Bia mộ Hegeso (k.410–400 TCN) là ví dụ hoàn thiện nhất còn sót lại của các bia mộ Attica. Kể từ khoảng năm 450 trở đi, hình ảnh phụ nữ bắt đầu xuất hiện phổ biến hơn trên các lăng mộ Athens do tầm quan trọng dân sự của họ ngày càng được đề cao lúc bấy giờ.[1]
Kể từ những năm 1970, đời sống của phụ nữ ở Athens Cổ điển đã và đang là chủ đề nghiên cứu quan trọng thuộc lĩnh vực hàn lâm cổ điển. Kiến thức về cuộc đời của phụ nữ Athens được lấy từ rất nhiều nguồn. Đa số trong đó là các văn liệu cổ: các vở bi kịch, vở hài kịch, và các bài diễn văn; rồi được bổ khuyết bằng cứ liệu khảo cổ, ví dụ như bảng kim thạch và đồ gốm cổ. Tuy nhiên, tất cả những nguồn đó được tạo bởi — và phần lớn dành cho — riêng đàn ông: không có một nguồn nhân chứng nào là phụ nữ để lại lời thuật về chính cuộc đời họ.
Trẻ em gái ở Athens Cổ điển không được giáo dục khoa cử tử tế, mà thường được mẹ chúng dạy cách đảm đang công việc nội trợ. Con gái Athens được cưới gả khá sớm, thường là với đàn ông lớn tuổi hơn. Sau khi kết hôn, phụ nữ Athens có hai vai trò chính, đó là sinh đẻ và đảm trách nội trợ. Một phụ nữ Athens lý tưởng không lai vãng ở chốn công cộng hoặc giao tiếp với đàn ông không quen biết. Tuy vậy, tư tưởng này chỉ phổ biến ở những gia đình phú quý giàu sang; chứ ở hầu hết các hộ gia đình khác, phụ nữ phải đi chợ cũng như lấy nước để nấu ăn và giặt giũ, công việc mà chắc chắn khiến họ phải tới lui những chốn công cộng và tiếp xúc với người khác.
Về mặt pháp lý, quyền phụ nữ ở Athens Cổ điển cực kỳ hạn chế. Họ bị cấm tiệt tham gia chính sự và không có quyền đại diện cho bản thân trước pháp luật, song điều này có vẻ không áp dụng cho phụ nữ metic. Phụ nữ không được phép trao đổi tiền quá mức đã định, song vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Ở những hộ gia đình nghèo, phụ nữ cũng phải làm việc để kiếm sống. Họ bị hạn chế khả năng sở hữu tài sản, mặc dù được sở hữu của hồi môn, và có khả năng được lĩnh tài sản thừa kế.
Bình diện đời sống dân sự mà phụ nữ Athens được tự do tham gia nhất đó là những việc liên quan đến tâm linh và tôn giáo. Cùng với các buổi lễ dành riêng cho phụ nữ, họ cũng có thể tham dự các buổi lễ có cả đàn ông. Phụ nữ có vai trò rất đáng kể trong Đại lễ Panatheneia hằng năm. Ngoài ra, họ cũng là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh tại gia.
Không thể chối cãi rằng tuyển tập các văn liệu-sách vở hiện có chưa thực sự cho ta một cái nhìn toàn cảnh về xã hội Hy Lạp.
