Review sách: Dám bị ghét

Giới thiệu sách

Ngay khi đọc được tiêu đề cuốn sách tôi đã tin cuốn sách này dành cho bản thân mình. Tôi đã nghĩ nó giúp mình hiểu hơn về bản thân và có thể giúp mình vượt qua sự sợ hãi bị ghét. Tuy nhiên thực tế nội dung cuốn sách vượt ra ngoài tưởng tượng của mình. Nó giúp mình giải thích rât nhiều thứ cả những thứ đang diễn ra hàng ngày xung quanh mình. Cuốn sách viết theo dạng một cuộc đối thoại giữa chành thanh niên và triết gia. Những thắc mắc của chàng trai cực kỳ đời thường còn triết gia kiên nhẫn từng bước từng bước dẫn dắt câu chuyện một cách logic. Túm lại đây là một trong những quyển sách đáng đọc nhất mình từng đọc.

Thuyết mục đích của adler

Mình từng đọc nhiều sách về chuyện phải thay đổi, nhưng đây lad chương giúp mình hiểu rõ nhất tại sao mình không thay đổi được và vì sao mình thay đổi được. Thuyết mục đích của Adler (một nhà tâm lý học nổi tiếng) nói rằng mọi thứ có kết quả như vậy do người ta lựa chọn kết quả như vậy. Thuyết mục đích phủ nhận vai trò của nguyên nhân, phủ nhận vai trò của quá khứ. Ta đau khổ bởi ta lựa chọn đau khổ, tất cả những gì giải thích cho sự đau khổ là việc mình chọn đau khổ nên coi nó ảnh hưởng đến ta (cái này giống chương 1 cuốn 7 thói quen thành đạt). Ta không thay đổi vì ta quyết tâm không thay đổi, tất cả những gì là nguyên nhân của việc ta không thay đổi chỉ là lý lẽ ngụy biện. Ta giận dữ bởi ta lựa chọn ta giận dữ, tất cả để che đậy sự thiếu tự tin của bản thân.

Túm lại cá nhân mình thấy thuyết mục đích giúp mình giải thích rất nhiều thứ. Mọi thứ được sáng tỏ rất nhiều nếu chấp nhận nó, quan trọng nó giúp mình chỉ ra action là gì. Nó cũng phù hợp với những gì trước nay mình vẫn nghĩ.

Không quá để ý đến những gì người khác nghĩ

Việc để ý xem người khác nghĩ gì về mình lại còn khiến mọi thứ xấu hơn. Đầu tiên mình thấy chính là mặc cảm tự ti (sách dùng từ phức cảm tự ti). Tự ti không hề xấu, nó thậm chí là động lực cho sự thay đổi, cảm giác mình còn kém giúp mình thay đổi để tiến bộ, nhưng mặc cảm tự ti khiến hạn chế những hành động của mình. Ví dụ về mặc cảm tự ti như mình ăn nói không tốt thế nảy chắc khó tán gái lắm. Ở đây suy nghĩ chia làm hai phần: “mình ăn nói không tốt” và hậu quả “khó tán gái”. Bản chất phần đầu nghe có vể là “hiện thực khách quan” (Mình ăn nói không tốt). Thực tế thì việc “khó tán gái” chả liên quan gì đến việc “ăn nói không tốt”. Nhưng nếu ngay từ đầu đã có mặc cảm như trên thì gần như kết quả đã được định đoạt. Còn việc “kém ăn nói” bản chất đến tự sự so sánh, sự suy nghĩ về những người khác đánh giá về mình. Sự thật rằng khi ta để ý quá mức đến những gì người khác nghĩ sẽ dẫn đến hành động của chúng ta bị ảnh hưởng và chịu sự điều khiển của người khác. Khi đó thậm chí một đứa trẻ con cũng có thể điều khiển chúng ta. Lấy ví dụ về việc khi một đứa trẻ khóc, có thể là do nó tìm cách gây chú ý. Nếu chúng ta quá quan tâm đến những gì đứa trẻ nghĩ thì có thể ngay lập tức chúng ta mắc bẫy nó, chúng ta tìm cách để khiến chúng không khóc nữa.

