Khi doanh nhân âm thầm trả giá về tinh thần

"The Psychological Price of Entrepreneurship" là một bài viết của Jessica Bruder đăng trên inc.com vào năm 2013. Bài viết này nói về những khủng hoảng tinh thần mà các CEO hay founder phải âm thầm chiến đấu trước khi nhận lấy những vinh quang tươi đẹp.

Thường thì trên báo ít ai nhắc đến thất bại hay những tổn thất tinh thần này. Tôi đăng lại bản dịch của Bizlive (bản dịch này khá tốt), để nguồn bên dưới. Trên trang của Bizlive không thấy ghi nguồn từ inc.

Bài viết khá dài, nhưng đáng đọc.

KHI DOANH NHÂN ÂM THẦM TRẢ GIÁ VỀ TINH THẦN

Bradley Smith là một doanh nhân giỏi dưới mọi góc độ. Anh là CEO của công ty dịch vụ tài chính Rescue One Financial, trụ sở tại California, doanh thu gần 32 triệu USD trong năm ngoái.

Công ty của Smith tăng trưởng 1.400% trong 3 năm qua, lọt vị trí 310 trong top 500 công ty tăng trưởng nhanh nhất do tạp chí Inc bình chọn. Nên bạn khó có thể tưởng tượng chỉ 5 năm trước đây, Smith đã đứng trên bờ vực phá sản, cả về tài chính lẫn tinh thần.

Ngược lại trở về năm 2008, Smith vẫn làm thêm giờ để tư vấn cho các khách hàng lo sợ trong núi nợ. Nhưng vẻ ngoài bình thản đang che giấu cơn bão lòng trong anh: Anh cũng có chung nỗi sợ hãi của họ.

Cũng như khách hàng, Smith đang chìm ngày càng sâu trong nợ nần, dưới cương vị là một CEO của công ty tư vấn nợ.

“Tôi nghe khách hàng kể về việc họ buồn thảm ra sao, mất phương hướng thế nào, nhưng trong đầu tôi thầm nghĩ: ‘Tôi còn đang nợ nhiều gấp đôi ông đây’”, Smith kể lại.

Anh tiêu hết khoản tiết kiệm 60.000USD, tiêu cả số hưu. Thậm chí anh phải bán cả chiếc đồng hồ Rolex anh mua bằng tháng lương đầu tiên trong đời, hồi anh làm môi giới chứng khoán.

Tiếp đó, anh phải nhờ cậy tới cả cha mình – người nuôi dạy anh với những triết lý như “tiền không tự mọc trên cây” hay “đừng bao giờ làm ăn với gia đình” – bằng cách hỏi vay 10.000USD, với lãi suất 5% sau khi ký vào một tờ giấy hẹn.

Trên công ty, Smith thể hiện sự lạc quan với người đồng sáng lập và 10 nhân viên của mình, nhưng thực sự tâm can anh đang run rẩy.

“Tôi và vợ uống một chai rượu giá 5USD cho bữa tối, và chỉ ngồi đó nhìn nhau”, Smith nhớ lại.

“Chúng tôi biết mình đang đứng trên bờ vực”.

Sau đó, áp lực càng tăng lên khi vợ anh mang thai đứa con đầu lòng.

“Tôi thức trắng nhiều đêm, chỉ nhìn lên trần nhà”, Smith kể.

“Tôi bật dậy vào lúc 4 giờ sáng, đầu óc quay cuồng, nghĩ về thứ này rồi thứ kia mà không dừng lại được, tự hỏi ‘Bao giờ gió mới đổi chiều’”.

Sau 8 tháng lo lắng triền miên, cuối cùng công ty của Smith lại kiếm được tiền.

Trong xã hội hiện tại, các doanh nhân thành đạt được xem như những anh hùng. Chúng ta tung hô những Mark Zuckerbergs và Elon Musks. Nhưng rất nhiều trong số những doanh nhân đó, như Smith, cất giấu nhiều bí mật thương đau trong lòng:

Trước khi họ thành đạt, họ đã phải trải qua những giây phút gần như sụp đổ, tuyệt vọng, khoảng khắc dường như mọi thứ sẽ tan tành.

Không lâu về trước, việc thừa nhận những cảm xúc đó dường như là điều tối kỵ. Thay vì thể hiện sự yếu đuối, các lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện một phong thái mà các nhà tâm lý học xã hội gọi là “quản lý sự ấn tượng” – còn được hiểu như giả vờ thành công cho đến khi bạn thành công thật sự ("fake it till you make it.").

Toby Thomas, CEO của EnSite Solutions – công ty đứng thứ 188 trong top Inc. 500, giải thích hiện tượng này với một so sánh ưa thích: Người đàn ông cưỡi sư tử.

