Từ triết lý Ikigai nhìn về việc viết

“Ikigai – bí mật sống trường thọ và hạnh phúc của người Nhật” là cuốn sách nổi tiếng của tác giả người Nhật Ken Mogi. Ikigai là một từ tiếng Nhật, trong đó “iki” nghĩa là “sống”, “gai” nghĩa là “lý do”. Có thể hiểu “ikigai” mang ý nghĩa: lý do để sống hay lẽ sống, mục đích sống.


Theo ngòi bút của Ken Mogi qua từng chương sách, người đọc sẽ được biết tới nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề cũng như các câu chuyện thú vị về văn hóa Nhật Bản. Từ những kiến giải của tác giả về triết lý ikigai, ta có thể chiêm nghiệm khá nhiều điều về việc viết lách.

Ikigai và lý do để viết

Mỗi người trong chúng ta hẳn có những lý do khác nhau để đặt chân vào lĩnh vực viết lách. Có người viết đơn thuần vì sở thích của bản thân, có người coi viết chỉ là một công việc để kiếm tiền, có người viết vì muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác… Muôn vàn động cơ đưa bạn đến với việc viết lách. Nếu bạn thường thức dậy với ý nghĩ rằng: “Hôm nay mình phải viết!”, hẳn việc viết chính là một phần ikigai trong bạn.
Tác giả Ken Mogi có đề cập đến trong cuốn sách về một nhân vật tên Hiroki Fujita. Ông là người kinh doanh cá ngừ trong chợ cá Tsukiji nổi tiếng tại Tokyo. Mỗi ngày, ông đều thức dậy lúc 2 giờ sáng để có thể mua được những con cá ngừ ngon nhất. Theo chia sẻ của Hiroki Fujita, thịt cá ngừ có vị ngon nhất sẽ có màu đỏ nhạt hơn, chứ không phải màu tươi đỏ như nhiều người nghĩ. Trong số 100 con đánh bắt được thì chỉ có một con ngon nhất đó. Ông dậy sớm để đi tìm con cá đặc biệt đấy. Mong muốn này mang lại cho ông động lực làm việc mỗi ngày.
Nhìn lại việc viết, ikigai trong bạn là gì? Lý do để bạn viết hàng ngày là gì? Có thể nó sẽ không đơn thuần là sở thích hay công việc. Viết giúp bạn và có lẽ là cả người đọc bài viết của bạn chữa lành tâm hồn khi trải qua nỗi đau nào đó. Viết đem lại cho bạn sự háo hức khám phá cuộc sống và chính bản thân mình. Viết đem lại sự kết nối vô hình giữa bạn với những người xung quanh… Có rất nhiều lý do ở một tầng băng sâu hơn khiến bạn viết đúng không?

Kodawari và viết bằng sự cực đoan

Nghe từ “cực đoan” có lẽ bạn sẽ nghĩ tới điều gì đó tiêu cực phải không? “Cực đoan” ở đây thiên về ý nghĩa “cầu toàn”. Kodawari được tác giả Ken Mogi nhắc tới như một khía cạnh trong triết lý ikigai của người Nhật. Trong tiếng Anh, kodawari thường được hiểu là “commitment” (tận tụy) hoặc “insistence” (kiên định).
Theo cách cắt nghĩa của tác giả, “Kodawari là một tiêu chuẩn cá nhân mà theo đó mỗi cá nhân kiên định tuân thủ. Nó thường xuyên, dù không phải luôn luôn, được sử dụng để nói về phẩm chất, hoặc tính chuyên nghiệp của mỗi cá nhân… Nói tóm lại, kodawari là khái niệm mô tả việc bạn dành tâm huyết cho mọi chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống.”
Một nhân vật kiệt xuất mà chúng ta đều biết, có thể coi ông là một người mang tinh thần kodawari điển hình chính là Steve Jobs. Nó thể hiện qua sự “cực đoan” của ông khi nỗ lực hoàn thiện các tính năng của iPhone đến hoàn hảo. Chính sự “cực đoan” này tạo ra một cuộc cách mạng về công nghệ, làm thay đổi thế giới mà chúng ta sống.
Trong giới viết lách đông đảo này, điều gì định vị nên thương hiệu của bạn? Có thể bạn nghĩ tới tài năng – đúng là điều này đóng vai trò khá quan trọng! Còn một khía cạnh khác, đó chính là tinh thần kodawari. Nó được hình dung cụ thể qua bạn dành tâm huyết cho việc viết của mình như thế nào.
Một người viết có tinh thần kodawari sẽ không thỏa mãn với những bài viết đã được độc giả đánh giá là tốt. Họ cho rằng như thế vẫn chưa đủ, cần phải tốt hơn nữa. Bạn từng nghe câu nói rằng, với một diễn viên, vai diễn hay nhất vẫn đang ở phía trước chưa? Có lẽ một số người sẽ thấy sự cầu toàn này hơi thái quá, nhiều việc không cần nỗ lực đến như thế. Xin được khép lại mục 2 này bằng suy nghĩ của tác giả Ken Mogi: “Thế nhưng chỉ khi người ta mưu cầu sự hoàn hảo, thì điều kỳ diệu mới thực sự xảy ra. Bạn nhận ra rằng thứ chất lượng bạn đang mong muốn đạt được thực sự sâu sắc hơn thế nhiều. Đó là một bước đột phá, hay tạo ra một thứ khác biệt hoàn toàn.”

