Hiệu quả gián cách (tiếng Đức: Verfremdungseffekt) là một thuật ngữ trong nghệ thuật sân khấu được nhà soạn kịch Bertolt Brecht đề xuất, chỉ những biện pháp nhằm ngăn cản khán giả hoà đồng với nhân vật đang được diễn xuất, giữ khán giả ở trạng thái tỉnh táo khi giao lưu với những sự kiện diễn ra trên sân khấu.
Brecht đề xuất ra hiệu quả gián cách sau khi xem một cuộc biểu diễn của đoàn Kinh kịch của Mai Lan Phương tại Moskva năm 1935[1] để miêu tả một cách biểu diễn sân khấu ngăn cản tạo ảo giác đưa khán giả vào một thế giới được tường thuật và không dựa vào xúc cảm của các nhân vật. Brecht cho rằng khán giả cần phải có khoảng cách cảm xúc để nhìn nhận sự việc một cách phê bình và khách quan, trái ngược lại hiệu quả gây ảo giác sân khấu của thể loại kịch thông thường.
Hiệu quả gián cách được thực hiện bằng cách "nghệ sĩ không bao giờ diễn như có một bức tường thứ tư trừ ba bức tường xung quanh anh ta [...] Khán giả không còn có ảo giác là một người xem vô hình trong sự kiện đang xảy ra."[2] Một cách để phá vỡ ảo giác sân khấu và tạo hiệu quả gián cách là trực tiếp nói chuyện với khán giả. Trong lúc diễn xuất, người diễn "tự quan sát mình", và mục đích là "tỏ vẻ xa lạ và ngay cả làm khán giả kinh ngạc."[3] Trên một sàn diễn trống trơn, diễn viên giao lưu với khán giả bằng ngôn ngữ động tác cách điệu mang tính gián cách như nói lối, ngâm vịnh, ca hát, vũ đạo, miêu tả không gian; miêu tả tính cách nhân vật; trần thuật lại diễn biến của các sự kiện trong tích trò.
Bằng cách vạch trần ra và nói rõ những điều ngụy tạo trong nghệ thuật sân khấu, người xem không còn chấp nhận thụ động và không còn xem diễn xuất chỉ là "giải trí". Thay vào đó, khán giả bị bắt buộc phải phân tích và đánh giá những gì mình thấy và không chấp nhận những gì mình xem nhất thiết là những gì đang xảy ra.