“Mọi người trầm trồ nhìn vào và nghĩ: ‘Anh chàng này vẫn bình tĩnh! Dũng cảm thật!'.

Người đàn ông thì nghĩ:

‘Thế quái nào mình lại trèo lên lưng con sư tử này, làm thế nào để không bị nó ăn thịt bây giờ?”, Thomas nói.

Không phải người nào cũng vượt qua được giai đoạn tăm tối này.

Vào tháng Một, sáng lập gia nổi tiếng của trang web thương mại điện tử Ecomom - Jody Sherman, 47 tuổi – tự tử. Cái chết của ông đã làm rúng động cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp. Nó cũng thổi bùng lên một cuộc tranh luận về thương trường và sức khỏe về mặt tinh thần của doanh nhân, vốn đã nhen nhóm khi Ilya Zhitomirskiy, 22 tuổi – sáng lập gia của mạng xã hội Diaspora tự tử trước đó hai năm.

Về sau này, ngày càng nhiều doanh nhân lên tiếng kể về giai đoạn vật lộn tinh thần trong cuộc chiến chống lại một tư tưởng cố hữu trong xã hội, khiến những người phải chịu đựng chúng khó nhận được sự giúp đỡ. Mọi người trầm trồ nhìn vào và nghĩ:

‘Anh chàng này vẫn bình tĩnh! Dũng cảm thật!'.

Người đàn ông thì nghĩ:

‘Thế quái nào mình lại trèo lên lưng con sư tử này, làm thế nào để không bị nó ăn thịt bây giờ?

Trong một bài đăng trên blog cá nhân có tên “Khi cái chết là một sự giải thoát”, Ben Huh, CEO của trang web hài Cheezburger Network, viết về chính vụ tự tử của mình sau khi công ty non trẻ sụp đổ vào năm 2001.

Sean Percival, cựu phó chủ tịch kiêm đồng sáng lập gia của mạng xã hội MySpace đã viết một bài xã luận có tên “Khi không cảm thấy ổn, hãy kêu gọi giúp đỡ” trên trang web của mình.

“Vài năm trước, tôi vài lần đứng bên vực thẳm trên thương trường và những vấn đề cá nhân. Nếu bạn cảm giác mình sắp không níu giữ được nữa, hãy liên lạc với tôi”, ông viết.

Brad Feld, giám đốc điều hành tập đoàn Foundry Group, đã viết blog tháng 10 năm ngoái về một chương suy sụp trong đời mình.

Vấn đề không mới: Một doanh nhân tư bản vật lộn với rối loạn cảm xúc thời trưởng thành, và ông không hy vọng bài blog sẽ nhận được nhiều phản hồi. Nhưng những email bắt đầu đổ về, tới hàng trăm cái. Rất nhiều trong số đó có tác giả là những doanh nhân cũng đang chật vật với sự lo âu và tuyệt vọng.

“Nếu bạn được nhìn địa chỉ của những email đó, bạn sẽ cực kỳ ngạc nhiên. Đó là những nhân vật rất thành công, rất nổi tiếng, rất quyến rũ – những họ vẫn phải đối mặt với tất cả điều này trong câm lặng. Có một luật lệ bất thành văn khiến họ không được nói về điều đó, chúng được coi như một điều đáng xấu hổ, một điểm yếu, hay gì đó tương tự. Họ cảm thấy mình đang giấu giếm, điều này càng làm mọi thứ xấu đi”, Feld kể lại.

Khi bạn điều hành một công ty, có vẻ những điều ngày nghe rất quen. Đó là một công việc căng thẳng có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc. Với những dự án khởi nghiệp, tỷ lệ thất bại là khá cao.

Theo một báo cáo của trường kinh doanh Harvard Business School, cứ 4 dự án khởi nghiệp thì có 3 dự án thất bại. Thêm vào đó, báo cáo cho thấy hơn 95% doanh nghiệp non trẻ thất bại trong lần triển khai đầu tiên... Những doanh nhân phải cùng lúc đóng nhiều vai, đối mặt nhiều trở ngại: Mất khách, mâu thuẫn với đối tác, cạnh tranh gia tăng, nhân viên lục đục, cùng lúc phải làm sao để đủ lương trả cho công ty.

Trước những khó khăn rắc rối, các doanh nhân trẻ thường khiến năng suất sụt giảm vì sao nhãng sức khỏe. Họ ăn quá nhiều, hoặc quá ít. Họ không ngủ đủ giấc, không thể dục thể thao. Điều này càng khiến tâm trí họ rối bời.

Không chỉ vậy, ngoài một công việc căng thẳng, có nhiều yếu tố khác cộng hưởng đẩy doanh nhân đến bờ vực.

