Kĩ Năng [Skill] - 能力 [スキル]
(Hán Tự là "Năng Lực", nhưng dịch thành "Kĩ Năng" sẽ dễ hình dung hơn).
Kĩ năng, ừm thì cái này nó có một định nghĩa hẳn hoi từ Databook, tuy nhiên do đọc xong chả hiểu nó đang nói khỉ gì nên mình xin bỏ qua phần định nghĩa này, dù sao thì các bạn cũng dễ dàng hình dung được kĩ năng mà.
Kĩ năng về cơ bản được chia ra thành 4 loại, tất nhiên là có những loại khác nữa, nhưng sẽ không đề cập tới:
Kĩ năng thông thường (コモン スキル - Common Skill):
Đơn giản thì nó là mấy kĩ năng thông thường thôi.
Chẳng hạn như Niệm Thoại, Viễn Thị (nhìn xa ấy, không phải bệnh Viễn Thị đâu =)))), Tự Tái Sinh,...
Kĩ năng đặc biệt (エクストラ スキル - Extra Skill):
Tên sao thì đặc điểm y vậy, về cơ bản thì đây là mấy skill khá đặc biệt.
Chẳng hạn như Cảm Nhận Ma Lực, Tái Sinh Siêu Tốc, Đồng Nhất Ngoại Trang,...
(Dừng lại một chút để phàn nàn, tổ cha nó, từ xưa đến giờ mình toàn dịch エクストラ スキル - Extra Skill là "kĩ năng bổ sung", do cụm này vốn không hề có Kanji trong truyện, chỉ có cái Katakana kia thôi, đến hôm nay, lúc soạn bài này mình mới phát hiện, trong Databook, nó gọi Extra Skill là "Kĩ Năng Đặc Biệt", vâng, lại là một sự đặt tên tiếng Anh hết sức là vcl từ phía tác giả.
Thảo nào đó giờ mình cứ thấy nó sai sai, vì "kĩ năng bổ sung" thì có chỗ quái nào gọi là mạnh mẽ đâu, nghe như kiểu đồ tặng kèm vậy, giờ mới biết ý nghĩa của nó là "đặc biệt",...)
Kĩ năng độc nhất (ユニーク スキル - Unique Skill)
Đây được xem là nhóm kĩ năng mạnh mẽ và mang tính "cá nhân hóa" cực kì cao, đơn giản mà nói, đây là nhóm kĩ năng xuất phát từ mong muốn của một người, sức mạnh của nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người sở hữu. Đồng thời, nó được gọi là "độc nhất" là bởi vì không bao giờ cùng tồn tại hai kĩ năng độc nhất có tên giống nhau. Thậm chí dù có cùng chức năng đi nữa thì nó vẫn khác tên.
Chẳng hạn: Đại Hiền Giả, Đại Hiền Nhân, Kẻ Săn Mồi, Kẻ Đói Khát, Kẻ Phàm Ăn, Kẻ Biến Chất,...
Kĩ năng tối thượng (アルティメット スキル - Ultimate Skill)
Là nhóm kĩ năng tối thượng nằm ở đẳng cấp cao nhất, để sở hữu được nó đòi hỏi phải có một ý chí cực kì mạnh mẽ, những kẻ sở hữu kĩ năng tối thượng thường là những kẻ sở hữu sức mạnh ở đẳng cấp ngang với một Chân Ma Vương, tất nhiên vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ như Masayuki,...
Kĩ năng tối thượng chính là tấm gương phản chiếu rất rõ bản chất của một người, đồng thời nó cũng mang một tính "độc nhất" rất cao, không bao giờ tồn tại hai kĩ năng có cùng tên.
Tên của kĩ năng tối thượng thường được đặt theo tên của Thiên Sứ, Ác Ma, các vị Thần hoặc những nhân vật giả tưởng khác.
Kĩ Thuật [Art] - 技術 [アーツ]
Là những năng lực có được từ việc nỗ lực và rèn luyện không ngừng nghỉ, về cơ bản thì con người không có nhiều Ma Tố hay sức mạnh như Ma Vật, thế nên họ sử dụng kĩ thuật để bù đắp vào sự thiếu sót đó.
Chung quy mà nói, để nâng cao được kĩ thuật thì phải luyện tập không ngừng nghỉ, có một số năng lực có thể sao chép được kĩ năng của đối đủ, nhưng không bao giờ có thể sao chép được kĩ thuật, đây là thứ bắt buộc phải tự mình học và lĩnh ngộ.
