Duy trì ngọn lửa sáng tạo - Cứ Làm Đi! (Austin Kleon)
IMG

Duy trì ngọn lửa sáng tạo - Cứ Làm Đi! (Austin Kleon)

120.000 ₫ 100.000 ₫ GIẢM 17%
Là nghệ sĩ kì cựu đã viết lách và sáng tạo nghệ thuật được hơn một thập kỷ, một trong những tác giả sách bán chạy nhất của The New York Times
Lượt xem: 216
Số lượng
“Nếu bạn không thể bay thì hãy chạy, nếu bạn không thể chạy thì hãy đi, nếu bạn không thể đi thì hãy bò, nhưng cho dù bạn làm thế nào bạn cũng phải tiếp tục tiến về phía trước.” - Martin Luther King Jr

Là nghệ sĩ kì cựu đã viết lách và sáng tạo nghệ thuật được hơn một thập kỷ, một trong những tác giả sách bán chạy nhất của The New York Times. Kỳ lạ thay, Austin Kleon chưa bao giờ thấy sáng tạo là một công việc dễ dàng hơn chút nào, kể cả với những người có nhiều kinh nghiệm lâu năm như anh. “Đáng lẽ phải dễ dàng hơn chứ?”
Mọi thứ chỉ dần khá khẩm hơn khi Austin chấp nhận sự thật rằng: “cuộc sống có lẽ sẽ không bao giờ dễ dàng, thế giới này vốn dĩ đã điên rồ. Sáng tạo cũng chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Đời người thì ngắn ngủi còn nghệ thuật lại là một hành trình dài” và câu hỏi vẫn luôn là “Làm thế nào để không ngừng tiến bước?”
Để giải đáp cho thắc mắc đó, Austin đã cho ra đời cuốn “Keep Going!” hay tựa Việt “Cứ Làm Đi!” sau hai thành công lớn là “Steal Like an Artist” và “Show Your Work!” như là phần thứ ba không chính thức. Sau khi học cách sáng tạo và mang những tác phẩm nghệ thuật đi khắp nơi, ta sẽ tìm cách để duy trì ngọn lửa sáng tạo không bao giờ tắt.


Đôi nét về tác giả


Austin Kleon, anh là nhà văn và nghệ sĩ sống tại Austin, Texas, tác giả quyển “kinh thánh” của giới sáng tạo - Steal Like An Artist, cũng đồng thời là diễn giả về chủ đề sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số cho Pixar, Google, SXSW, TEDx và The Economist. Tờ The Atlantic gọi anh là “một trong những người thú vị nhất trên Internet”.
Với “Steal Like An Artist”, Austin đã cho độc giả thấy sự thật về sáng tạo, rằng “Mọi tác phẩm sáng tạo đều được tạo nên từ những gì đã có trước đó. Mọi ý tưởng mới chỉ là bản phối lại hoặc pha trộn của một hay hai ý tưởng trước đó” và cách để ta “đánh cắp” ý tưởng từ xung quanh, từ con người cho đến vũ trụ. Với “Show Your Work!” thì anh lại chỉ ra cách để mang những tác phẩm nghệ thuật, những thành tựu đạt được đến với công chúng và để họ sao chép những ý tưởng đó. Bởi nếu bạn không lên tiếng, không ai biết bạn là ai cả, dù bạn có tài giỏi đến mức nào đi chăng nữa. Còn với “Keep Going!” lại là những chiêm nghiệm và những bài học đúc rút từ hơn 10 năm miệt mài làm sáng tạo nghệ thuật, là những điều giúp Austin có được thành tựu như ngày hôm nay, cũng như ngọn lửa sáng tạo của anh, chẳng bao giờ lụi tàn. Như người nghệ sĩ đa tài Willie Nelson - biểu tượng sống của dòng nhạc đồng quê với sự nghiệp kéo dài hơn sáu thập kỷ đã từng nói: “Tôi nghĩ mình cần không ngừng sáng tạo, chẳng phải để chứng minh điều gì mà vì điều đó khiến tôi hạnh phúc… Tôi nghĩ việc cố gắng sáng tạo và luôn bận rộn chính là những điều giúp bạn tồn tại.”
Austin Kleon

Về cuốn sách


“Cứ làm đi!” Câu thần chú của những người làm nghệ thuật

Mỗi ngày đều là một ngày mới

“Cách chúng ta sống từng ngày chính là cách chúng ta sống cả cuộc đời.” - Annie Dillard

Có một điều mà tất cả mọi người cần phải hiểu để sống trọn vẹn hơn với cuộc sống và công việc của mình, đó không gì khác ngoài việc nhận thức được rằng: “Trải nghiệm của ngày hôm nay không khiến người ta phát điên, mà là sự hối tiếc hay cay đăng với điều gì đó đã xảy ra ngày hôm qua hoặc nỗi sợ hãi với những gì sẽ tới ngày mai. Do đó, chúng ta hãy cố gắng hết sức để sống trọn vẹn mỗi ngày.” Những người nghệ sĩ sáng tạo thành công nhất là những người luôn xác định được mục tiêu mình muốn đạt được và đầu tư công sức, thời gian và bất chấp mọi thứ để làm nó mỗi ngày. Cho dù sản phẩm của họ có bị từ chối, phớt lờ hay được đón nhận, những con người này vẫn miệt mài vào mỗi ngày mới. Bởi vốn dĩ ta chỉ có ngày hôm nay, quá khứ đã đi qua và tương lai còn chưa tới, những gì chúng ta có thể làm vẫn chỉ có ngày hôm nay.
Cuộc sống sẽ luôn có lúc thăng lúc trầm, cũng như có những ngày suôn sẻ và những ngày tồi tệ. Những ngày ta tràn trề năng lượng và những ngày ta mệt mỏi và chán ghét. Bởi thế mà hãy luôn có cho mình một lịch trình, một To Do List và vài thói quen tốt cho mỗi ngày. Như mình từng nghe được một câu khá hay của kênh Web5ngay: “Buồn thì buồn, nhưng sống vẫn phải sống”, thế nên là dù có một ngày tồi tệ, nhưng nếu ta có thói quen duy trì những lịch trình và thói quen tốt sẽ giúp ta bước qua một ngày tồi tệ một cách dễ dàng hơn. Tất nhiên việc này cũng giúp bạn tiết kiệm cả đống thời gian để nghĩ xem nên làm gì tiếp theo nữa.
Khi ngày trôi qua, hãy cứ để nó kết thúc, đừng tiếc nuối hay trách cứ cuộc đời. Không phải ngày nào cũng diễn ra đúng theo ý chúng ta, dù ta có lịch trình hay dự định chi tiết đến thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn có những bất trắc và vấn đề, dù ít dù nhiều. Điều quan trọng là bạn có gặp vấn đề gì đi chăng nữa thì hãy cố gắng cho đến cuối ngày. Khi chuẩn bị lên giường, hãy lập một danh sách công việc cho ngày hôm sau và quên chúng đi, vì “ngày mai là một ngày mới”.
“Khi ngày trôi qua, hãy để nó kết thúc...
Bạn đã làm những gì có thể; một số sai lầm ngớ ngẩn hiển nhiên mà bạn đã vấp phải, hãy quên chúng càng sớm càng tốt. Ngày mai là một ngày mới; hãy khởi đầu một cách tốt đẹp và bình thản, với tinh thần quyết chiến đến mức những phiền muộn vô nghĩa của ngày hôm qua chẳng thể nào cản trở.” - Ralph Waldo Emerson


