Là một người hướng nội điển hình, hay dành nhiều thời gian cho bản thân và ít ra ngoài. Cho nên mình gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Đặc biệt với tính cách hướng nội thích ở một mình xem phim, nghe nhạc, đọc sách và tập thể thao thì chắc chắn là phần tương tác xã hội là rất ít và đương nhiên hệ quả là kỹ năng giao tiếp không được luyện tập nhiều.
Vấn đề sẽ không là gì nhưng mình dần nhận ra 2 điều:
- Chúng ta đang sống trong một tập thể, lớn hơn là xã hội, việc tương tác và giao tiếp là hoàn toàn cần thiết. Bạn không cần phải nói nhiều, nhưng chí ít mình tin là việc có kỹ năng giao tiếp sẽ vẫn tốt hơn cho công việc và cuộc sống của bạn.
- Giao tiếp là một loại kỹ năng, người ta gọi là kỹ năng giao tiếp, bạn A có kỹ năng giao tiếp tốt, không ai bảo là bạn A bẩm sinh giao tiếp tốt cả. Có chăng thứ mà mọi người cho là "bẩm sinh" đó có thể là ăn nói có duyên,hài hước hay khéo léo. Tức giao tiếp là kỹ năng có thể luyện được, dù bạn cũng không cần quá khéo léo, có duyên hay hài hước, nhưng trước mắt nếu bạn muốn rèn luyện nó thì hoàn toàn có thể.
Bài viết này xin chia sẻ với các bạn một vài cách mà mình đã sử dụng để cải thiện việc giao tiếp của mình. Tất nhiên, mình không phải là bậc thầy giao tiếp thay đổi hàng triệu người nhưng có những cái mình đã áp dụng và thấy hiệu quả, mình tin là nó có thể chạm đến một số bạn và giúp bạn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Mình cũng muốn nói rằng các bạn cũng không cần phải trở thành bậc thầy giao tiếp, nhưng nếu bạn đang cảm thấy bạn là một người hướng nội thực sự gặp khó khăn trong việc giao tiếp và muốn cải thiện nó, thì đây là bài viết dành cho bạn. Còn nếu bạn hài lòng với sự dè dặt của bản thân hiện tại, thì cũng không sao cả, người ít nói chưa chắc là người nói dở, chỉ là họ thích lắng nghe nhiều hơn. Hoặc trừ khi bạn đang ở trong phòng giam biệt lập, thì kỹ năng giao tiếp chắc có lẽ chưa cần tới, mình đùa thôi.
Người ít nói chưa chắc là người nói dở, chỉ là họ thích lắng nghe nhiều hơn.
Mình đã từng gặp khó khăn trong giao tiếp đến mức, vào năm lớp 11, mình đã phải ra nhà sách mua sách dạy về giao tiếp và thực hành nó trong những lần đi xe buýt. Mình không thể quên được tên cuốn sách đó: 90s để thu hút bất kỳ ai, cuốn sách đầu đời cho mình những kiến thức để rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Thế tại sao lại luyện tập trên xe buýt? Vì mỗi lần đi xe buýt là gặp những người khác nhau, lỡ có "quê độ" thì mình sẽ không phải sợ vì biết là sẽ khó để gặp người đó lần hai. Và kết quả thực sự là quê độ rất nhiều và không ít lần mở mồm ra nói những thứ vô duyên, ước gì lúc đó xe buýt dừng lại luôn cho mình chui xuống gầm xe. Nhưng bù lại, qua thời gian rèn luyện, mình không những nâng cao được khả năng giao tiếp mà còn học được cách chủ động bắt chuyện với người lạ, vì trên xe buýt mà muốn bắt chuyện thì tự mình phải chủ động chứ không ai rảnh mà tiến tới hỏi chuyện với bạn cả.
Những lợi ích mình thấy sau khi kỹ năng giao tiếp được thui rèn, là mình đã có thêm những người bạn mới, mình đã có khả năng chia sẻ và bày tỏ quan điểm trước mọi người một cách mạch lạc và rõ ràng, mình đã có thể đứng thuyết trình trước hội trường hàng trăm người( điều mà trước đây là ác mộng với người hướng nội như mình).
Nào ta bắt đầu thôi:
Đầu tiên, bạn phải hiểu là việc ít nói không có gì là sai cả.
