Phạm Văn Út

Phạm Văn Út
Chủ tịch Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa thứ 3
Nhiệm kỳ
4 tháng 4 năm 1975 – 30 tháng 4 năm 1975
Tiền nhiệmNguyễn Bá Cẩn
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ
Dân biểu Việt Nam Cộng hòa pháp nhiệm II
Nhiệm kỳ
31 tháng 10 năm 1971 – 30 tháng 4 năm 1975
Phục vụ cùng
  • Hoàng Thông
  • Hồ Văn Xuân
  • Son Thị
Tiền nhiệm
  • Trần Duy Từ
  • Nguyễn Ðạt Dàn
  • Tangba Xuân
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ
Khu vực bầu cửBa Xuyên[1]
Thông tin cá nhân
Sinh(1925-11-11)11 tháng 11 năm 1925[2]
Sa Đéc, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất20 tháng 4 năm 2002(2002-04-20) (76 tuổi)[3]
Loveland, Colorado, Hoa Kỳ
Nơi an nghỉSa Đéc, Việt Nam
Quốc tịch Hoa Kỳ
 Việt Nam Cộng hòa
Đảng chính trịĐộc lập
Đảng khác Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội (Liên minh chính đảng)
Phối ngẫu
Thuy Thu
(cưới 1965⁠–⁠mất2002)
Con cái7 (3 trai; 4 gái)
Alma materTrường Bộ binh Thủ Đức
Tôn giáoPhật giáo
Phục vụ trong quân đội
Thuộc Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ
Cấp bậc Đại Tá

Phạm Văn Út (11 tháng 11 năm 1925 – 20 tháng 4 năm 2002) là sĩ quan quân đội và chính khách Việt Nam Cộng hòa, từng giữ chức Chủ tịch Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa cuối cùng từ ngày 4 tháng 4 năm 1975 cho đến khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông được bầu làm Dân biểu pháp nhiệm II đơn vị Ba Xuyên trong cuộc bầu cử năm 1971.[1] Trước khi tham gia chính trường, ông từng là Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.[4]

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thân thế và học vấn

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Văn Út sinh ngày 11 tháng 11 năm 1925, cha tên Phạm Văn So và mẹ là Hồ Thị Định, tại Sa Đéc, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương.[2] Trước khi trở thành sĩ quan quân đội, ông từng nhập học Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau khi hoàn thành chương trình học và huấn luyện quân sự, ông bắt đầu phục vụ trong Quân đội Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào năm 1955. Trong suốt quãng đời binh nghiệp của mình, ông từng đóng quân tại Sân bay Sóc Trăng.[5]

Sự nghiệp chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi rời khỏi quân ngũ, ông tham gia chính trường và trở thành tỉnh trưởng ba tỉnh và được bầu trong cuộc tuyển cử năm 1971 trên cương vị là Dân biểu pháp nhiệm II đơn vị Ba Xuyên.[1] Ngày 4 tháng 4 năm 1975, sau khi Chủ tịch Hạ nghị viện Nguyễn Bá Cẩn từ chức để lên làm thủ tướng theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, riêng ông thì được bầu làm Chủ tịch Hạ nghị viện. Trong nhiệm kỳ của mình tại Hạ nghị viện, ông là Trưởng khối Cộng hòa, bao gồm một nhóm dân biểu thân chính phủ, luôn ủng hộ chế độ của Tổng thống Thiệu.[6] Ngày 27 tháng 4 năm 1975, khi các thành viên của lưỡng viện Quốc hội họp để bỏ phiếu chấp thuận Tổng thống Trần Văn Hương chuyển giao ghế tổng thống cho cựu Tướng Dương Văn Minh, ông lại là dân biểu duy nhất dám bỏ phiếu phản đối đề xuất này.[7]

Lưu vong sang Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 29 tháng 4 năm 1975, một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ, ông cùng vợ con đã chạy trốn kịp thời đúng lúc Quân Giải phóng miền Nam Việt NamQuân đội Nhân dân Việt Nam đang tiến quân vào nơi đây, họ được trực thăng chở đến một con tàu của Mỹ đang đậu tại Biển Đông.[5] Sau đó, chiếc tàu này thả họ xuống Philippines, thế rồi ông bắt đầu cố gắng liên lạc với nhiều người quen ở Mỹ để giúp cả nhà mình di cư sang Mỹ. Ngay sau đó, họ được phép nhập cảnh vào nước Mỹ với tư cách là người tị nạn sau khi một Nhà thờ Giáo hội Luther ở Greeley, Colorado nhận bảo trợ cho gia đình ông.[5] Trước tiên ông định cư tại Greeley, Colorado vào năm 1975 rồi về sau mới chuyển đến Loveland, Colorado vào ngày 19 tháng 5 năm 1979, nơi ông sinh sống cho đến hết phần đời còn lại.[2] Ông làm việc cho hãng Hewlett-Packard trong suốt 15 năm và nghỉ hưu vào năm 1992.[2] Ông còn là thành viên thuộc Hiệp hội Từ thiện người Việt Quốc gia tại Colorado và Hiệp hội Người Việt Cao tuổi tại Colorado.

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Văn Út kết hôn với bà Thủy Thu và có bảy người con (3 con trai; 4 con gái). Ông còn là Phật tử.[2] Ông đam mê câu cá, đạp xe, du lịch và dành thời gian cho bạn bè và gia đình.[2]

Ông qua đời ngày 20 tháng 4 năm 2002 tại Loveland, Colorado.[3] Di hài được người thân đem hỏa táng và tro cốt thì gửi về nơi chôn cất của gia đình tại Sa Đéc, Việt Nam.[2]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c “Public Administration Bulletin, Vietnam” (PDF) (bằng tiếng Anh). 1 tháng 12 năm 1971. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
  2. ^ a b c d e f g “Obituaries: Cornelia Mitzel, Ut Pham, Gladys Williams”. greeleytribune.com (bằng tiếng Anh). 26 tháng 11 năm 2002. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
  3. ^ a b “Pham Ut Obituary (2002) - Denver, CO - Denver Post”. legacy.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
  4. ^ “Đại tá Phạm Văn Út”. nguyentin.tripod.com. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
  5. ^ a b c “A Doctor's Vietnam Journal” (bằng tiếng Anh). 26 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
  6. ^ “Daily Report Asia & Pacific Issues 7-18” (bằng tiếng Anh). 10 tháng 1 năm 1974. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
  7. ^ “Trung tướng Phan Trọng Chinh, sống chiến đấu hy sinh, chết im lặng!”. Saigon Nhỏ News. 5 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
Chức vụ chính trị
Tiền nhiệm:
Trần Duy Từ
Nguyễn Ðạt Dàn
Tangba Xuân
Dân biểu Việt Nam Cộng hòa đơn vị Ba Xuyên
1971–1975
Kế nhiệm:
Chức vụ bãi bỏ
Tiền nhiệm:
Nguyễn Bá Cẩn
Chủ tịch Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa
1975
Kế nhiệm:
Chức vụ bãi bỏ