— John J. Winkler, The Constraints of Desire: The Anthropology of Sex and Gender in Ancient Greece[2]
Các nguồn chính về đời sống phụ nữ ở Athens Cổ điển thuộc các lĩnh vực văn học, chính trị, pháp lý,[3] và nghệ thuật.[4] Do phụ nữ được thể hiện khá thường xuyên trong các tác phẩm văn học, có thể lầm tưởng cho rằng ta biết rất nhiều về đời sống và trải nghiệm của phụ nữ Athens thuở xưa.[5] Tuy vậy, số bằng chứng văn học còn tồn tại đều được viết bởi đàn ông: các sử gia không thể nào biết được đức tin và trải nghiệm của phụ nữ Athens Cổ điển.[5] Chính vì thế, nhà nhân học John J. Winkler từng bình chú trong cuốn The Constraints of Desire rằng "phần lớn tư liệu còn sót lại không thể được chấp nhận ngay một cách hời hợt khi chúng nhắc đến phụ nữ".[6]
Theo Sarah Pomeroy, "các vở bi kịch không thể được dùng làm nguồn độc lập cho cuộc đời của một người phụ nữ bình thường"[7] bởi lẽ vị thế của người phụ nữ trong bi kịch bị chi phối bởi vai trò của họ trong các thần thoại cổ xưa mà tác giả lấy cảm hứng.[8] Dẫu vậy, bài luận với nhan đề "The Position of Women in Athens in the Fifth and Fourth Centuries" (1925) của A. W. Gomme vẫn dựa phần lớn vào các nguồn bi kịch, và biện minh rằng các nhân vật nữ trong đó đều phỏng theo phụ nữ đương thời.[9] Tính chính thống của các nguồn hài kịch cũng đã bị đặt nghi vấn. Pomeroy bình rằng, bởi lẽ chúng ít bị ảnh hưởng bởi các thần thoại về anh hùng anh thư, nên có thể coi hài kịch đáng tin cậy hơn bi kịch về mặt sử học.[7] Thế nhưng Gomme cũng cực lực chỉ trích việc lấy Hài kịch Cổ làm bằng chứng cho cuộc sống thường nhật của người xưa "bởi lẽ, theo ông Aristophanes, điều gì mà chẳng xảy ra được".[10]
Nguồn cứ liệu lớn thứ hai ta có thể dựa vào để tái dựng cuộc sống của phụ nữ ở Hy Lạp cổ đại là các thư tịch diễn văn pháp lý. Vì nhiều trong số đó đề cập đến quyền thừa kế tài sản, chúng đóng vai trò là những sử liệu vô giá ghi lại thái độ của người Athens xưa đối với giới tính và gia đình.[11] Tuy vậy, ta vẫn cần phải cẩn trọng khi dùng những nguồn kiểu này bởi lẽ các phiên tòa Athens cổ điển thực chất là "những cuộc đối đầu hùng biện về bản chất",[12] theo đó bộc lộ tư tưởng của người xưa đối với giới tính, gia đình, và nội trợ.[11] Những bài diễn văn này cũng chứa rất nhiều sự tham chiếu, thậm chí trích đoạn, các luật Athens đã thất truyền. Chẳng hạn như bài diễn văn giả-Demosthenes Chống Neaera, trong đó bao gồm luật xử ngoại tình không còn được lưu giữ ở bất kỳ nơi nào khác.[13]
Bằng chứng khảo cổ học và hình tượng học cung cấp cho ta một cái nhìn sâu sắc hơn hẳn bằng chứng văn tịch. Nghệ nhân Athens xưa kia được biết là cũng bao gồm cả tầng lớp metic.[14] Một số sản phẩm nghệ thuật có thể được tạo ra bởi phụ nữ và trẻ em.[14]
Nghiên cứu về phụ nữ thời cổ đại bắt đầu được phổ biển vào những năm 1970, ngay sau sự lan tỏa làn sóng thứ hai của chủ nghĩa nữ quyền. Simone de Beauvoir là nhân vật nổi bật, đã góp phần tạo nên làn sóng nữ quyền này thông qua các phân tích về cuộc đời phụ nữ cổ kim trong danh tác Giới tính hạng hai.
Trước thế kỷ 20, trong một số trường hợp muộn tới tận những năm 1940, các nhà sử học vẫn thường chỉ hời hợt xem xét sử liệu để rút ra những kết luận về cuộc sống của phụ nữ.[15] Phải tới giữa thế kỷ 20 thì phương pháp nghiên cứu mới có nhiều tiến triển.
