Nguyên Quân (chữ Hán: 元均, 478 – 529), hay Thác Bạt Quân (拓跋均), tự Thế Bình, là hoàng thân, quan viên nhà Bắc Ngụy trong lịch sử Trung Quốc.
Ông tổ 5 đời là Bắc Ngụy Đạo Vũ đế.
Ông kỵ là Dương Bình vương Thác Bạt Hi, hoàng tử thứ ba của Đạo Vũ đế.
Ông cụ là Hoài Nam Tĩnh vương Thác Bạt Tha.
Ông nội là Hoài Nam thế tử Thác Bạt Thổ Vạn, mất sớm.
Quân là con trai thứ của Hoài Nam Hi vương Thác Bạt Hiển.
Sau khi Hiếu Văn đế tiến hành Hán hóa, Quân cũng như các thành viên hoàng thất khác, đều chịu đổi sang họ Nguyên. Do triều đình dời đô về Lạc Dương, hoàng thất Bắc Ngụy đều được xem là có hộ tịch ở Lạc Dương.
Quân chưa làm lễ trưởng thành, đã được trừ chức Viên ngoại tán kỵ thị lang. Nhờ là tông thất, Quân sau đó được ra làm Quan Hữu đại sứ. Sau khi về triều, Quân được bái làm Viên ngoại tán kỵ thường thị, Ninh sóc tướng quân; ít lâu sau được chuyển làm Quan quân tướng quân, rồi ra làm Quan Trung đại đô đốc.
Hiếu Trang đế lên ngôi, Quân được trừ chức Chinh lỗ tướng quân, Thông trực tán kỵ thường thị. Nguyên Hạo tiến vào Lạc Dương (529), Quân cùng cháu gọi bằng chú là Nguyên Kính Tiên nổi dậy ở Hà Lương, ủng hộ Hiếu Trang đế. Kính Tiên bị Nguyên Hạo giết chết, nhưng Quân thoát khốn. Hiếu Trang đế hồi loan, luận công, Quân được phong An Khang huyện Khai quốc bá, thực ấp 500 hộ, ít lâu sau được gia chức Tán kỵ thường thị, An đông tướng quân.
Ngày 21 tháng 6 ÂL cùng năm (12 tháng 7), Quân mất tại nhà riêng ở Lạc Dương, hưởng thọ 52 tuổi; được tặng làm Sứ trì tiết, Đô đốc Ký, Thương, U 3 châu chư quân sự, Phiếu kỵ đại tướng quân, Nghi đồng tam tư, Ký Châu thứ sử, thụy là Hiếu Vũ.
Thời Hiếu Minh đế, anh cả của Quân là Nguyên Thế Tuân đảm nhiệm chức Kinh Châu thứ sử, còn ông khi ấy làm Triều Dương thú chủ. Bấy giờ 2 miền nam - bắc quen thói cướp bóc qua lại, nhưng Nguyên Thế Tuân cấm chỉ việc ấy. Ngày 3 tháng 3 ÂL năm ấy có phu nhân của 1 viên thú chủ nhà Lương dạo chơi ven bờ sông Miện, Quân bèn sai bộ khúc bắt cóc đem về. Nguyên Thế Tuân biết được, trách mắng Quân, đem cô ta trả lại cho nhà Lương.
Vợ của Quân là con gái sĩ tộc họ Đỗ ở Kinh Triệu, sử cũ chép bà có sáu con trai, còn văn bia chép bảy con trai, sáu con gái. Đỗ thị mất ngày 21 tháng 7 ÂL năm Thiên Bình thứ 2 (tức 2 tháng 9 năm 535), đến ngày 21 tháng 7 ÂL năm Vũ Định thứ 2 (tức 22 tháng 9 năm 544), được hợp táng với Quân, bên cạnh mộ của Nguyên Hiển, phía tây Nghiệp Thành.
Sử cũ chỉ chép tên ba con trai của Quân: