ thời Xuân Thu, trò chơi này đã rất phổ biến và lưu truyền sang các nước khác[1].
Đầu hồ từ đó rất được giới thượng lưu ưu chuộng. Người chơi phải hết sức khéo léo và tinh tế trong việc tính toán chính xác cự ly và độ nhún của phi tiêu. Trò chơi diễn ra tại các cung đình, sân đình trống, các vua quan tập trung lại và trò chơi không có tính sát phạt, người thắng sẽ được thưởng vài món quà lưu niệm và người thua thì sẽ phạt bằng vài ly rượu.
Ở Việt Nam, trò chơi này được ghi chép rất rõ ràng ở thời nhà Nguyễn. Hoàng đế Tự Đức là người thích chơi và chơi giỏi nhất môn thể thao cung đình này. Người thứ hai là Bảo Đại, dù là vị Hoàng đế này thích chơi các trò chơi Tây Phương như bắn cung, tennis, cầu lông.
Các dụng cụ chơi khá đơn giản, nhưng ở thời Nguyễn Việt Nam cách chơi được cải biến và trở nên khó hơn thông thường. Dụng cụ gồm 3 thứ: cái bình, những phi tiêu và một miếng ván nhỏ.
Vào thời nhà Nguyễn ở Việt Nam không phải ném trực tiếp vào bình, mà lại ném gián tiếp qua một dụng cụ khác nữa. Người chơi cầm những mũi tên và ném sao cho những mũi tên vào "con cóc", sao cho mũi tên bật lên cao và bay lọt vào miệng chiếc bình gỗ cổ cao đặt cách mảnh ván không xa. Đây là trò chơi khó, chỉ dành cho những xảo thủ khéo léo mà thôi.
Trong khi đó, chơi Đầu hồ kiểu Trung Hoa, hàn Quốc và Nhật Bản thì giản đơn theo kiểu cũ: người chơi chỉ việc ném những mũi tên lọt vào miệng chiếc hồ làm bằng sứ hay bằng pháp lam.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều dụng cụ chơi Đầu hồ, trong đó có nhiều hiện vật vẫn còn trôi nổi trên thị trường buôn bán cổ vật và nằm tại một số bảo tàng của Pháp.