Sáu Truyền Thuyết Kinh Điển Về Tết Trung Thu

1 - Hằng Nga chạy trốn lên mặt trăng.

Tương truyền, sau khi Hằng Nga ăn trộm thuốc trường sinh mà Hậu Nghệ đã xin được từ chỗ Tây Vương Mẫu, nàng liền bay lên cung trăng. Nhưng lầu quỳnh điện ngọc, nơi cao lạnh lẽo khôn cùng, cái gọi là "Hằng Nga hối hận trộm linh dược, biển biếc trời xanh những đêm dài", chính là dùng để miêu tả tâm tình cô đơn lạnh lẽo của nàng.
Sau đó, Hằng Nga ân hận bộc bạch với chồng: "Ngày mai vào lúc trăng tròn, chàng hãy nặn bột thành những viên thuốc, tròn như mặt trăng, đặt ở gian phòng phía Tây Bắc, sau đó liên tục gọi tên ta. Đến canh ba là ta có thể quay về nhà rồi".
Hôm sau, Hậu Nghệ làm theo lời dặn dò của nương tử, đúng giờ Hằng Nga bay từ cung trăng xuống, vợ chồng xum vầy đoàn tụ.
Phong tục làm bánh trung thu dâng cho Hằng Nga vào dịp tết trung thu cũng hình thành từ đây.

2 - Ngô Cương Chặt Quế

Truyện kể rằng trên cung trăng có một cây quế, <Hoài Nam Tử> từng nói "trên cung trăng có một cây quế", sau đó truyền thuyết này lại càng được thêm thắt tỉ mỉ hơn, bên cạnh cây quế có thêm một người chặt quế tên là Ngô Cương.
Truyền thuyết về cây quế trên cung trăng và Ngô Cương được ghi chép lại trong tiền quyển <Thiên Chỉ> của tập sách <Dậu Dương Tạp Trở> thời nhà Đường, trong đó viết rằng: "Người xưa từng nói trên cung trăng có cây quế, có thiềm thừ (con cóc), cây quế này cao 500 trượng, dưới gốc cây có một người cầm búa chặt mãi, nhưng chặt xong thì cây quế lập tức dính liền lại như cũ. Người đó họ Ngô tên Cương, người Tây Hà, đã từng tu tiên, sau đó bị giáng chức phạt đi chặt cây."
Ý nói Ngô Cương đã từng đi theo tiên nhân tu đạo, đến được thiên giới, sau đó vì phạm phải sai lầm, tiên nhân bèn đày Ngô Cương đến cung trăng, lệnh cho anh ta cả đời phải đứng chặt cây bất tử - cây đó tên là nguyệt quế.
Nguyệt quế cao đến 500 trượng, chặt đến đâu liền lại đến đó, Viêm Đế lợi dụng việc làm không có hồi kết này để trừng trị nghiêm Ngô Cương. Trong thơ của Lý Bạch có câu:
"Dục khảm nguyệt trung quế
Trì vi hàn giả tân."
(*Muốn chặt cây quế trên cung trăng, làm củi sưởi ấm người giá lạnh.)

3 - Thỏ Ngọc Giã Thuốc

Truyền thuyết được tìm thấy sớm nhất nằm trong <Hán Nhạc Phủ-Đổng Đào Hành>: 
"Thỏ ngọc giã thuốc thành viên thuốc cóc, dâng lên bệ hạ một mâm ngọc, uống thuốc này có thể thành thần tiên."

Theo đó ở cung trăng chỉ có một con thỏ ngọc, toàn thân trắng tinh như ngọc, cho nên được gọi là "thỏ ngọc". Con thỏ trắng này cầm một cái chày bằng ngọc, quỳ gối giã thuốc, uống những viên thuốc này vào có thể trường sinh bất lão. Có lẽ thỏ ngọc là người bầu bạn với Hằng Nga sớm nhất trên Quảng Hàn cung.


Sơ kết: Ba câu chuyện trên đều mang bóng dáng của truyền thuyết thần thoại, và có mối liên hệ với nhau, có thể nói thế này: Tương truyền Hậu Nghệ lấy được thuốc trường sinh từ Tây Vương Mẫu đã giao cho Hằng Nga bảo quản. Phùng Mông nghe tin sau đó đi trộm thuốc, trộm không thành bèn muốn đổ lỗi hại Hằng Nga. Trong lúc vội vàng, Hằng Nga đã nuốt viên thuốc bất tử và bay lên trời. Bởi vì không chịu được việc rời xa Hậu Nghệ, Hằng Nga đã lưu lại ở Quảng Hàn cung. Ở Quảng Hàn cung tịch mịch buồn tẻ, cuối cùng Hằng Nga giục Ngô Cương đi chặt cây quế, bảo thỏ ngọc giã thuốc, muốn bào chế ra thuốc thăng thiên, sớm ngày trở về nhân gian đoàn tụ với Hậu Nghệ.