Đúng là như vậy, ngày xưa mình nghĩ bản thân thật tệ hại khi không thể thao thao bất tuyệt kể về một câu chuyện nào đó trong một nhóm bạn. Cái suy nghĩ ấy cứ gặm nhấm mình và khiến mình càng suy nghĩ tiêu cực hơn. Mình đã quên đi rằng, thực ra sức mạnh của mình không phải là nằm ở việc phải nói cho nhiều, mà là sự quan sát, thấu cảm và lắng nghe. Thậm chí, mình còn hiểu rằng nói ít hay nhiều không phải là vấn đề, vấn đề là nói cái gì, bởi nếu thứ bạn nói nhiều mà nông, mà không trúng ý mọi người thì thành ra bạn lại gây khó chịu cho mọi người xung quanh. Thì đây lại là điểm mạnh của người hướng nội, chính vì họ quan sát, lắng nghe và thấu cảm, nên những lời nói của họ sâu sắc và nhận được sự tin tưởng của mọi người. Đặc biệt, họ nói ít nhưng gãi đúng chỗ ngứa, và điều này khiến những người xung quanh yêu thích họ. Mà ai bảo là người hướng nội là phải nói ít? Thử cho họ gặp trúng người và trúng chủ đề xem, thì bạn hãy chuẩn bị ngay bia và lạc ngồi cả ngày nghe họ nói nhé.
Thứ hai, cách để giao tiếp hiệu quả hơn
1. Luôn đặt bản thân trong trạng thái đón nhận những phản hồi của mọi người, luyện tập và luyện tập
Lần tới khi phải nói chuyện với bất kỳ ai, hãy thả lỏng bản thân và tin rằng họ cũng ngại như bạn cả thôi. Thật sự là như vậy, bạn nghĩ là mình ngại giao tiếp nhưng thực ra người hướng ngoại cũng vậy, gặp người mới là ai cũng ngại cả. Nên hãy yên tâm và thoải mái với mọi cuộc nói chuyện, vì tệ nhất là lần sau bạn có thể bắt chuyến xe buýt mới, chả sao cả, quan trọng là mỗi lần mở lòng ra hơn và dám chia sẻ câu chuyện của bạn, dù nó fail thì bạn cũng có cho bản thân một bài học, từ đó bạn sẽ tiến bộ hơn trong lần sau.
2. Đặt câu hỏi mở
Lợi thế của bạn là khả năng lắng nghe và quan sát, khi nghe ai đó kể về câu chuyện của họ, hãy nhớ những điểm quan trọng trong câu chuyện và đặt câu hỏi mở. Tức là các câu hỏi như Cái gì, Tại sao, Như thế nào, Ở đâu chứ không phải là các câu hỏi yes,no sẽ khiến bạn dễ nhận được các câu trả lời yes, no khiến cuộc nói chuyện sẽ bị ngừng lại. Vì vậy, thay vì lần tới đặt câu hỏi:
- Bạn ăn cơm chưa?
- Rồi, tớ vừa ăn.
- à ừm, thế bạn no không?
- Cũng no lắm.
...
Thì hãy hỏi là:
- Trưa nay bạn ăn gì thế ?
- Tớ ăn gà kho gừng của cô út mập ấy.
- Nghe ngon vậy, thế bạn ăn ở đâu, chỉ chỗ cho mình với?
- Bạn ghé quán cô út mập ngay đầu đường Nguyễn trãi á, bao ngon luôn, còn rẻ nữa.
...
Bạn có tin không nhưng nếu bạn đặt đúng câu hỏi mở ở đúng chỗ, mà gặp đúng người nữa thì họ có thể nói cả ngày với bạn. Lúc này, thì bạn không cần phải làm gì nhiều, nghe thôi và gật gật. Cuối buổi thì bạn mặc nhiên được xem là người giao tiếp tốt dù bạn còn chẳng cần nói gì nhiều. Vì mọi người thích được lắng nghe mà.
3. Mạnh dạn chia sẻ quan điểm bản thân
Dù quan điểm của bạn có dị đến đâu, khác biệt thế nào hay bạn nghĩ là nó dở như thế nào, cứ mạnh dạn chia sẻ nó ra. Vì chắc chắn mọi người xung quanh cũng sẽ muốn nghe quan điểm của bạn, vì bạn cứ im mãi họ sẽ rất khó để hiểu bạn, và như thế thì những lần sau họ cũng sẽ dè chừng bạn hơn vì họ được bạn dạy cho rằng: có hỏi gì thì nó cũng im im, vậy thôi khỏi nói chuyện cho đỡ mất công. Có thể, những lần đầu, bạn sẽ gặp những khó khăn vì cách nói chưa phù hợp, ngôn từ có vấn đề, tone giọng nghe buồn ngủ, ý tưởng chưa mạch lạc, ... nhưng rồi hãy quay lại điều 1 là đón nhận phản hồi. Vì những lần sau chắc chắn bạn sẽ rút kinh nghiệm từ các lần sai đó và trở nên cứng cáp hơn. Chí ít thì là như vậy, hãy nghĩ đến việc bạn không bao giờ chịu chia sẻ góc nhìn của mình và bạn mãi mãi không bao giờ có cái gì để rút kinh nghiệm.
