Doctor Who và Giáng sinh

Tồn tại giữa thăng trầm trong hơn 50 năm qua, nhưng mãi đến đợt hồi sinh mười năm trở lại đây, Doctor Who mới là cái tên được nhắc đến mùa Giáng sinh. Trừ một trích đoạn rất ngắn chúc Giáng sinh an lành trong tập The Feast of Steven từ năm 1965, Doctor Who chưa từng xuất hiện trên truyền hình Anh quốc với tư cách tiết mục Giáng sinh, dù đây đã và vẫn là chương trình thu lợi nhiều nhất cho BBC từ khi được lên sóng. Điều này cũng không phải quá khó hiểu khi một loạt phim gia đình (hay bị hiểu nhầm là phim cho trẻ con, dù chưa từng được phát trên CBBC và thuộc quyền sản xuất của bộ phận Drama) nổi tiếng cuốn hút cả nhà quây quần bên ti-vi sau giờ cơm lại “khét tiếng” bạo lực đến mức vào năm 1972, loạt phim này nằm trong top 10 chương trình phim bạo lực nhất của BBC.

Từ khi được hồi sinh năm 2005 đến 2017, thì ngược lại, chưa một năm nào Doctor Who vắng bóng trên truyền hình Giáng sinh. Cá biệt có những năm như 2016 khi không có series mới được lên sóng, Doctor Who vẫn nghiễm nhiên được một suất giờ vàng Giáng sinh. Vậy điều gì nơi loạt phim đã đảm bảo tỉ suất người xem dịp lễ cho nó, và liệu loạt phim có còn là chính nó khi hòa mình vào sắc xanh đỏ Giáng sinh hay chỉ là phông nền cho những thông điệp đã quá mòn tai dịp cuối năm?
Giá trị truyền thống trong Doctor Who

Yếu tố được nhắc đến nhiều nhất (và lộ liễu nhất) trong cả phim rạp và phim truyền hình dịp lễ lạc này là giá trị gia đình truyền thống. Là tìm về nơi chốn cũ, là sum họp quây quần, là quà tặng người yêu thương. Doctor Who không chối bỏ những giá trị này, nhưng trong khi chúng được nhấn mạnh và đặt vào tâm điểm trong các chương trình Giáng sinh khác, thì ở Doctor Who, chúng luôn là yếu tố bên lề và ít được nhắc đến. Về mặt cấu trúc phim, phần lớn các tác phẩm mùa cuối năm này được chuyển thể từ những truyện Giáng sinh kinh điển. Chúng là những lựa chọn an toàn, hợp thời, hợp không khí, và đảm bảo lượng người xem cho nhà đài.

Nói như thế không có nghĩa Doctor Who hoàn toàn chối bỏ khái niệm “gia đình”. Giá trị này được diễn giải theo một cách khác biệt. Doctor Who không đặt điểm nhấn vào gia đình mà mỗi người được ban cho từ lúc mới sinh, cũng không liên tục nhắc đến tâm thế “đi là để trở về”. Doctor Who là một chuyến đi dài vô tận; nhân vật chính The Doctor đi từ tâm trạng không muốn trở về sang không thể trở về và đến không còn khái niệm trở về. Vì gia đình của Doctor và của Doctor Who là gia đình mỗi người tự tìm, tự gầy dựng, tự vun bồi trong suốt quãng đời của mình. Gia đình đó là những người bạn, đồng nghiệp, thú cưng, là những gì Doctor đặt linh hồn mình vào và sẵn sàng hi sinh cho nó. Và cũng chính thứ gia đình luôn luân chuyển này đã mang tinh thần thứ hai của mùa Giáng sinh đi theo Doctor Who suốt quanh năm: sẻ chia với tất cả xung quanh. Không cần đợi đến khi dư dả, không cần đợi đến thời vụ, các Doctor và bạn đồng hành luôn chia sẻ thời gian và linh hồn của mình cho nhau. Và cũng chính ở tính chất “có vẻ truyền thống” này lại là nơi Doctor Who thể hiện một tính chất của truyền hình hiện đại: chủ nghĩa hiện sinh và sự cô đơn. Các nhân vật không san sẻ vì họ tuân theo chủ nghĩa vị tha, họ san sẻ để chia bớt nỗi cô đơn của mình. Sự cô đơn của sinh vật giữa vũ trụ bao la, sự cô đơn của mỗi con người trong cuộc sống của riêng mình, và niềm khao khát phiêu lưu, khao khát giao lưu, tìm chút ý nghĩa giữa dòng trôi thời gian nghiệt ngã mới chính là DNA của Doctor Who.

Hai tập phim A Christmas Carol và The Doctor, The Widow, and the Wardrobe (trong số 11 tập đã chiếu) có lẽ là những ngoại lệ của Doctor Who, khi theo sát mô-típ truyền thống của ngành giải trí đã nhắc ở trên. Chúng được chuyển thể từ A Christmas Carol của Charles Dickens và The Lion, the Witch and the Wardrobe của C.S.Lewis. Đây là hai tập mà giá trị gia đình phổ thông được thể hiện rõ ràng nhất, và cũng là hai tập ít thấp thoáng bóng dáng một tính chất khác của Doctor Who: cái chết.
Cái chết trong phim gia đình

Kịch bản của Doctor Who chưa bao giờ thiếu cái chết, dù được viết cho mùa lễ hội, và cái chết của nhân vật chính The Doctor cũng không là ngoại lệ.