Bổ sung: Riêng kĩ năng "Kẻ Vạn Năng" của Saare có thể sao chép được kĩ thuật.
Đây cũng là một trong các yếu tố cực kì quan trọng trong chiến đấu. Với Ma Vật, nếu chúng học được kĩ thuật, điều này sẽ khiến bọn chúng trở nên cực kì khó đối phó.
Về cơ bản thì cụm từ kĩ thuật này bạn thấy nhan nhản trong cuộc sống, khi bạn làm một công việc gì đó, đôi khi người ta sẽ khen bạn là khéo léo hoặc có kĩ thuật tốt ấy.
(Cụm này được Sky Light Novel dịch thành "Chiến Kĩ", mình không đồng tình cách dịch này lắm, tại chiến kĩ là từ để ám chỉ những kĩ năng, kĩ thuật dùng để chiến đấu, nó bao gồm luôn cả mấy cái "kĩ năng - skill" ở trên kia luôn rồi, còn "kĩ thuật - art" lại là một mảng riêng hoàn toàn, hơn nữa vốn dĩ nguyên tác ghi là "kĩ thuật" hẳn hoi, chả có lí do gì để tự dưng biến đổi nó thành "chiến kĩ" của).
Kĩ Lượng [Level] - 技量 [レべル]
Chắc cú là nhìn chữ level kia, 99% các bạn sẽ hiểu sai ý nghĩa của nó.
Kĩ lượng là thứ vô hình, không thể nhìn thấy được, về cơ bản, ý nghĩa của kĩ lượng là "độ thuần thục" chứ không phải là "đẳng cấp" hay "cấp bậc" đâu.
Độ thuần thục là gì? Ở đây độ thuần thục ám chỉ đến việc thuần thục một kĩ năng hay kĩ thuật nào đó.
Cái này rất dễ để các bạn hình dung, mình sẽ đem đấng Yasuo ra làm ví dụ. 🐧
Các bạn biết đấy, cùng là một con tướng nhưng khi vào tay hai người khác nhau, một người pro và một người noob thì họ sẽ phát huy sức mạnh một cách khác nhau, đó gọi là sự khác nhau về độ thuần thục. Hiển nhiên là một người main Yasuo 1000 trận nó sẽ khác với người chỉ mới chơi Yasuo được 10 trận.
Tương tự, Hakurou, một lão già cực kì giỏi kiếm thuật sẽ có một mức độ cách biệt "kĩ lượng - độ thuần thục"cực kì cao so với Rimuru, một con Slime gà chính hiệu trong mảng kiếm thuật.
Vì vậy, nếu chỉ đấu kiếm thuật, Rimuru chắc chắn sẽ ăn hành ngập mồm.
Cái cần lưu ý ở đây là gì, đó là việc kĩ năng trong Tensura không hề có "cấp bậc" như mấy bộ truyện khác, kiểu như Level 1, Level 2 ấy.
Các kĩ năng một khi đã có cùng tên với nhau thì công dụng nó y chang nhau luôn (chẳng hạn Tơ Thép Dính), nhưng độ hiệu quả của nó sẽ hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào độ thuần thục của người sử dụng.
Đấy là thứ trừu tượng và vô hình mang tên "Kĩ Lượng", một trong các yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá sức mạnh của một người. Cũng vì là yếu tố vô hình không thể đo lường được, nên khi gặp một người, không thể nào phán đoán chính xác sức mạnh của họ, chỉ khi thực chiến mới có thể cảm nhận được toàn bộ.
Chẳng hạn như Phân Thân Thể hoặc Tơ Thép Dính của Rimuru ấy, Souei cũng sở hữu mấy kĩ năng này, nhưng hắn dùng hiệu quả còn kinh khủng hơn cả chủ nhân ban đầu, điều này đã khiến Rimuru quyết tâm phải rèn luyện để không thua đám đệ.
Giống với Kĩ Thuật, Kĩ Lượng cũng là thứ không thể sao chép hay tước đoạt, đó là lí do giải thích cho việc dù Rimuru có rất nhiều kĩ năng, nhưng lại chẳng biết xài sao cho ra hồn.
Kĩ Lượng cũng là một trong các yếu tố dùng để phân cấp sức mạnh của Ác Ma Tộc, đơn giản mà nói, gừng càng già càng cay, sống càng lâu càng nhiều kinh nghiệm, đánh nhau càng nhiều kĩ lượng càng tăng...