Bạn đang đầu tư (investing) hay là đánh bạc (gambling)?

Đầu tư hay đánh bạc trên thị trường tài chính là hai khái niệm có nhiều điểm tương đồng, trong đó cả hai đều liên quan đến lợi nhuận và rủi ro. Rất nhiều người tham gia vào thị trường tài chính với mục đích là đầu tư tuy nhiên họ không thực sự hiểu rằng những hành động “đầu tư” của họ thực chất cũng chỉ tương đương với một hình thức “đánh bạc/đánh cược”- gambling. Sự khác biệt lớn nhất giữa “đầu tư” và “đánh bạc” là khả năng đạt được lợi nhuận trong dài hạn.
 
Bài viết này mục đích cung cấp cho các bạn đã và đang đầu tư trên thị trường tài chính một góc nhìn để cùng đánh giá lại quá trình đầu tư của bạn thực sự là gì?
 

1. Đánh bạc có kiến thức


Edward Thorp, nhà toán học, nhà đầu tư huyền thoại và là người đánh bại mọi thị trường có một câu nói nổi tiếng: “Đánh bạc mà có kiến thức sẽ là đầu tư, đầu tư mà không có kiến thức sẽ là đánh bạc”. Ông đã áp dụng các nguyên tắc toán học vào việc đánh bại các hệ thống chơi bài tại sòng bạc, từ đó thu được lợi nhuận lớn. Phương pháp Đếm bài Blackjack do ông sáng tạo ra cho phép người chơi dự đoán khá chính xác khả năng thắng trong trò chơi và tăng cơ hội giành lợi thế lên phía người chơi. Áp dụng phương pháp này với số ván bài đủ lớn, khi tỉ lệ thắng của trò chơi Blackjack bạn tính toán được >51% cho đến 52.5%, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận khổng lồ. (Chi tiết hơn, bạn có thể xem bộ phim Twenty one - 2008).
 
Còn nếu không có “Kiến thức”, cụ thể trong ví dụ trò chơi Blackjack là Phương pháp Đếm bài, thì xác suất thắng của một người chơi bình thường là 49.65% . Với những trò chơi có xác suất thắng dưới 50%, bạn càng chơi thì về lâu dài, bạn sẽ chỉ mất tiền mà thôi. Ở đây sẽ gọi là “đánh bạc” không có kiến thức.

Hình ảnh Edward Thorp tại sòng bạc ở Las Vegas

Qua ví dụ trên, câu hỏi bạn có thể tự đặt ra là: Liệu “kiến thức” của bạn có đủ để biến trò chơi “đánh bạc” trở thành “đầu tư” hay không? Và ngược lại, “kiến thức” của bạn trong “đầu tư” liệu có đủ tốt để vượt lên khỏi “đánh bạc”.

*Disclaim: Mình đưa ra ví dụ thực tế ở Mỹ để giải thích luận điểm, không có ý nghĩa khuyến khích người đọc tham gia vào hoạt động đánh bạc phi pháp.

2. Đầu tư không có kiến thức là đánh bạc


Thị trường tài chính ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi nhà đầu tư (NDT) phổ thông phải có thêm nhiều kiến thức để đánh bại thị trường và tìm kiếm lợi nhuận bền vững. Đối với thị trường chứng khoán, mặc dù là một kênh đầu tư hợp pháp, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, và được khẳng định ở rất nhiều quốc gia qua nhiều năm, tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng đầu tư chứng khoán là “đánh bạc”.
 
Thị trường chứng khoán ở Việt Nam là thị trường trẻ, có hàng triệu nhiều nhà đầu tư là nhỏ lẻ, mới gia nhập thị trường, bùng nổ năm 2022 là hơn 1.5 triệu tài khoản mở mới. Phần lớn những nhà đầu tư F0 này tham gia thị trường nhưng chưa có kiến thức đầy đủ về Tài chính, về cổ phiếu, về đầu tư; và họ đầu tư theo kiểu bầy đàn dựa trên khuyến nghị của một người/ nhóm nào đó được xem là “Uy tín”. Sau năm 2021 tăng trưởng lợi nhuận dễ dàng, năm 2022 là bài test Kiến thức đối với những nhà đầu tư mới, khi VN-Index giảm mạnh hơn 35%. Rất nhiều NDT đã rơi vào cảnh thua lỗ, cháy tài khoản và lại quay về với cát bụi. Điển hình là các NDT đu đỉnh, ôm vào những cổ phiếu rác như TGG, ROS, AGM… Lúc đó họ mới nhận ra là với sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức, với lòng tham và sự thiếu nghiêm túc, đầu tư cũng chỉ là một trò “đánh bạc”.
 
