Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) (tiếng Pháp: Autorité internationale des fonds marins; tiếng Anh: International Seabed Authority) là một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Kingston, Jamaica, được thành lập để tổ chức, quản lý và kiểm soát tất cả các hoạt động liên quan tới việc khai thác tài nguyên ở vùng đáy biển quốc tế nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán trên biển của quốc gia, tức quản lý vùng chiếm hầu hết các đại dương trên thế giới. Tổ chức này được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).[1]
Sau ít nhất mười phiên họp chuẩn bị kéo dài nhiều năm, ISA tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên ở nước chủ nhà Jamaica vào ngày 16 tháng 11 năm 1994,[2] ngày mà UNCLOS đi vào hiệu lực. Những điều khoản về ISA "đã tính tới các thay đổi kinh tế và chính trị, bao gồm những cách tiếp cận theo khuynh hướng thị trường, ảnh hưởng tới việc triển khai" UNCLOS.[3] ISA được trao quy chế quan sát viên ở Liên Hợp Quốc từ tháng 10 năm 1996.[4]
Hiện giờ, ISA có 159 thành viên và Liên minh châu Âu (EU), tức bao gồm tất cả các bên đã tham gia UNCLOS.[1]