Theo các nhà nghiên cứu, rất nhiều doanh nhân có chung những đặc điểm về tính cách khiến họ mẫn cảm hơn trước rối loạn cảm xúc. “Những người càng năng động, nhiệt huyết và sáng tạo càng hợp làm doanh nhân, nhưng chính những người này càng dễ lún sâu vào các tình trạng cảm xúc nặng nề”, Michael A. Freeman – một nhà nghiên cứu tâm lý học doanh nhân cho biết.

Những tình trạng đó bao gồm suy sụp, tuyệt vọng, thất vọng, cảm giác vô dụng, mất nhiệt huyết, ám ảnh tự tử.

Triệu chứng này được gọi tên là “mặt tiêu cực của tính tích cực”.

Sự quyết tâm hướng tới mục tiêu đôi lúc gặm nhấm chính bản thân họ. Nhiều khi các doanh nhân “nhạy cảm với mặt tối của sự ám ảnh”, các nhà nghiên cứu từ đại học công nghệ Swinburne University of Technology cho biết.

Qua các bài phỏng vấn với doanh nhân về nhiệt huyết công việc, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều người thể hiện các dấu hiệu của việc ám ảnh tâm lý, trong đó có những cảm xúc nặng nề về sự đau khổ và lo âu, có thể dẫn đến “rối loạn cảm xúc”.

Sự nhiệt huyết đôi lúc “như những con chó sói, chúng phải chạy. Nếu bạn nhốt chúng trong nhà, chúng sẽ gặm nhấm đồ đạc. Chúng sẽ phát điên lên, chạy khắp nơi. Thế nên những người nhiệt huyết lúc nào cũng muốn bận rộn, muốn chủ động, muốn làm việc”, nhà tâm lý học John Gartner cho biết.

Không cần biết bác sỹ tâm lý giúp bạn tận tình đến đâu, một thất bại lớn trong làm ăn có thể khiến bạn suy sụp.

Thậm chí những doanh nhân trải đời nhất cũng từng gục gã khi mặt đất sụp đổ dưới chân họ. Mark Woeppel sáng lập công ty tư vấn quản lý Pinnacle Strategies vào năm 1992. Năm 2009, điện thoại của ông ngừng reo.

Lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khách hàng của ông chẳng màng tới việc thúc đẩy sản lượng nữa, khi đối với họ, cầm cự được đã là một thành công.

Doanh số của Pinnacle Strategies rơi không phanh 75%. Woeppel phải sa thải nhân viên.

Không lâu sau, ông bán cả tài sản: Xe hơi, trang sức, bất cứ thứ gì được giá.

Cả sự tự tin của ông cũng dần cạn kiệt. “Khi là CEO, bạn nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Rồi đùng một cái, bạn chẳng là gì”, ông kể lại.

Woeppel nhốt mình trong nhà. Lo âu và tự ti, ông bắt đầu ăn uống không kiểm soát và tăng liền 23 cân.

Thỉnh thoảng ông xoa dịu nỗi niềm bằng sở thích từ lâu: Chơi guitar. Ông nhốt mình trong phòng, chơi những bản solo của Stevie Ray Vaughan và Chet Atkins.

“Đó là điều tôi có thể làm đơn giản vì tôi thích. Lúc đó tôi chẳng còn gì, ngoài chiếc guitar và sự thanh thản”, ông nhớ lại.

Dù vậy, trong thời gian đó, ông vẫn tiếp tục làm việc để xây dựng những dịch vụ mới với hy vọng công ty sẽ trụ đủ lâu để ông có thể bán chúng.

Năm 2010, khách hàng bắt đầu quay trở lại. Pinnacle giành được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử với một công ty sản xuất thiết bị vũ trụ. Năm ngoái, doanh thu của Pinnacle cán mốc 7 triệu USD. Doanh số nhảy vọt 5.000% kể từ 2009, đưa công ty lên vị trí thứ 57 trong top Inc. 500.

Woeppel tâm sự ông dẻo dai hơn qua những thời khốn khó.

“Trước đây, tôi từng quan niệm công việc là tất cả. Rồi bạn gục ngã. Sau đó bạn nhận ra bọn trẻ vẫn yêu bạn. Vợ bạn vẫn yêu bạn. Con cún vẫn yêu bạn”.

Nhưng với nhiều doanh nhân khác, vết thương ấy chẳng bao giờ lành. Như với John Pope, CEO của WellDog – một công ty công nghệ năng lượng.

Ngày 11/12/2002, tài khoản ngân hàng của Pope còn đúng 8,42USD. Ông đã chậm trả tiền mua xe 90 ngày, chậm trả tiền nhà 75 ngày. Cục thuế IRS đã đệ đơn tố cáo ông. Điện thoại để bàn, điện thoại di động, truyền hình cáp nhà ông đều bị cắt.