Những sản phẩm tài chính phức tạp, có tính chất “đánh bạc”, được nghiên cứu bởi Newall và Weiss-Cohen (2022) được mô tả như “được thiết kế để giảm tỷ lệ các nhà đầu tư sử dụng nó mà có thể kiếm được lợi nhuận lâu dài”. Những sản phẩm tài chính đó bao gồm: giao dịch chứng khoán/chỉ số với tần suất cao (High-frequency trading), công cụ phái sinh rủi ro cao (High-risk derivatives). Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 5% NDT giao dịch hàng ngày (daily traders) là có lãi. Như vậy, tỷ lệ thắng của những NDT trung bình trên thị trường này thấp hơn rất nhiều con số 50%. Đối với những NDT phổ thông - không đủ “kiến thức”, những sản phẩm tài chính phức tạp ở Việt Nam như đầu tư chứng khoán phái sinh, hay đầu tư vào Chứng quyền, vì độ phức tạp của sản phẩm tài chính đó, tính ngẫu nhiên và bất thường của chuyển động giá và mức phí giao dịch cao… cũng chỉ là những sản phẩm thiết kế với nguyên tắc từ “đánh bạc”.
 

Kiến thức là thứ biến sản phẩm “đánh bạc” trở thành “đầu tư”. Vậy kiến thức đó là gì? Có thể trang bị cụ thể như thế nào? Đây là câu hỏi mà không phải NDT nào cũng có thể trả lời được. Rất nhiều NDT rất nghiêm túc, chăm chỉ học tập và trang bị kiến thức để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, họ rơi vào những cái bẫy kiến thức cơ bản, tự tin thái quá trước những kiến thức họ học được và cho rằng điều đó có thể giúp họ đánh bại được thị trường. 1 NDT học về phân tích kỹ thuật, mua bán theo 1 chỉ báo RSI -Relative Strength Index, chỉ số sức mạnh tương đối - rất phổ biến trên thị trường. Nghe qua có vẻ bài bản, nhưng thực tế chỉ báo RSI có năng lực dự báo tương đối thấp, xác suất thắng chỉ khoảng 45% (theo nghiên cứu Backtest của tôi). Họ đầu tư theo 1 hay vài chỉ báo cơ bản, và lâu dần, họ mất tiền theo thời gian để rồi khi thua lỗ nặng trong 1 thị trường Downtrend họ mới nhận ra “chúng tôi giờ mới biết chúng tôi không biết gì” trong đầu tư chứng khoán.

Vậy “Kiến thức” như thế nào là đủ để đánh bại thị trường và mang lại lợi nhuận dài hạn? Có rất nhiều dạng kiến thức trong thị trường tài chính, bao gồm kiến thức vi mô, vĩ mô, kiến thức đầu tư, quản trị rủi ro… mà NDT phổ thông rất dễ đi lạc trong bể kiến thức đó, mà không thể tìm được đúng Kiến thức như Phương pháp Đếm bài của Edward Thorp. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều công cụ hiệu quả hỗ trợ NDT cá nhân, các khóa học chuyên sâu thiết kế riêng cho đầu tư chứng khoán,...có thể bổ sung kiến thức và kĩ năng hữu ích cho NDT. Bất kể đó là gì, cái cuối cùng tổng kết lại sau khi NDT làm chủ được Kiến thức đó là:
  • NDT cần đo lường một cách tương đối rằng Xác suất thắng của đầu tư này là bao nhiêu phần trăm và có lớn hơn 50% hay không?
  • NDT cần tính toán được Lợi nhuận/ Rủi ro trên mỗi lần giao dịch.
Trả lời càng chính xác được 2 chỉ số này thôi thì bạn có thể xác định được mình đang “đầu tư” mà không phải là “đánh bạc”.
Nếu phương pháp giao dịch, công cụ và kiến thức của bạn không trả lời được 2 câu hỏi trên, thì ngược lại, thực tế bạn cũng chỉ đang “đánh bạc” mà thôi!
298 | 8/9/2023 8:20:24 AM
Comment
No data
NoData