Hiệu ứng Brita và câu chuyện tự học

Bạn đã bao giờ nghe tới cái tên "hiệu ứng Brita" chưa? Hôm nay tôi mới có dịp tiếp xúc với thuật ngữ này và chợt nhận ra: bấy lâu nay mình cũng biết "sơ sơ" về điều này mà không thật sự suy nghĩ kỹ về nó. Nào, hãy cùng tôi tìm hiểu về hiệu ứng Brita và những điều tôi đã rút ra khi ứng dụng nó trong thực tế qua bài viết này nhé.


Hiệu ứng Brita là gì?

Brita là thương hiệu máy lọc nước ở Mỹ. Đặc điểm của máy lọc nước là khi đưa nước vào bộ lọc phải đưa từ từ, nếu đưa nhanh quá, nhiều quá thì nước sẽ bị tràn ra ngoài.
Câu chuyện này khá đơn giản để minh họa cho việc học, tiếp nhận kiến thức mới như sau:

Quá trình học cũng như quá trình lọc nước, các kiến thức được tiếp nhận phải từ từ, mỗi ngày một ít thì sẽ hiệu quả hơn là học thật nhiều, thật nhanh.

Một số câu hỏi mà bản thân tôi nghĩ tới khi tiếp cận điều này là:

  1. Điều này có chính xác không? Bởi nghe thì rất xuôi tai nhưng khi tìm kiếm các từ khóa liên quan tới "hiệu ứng brita" thì không có nhiều bài viết nghiên cứu, bàn về nó. Chỉ toàn là các bài sao chép lại chứ không đa dạng và không có nghiên cứu khoa học cụ thể nào. Nó chỉ là một dạng "hiệu ứng tâm lý" được truyền miệng. Nếu bạn nào có tài liệu hoặc nguồn tham khảo về hiệu ứng này thì chia sẻ giúp mình nhé.
  2. Nếu nó đúng (khi ứng dụng vào chính quá trình học của bản thân mình thì cá nhân mình thấy có phần đúng) thì thời lượng, khối lượng kiến thức mới mỗi ngày tiếp nhận nên ở mức nào. Cái này có ý nghĩa với công việc dạy học, truyền đạt kiến thức cho người khác.

Những suy ngẫm về ứng dụng hiệu ứng Brita

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là về việc sắp xếp thời khóa biểu trong trường học. Một điều dễ nhận thấy là một tiết học thường chỉ có thời lượng 30-45 phút và một ngày học chỉ học nửa buổi, tổng khối lượng là 5 tiết học (5x45 = 225 phút = 3,75 giờ). Tức là thời lượng học chính khóa chỉ tối đa 4 giờ học. Xen giữa các giờ học là giờ nghỉ 5 phút, 15 phút để chuyển tiết, chuyển môn học. Điều đó là rất tốt, rất phù hợp với hiệu ứng Brita. Học từ từ, mỗi ngày một ít, có thời gian rảnh để thực hành, luyện tập, ứng dụng kiến thức vào thực tế. Có như vậy việc học sẽ (có thể *) hiệu quả hơn.
có thể = do tôi không có các nghiên cứu về sư phạm nên cũng suy đoán vậy thôi.
Tuy nhiên thực tế thì chúng ta lại đang làm trái với điều này. Học sinh ngoài giờ học chính khóa còn học thêm: Học nửa ngày còn lại, học tối, học cả cuối tuần. Học như vậy là quá nhiều, dẫn tới càng học thì càng bị tràn, lãng phí và không tiếp thu được nhiều. Điều đó dẫn tới 1 tâm lý "chán học", "học không có mục đích" (mục đích của việc học phải xuất phát từ chính người học và họ phải vui thú khi đạt được mục đích, chứ không phải là mục đích làm hài lòng người khác).
Suy nghĩ thứ hai là quá trình chính bản thân tôi học lập trình VBA (Visual Basic Application - trong Microsoft Excel). Tôi tự học hoàn toàn trên mạng, học hỏi từ người quen, bạn bè... Khi mới bắt đầu, tôi thấy kiến thức này rất rộng và hoang mang không biết xuất phát từ đâu, trong khi cái gì cũng muốn. Tôi bắt đầu bằng cách ép mình học thật nhiều, xem thật nhiều để mong muốn "biết về nó càng sớm càng tốt". Nhưng kết quả là tôi chỉ biết copy paste các đoạn code mẫu để sử dụng, chứ chưa tự mình viết được các đoạn code.
Sau một thời gian thì tôi chán, nản, dần dần giãn ra, mỗi ngày học thêm một tí thôi, kiểu xem một đoạn video rồi cố gắng hiểu sâu về nó hơn. Tôi tạm coi mình đã biết rồi, chỉ cố gắng tìm cách ứng dụng nó để giải quyết một việc cụ thể. Giai đoạn này tôi loay hoay rất lâu, cảm thấy mình chẳng biết gì dù đã học nhiều. Chật vật lắm mới giải quyết được một vấn đề nhỏ. Phải sau rất lâu (cỡ 1-2 năm sau) tôi mới tạm coi là sử dụng được VBA.
Điều quan trọng nhất tôi nhận ra là mình có 1 mục đích học VBA rõ ràng. Tôi thấy mình cần phải lĩnh hội được kiến thức này để giải quyết những vấn đề mà trước đó tôi cho là "không thể". Tôi đã ép được bản thân mình phải kiên trì với kiến thức này, vượt qua giai đoạn "chán, nản" khi "càng học càng ngu". Chính điều đó đã giúp tôi có thêm được 1 đống kiến thức mới, phương pháp tư duy mới mà đem lại nhiều giá trị cho bản thân sau này.
Suy nghĩ thứ ba là việc ứng dụng hiệu ứng Brita trong tập thể thao, tập gym. Rõ ràng việc tập luyện sẽ giúp phát triển cơ bắp, thần kinh vận động nhưng mỗi ngày cần tập điều độ và duy trì nó. Khi tập quá nhiều thì hiệu quả không "tỷ lệ thuận" với khối lượng luyện tập này. Khi ngừng tập thì cơ bắp cũng "nhão" ra theo thời gian. Nó chẳng khác gì việc kiến thức bị lãng quên khi ta không còn học tiếp kiến thức mới hay ôn lại bài cũ.

