Tại sao bạn không cắt lỗ (theo tâm lý học)

Trong võ thuật hay các môn đối kháng, bạn luôn phải học ngã, học phòng thủ trước khi học cách tấn công, mục đích là để bạn phải không thua trước khi cố gắng dành chiến thắng. Trong đầu tư cũng vậy, trước khi muốn kiếm tiền bạn phải học cách giữ được tiền đã. Và cắt lỗ chính là 1 điều kiện giúp bạn giữ được tiền trong thị trường đầu tư khắc nghiệt này.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet cũng từng nói 2 nguyên tắc quan trọng nhất của ông khi đầu tư: “Nguyên tắc 1 là không để mất tiền. Nguyên tắc 2 là đừng bao giờ quên nguyên tắc 1” (Ảnh 1)


Tuy nhiên thực tế trên thị trường đầu tư lại có rất ít người làm được điều đó, đó cũng là 1 trong những lý do chỉ có 5% Nhà đầu tư chiến thắng về dài hạn. Vậy thì lý do là gì, hãy cùng mình tìm hiểu.

1, ĐƠN GIẢN LÀ BẠN KHÔNG DÁM THỪA NHẬN MÌNH ĐÃ SAI


Đưa ra quyết định mua cổ phiếu là bạn đang bước vào 1 cuộc đặt cược, nếu đúng bạn sẽ có lời và nếu sai thì bạn chịu lỗ. Tất nhiên chẳng ai muốn sai nên tâm lý chúng ta khi mua sẽ luôn tìm kiếm những lập luận ủng hộ quan điểm của mình về việc giá sẽ tăng và có xu hướng cố chấp bảo vệ quan điểm này.
Và rồi khi giá cổ phiếu đi ngược với nhận định, tức là lập luận của chúng ra đã sai và chúng ta phải thừa nhận lỗi sai đó ngay bây giờ bằng cách đặt lệnh bán cắt lỗ, thì tâm lý chúng ta sẽ có vô số biện minh để phủ nhận rằng mình không sai: gồng tiếp biết đâu giá hồi, nhiều tin tốt mà, xuống tiếp thì mình trung bình giá, vân vân và mây mây.
Hãy trung thực, chỉ là bạn không dám nhận mình đã sai.

→ Cách xử lý:

Cách tư duy đúng sẽ giúp bạn hành động đúng. Bạn phải chấp nhận một sự thật là không ai có thể chiến thắng trong tất cả các giao dịch. Ngay cả những nhà giao dịch tài ba nhất thế giới hay các quỹ đầu tư top đầu cũng vẫn có các giao dịch thua lỗ.
Quan trọng là 1 khoản lỗ chỉ cho thấy bạn sai trong deal đầu tư đó, nó không thể hiện bạn kém cỏi trong việc đầu tư hay sẽ lỗ tiếp trong các deal tiếp theo, tuy nhiên nếu giữ khoản lỗ đó lại hoặc để khoản lỗ đó trở lên lớn hơn thì bạn sẽ không thể có các deal đầu tư tiếp theo để có thể chứng minh là mình đúng.
Tư duy của những nhà giao dịch chuyên nghiệp: Lỗ ư, không hề gì! Tôi có thể dễ dàng kiếm bù lại với các cổ phiếu tốt hơn trong tương lai.

2, BẠN SỢ NỖI ĐAU MẤT TIỀN KHI CẮT LỖ


Hãy tưởng tượng 2 trường hợp: 1 là bạn nhặt được 100k và 2 là bạn đánh mất 100k, thì trường hợp nào sẽ cho bạn cảm xúc mãnh liệt hơn. Mình dám cá đó là 2, khi bạn mất mát. Đó là do 1 hiệu ứng tâm lý: Con người luôn để ý đến những điều tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Chính vì thế mà sự đau đớn của 1 khoản lỗ 20% chắc chắn sẽ tác động mạnh hơn rất nhiều so với niềm vui của 1 khoản lãi 20% (theo các nghiên cứu là gấp đôi). Do đó chúng ta sẽ không cắt lỗ, để tránh trải qua cảm giác đau đớn đó, vì chưa cắt là chưa thực sự lỗ.
Một câu hỏi khác là: Vậy tại sao chúng ta không xử lý nỗi đau khi nó còn nhỏ, để tránh nỗi đau khi nó quá lớn và không thể xử lý (trong trường hợp này là sao không cắt khi lỗ 10%, mà lại để lỗ đến 20%)?
Lại do 1 hiệu ứng tâm lý khác: Tại thời điểm lỗ 10%, sự mất mát không được nhìn thấy (lỗ 20%) sẽ không đau đớn bằng sự mất mát hữu hình hiện tại (cắt lỗ 10% ngay bây giờ). Nên chúng ta sẽ cố gồng lỗ để tránh trải qua nỗi đau hiện tại và hy vọng giá sẽ tăng trở lại để khoản lỗ biến mất, chỉ đến khi lỗ 20% thì chúng ta mới buông xuôi và không thể xử lý vì nỗi đau bây giờ đã quá lớn.