Trẻ em gái ở Athens xưa kia thường chơi búp bê để giải trí. Plangon, cô bé được khắc họa trên bia đá này, đang cầm một con búp bê bên tay phải.
Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Athens cổ điển rất cao; ước tính xấp xỉ 25% ngay lúc sinh và không lâu sau lúc sinh.[16] Ngoài rủi ro sảy thai, người Athens xưa còn có tập tục giết trẻ sơ sinh; theo Sarah Pomeroy, bé gái thường bị giết bỏ nhiều hơn là bé trai.[17] Donald Engels biện luận rằng tỉ lệ giết bé gái cao là điều "bất khả dĩ về mặt nhân khẩu",[18] song nhiều nhà nghiên cứu đã bác bỏ lập luận này.[19][chú thích 1] Tuy các học giả đã nỗ lực xác định chính xác tỉ lệ giết trẻ gái sơ sinh, Cynthia Patterson cho rằng cách tiếp cận này là lầm lối; thay vào đó bà mong muốn các học giả tìm hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của tập tục này đối với xã hội Athens, cũng như các ảnh hưởng nó đối với xã hội ấy.[21]
Janet Burnett Grossman nhận thấy rằng bé gái cũng có vẻ được tưởng niệm thường xuyên như bé trai trên các bia mộ Attic còn sót lại, song nhiều học giả trước đó khẳng định bé trai được tưởng niệm thường xuyên gấp hai lần.[22] Nếu sống sót qua giai đoạn sơ sinh, trẻ em ở Athens cổ điển sẽ được đặt tên trong một nghi lễ (dekate) kéo dài mười ngày sau sinh.[23] Các lễ mừng tuổi về sau thường xoay quanh bé trai nhiều hơn.[24]
Trẻ em gái ở Athens cổ điển bắt đầu có kinh nguyệt khi lên 14 tuổi, cũng là thời điểm chúng xuất giá.[25] Người Athens xưa thương tiếc những bé gái mất trước tuổi lấy chồng vì chưa kịp chạm mốc trưởng thành. Các bình tùy táng dành cho trẻ em gái ở Athens cổ điển thường khắc họa chúng vận đồ cưới, và thường được chế tạo theo kiểu mẫu loutrophoroi - dạng bình đựng nước để dội tắm trước đám cưới.[26]
Hôn nhân được coi là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của một phụ nữ Athens. Chiếc hộp trong hình, gọi là pyxis, được dùng để đựng trang sức hoặc mỹ phẩm của phụ nữ. Chiếc hộp đây được trang trí cảnh rước dâu điển hình ở Athens thời cổ.
^Ví dụ, Mark Golden chỉ ra rằng lập luận của Engels cũng có thể được áp dụng cho các xã hội tiền công nghiệp có tục giết trẻ gái sơ sinh khác trên thế giới, do vậy điều đó không thể nào hợp lý được.[20]
Akrigg, Ben (2015). "Metics in Athens". Trong Taylor, Claire; Vlassopoulos, Kostas (biên tập). Communities and Networks in the Ancient Greek World. Oxford: Oxford University Press. ISBN9780198726494.
Burkert, Walter (1992). "Athenian Cults and Festivals". Trong Lewis, David M.; Boardman, John; Davis, J. K.; và đồng nghiệp (biên tập). The Cambridge Ancient History. Quyển V (ấn bản thứ 2). Cambridge: Cambridge University Press. ISBN9780521233477.
Cantarella, Eva (2005). "Gender, Sexuality, and Law". Trong Gagarin, Michael; Cohen, David (biên tập). The Cambridge Companion to Greek Law. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN9780521521598.
Cohen, David (1989). "Seclusion, Separation, and the Status of Women in Classical Athens". Greece & Rome. Quyển 36 số 1. tr. 3–15. doi:10.1017/S0017383500029284.
Cohn-Haft, Louis (1995). "Divorce in Classical Athens". The Journal of Hellenic Studies. Quyển 115. tr. 1–14. doi:10.2307/631640. JSTOR631640.