Trạm dừng chân hạnh phúc


Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phát triển nhất của nhân loại, nhưng cũng đồng thời là kỷ nguyên phát triển nhất của sự xao nhãng và mất tập trung. Chúng ta đang phải sống trong một thế giới có quá nhiều xao nhãng, hàng ngàn những bộ máy kiếm tiền dựa trên sự sao nhãng đó của chúng ta với thông tin nhanh, video ngắn,.. đang ngày càng bào mòn đi khả năng tập trung cũng như khả năng sáng tạo của con người. Đúng, chúng ta không thể cứ cực đoan đào thải hết tất thảy những sự xao nhãng xung quanh mình, nhưng ít nhất, hãy tạo một khoảng không gian, một khoảng thời gian chỉ dành cho bản thân mình, đó chính là trạm nghỉ để suy nghĩ sáng tạo. Ở “Show Your Work”, Austin mang đến cách tiếp cận sáng tạo kết nối với mọi người để chia sẻ thành quả công việc lẫn học hỏi và để được truyền cảm hứng, nhưng dường như điều này không hẳn là hoàn toàn đúng cho đến thời điểm hiện tại. Sáng tạo vừa phải “được kết nối” nhưng đồng thời cũng nên phải “ngắt kết nối” và xây dựng cho mình một không gian, hoặc một khoảng thời gian, cái được gọi là “trạm dừng chân hạnh phúc”. Một nơi bạn có thể thoải mái đắm chìm trong dòng suy nghĩ vẩn vơ mà chẳng màng mọi sự xung quanh, một nơi để ẩn náu trước hàng loạt những con sóng thông tin cứ liên tục xô vào ta, nơi ấy sẽ là khởi nguồn của sự sáng tạo, khởi nguồn từ sự tập trung...
“Bạn phải có một không gian, hoặc khoảng thời gian nhất định trong ngày, nơi bạn không cập nhật tin tức, không quan tâm bạn bè là ai, không biết bạn mắc nợ ai hay ai mắc nợ bạn. Đó là nơi bạn có thể chiêm nghiệm, tìm ra bạn là ai và có thể trở thành ai. Đó là nơi ươm mầm sáng tạo. Ban đầu có thể bạn chẳng nhận thấy điều gì khác biệt. Nhưng khi đã có ‘thánh địa bất khả xâm phạm’ và biết cách sử dụng nó, điều khác biệt ấy cuối cùng sẽ tìm đến bạn.”
Và điều cần thiết nhất để bảo vệ khoảng không gian cũng như thời gian quý giá của bản thân, bạn phải học cách từ chối tất cả cám dỗ đến từ thế giới bên ngoài. Bạn cần học cách nói “không”. Với mọi người và với cả chính bạn. Truyền thông xã hội đã tạo ra một căn bệnh, một hội chứng tâm lý mới của loài người có tên FOMO, hay nỗi sợ bị bỏ lỡ (Fear Of Missing Out). Đó là nỗi sợ hãi khi mà bản thân bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác được trải nghiệm điều đó. Các nghiên cứu đã tiến hành mô tả người bị hội chứng FOMO cho thấy, những cảm giác lo lắng rằng mọi người xung quanh có thể đang có trải nghiệm về sự hạnh phúc, vui vẻ hoặc hoàn toàn thú vị hơn bản thân bạn. Tâm lý lo lắng này sẽ khiến cho bạn luôn muốn cập nhật các hoạt động của bạn bè hoặc người khác để có thể xem được họ đang làm cái gì. Và để giải quyết vấn đề này, một thuật ngữ khác đã ra đời, đó là JOMO, hay niềm vui khi bỏ lỡ (Joy Of Missing Out). Trái ngược với FOMO, JOMO được hiểu là cảm giác tận hưởng những gì bạn đang làm trong mỗi khoảnh khắc của hiện tại mà không cần lo lắng hay cảm thấy áp lực về những gì người khác đang làm. Một điều rõ ràng là lành mạnh hơn, bạn có thể thấy tầm quan trọng của việc ngắt kết nối với thế giới xung quanh vốn chẳng liên quan gì đến bạn và kết với với chính con người bên trọng bạn, khi ấy mới thực sự là sống đúng nghĩa. Như Steve Jobs đã nói: “Bản chất của sự tập trung là nói ‘không’.” và “nói ‘không’ với thế giới thì rất khó, nhưng đôi khi đây là cách duy nhất để nói ‘có’ với nghệ thuật và sự tỉnh táo của bạn.”