Viết trong sự phủ nhận cái tôi cá nhân

Viết trong sự phủ nhận cái tôi cá nhân – điều này liệu có hơi ngược với bản chất của việc viết lách thường đề cao tính sáng tạo hay không? Người ta thường quan niệm rằng, cái tôi của tác giả chính là tiền đề cho chất riêng của mỗi bài viết. Vậy giải phóng cái tôi cá nhân dưới góc nhìn về ikigai theo là gì?
Tác giả Ken Mogi đã đưa ra câu chuyện về Jikisai Minami – vị tu sĩ nhà Phật hiếm hoi sống trong chùa Eihei hơn mười năm. Chùa không có “hệ thống khen thưởng”. Khi vào chùa, dù tu sĩ cố gắng hoàn thành tốt các công việc của bản thân, họ cũng không nhận được sự ưu ái hơn những người khác. Điều đó có nghĩa họ là người vô danh, cái tôi cũng mất dần đi. Một lúc nào đó, họ không còn màng tới sự hiện diện của bản thân nữa, họ hoàn toàn thong dong trong bước đi của mình.
Xét tới việc viết lách, tương tự như khi bạn có một bài viết tốt, nó có thể được nhiều người nhấn nút Yêu thích cũng như chia sẻ, bình luận. Khi bạn không còn ngóng chờ sự tán dương đó xảy đến, bạn sẽ viết với một tâm thế cân bằng nhất, sáng suốt nhất. Bạn giải phóng mình khỏi áp lực của khen chê, tự khắc việc viết sẽ không còn những gánh nặng phù phiếm. Hàng ngày bạn viết, và trong trạng thái tinh thần thực sự hoan hỉ. Và theo đó, viết thực sự là một quá trình tận hưởng.

Ikigai và sự cạnh tranh trong nghề viết

Trong chương 7 mang tựa đề “Đi tìm mục đích sống”, tác giả Ken Mogi đưa ra câu chuyện nhiều suy ngẫm về môi trường thể thao khắc nghiệt. Bỏ qua những ý nghĩa và vai trò lớn lao của thể thao mà người ta vẫn thường ngợi ca, có một sự thật trần trụi rằng: Sau mỗi trận đấu, chiến thắng của người này chính là thất bại của người kia. Hay nói một cách khác, theo ý nghĩa nhân sinh, thì niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người khác.
Ken Mogi khắc họa những võ sĩ Sumo phấn đấu bao nhiêu năm nhưng vẫn chỉ ở thứ hạng thấp nhất, hoàn toàn là những người vô danh. Nếu quyết định giải nghệ, họ có thể được hỗ trợ để chuyển sang các công việc khác đủ để chu cấp cho gia đình. Tuy vậy, họ vẫn tiếp tục gắn bó với môn thể thao này, dù mức trợ cấp ít ỏi và phải làm nhiều công việc nặng nhọc. Phải chăng chính vì Sumo là nguồn ikigai mạnh mẽ ở trong họ?
Sự cạnh tranh trong nghề viết vốn dĩ không ít khắc nghiệt, dù nó không được thể hiện ra bằng những trận đấu cụ thể có thắng và thua. Có những lúc nào đó, bạn nản lòng rằng mình cố gắng bao nhiêu thời gian cũng chỉ là một người viết vô danh. Dù vậy bạn vẫn bền bỉ viết, bởi viết là một nguồn ikigai trong bạn. Chỉ riêng điều này cũng đủ để bạn kiêu hãnh về bản thân mình.
Không nhiều người may mắn trở thành Nguyễn Nhật Ánh hay xa hơn nữa là Murakami Haruki theo những thước đo thông thường. Nhưng ở khía cạnh không thể đong đếm được, bạn đã luôn giữ được ngọn lửa của ikigai trong mình. Đó là một điều thực sự đáng quý dù có thể nghề viết chưa đem tới cho bạn nhiều bông hoa đẹp xinh!
92 | 3/27/2024 8:36:31 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
No data
Không có dữ liệu