Davis, J. K. (1992). "Society and Economy". Trong Lewis, David M.; Boardman, John; Davis, J. K.; và đồng nghiệp (biên tập). The Cambridge Ancient History. Quyển V (ấn bản thứ 2). Cambridge: Cambridge University Press. ISBN9780521233477.
Dillon, Matthew (2002). Girls and Women in Classical Greek Religion. New York: Routledge. ISBN0415202728.
Dover, K. J. (1973). "Classical Greek Attitudes to Sexual Behaviour". Arethusa. Quyển 6 số 1.
Foxhall, Lin (2005). "Pandora Unbound: A Feminist Critique of Foucault's History of Sexuality". Trong Cornwall, Andrea; Lindisfarne, Nancy (biên tập). Dislocating Masculinity. London: Routledge. ISBN0203393430.
Gagarin, Michael (2003). "Telling Stories in Athenian Law". Transactions of the American Philological Association. Quyển 133 số 2. tr. 197–207. doi:10.1353/apa.2003.0015. S2CID159972377.
Garland, Robert (2013). "Children in Athenian Religion". Trong Evans Grubbs, Judith; Parkin, Tim (biên tập). Oxford Handbook of Childhood and Education in the Classical World. Oxford: Oxford University Press. ISBN9780199781546.
Goldhill, Simon (1994). "Representing Democracy: Women at the Great Dionysia". Trong Osborne, Robin; Hornblower, Simon (biên tập). Ritual, Finance, Politics: Athenian Democratic Accounts Presented to David Lewis. Wotton-under-Edge: Clarendon Press. ISBN9780198149927.
Gould, John (1980). "Law, Custom and Myth: Aspects of the Social Position of Women in Classical Athens". The Journal of Hellenic Studies. Quyển 100. tr. 38–59. doi:10.2307/630731. JSTOR630731.
Grossman, Janet Burnett (2007). "Forever Young: An Investigation of Depictions of Children on Classical Attic Funerary Monuments". Hesperia Supplements. Quyển 41.
Katz, Marylin (1998a). "Did the Women of Ancient Athens Attend the Theatre in the Eighteenth Century". Classical Philology. Quyển 93 số 2. tr. 105–124. doi:10.1086/449382. S2CID161587459.
Oakley, John H. (2013). "Children in Archaic and Classical Greek Art: A Survey". Trong Evans Grubbs, Judith; Parkin, Tim (biên tập). Oxford Handbook of Childhood and Education in the Classical World. Oxford: Oxford University Press. ISBN9780199781546.
Patterson, Cynthia B. (1985). ""Not Worth the Rearing": The Causes of Infant Exposure in Ancient Greece". Transactions of the American Philological Association. Quyển 115.
Patterson, Cynthia (1987). "Hai Attikai: The Other Athenians". Trong Skinner, Marylin B. (biên tập). Rescuing Creusa: New Methodological Approaches to Women in Antiquity. Lubbock, Texas: Texas Tech University Press. ISBN9780896721494.
Patterson, Cynthia (2007). "Other Sorts: Slaves, Foreigners, and Women in Periclean Athens". Trong Sammons, Loren J., II (biên tập). The Cambridge Companion to the Age of Pericles. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN9780521807937.{{Chú thích sách}}: Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách biên tập viên (liên kết)
Pomeroy, Sarah B. (1994). Goddesses, Whores, Wives, and Slaves: Women in Classical Antiquity. London: Pimlico. ISBN9780712660549.
Pomeroy, Sarah B. (2002). Spartan Women. Oxford: Oxford University Press. ISBN9780195130676.
Rhodes, P. J. (1992). "The Athenian Revolution". Trong Lewis, David M.; Boardman, John; Davis, J. K.; và đồng nghiệp (biên tập). The Cambridge Ancient History. Quyển V (ấn bản thứ 2). Cambridge: Cambridge University Press. ISBN9780521233477.