→ Cách xử lý:
 
Lần tới khi lỗ 10% hãy tưởng tượng 2 trường hợp, 1 là niềm vui khi giá quay lại lỗ 0%, 2 là nỗi đau khi lỗ đến âm 20% (giả sử bỏ qua các yếu tố khác và coi xác suất 2 trường hợp xảy ra là bằng nhau). Điều nào sẽ tác động mạnh đến bạn hơn. Nếu nỗi đau lỗ 20% lớn hơn thì hãy cắt lỗ ngay, còn niềm vui khi lỗ 0% lớn hơn thì hãy giữ lại (1 kiểu so sánh lợi nhuận và rủi ro, xác suất xảy ra là 50% như nhau, rủi ro lớn hơn thì bán, còn lợi nhuận lớn hơn thì giữ). Từ đó bạn sẽ có phương án phù hợp nhất với mình nhé

3, LỢI ÍCH CỦA VIỆC CẮT LỖ


- Dành vốn cho các khoản đầu tư tốt hơn.
Hãy tưởng tượng nếu xác suất đúng của bạn trong đầu tư là 60%, thì khi điểm mua của bạn lỗ, tức là bạn đang rơi vào xác suất 40% sai, nếu bạn không nhanh chóng loại bỏ khoản lỗ thì bạn sẽ không có tiền để tham gia các điểm mua đúng trong xác suất 60% kia của bạn. Vì vậy 1 khoản lỗ có thể là 1 lỗi sai của bạn, nhưng nếu không nhanh chóng sửa nó bằng cách cắt lỗ đi, thì nó sẽ làm mất đi cơ hội đúng tiếp theo của bạn.

- Cắt lỗ nhanh sẽ phù hợp với diễn biến của giá cổ phiếu.
Vì giá cổ phiếu thường sẽ tăng lâu nhưng giảm rất nhanh.
Ví dụ khi nhìn lại uptrend 2 năm trước của thị trường Chứng khoán, chỉ số Vnindex phải mất 1 năm rưỡi để tăng từ 900 điểm đến 1500 điểm (từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2022), nhưng chỉ mất hơn nửa năm để giảm từ 1500 điểm quay lại 900 điểm (từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2022) (Ảnh 2).


Vì tâm lý đám đông luôn nghi ngờ khi thị trường tăng nên hành động mua sẽ cẩn thận và thăm dò từ từ, nhưng khi bán thì tâm lý hoảng loạn lấn át dẫn đến bán tháo và không còn lý trí được nữa. Do đó, khi bạn rơi vào 1 thị trường phi lý trí như vậy thì việc cắt lỗ nhanh sẽ giúp bạn tránh những khoản thua lỗ lớn.

- Các khoản lỗ càng lớn càng cần lãi nhiều hơn để “về bờ”

Chắc chắn bạn đã nhìn thấy tấm ảnh bên trên ở đâu đó rồi. Nhưng điều thú vị là trong khoảnh khắc bạn phân vẫn không biết có nên cắt lỗ không thì tấm ảnh đó lại không hiện lên trong tâm trí bạn rõ ràng như thế này. Vì như đã trình bày ở phần trên, các hiệu ứng tâm lý làm bạn chẳng còn suy nghĩ được gì nữa.
Nhưng may thay não con người lại rất nhạy bén với những con số, nên là sau bài viết này hãy để bức ảnh trên ở nơi nào bạn dễ nhìn thấy khi đầu tư, để đến khi phân vân có nên cắt lỗ hay không thì hãy nhìn vào nó và đưa ra quyết định phù hợp nhất với khả năng chịu đựng của mình nhé.

*** Tổng kết:

Tâm lý không muốn nhận sai và sợ nỗi đau mất tiền là những lý do khiến bạn không dám cắt lỗ. Những điều này ai cũng dễ mắc phải nhưng rất khó nhận biết vì nó nằm ở phạm trù tâm lý. Do đó cần kha khá thời gian để nhận thức, thay đổi tư duy và có phương pháp xử lý đúng thì mới giúp bạn cải thiện dần được.
Tuy nhiên, sau khi giải quyết được 1 trong số những bài toán khó nhất này của đầu tư, thì công cuộc đầu tư của bạn chắc chắn sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều. Vì thế trong những bước đầu học đầu tư hãy học cách cắt lỗ trước nhé. Chúc bạn đầu tư thành công!!
352 | 9/15/2023 10:40:25 AM
Bình luận
No data
NoData