4. Hãy luôn học hỏi
Tức là hãy học hỏi, quan sát nhiều vấn đề hơn ngoài các vấn đề bạn đang quan tâm, không cần quá sâu, chỉ để biết thôi cũng được. Một vấn đề của người hướng nội là vì ở một mình nhiều nên có nhiều thời gian nghiên cứu sâu một vấn đề nào đó, và đôi khi ra xã hội thường thấy các câu chuyện ngoài kia hơi "nhạt" theo kiểu mọi người hay đùa nhau về thời trang, thời tiết, cô ca sĩ này anh diễn viên kia,... Thường trong đầu bạn hay có suy nghĩ là: Ôi tưởng gì, tao còn biết sâu hơn, kỹ hơn mà tao không nói thôi. Đấy là một suy nghĩ hết sức sai lầm, vì chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ biết một thứ gì đó bạn không biết, chả ai là tài giỏi hết tất cả được đâu. Giả sử như các câu chuyện của đám bạn có hơi "nhạt", sao bạn biết được ở một lúc nào đó, họ cũng có câu chuyện sâu sắc riêng, chỉ là họ chưa thể hiện trước mặt bạn thôi. Và khi bạn hoà vào cùng với mọi người, cũng không có nghĩa là bạn nhạt, chỉ là đó là một cái điểm chung nào đó để số đông mọi người có thể góp chuyện cùng nhau. Kể cả có những lúc bạn chia sẻ cái mà một mình bạn biết, mọi người không góp chuyện được, thì thành ra bạn lại làm cho đám đông dễ rơi vào khoảng lặng vì họ không biết góp chuyện với bạn thế nào. Tất nhiên là vẫn có những lúc bạn toả sáng vì nói ra một thứ có một mình bạn biết, nhưng mình nghĩ là do sự linh động, biết khi nào nên nói, khi nào không.
Đồng thời, đọc sách, xem video và trải nghiệm những thứ mới mẻ cũng là cách có thêm thông tin. Ở một khía cạnh khác thì có những bạn hướng nội sẽ không biết nên nói về cái gì, thì việc mở rộng kiến thức, có cho mình thêm những sở thích riêng để có thể biến chúng thành chủ đề cho các cuộc nói chuyện.
5. Không phải lúc nào cũng cần phải nói
Bạn không cần phải tỏ vẻ là người nói nhiều mới có thể hấp dẫn người khác, nếu bạn không tin thì cứ nhìn xung quanh, sẽ vẫn có người nói rất nhiều nhưng vô duyên vô cùng. Khi cảm thấy mình chưa có đủ thông tin, tâm trạng đang không tốt hay chưa cảm thấy phù hợp thì cũng không cần phải nói. Hãy chờ để khi bạn bắt được nhịp và nói những gì bạn cảm thấy thực sự quan trọng, thế là đủ. Điều tai hại nhất là cố tỏ ra vẻ thông thái trong khi bạn đang trống rỗng thì nó lại là cuộc tấu hài nhiều hơn cuộc nói chuyện.
6. Ra ngoài nhiều hơn
Chắc chắn rồi, nếu không ra ngoài và bắt chuyện với mọi người, thì làm sao bạn có thể rèn luyện được kỹ năng giao tiếp cơ chứ. Đừng làm bản thân hoảng sợ bằng cách ra ngoài và bắt chuyện bừa bãi, bạn có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ, đó là tập giao tiếp trong những nhóm học tập, hay là các câu lạc bộ bao gồm những người có cùng sở thích. Và xin nhắc lại, nếu có fail thì bạn hoàn toàn có thể xuống xe buýt và bắt một chuyến khác, làm đi làm lại cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng.
Cuối cùng thì, đối với mình, người hướng nội mà ít nói thì chả phải là vấn đề gì ghê ghớm cả. Nó chỉ là vấn đề khi mà bạn nghĩ là nó có vấn đề mà thôi. Như mình đã nói ở trên, nếu bạn thấy hoàn toàn ổn, thì hãy tiếp tục cuộc sống của mình. Nhưng nếu bạn bắt đầu thấy đã đến lúc cần trau dồi kỹ năng giao tiếp của mình, thì mình nghĩ bạn nên ra ngoài kia và bắt thử 1 chuyến xe buýt.
Be simple.