Dưới đây là ba truyền thuyết có nguyên mẫu lịch sử nhất định, cùng các nhân vật lịch sử nổi danh và liên quan chặt chẽ đến các tư liệu đã được ghi chép lại. Để mọi người tiếp tục đọc nhé!

4 - Huyền Tông du ngoạn mặt trăng.

Tương truyền Đường Huyền Tông cùng với Thân Thiên Sư Cập đạo sĩ đang đứng ngắm trăng, đột nhiên Huyền Tông cao hứng nảy ra ý định muốn lên thăm cung trăng.
Thế nhưng trước cung điện được bảo vệ nghiêm ngặt, không cách nào tiến vào được, chỉ có thể ở bên ngoài nhìn xuống Hoàng Thành Trường An. Đúng lúc này, một âm thanh thần tiên bỗng vang lên, trong trẻo lạ thường, lay động lòng người!
Đường Huyền Tông trước nay tinh thông âm luật, thế là liền âm thầm ghi khắc trong lòng. Đây chính là "Một khúc nhạc chỉ có trên trời, nhân gian mấy lần được nghe đến".

Về sau Huyền Tông nhớ lại giai điệu và tiếng hát của tiên nữ trên cung trăng, tự mình phổ lại vũ khúc đó, đây chính là "Nghê Thường Vũ Y Khúc" nổi tiếng trong lịch sử.

5 - Điêu Thuyền Bái Nguyệt.

Điêu Thuyền là một ca kĩ trong phủ Tư Đồ Vương Doãn cuối thời Đông Hán, quốc sắc thiên hương, có dung mạo nghiêng nước nghiêng thành.
Truyền thuyết kể lại rằng lúc Điêu Thuyền được sinh ra, hoa đào nở rộ trong 3 năm lập tức héo tàn, Điêu Thuyền nửa đêm bái lạy mặt trăng cũng khiến cho Hằng Nga trên cung trăng hổ thẹn không bằng, vội vã ẩn mình vào trong mây.
Điêu Thuyền dung mạo thanh tú, xinh đẹp, tai nhỏ như vành ngọc, lúc chuyển động như gió phiêu diêu như liễu rủ, lúc yên tĩnh văn nhã khác thường, nét đẹp của Điêu Thuyền phong phú rực rỡ. Chính vì vẻ đẹp này, đã khiến Đổng Trác một kẻ chuyên dụng uy quyền, và Lữ Bố hữu dũng vô mưu trở mặt thành thù, làm cho triều cương náo loạn không dứt có thể trở nên yên bình trong chốc lát.

6 - Nguyệt Hạ Độc Chước.

Nhà thơ Lý Bạch từng viết một bài thơ về tình cảnh đơn độc uống rượu ngắm hoa dưới ánh trăng của mình: "Đối ảnh thành tam nhân" cấu tứ tuyệt diệu, để vẽ lên khung cảnh cô độc mà hào phóng của bản thân. <Lý Thi Trực Giải> :

“Thử đối nguyệt độc ẩm
Phóng hoài đạt quan dĩ tự lạc dã”

Lúc nhà thơ bước lên sân khấu, phông nền là một khóm hoa, dụng cụ biểu diễn là một bình rượu, nhân vật trong đó chỉ có một mình ông, động tác độc ẩm (một mình uống rượu), cộng thêm ba chữ "vô tương thân" (không thân thiết), khắc hoạ nên một cảnh tượng đơn điệu.

Ngay sau đó, nhà thơ bất chợt có ý nghĩ lạ thường, đem vầng trăng sáng trên trời và bóng mình dưới ánh trăng, kết lại cùng với bản thân, biến thành một khung cảnh ba người nâng ly cùng uống, khung cảnh vắng lặng thê lương lại trở nên náo nhiệt khôn cùng.

Nguồn: https://zhuanlan.zhihu.com/p/43655637
872 | 2/9/2024 5:05:01 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
No data
Không có dữ liệu