Vyadhapura (tiếng Phạn: व्याधपुर, Vyādhapura) là một đô thị cổ đại, có lẽ từng là kinh đô của vương quốc Phù Nam thời kỳ sơ khai, được giới khảo cổ xác định là tọa lạc tại huyện Ba Phnum ngày nay[1][2].
Các thư tịch cổ của Trung Hoa có chép rằng thành Đặc Mục (tức là Vyadhapura) nằm cách bờ biển chừng 120 km. Theo nhà nghiên cứu George Coedès, thành Vyadhapura (Pura: Thành phố, Vyād: Người đi săn) ở gần ngọn núi Ba Phnum[3] ở làng Banam, thuộc tỉnh Prey Veng (Campuchia) ngày nay.
Vào thế kỷ 3, Vyadhapura đã phát triển thành một đại đô thị được bao quanh bởi những bức tường gạch cho mục đích phòng thủ, với những ngôi nhà và cung điện được xây dựng bằng gạch và thạch cao. Nó được nối kết với vịnh Thái Lan và các đô thị nằm sâu trong lục địa bằng cách tận dụng các kênh rạch tự nhiên và miền đồng bằng rộng rãi. Các dòng kênh đủ lớn để chứa tàu biển. Hệ thống thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cần thiết để duy trì sự gia tăng dân số.
Khác với Kottinagar là trung tâm thương mại của toàn bộ bán đảo Trung Ấn, Vyadhapura từng có vai trò là trung tâm văn hóa của khu vực này cho đến khi vương quốc Phù Nam sụp đổ. Rất lâu sau thời kỳ Phù Nam, ký ức về sự vĩ đại của đô thị này đã trở thành cội nguồn cho niềm tự hào của các nhà cai trị Đế quốc Khmer, họ cố gắng tiếp nối di sản lớn lao này của vương quốc Phù Nam.