Một chút đọng lại về " Chiến binh cầu vồng"

Đọc xong cuốn sách. Khi gấp lại trang cuối cùng. Cuốn sách để lại vài điều mà tôi muốn viết.
Nội dung cuốn sách là cuộc sống hàng ngày, cuộc đấu tranh sinh tồn cho giáo dục của ngôi trường tiểu học làng Muhammadiyah với thầy hiệu trưởng Harfan, cô Mus và vỏn vẹn 10 học sinh ở hòn đảo Belitong - Indonesia.
Khi bắt đầu đọc, cho đến khi tác giả lần đầu nhắc về Lintang - một người siêu giỏi về các môn tự nhiên - thiên tài của cả ngôi trường, là niềm hi vọng, tự hào của cô Mus, thầy Harfan, 9 bạn học và có tôi. Xuyên suốt cả cuốn sách, tôi đã phán đoán cái kết rằng cậu ấy sẽ trở thành một người nổi tiếng - một nhà toán học lỗi lạc ở Indonesia về sau này và quay lại gầy dựng cũng như giúp ngôi trường tiểu học làng Muhammadiyah ngày càng phát triển nhưng kết cục lại không như tôi nghĩ. Nó buồn. Cuộc đời luôn là những khó khăn.
Và điều tôi làm ngay sau khi gấp lại cuốn sách này là tìm kiếm trên mạng về hình ảnh cây filicium mà Lintang, Harun, A kiong, Sahara, Mahar, Kucai, Trapani, Syahdan, Samson, Flo và Ikal -tác giả - những đứa trẻ đó đã trèo hàng ngày khi ra chơi để ngắm cầu vồng hay tụ tập dưới gốc cây để họp bàn cho những vấn đề quan trọng. Tôi không chắc ảnh trên mạng có phải đúng cái cây ấy không nhưng nó giống hình dung của tôi.


Tôi cũng đã search Google về hòn đảo Belitong hồi ấy. Trong truyện, Belitong là một hòn đảo khắc khổ, trải qua quá trình đô hộ của thực dân Hà Lan. Là bức tranh thể hiện rõ khoảng cách về sự giàu có của tập đoàn khai thác thiếc nhà nước và cuộc sống còn lại của những người dân nghèo mà đại diện là ngôi trường Muhammadiyah, cô Mus, thầy hiệu trường Harfan và của 10 đứa trẻ. Nhưng giờ đây tôi chỉ nhìn thấy một hòn đảo biển xanh ngắt và nhộn nhịp du lịch. Ngày ấy mà tác giả kể đã lùi xa về quá khứ.



Ở chương gần cuối, có câu chuyện của Lintang - thần đồng môn tự nhiên và Kucai - lớp trưởng, biệt danh "chính trị gia" của lớp - điểm số thấp nhất lớp. Sau này khi đều đã trưởng thành, Lintang làm một anh lái xe xúc cát theo ca còn Kucai trở thành đại biểu quốc hội. Tác giả đã đặt câu hỏi: Liệu ai là người tài giỏi đích thực. Tôi cũng không biết nữa. Ai mới là người thành công. Lintang thì do ba mất, một mình phải nuôi gần chục miệng ăn nên đã phải nghỉ học để kiếm tiền, còn Kucai thì hiểu được tâm lý dân chúng, thích chủ nghĩa dân tuý mà phù hợp nên sự nghiệp dần thăng tiến. Vừa là hoàn cảnh, thời cơ, vừa là năng lực.
Cả ngôi trường chỉ có hai thầy cô giáo. Nhưng không chỉ với tác giả và 9 bạn học, với tôi, ngôi trường này quá sức tuyệt vời. Tuyệt vời vì có thầy hiệu trưởng Harfan với triết lý dạy học khác xa với ngày ấy cũng như của ngày nay. Thầy cho rằng:

Học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính với đấng tạo hoá, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.

Thầy mang triết lý ấy vào trong giáo dục, mang cả vào trong cách sống. Thầy dạy không công, tự mình vào rừng sâu chặt gỗ để dựng trường, tự mình kiếm nguồn lực khác để nuôi sống bản thân và mang trong mình niềm yêu thiết tha với giáo dục, với mong muốn đám trẻ nhà nghèo được tiếp cận con chữ.
Điều này hoàn toàn đúng với cả cô giáo trẻ Mus - một nhân vật mà nếu thầy hiệu trưởng là một nửa linh hồn của ngôi trường thì cô là một nửa còn lại. Cô bám trường bám lớp, không từ bỏ một đứa học trò nào với ngoài kia việc kiếm tiền bằng đi làm culi dễ dàng hơn việc học. Cô truyền cảm hứng dạy học, lòng yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp cho những đứa học sinh nhỏ của mình. Một người phụ nữ mỏng manh nhưng dám dang tay ra để bao bọc 10 đứa trẻ, chống lại tập đoàn nhà nước bất khả xâm phạm để bảo vệ ngôi trường, chống lại lợi ích vật chất của sự mua chuộc, nhìn rõ những sự lợi dụng, giả dối để giữ vững đạo đức bản thân.
Tôi nhận ra rằng, cách đối xử, ảnh hưởng nhân cách và định hướng cho một đứa trẻ nhỏ là điều cực kì quan trọng. Tốt hay xấu đều xuất phát từ môi trường, từ con người xung quanh. Bủa vây 10 đứa trẻ là sự đói nghèo, là việc kiếm tiền dễ dàng từ hái tiêu, trông coi cửa hàng, làm thợ xảm, mài dừa và phụ việc vặt cho thuyền đánh cá hơn là việc phải đi học. Tiền mà chúng kiếm có thể mua một chiếc xe đạp trong khi thầy Harfan phải dành dụm từng rupi một để thay cái lốp xe mòn vẹt. Nhưng đối lập với hoàn cảnh ấy, là việc thầy và cô để lại một cái giếng mát lành trong tim của mười đứa học sinh - một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn - theo lời của tác giả.
Tôi thể hiện sự nể phục với những con người trên về đạo đức, về sự dũng cảm, sự bền bỉ và can trường và bản thân thấy mình học được nhiều điều từ đó.

162 | 7/24/2023 1:31:54 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Đôi nét về cuốn sách Nghệ thuật Kaizen tuyệt vời của Toyota
Đôi nét về cuốn sách Nghệ thuật Kaizen tuyệt vời của Toyota
Kaizen được hiểu đơn giản là những thay đổi nhỏ được thực hiện liên tục với mục tiêu cải tiến một sự vật, sự việc theo chiều hướng tốt lên
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Là một quyển sách tài chính nhẹ nhàng và gần gũi. Với những câu chuyện thú vị về thành công và thất bại của những chuyên trong lĩnh vực tài chính
Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport
Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport
Cuốn sách “lối sống tối giản thời công nghệ số” là một tập hợp những quan điểm, suy tư của Cal Newport về cách sử dụng công nghệ ngày nay
Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống
Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống
Suy Tưởng có lẽ là cuốn sách “độc nhất vô nhị” từng được thực hiện: nó bản chất là cuốn nhật ký viết về những suy nghĩ riêng tư của Marcus Aurelius