Bỏ quên danh từ, hành động theo động từ


“Hãy từ bỏ điều mà bạn đang cố gắng trở thành (Danh từ) và tập trung vào công việc bạn cần làm (Động từ). Động từ sẽ đưa bạn đến một nơi nào đó xa xơi và thú vị hơn nhiều.”
Việc trông chờ một ai đó gọi bạn là một người nghệ nghĩ, một ca sĩ, một tác giả, hay một chức danh nào đó trước khi bạn bắt tay vào làm ra sản phẩm của riêng mình, bạn sẽ có thể không bao giờ thực hiện được công việc đó. Và kể cả khi đã xứng đáng với chức danh đó rồi, cũng đừng bao giờ ngừng làm việc. Hãy cứ mặc kệ những gì người khác gán cho bạn, cái bạn cần quan tâm là bạn đã làm được những gì và cần phải làm những gì tiếp theo. Vì thế, hãy cứ quên hẳn “danh từ” và chú tâm thực hiện “động từ” thật tốt.
Và khi làm việc, nhất là công việc mang tính sáng tạo, hãy coi đó như là việc chơi đùa của trẻ nhỏ. Đây là cách để người nghệ sĩ tránh tập trung vào kết quả mà đánh mất phần “trẻ con” bên trong mình, thứ tạo nên sự khác biệt giữa một người nghệ sĩ giỏi và một người nghệ sĩ vĩ đại.
 

Tạo nên những món quà


Để có một cuộc sống tươi đẹp hơn, không thể thiếu những sở thích cá nhân, bên cạnh những thứ giúp ta tồn tại và phát triển về mặt tài chính và vật chất thì còn có những thứ là cội nguồn của yên bình và hạnh phúc. Như việc đan len khi rảnh và nướng bánh vào cuối tuần, hoặc chơi game lúc có thời gian nghỉ. Điều kì lạ là mỗi khi ai đó thấy bạn giỏi hoặc thường xuyên làm một thứ gì đó, họ luôn khuyên chúng ta rằng: “Cậu có thể kiếm tiền với nó đấy!”. Có một dạo mình có nghe được thông tin về ShowMaker, một trong những người chơi tài năng nhất của League Of Legends đã nói về câu chuyện sở thích và công việc kiếm tiền :"Khi mới ra mắt với tư cách tuyển thủ chuyên nghiệp, tôi dành 100% tình yêu cho trò chơi. Khi đó, tôi thi đấu vì tôi yêu LMHT. Còn hiện tại, tôi nghĩ rằng đó là 100% công việc". Và khi ấy, con người gần như tiệm cận đến mức huyền thoại của một lĩnh vực này đã gần như muốn giải nghệ, mặc cho những vinh quang đầy danh giá trong quá khứ. Bởi khi một sở thích trở thành một công cụ kiếm tiền, nó không còn là sở thích nữa, cũng không còn những thoải mái, hạnh phúc đơn sơ ban đầu nữa. Austin đưa ra lời khuyên cho những người đang có những sở thích cá nhân mà có tác động tích cực đến cuộc sống của mình, rằng “hãy chắc chắn có phần nào đó trong bạn không bao giờ bị ảnh hưởng bởi tiền bạc. Một phần nhỏ nào đó bạn muốn giữ lại cho riêng mình.
“Có sở thích và không kiếm tiền từ nó là một điều tốt... Vì thế, hãy theo đuổi giấc mơ của bạn, nhưng khi đam mê trở thành nghề nghiệp, bạn nên tìm cách chuyển hướng ngay tức khắc.” - David Rees
Và tiền không phải là thước đo duy nhất có thể phá hủy sức sáng tạo của bạn. Việc đưa tác phẩm lên mạng và chia sẻ cũng khiến chúng bị đánh giá theo những thước đo hữu hình của thế giới ảo: lượt view, lượt thích, lượng người theo dõi và hơn thế nữa. Và điều tồi tệ là ta sẽ có xu hướng quyết định làm gì tiếp theo dựa trên những thước đo đó mà không hề hay biết chúng nông cạn ra sao. Khi sẵn sàng đưa một thứ gì đó lên mạng để chia sẽ, cũng hay sẵn sàng để phớt lờ những con số, những thứ luôn trực chờ ăn tươi nuốt sống những ý tưởng sáng tạo nguyên thủy của bạn. Hãy cứ làm những gì mình thích, công việc kiếm tiền và sở thích là hai lĩnh vực riêng biệt và hãy rõ ràng với chúng. “Đừng làm việc chỉ vì tiền - bạn không bao giờ kiếm đủ tiền. Và cũng đừng bao giờ làm việc vì để nổi tiếng - bạn không bao giờ cảm thấy mình đủ nổi tiếng. Hãy tạo nên những món quà dành tặng mọi người - và chăm chỉ làm việc với hy vọng rằng mọi người sẽ chú ý và yêu thích những món quà ấy.” - John Green (tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Khi nỗi thuộc về những vì sao”)