Trong một vài phim trẻ em, cái chết được thể hiện né tránh đi bằng cách ẩn hình ảnh người chết trong một bản tin, một bài báo, còn cái chết trong Doctor Who luôn được thể hiện trực tiếp. Khán giả có thể cùng những nhân vật phụ (chỉ xuất hiện trong mỗi tập), thứ chính (bạn đồng hành), và cả chính (Doctor) nhìn sự sống trôi qua trước mắt. Có những cái chết có tác dụng, có những cái chết chỉ là sự trớ trêu của số phận; có những cái chết nhanh chóng, có những cái chết dần mòn gặm nhấm tinh thần nhân vật. Nhưng dù có khác nhau ở nhiều mặt, chúng đều là những cái chết rất thật, rất cận kề. Trong lúc thể hiện tác dụng giữ cả gia đình và bạn bè ngồi cạnh nhau tận hưởng giải trí mùa Giáng sinh, Doctor Who luôn thẳng thắn nhắc khán giả của mình rằng thứ hơi ấm và hạnh phúc khán giả đang tận hưởng là thứ có thể kết thúc ở một giây phút gần nhất, không ngờ đến nhất. Nếu có một thứ Doctor Who góp phần vào gắn kết mối quan hệ truyền thống, thì chính là những khắc họa cái chết nó mang đến.

Và cái chết trong Doctor Who cũng nghiệt ngã như đời thực. Trong Doctor Who không hề có lí lẽ “người xấu đáng chết”. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong tập Voyage of the Damned (phỏng theo sự kiện chìm tàu Titanic). Những nhân vật đáng trọng, đáng thương trong tập này (xin lỗi tiết lộ nội dung) đều chết cả. Những người được sống có đáng được sống hay không mỗi khán giả tự quyết định cho mình. Ngay cả nhân vật chính già đời, thông thái The Doctor cũng có những hoài nghi của riêng mình, và cần một nhân vật phụ nhỏ tuổi hơn nhiều nhắc nhở rằng “Nếu anh được quyền quyết định người sống kẻ chết, thì anh sẽ là một con quái vật.”

“Tại sao tôi phải chết?” “Tại sao lại là lúc này?” “Tại sao lại bằng cách này?” và nhiều câu hỏi khác liên quan đến cái chết của con người nữa đã từng được các tập Giáng sinh của Doctor Who mổ xẻ. Cách loạt phim này thể hiện cái chết như một điều tất yếu và không ủy mị cũng là cách nó có thể thu hút một gia đình với nhiều lứa tuổi khác nhau cùng ngồi xem. Trước màn hình, trẻ em được đối xử ngang hàng với người lớn, cả hai đều có thể hiểu những vấn đề phức tạp và đơn giản như nhau; đồng thời, người lớn không phải ngượng ngùng khi để tính phiêu lưu “trẻ con” trong mình được giải phóng.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, các tập đặc biệt Giáng sinh của Doctor Who luôn được/bị xem là phiên bản nhẹ nhàng, cổ tích hóa dòng chảy truyện thường nhật của loạt phim này. Để phù hợp với mùa lễ hội, Doctor Who đã chấp nhận vận vào trang phục lấp lánh hơn, cười đùa nhiều hơn thông thường để thu hút khán giả đại chúng, và chấp nhận phật lòng một lượng người hâm mộ lâu dài.

Dù được xem là giữ nguyên tinh thần loạt phim ngay “biến tướng” theo thời, các tập đặc biệt Giáng sinh vẫn được đánh giá cao về kịch bản, diễn xuất và các yếu tố kĩ thuật khác. Từ năm 2006 đến nay, cùng với các tập thông thường khác, đã có tám trong số mười tập Giáng sinh được đề cử các giải thưởng phổ quát như BAFTA và BAFTA TV Awards, hoặc các giải thưởng dành riêng cho thể loại khoa học viễn tưởng như Hugo Awards và Saturn Awards. Giữ nguyên phương thức sản xuất loạt phim qua nửa thế kỉ, thu hút được lượng khán giả đông đảo, được giới phê bình công nhận, có vẻ Doctor Who đã đạt được tất cả những gì một loạt phim truyền hình mong muốn. Vậy còn khán giả trung thành của Doctor Who mong muốn gì? Câu trả lời sẽ rất khó tìm vì mỗi người đến và ở lại với loạt phim này vì mỗi lý do khác nhau. Nhưng có lẽ không quá võ đoán khi nói rằng, mỗi chuyến phiêu lưu của Doctor và các bạn đồng hành, đặc biệt là chuyến phiêu lưu Giáng sinh, sẽ vẫn còn được đón nhận khi những “đứa trẻ Trái đất” của Doctor vẫn xem chúng là những món quà. Cầu kì cũng được, đơn sơ cũng không sao, miễn chúng còn chứa đựng cái tâm, nỗ lực không ngừng của nhà sản xuất “gói ghém” vào và giữ lửa cho một thế hệ nhà sản xuất mới “giờ còn ngồi ngóc mỏ xem phim” (tóm lời Russell T Davies, người hồi sinh Doctor Who năm 2005).

Người viết: Gally - DW Fanclub in Vietnam
412 | 5/7/2023 8:37:41 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register