Kết luận

Vậy nên tôi thấy "hiệu ứng brita" đúng nhưng chưa đủ. Nó đúng trong việc chúng ta không nên ép bản thân học thật nhanh, thật nhiều. Bởi dù có tiếp thu được trong thời gian ngắn thì chúng ta cũng nhanh chóng quên đi khi không còn sử dụng nó thường xuyên, không tiếp tục học nữa. Nó không đủ khi chúng ta dựa vào điều đó để có cớ ỷ lại, lười biếng. Khi tiếp cận một kiến thức mới, chúng ta cần đặt ra cho mình những tiêu chí:
  • Mỗi ngày tôi sẽ học nó bao nhiêu lâu? 30 phút, 1 tiếng, 2 tiếng, 4 tiếng... tùy khả năng mỗi người, không ai giống ai.
  • Mỗi ngày tôi sẽ thực hành bao nhiêu lâu, vào mục đích gì? tôi muốn có kết quả gì?
  • Tôi cần lộ trình học như thế nào cho phù hợp. Có thể tham khảo tư vấn, hướng dẫn từ người có kinh nghiệm, chuyên môn nhưng bản thân mình cần xác nhận lại để có chế độ phù hợp với chính mình. Đồng thời kiên trì, kỷ luật với lộ trình mà mình đã đề ra.
114 | 1/9/2024 11:26:59 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
[Homo Scachorum] Giỏi cờ vua hơn không đồng nghĩa với thông minh hơn
[Homo Scachorum] Giỏi cờ vua hơn không đồng nghĩa với thông minh hơn
Trong các bài trước chúng ta đã biết rằng vào thời kì Cờ vua Lãng mạn, cờ vua được coi như một công cụ giáo dục không thể chối cãi
Inferiority complex (Mặc cảm tự ti)
Inferiority complex (Mặc cảm tự ti)
Trong xã hội loài người, việc cảm thấy thua kém trước người giỏi hơn mình là chuyện bình thường. Bởi cảm xúc xấu hổ, thua kém người
Rối loạn nhân cách ái kỷ - có nên được giảm nhẹ tội trong pháp lý?
Rối loạn nhân cách ái kỷ - có nên được giảm nhẹ tội trong pháp lý?
Dành cho ai thắc mắc thuật ngữ ái kỷ. Từ này là từ mượn của Hán Việt, trong đó: ái - yêu, kỷ - tự bản thân mình
Oxytocin - Hormone của tình yêu, lòng tốt và sự tin tưởng
Oxytocin - Hormone của tình yêu, lòng tốt và sự tin tưởng
Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu đến các bạn một hormone đại diện cho thứ cảm xúc