Điều bình thường + Chú tâm = Điều phi thường


“Harvey Pekar dành phần lớn cuộc đời làm nhân viên lưu trữ hồ sơ tại bệnh viện VA ở Cleveland. Ông đã thu thập các câu chuyện, nguệch ngoạc vẽ kịch bản với hình người que, và từ đó làm nên kiệt tác truyện tranh American Splendor. Emily Dickinson thì “chôn mình” trong phòng và viết những lời thơ đẹp đẽ trên mặt sau của đống phong bì bỏ đi. Hannah Hoch, nghệ sĩ thuộc trường phái Dada đã sử dụng các mẫu may lấy từ công việc chính của mình để đưa vào tranh ghép nghệ thuật. Sally Mann thì “bắt được” những bức ảnh tuyệt đẹp khi ba đứa con đang chơi đùa tại trang trại của gia đình ở Virginia...”. Và cứ như thế, những nghệ sĩ vĩ đại thực sự luôn có thể tìm thấy phép màu ngay tại thế giới trần tục này. Nhiều người lầm tưởng rằng phải đánh đổi cuộc sống bình thường với những căn phòng đẹp đẽ và giao du với những kẻ khác người đỉnh cao thì mới thực sự là làm nghệ thuật. Tất cả những điều trên, rõ ràng là mộng tưởng.
“Triết lý của tôi luôn là sáng tạo nghệ thuật từ những điều bình dị trong cuộc sống hằng ngày… Tôi chưa bao giờ cần phải ra khỏi nhà để làm nghệ thuật.” - Sally Mann
Để thực sự nhìn thấy những sự phi thường trong thế giới bình thường với đầy những hối hả mà chẳng ai mảy may chịu để ý, khi ấy ta cần phải sống chậm lại để “quan sát”. Và làm sao để thực sự “quan sát”? Vẽ chính là câu trả lời, bạn không cần phải là một họa sĩ thì mới có thể vẽ, bạn chỉ cần một đôi mắt ngắm nhìn thế giới. Thử tưởng tượng mà xem, nếu bạn không chịu nhìn vào một thứ gì đủ lâu, đủ để bạn có thể diễn tả nó trên giấy, thì làm sao bạn biết nó khác thường trong một sự bình thường như thế nào? Cá nhân mình nghĩ, vẽ không chỉ là một công cụ để ta ngắm nhìn thế giới một cách rõ ràng hơn, đó còn là một sự thực hành thiền, một trải nghiệm khám phá thế giới và cả bản thân.
 