Trong một tuần nữa, công ty gas sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho gia đình ông. Lúc đó, sẽ chẳng có cả lò sưởi.

Khi ấy, công ty đang chờ một bức điện từ công ty dầu mỏ Shell – một nhà đầu tư chiến lược – sau nhiều tháng thương lượng, kết thúc bằng một hợp đồng dài 380 trang. Vì vậy Pope đã cố đợi.

Rồi bức điện tới nơi vào ngày hôm sau. Pope và công ty được cứu sống.

Ngay sau đó, ông đã liệt kê những thứ mình đã vung tay quá trán về mặt tài chính. Đây sẽ là danh sách “trần” cho những thứ ông làm sau này.

Từ đó tới giờ WellDog đã khấm khá hơn. Trong 3 năm qua, doanh số tăng hơn 3.700%, cán mốc 8 triệu USD, giành vị trí 89 trong top Inc. 500 cho công ty.

Nhưng với Pope, tàn dư tinh thần từ những năm tháng gập ghềnh vẫn còn vương vấn.

“Lúc nào tôi cũng cảm giác mình đang quá tay, chẳng bao giờ tôi được thoải mái”. Ông kể.

“Lúc nào bạn cũng gặp vấn đề về sự tự tin. Bạn cảm giác như mỗi lần cảm thấy chắc chắn thì lại có chuyện gì đấy xảy ra”.

Thỉnh thoảng, Pope cảm thấy mình phản ứng quá mức đối với những thứ lặt vặt.

Hành vi này làm ông nhớ lại thời kỳ rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý của mình. “Bạn phát rồ lên chỉ vì một điều nhỏ nhặt. Đó là vết sẹo trong tinh thần của tôi”.

Mặc dù xây dựng công ty là một quá trình dài, khó đoán, đầy đau thương và hạnh phúc, có nhiều cách để doanh nhân giữ mình khỏi mất kiểm soát, các chuyên gia cho biết.

Quan trọng nhất là dành thời gian cho những người thân yêu, Freeman khuyên. “Đừng để công việc kéo bạn xa rời mối liên hệ với con người”, ông nói.

Trong cuộc chiến chống lại sự tuyệt vọng, tình cảm gia đình và bạn bè có thể là những vũ khí hữu dụng.

Thêm nữa, đừng ngại xin giúp đỡ – hãy gặp một chuyên gia tâm lý nếu bạn phải trải qua những triệu chứng nghiêm trọng của lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, hay tuyệt vọng.

Freeman cũng khuyên doanh nhân nên hạn chế sự phơi nhiễm tài chính của mình, cần thận trọng khi đánh giá rủi ro.

Hậu quả từ sự bất cẩn không chỉ hút cạn tài khoản ngân hàng mà còn đổ đầy stress trong bạn.

Hãy đặt ra một mức trần cho khoản tiền bạn dự định đầu tư, đừng để bạn bè và người thân góp nhiều hơn những gì họ có thể trang trải. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đừng che giấu cảm xúc, ngay cả tại công sở. Khi bạn thành thật về mặt cảm xúc, bạn có thể kết nối sâu sắc với nhiều người quanh bạn hơn, chuyên gia Brad Feld khẳng định.

“Khi bạn phủ nhận bản thân, mọi người có thể nhìn thấu. Sự sẵn sàng trước tổn thương là một khả năng mạnh mẽ của người lãnh đạo”, ông nói.

202 | 6/18/2023 10:51:04 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Viễn cảnh đầu tư 2024: giá hàng hóa leo thang và “chiếc giẻ lau” mới của Mỹ
Viễn cảnh đầu tư 2024: giá hàng hóa leo thang và “chiếc giẻ lau” mới của Mỹ
Lạm phát vẫn ở mức cao khiến FED có cái cớ để tiếp tục duy trì thắt chặt, giá cả của các loại hàng hóa và tài sản vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng
FOMO - yếu tố khiến các Nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường
FOMO - yếu tố khiến các Nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường
Hãy tưởng tượng hôm nay là tối thứ 6 và bạn có 1 deadline cần hoàn thành ngay trong tối nay.
Mình học được gì sau cú
Mình học được gì sau cú "big short" bay 6 tháng lương?
Nếu bạn hỏi: thị trường tài sản số có nhiều cơ hội hay không. Mình sẽ mạnh dạn trả lời có
Các chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư cần biết
Các chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư cần biết
Khi tham gia đầu tư, ngoại trừ những biến động trong nước thì các chỉ số chứng khoán thế giới cũng là điều mà bạn cần quan tâm