Túm lại việc để ý đến suy nghĩ của người khác có thể khiến cho cuộc sống của chúng ta nằm ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Cuộc đời bị định đoạt bởi người khác. Cho dù đó là cha mẹ hay vợ con mình thì theo mình đó cũng không phải là một lựa chọn tốt.

Vạch ranh giới

Bước tiếp theo của việc quan tâm đến người khác nghĩ gì là việc can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Trong bài có một câu rất hay: “Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân”. Một trong những ví dụ dễ nhận thấy chính là việc cha mẹ và con cái. Cha mẹ thường cho mình quyền áp đặt con cái dựa trên một lý do nghe rất hợp lý “Muốn tốt cho con”. Thực tế thì lại can thiệp thô bạo vào nhiệm vụ của con. Ví dụ lúc bé thay vì để đứa trẻ biết được nhiệm vụ ăn uống của chúng thì lại thường xuyên quát mắng để chúng ăn. Lớn lên một chút thay vì để chúng tự quyết định lựa chọn nghề nghiệp thì thường “chọn hộ”. Lớn hơn chút nữa thì lại can thiệp vào chuyện lấy vợ lấy chồng, đẻ con… (Cái này thậm chí ko chỉ cha mẹ mà người dưng cũng còn can thiệp nữa cơ). Đứa trẻ nếu cứ nhận được giúp đỡ hết lần này đến lần khác sẽ mất động lực cố gắng, không biết xử lý khi gặp khó khăn. Đứa trẻ bị bố mẹ áp đặt sẽ sống để chiều lòng bố mẹ chứ không biết ra quyết định gì. Tương tự lãnh đạo với nhân viên cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự. Sếp cứ “giành” hết việc khó thì nhân viên sẽ sớm thấy “không thể phát triển” được mà xin nghỉ thôi. Việc vạch ranh giới chính là việc xác định đâu là nhiệm vụ của mình và chỉ hành động theo nhiệm vụ của mình, không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Thực tế thì không can thiệp khác với không quan tâm, ta vẫn quan tâm đến nhiệm vụ của người khác nhưng chỉ tìm cách giúp đỡ chứ không làm hộ người khác. Cho dù đó là ai và khó khăn là gì đì nữa.

Tự do là gì hay không sợ bị ghét.

Một trong những phần mình thích nhất chính là đoạn nó về dám bị ghét. Trong phần này thực ra nó cùng một chương với phần trên tuy nhiên mình thích nên tách riêng ra nói. Tự do chính là việc mình không sợ những đánh giá của người khác, không sợ bị người khác ghét. (Không sợ bị ghét chứ không phải là cố tình làm để bị ghét). Nếu cứ sống theo mong muốn của người khác, tìm cách làm hài lòng người khác thì chúng ta sẽ không thể sống cuộc đời của chúng ta được. Thực tế tự do chính là việc “dám bị ghét”. Ngược lại nếu cứ can thiệp vào nhiệm vụ của người khác dù đó là con cái hay người thân thế nào đi nữa chính là ích kỷ. Phần này có nói về hạnh phúc, tuy nhiên chưa đầy đủ, có lẽ mình sẽ mua tiếp cuốn “Dám hạnh phúc” để đọc tiếp như recommend của anh Long Lắc Lư.

Chốt lại có mấy ý mình thấy cần ghi nhớ

  • Kết quả đến từ lựa chọn của mình chứ không đến từ nguyên nhân
  • Không nên so sánh với người khác, càng không nên để ý đến việc người khác nghĩ gì về mình
  • Vạch rõ ranh giới đâu là nhiệm vụ của mình, đâu là nhiệm vụ của người khác và không vi phạm ranh giới đó
  • Chấp nhận việc có thể bị ghét thì mới có thể sống cuộc đời tự do được
  • Không được mắng mỏ cũng không được khen ngợi, chỉ khích lệ lòng can đảm của người khác

Thực tế quyển sách còn một số phần nữa, tuy nhiên những phần trên chính là những gì mình thích nhất cho đến hiện tại. Quyển sách này chính là một trong số những quyển sách mình đánh giá là hay nhất về phát triển bản thân. Ngoài quyển này còn có mấy quyển nữa về phát triển bản thân cũng recommend mọi người đọc nữa như: “7 habits of highly effective people”, “The art of possibility” & “4 agreements”.

@tuyendoan

1,327 | 5/4/2023 10:37:55 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register