“Vẽ giúp tôi không ngừng khám phá thế giới. Tôi nhận ra rằng những gì tôi chưa vẽ là những điều tôi chưa bao giờ thực sự chú tâm nhìn ngắm, và chỉ khi bắt đầu vẽ một điều bình thường, tôi mới nhận ra nó phi thường biết bao, kỳ diệu biết bao.” - Frederick Franck


Nghệ thuật vì cuộc sống (không phải ngược lại)


Những nghệ sĩ tuyệt vời giúp mọi người nhìn vào cuộc sống của mình với đôi mắt tươi mới và tràn trề hy vọng. Như nữ tác giả Sarah Manguso đã viết: “Nếu mọi người đọc tác phẩm của bạn, và vì thế chọn tiếp tục sống, thì bạn đang làm đúng công việc của mình.” Bởi nghệ thuật sinh ra để phục vụ cuộc sống của con người. Và nếu vì nghệ thuật mà bản thân bạn phải chịu tổn thương thì nó không đáng được tồn tại, dù là với cuộc sống của bất kỳ ai. Khi ấy, hãy nhìn nhận lại bản thân và công việc nghệ thuật đó, dừng lại và dành thời gian cho một việc khác, một việc mà có thể đem đến tích cực cho bản thân bạn và những người xung quanh. Vì “thế giới không thực sự cần thêm những nghệ sĩ vĩ đại. Nó cần những con người tử tế hơn. Nghệ thuật là vì cuộc sống, không phải ngược lại.”


Bạn được phép thay đổi suy nghĩ


“Nếu bạn chưa từng thay đổi suy nghĩ về một điều gì đó, hãy tự véo mình để xem bản thân còn sống hay không.” Chúng ta luôn sợ sự thay đổi suy nghĩ vì lo ngại hậu quả của hành động đó. Mọi người sẽ nghĩ gì khi chúng ta thay đổi? Câu trả lời có vẻ như là sẽ chẳng ai quan tâm lắm, và với một người làm sáng tạo, sự bất định và thiếu chắc chắn mới là nhân tố giúp cho nghệ thuật thăng hoa. Bạn phải luôn có tư duy đổi mới mỗi ngày vì chẳng có thứ gì cứ mãi ở một chỗ cả. Có vẻ không liên quan lắm nhưng mình đã từng nhìn thấy những người nghệ sĩ lớn tuổi bài trừ tranh vẽ kỹ thuật số, hay những nghệ sĩ hiện đại bài trừ trí tuệ nhân tạo vì những lý do hết sức ngớ ngẩn. Khi thế giới đang chuyển mình mỗi ngày, đó luôn là động lực để ta thay đổi và nhìn nhận lại những suy nghĩ và quan điểm đã cũ kỹ. Và có vẻ như những con người không chịu thích nghi và thay đổi ấy đang lo nỗi lo bị thay thế thì phải?
Khi muốn khám phá ra những ý tưởng mới, bạn nên giao du với những người không có cùng suy nghĩ nhưng đồng điệu về tâm hồn. Những người cởi mở, suy nghĩ thấu đáo và có thói quen lắng nghe mà không bày tỏ thái độ của họ ngay lập tức. “Tương tác với những người không cùng chung quan điểm buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về ý tưởng của mình, củng cố hoặc thay thế chúng bằng ý tưởng hay ho hơn.” Và khi không thể tìm được những người như vậy, hãy tìm đến những người đã khuất. Những tư tưởng và suy nghĩ của những con người vĩ đại nằm trong những cuốn sách cũ. “Đạo đức kinh” của Lão Tử là những bài thơ cổ, về cơ bản, chẳng khác gì lời bình khinh miệt về những chính trị gia đương thời. Hay như cuốn nhật ký của Henry David Thoreau - miêu tả bức chân dung về một người đàn ông yêu thiên nhiên, học quá nhiều, nhưng thất nghiệp, ghép bỏ chế độ và sống cùng cha mẹ lại được miêu tả giống hệt các bạn trẻ thế hệ Millennials!
 

Khi hoài nghi, hãy dọn dẹp


Phòng làm việc của Austin, cũng giống như tâm trí của anh, luôn có chút lộn xộn. Sách báo chất đống khắp nơi, những bức ảnh bị xé vụn và dính trên tường, mảnh giấy thì vương vãi khắp sàn nhà. Anh không coi việc dọn dẹp là quá cần thiết đối với một người nghệ sĩ trong công cuộc sáng tạo của mình. “Sáng tạo liên quan đến sự kết nối, nhưng sự kết nối không thể được tạo ra khi để nguyên mọi thứ ở đúng vị trí của nó. Ý tưởng mới hình thành từ những mối giao thoa thú vị và sự thú vị này chỉ xảy ra khi mọi thứ không đặt đúng chỗ.”
Tất nhiên, một căn phòng quá lộn xộn cũng không hẳn là một ý hay. Bạn không thể dễ dàng tìm thấy những thứ mình muốn khi cần dùng đến. Lộn xộn hay ngăn nắp cũng đừng vượt qua chữ “quá”, hãy cứ để mọi thứ trong tầm mắt của bạn và dọn dẹp khi đã thấy quá nhiều. Những nghệ sĩ như Austin có thể thỏa sức sáng tạo trong một không gian bừa bộn, nhưng khi họ cảm thấy đình trệ hoặc mắc kẹt họ sẽ tìm đến dọn dẹp. Như một phương thức để thả lỏng tâm trí và tìm ra phương án cho vấn đề mới nào đó hoặc cũng có thể tìm thấy điều gì đó thú vị trong mớ hỗn độn và bắt đầu một công việc mới.
Và khi đã dọn dẹp căn phòng mà vẫn cảm thấy “bí” bách, hãy có một giấc ngủ ngắn. Giấc ngủ là công cụ tuyệt vời để giúp dọn dẹp bộ não của bạn. Các nhà thần kinh học đã giải thích rằng, khi bạn ngủ, dịch não tủy bắt đầu lưu thông nhanh hơn, từ đó giúp loại bỏ độc tố và protein xấu tích tụ trong các tế bào não. Vì thế, khi bạn cảm thấy mình đã làm việc đủ nhiều, hãy yêu thương bản thân và công việc hơn bằng một giấc ngủ ngắn đầy hiệu quả.


Lũ quỷ rất ghét bầu không khí trong lành


Bất cứ sáng nào, bất kể mưa nắng, vợ chồng Austin đều đặt hai đứa con lên chiếc xe đẩy đôi màu đỏ và đi dạo một vòng quanh khu phố. Đôi khi việc này mang đến sự mệt mỏi, đôi khi lại thấy tuyệt vời, nhưng nó vô cùng cần thiết. Đi bộ thực sự là phương thuốc ít tốn kém và kỳ diệu nhất cho những người muốn suy nghĩ thông suốt. Như nhà văn Henry David Thoreau, người từng dành bốn giờ mỗi ngày đi bộ trong khu rừng ven Concord, đã viết: “Vào khoảnh khắc chân tôi bắt dầu di chuyển thì dường như những ý tưởng cũng bắt đầu tuôn trào.”
Khi thế giới ngày càng phát triển với công nghệ và màn hình ở ngay trước mắt, thế giới đã không còn thật nữa. Những kẻ ngày nào cũng chỉ chúi mũi vào những thứ ấy sẽ chẳng khác nào một người gàn dở, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn. “Nhưng khi bước ra ngoài và tản bộ, bạn đang đánh thức các giác quan của mình. Tuy có một vài kẻ điên rồ và đáng sợ nhưng trên đời vẫn có những nụ cười, tiếng chim hót líu lo, đám mây lững lờ trôi trên bầu trời… Những quang cảnh đó đẹp đẽ làm sao. Điều này hoàn toàn có thể xuất hiện trước mắt bạn. Đi dạo là cách để tìm thấy những khả năng mới trong cuộc sống của bạn khi dường như không còn bất kỳ điều gì khả thi nữa.
Vì vậy, hãy ra ngoài mỗi ngày. Đi dạo một mình, hoặc đi cùng một người bạn, người yêu hoặc chú chó cưng. Đi dạo với đồng nghiệp lúc nghỉ trưa. Luôn mang theo bên mình một cuốn sổ hoặc máy ảnh khi bạn muốn dừng lại để lưu lại một ý tưởng hoặc một khung cảnh. Hãy đi và khám phá thế giới. Ngắm nhìn khu phố nơi bạn sống. Gặp gỡ những người hàng xóm. Trò chuyện với người lạ. Các con quỷ ghét không khí trong lành.”


Có một khu vườn của riêng mình


Cuộc sống của chúng ta giống với thiên nhiên, cũng có những mùa khác nhau. Có người bung nở khi đương tuổi trẻ, nhiều người khác lại nở rộ vào tuổi xế chiều. Như câu chuyện về ông chủ của KFC, phải trải qua hàng ngàn những mất mát đau thương, mãi cho đến khi ở tuổi 88 mới trở thành triệu phú nước Mỹ với hệ thống nhà hàng trên khắp thế giới và vẫn trường tồn cho đến ngày nay. Nền văn hóa của chúng ta đang chủ yếu chỉ vinh danh những thành công sớm, những người trẻ thành công. Nhưng chóng nở thì cũng chóng tàn. Đó là khi Austin chỉ thực sự tìm thấy những giá trị vững bền và cảm hứng bất tận từ những con người dù đã vô cùng lớn tuổi những vẫn nhiệt huyết với đam mê và công việc của mình. Bill Cunningham dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài đạp xe quanh New York để chụp ảnh, hay như Pablo Casals vẫn có thể thức dậy luyện đàn Cello mỗi sáng dù đã ngoài 90.
Và để học bài học về sự kiên nhẫn, tập trung cũng như biết ơn thế giới này, hãy có cho mình một khu vườn nhỏ. “Mỗi ngày đều là một hạt giống mà chúng ta có thể vun trồng nên một điều gì đó đẹp đẽ. Đừng sống mãi trong u uất, tuyệt vọng. Nhà thơ Mark Strand từng nói: “Điều may mắn nhất là việc ta được sinh ra trên cõi đời này. Xác suất ấy chỉ có trời mới biết.” Không ai biết được bản thân sẽ sống bao nhiều ngày, vì vậy thật đáng tiếc nếu phải lãng phí những thứ ta nhận được.”


Lời kết


10 bài học dưới đây có thể phù hợp với bạn hoặc không, hãy cứ tự nhiên dùng bất cứ thông tin nào bạn thấy đáng giá với bản thân mình, như lời khuyên ở mọi cuốn sách của anh “Cuộc sống là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một công trình khoa học. Những điều bạn thu lượm được có thể vô cùng đa dạng. Hãy chọn lọc những gì bạn cần và bỏ qua những thứ không cần thiết”.
Và cuối cùng, hãy nhớ và luôn kiên định với những điều này:
“Cứ thả lỏng bản thân và chậm rãi thôi. Đừng quá lo lắng về việc phải hoàn thành toàn bộ công việc. Hãy suy nghĩ nhiều hơn đến những điều đáng phải làm. Đừng quá lo lắng làm sao để trở thành một nghệ sĩ tuyệt vời. Hãy để tâm nhiều hơn đến việc trở thành một người tốt làm nghệ thuật. Đừng quá lo lắng về việc tạo dấu ấn. Hãy cố gắng tạo nên những thứ tốt đẹp hơn so với khi bạn tìm thấy chúng. Hãy cứ khám phá. Hãy cứ cho đi. Hãy cứ sống. Hãy cứ chú tâm. Hãy cứ thực hiện những động từ, dù chúng là gì đi chăng nữa. Đừng bao giờ dừng bước.”

Tags:
216 | 10/13/2023 9:15:23 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký