[Review Sách] Suy tưởng
IMG

[Review Sách] Suy tưởng

196.000 ₫ 168.000 ₫ GIẢM 14%
“Suy tưởng” của Marcus Aurelius là tác phẩm độc đáo của một vị Hoàng đế chưa bằng lòng với cai trị thế gian
Lượt xem: 188
Số lượng
“Suy tưởng” của Marcus Aurelius là tác phẩm độc đáo của một vị Hoàng đế chưa bằng lòng với cai trị thế gian, mà còn muốn thấu hiểu thế gian; chưa bằng lòng với vương miện và ngôi vị, mà còn muốn thấu hiểu bản chất của người mang vương miện trên ngôi vị ấy.

Bìa trước sách "Suy tưởng"

Tôi nghĩ “Suy tưởng” cho thấy không phải chỉ những người yếm thế, chán đời mới tìm đến sự an ủi của triết học và tư tưởng. Triết học đôi khi là sự thăng hoa của một con người quyền lực, đầy đủ mọi thứ nhưng không thực sự bị ràng buộc bởi thứ gì. Điều con người ấy tha thiết mong muốn là hiểu về đời mình trước khi cuộc đời ấy chấm dứt.
Có lẽ đó là khao khát tìm ra ý nghĩa và mục đích sống như mọi người thường nói như vậy. Nhưng cũng có thể đó là lẽ sống tự nhiên của nhân loại, mà thỉnh thoảng trong đám đông vẫn có người chưa quên.
Ngoài phần lời người dịch, lời giới thiệu, niên đại, chú thích, bảng nhân vật, tài liệu tham khảo cho bản dịch Tiếng Việt và về dịch giả Gregory Hays, nội dung chính của “Suy tưởng” (bản dịch của dịch giả Andy Lương) tập hợp 12 quyển chứa đựng tri thức của Hoàng đế Marcus Aurelius. 12 quyển này có thể là những điều quý giá mà Hoàng đế Marcus Aurelius ngộ ra khi đánh đổi cuộc đời mình và nhìn thấy cuộc đời của những người xung quanh bị đánh đổi bởi chiến tranh, dịch bệnh, vinh hoa, lợi lộc, tuổi già, cái chết.
Hoàng đế Marcus Aurelius (tôi sẽ liên tục nhắc lại tên đầy đủ của vị Hoàng đế này để bày tỏ sự kính trọng ông, mong bạn đọc thông cảm nếu vì vậy mà cảm thấy bài viết không được súc tích) thường được ngợi ca như một Hoàng đế triết gia. Ông là vị lãnh đạo không hướng tới lối sống đan xen giữa nghệ thuật và xảo thuật kiểu “Quân vương” ám ảnh với cai trị và chiếm hữu như Niccolò Machiavelli miêu tả.
Đầu óc ông không phải chỉ để toan tính và trái tim không phải lúc nào cũng phục vụ những khát khao, Hoàng đế Marcus Aurelius biết cách sử dụng trí tuệ của trái tim.
“Suy tưởng” thể hiện khao khát trên hành trình truy cầu chân lý để giác ngộ nhưng không phải chỉ để biết mà còn đưa điều mình biết vào trong đời sống. Ông viết không phải cho người khác, mà ông viết cho chính mình.
Tôi tin không phải người nói nhiều, viết nhiều là những triết gia- mà những người sống đúng như những gì mình thường nói, thường viết mới là triết gia chân chính.
Tôi tạm quy những giá trị nhận được từ sách “Suy tưởng” thành hai mục là “Về đời sống” và “Về cách sống trong đời”. Cách tiếp cận này mang màu sắc chủ quan, tương đối, bởi ở những lần đọc tiếp theo, có thể tôi sẽ nghĩ khác (cuốn sách này không phải thuộc nhóm đọc một lần là thấu mọi lẽ tác giả trình bày).
Luôn có một dòng tôi chia sẻ không bao giờ biết chán trong các bài review của mình là: Bạn nên tìm đọc trực tiếp cuốn sách để rút ra cảm nhận của riêng. Đã có người không ngại viết, không ngại dịch ra sách có giá trị thì chúng ta cũng không nên ngại đọc.
Binh pháp có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”- biết về đời sống và biết cách để sống trong đời là con đường đưa đến thắng lợi. Tôi từng nghĩ như vậy. Song hóa ra mọi thứ lại không đơn giản như thế bởi một điểm tuy nhỏ nhưng vốn hay bị nhầm lẫn: Ai cũng sợ “thất bại” nhưng thế nào là “thắng lợi” sau cùng? mà tôi sẽ chia sẻ ở phần cuối bài viết sau khi điểm qua những điều tôi thu hoạch được.

Về đời sống


“11. Cách mà mọi thứ luôn biến đổi, từ dạng này sang dạng khác, từ hình thái này sang hình thái khác – hãy học ra cách nhìn ra được điều ấy. Áp dụng nó thường xuyên; và dùng nó rèn luyện chính bản thân mình. Khó có gì tôi luyện tâm trí ngươi tốt hơn điều đó.”
(Trang 229)
Khám phá này có nét tương đồng với Kinh Dịch về quá trình biến đổi của vạn vật và quan niệm về tính vô thường trong Phật giáo. Nhận biết đúng về bản chất của đời sống sẽ góp phần tạo nên thái độ ứng xử đúng đắn với đời sống. Đối mặt với sự biến đổi, tính cố chấp và thói tham lam sẽ chẳng mang lại điều gì ngoài những nỗi đau khổ. Tôi nghĩ người không cố chấp, không tham lam xứng đáng để coi là những bậc thầy thông thái.
Trên ngai vàng, Hoàng đế Marcus Aurelius đã chứng kiến những mỹ nam mỹ nữ già đi, nhưng vương tôn quý tộc quyền thế không ra lệnh được cho bệnh dịch và những thành lũy nguy nga bị tàn phá, của cải bị xâu xé nhanh chóng ra sao trong chiến tranh loạn lạc. Chính vì không né tránh hiện thực phũ phàng, nên “Suy tưởng” đôi khi mang đến cho bạn đọc cảm giác ông mang nỗi buồn phiền được giữ kín và nhìn thế gian với tâm trạng bi quan triền miên do nỗi u sầu kia đã bị ủ lên men.
Liệu có phải vì thế mà con người tạo ra đủ trò giải trí, tiêu khiển để trốn tránh/trì hoãn đối mặt với hiện thực không? Liệu có phải vì thường nhìn thấy và không ngại nói ra bản chất của mọi thứ mà triết gia mới là một con sói đơn độc, cất tiếng tru buồn thảm, thi thoảng lại đi đánh cắp những chú cừu vui vẻ và ít được chào đón?
Dù là Hoàng đế, ông cũng không thể ra lệnh trục xuất nỗi cô đơn. Ngai vàng và cô đơn là hai mặt của cùng một vấn đề, ông đón nhận nó và kiếm tìm sự khai sáng trong triết học.
Về cách sống trong đời
Tôi chia ra 3 phần: Giữa người với bản thân - Giữa người với tự nhiên - Giữa người với người.
Giữa người với bản thân

“17. Độ dài: chỉ như trong khoảnh khắc. Bản chất: luôn thay đổi. Nhận thức: mù mờ. Tình trạng cơ thể: luôn tự phân hủy. Linh hồn: cứ quay vòng. Vận mệnh: khôn lường. Thanh danh muôn đời: không chắc chắn. Tóm lại: cơ thể và các bộ phận của nó như một dòng sông, linh hồn như một giấc mơ và sự mờ ảo, cuộc đời thì như một cuộc chiến tranh nơi tha hương, và thanh danh có cố công đến đâu cũng trôi vào quên lãng.

Vậy thứ gì có thể dẫn lối cho ta?

Chỉ có triết học.”

(trang 94)
Hoàng đế Marcus Aurelius đã sống theo như những gì ông viết. Ông không dùng câu chữ để đánh lừa chính mình và những người xung quanh. Chúng ta có thể che giấu sự trống rỗng trong tâm hồn với những cặp mắt tò mò bên ngoài, nhưng không thể che giấu thế giới nội tâm bên trong.
Ông tin vào sự thật và triết học là con đường truy cầu, tôn trọng sự thật ấy. Không bằng lòng với cách sống chiều chuộng bản năng phi lý trí, ông cố gắng tìm ra câu hỏi cốt lõi từ những câu trả lời thông thường.
Với bản thân, tôi nghĩ điều quý giá nhất là không ngại ngần đặt ra các câu hỏi. Thay vì thỏa mãn quá sớm với các câu trả lời do người khác mang lại.
Giữa người với tự nhiên

“Mọi thứ xảy ra đều hướng tới điều tốt đẹp nhất có thể. Vậy nên Tự nhiên không có lựa chọn nào khác ngoài việc để chúng xảy ra.”
(trang 114)
Sống trong tự nhiên, con người luôn có giấc mơ chinh phục tự nhiên. Đôi lúc những giấc mơ của nhân loại lớn lao đến nỗi bị những con vi-rút, vi khuẩn bé nhỏ đánh thức như một trò đùa của tạo hóa. Tự nhiên cũng có tính hài hước, có lẽ bởi tự nhiên biết rõ trong cuộc chơi, bên nào thực sự làm chủ.
Khác với những vị Hoàng đế kiêu ngạo tự nhận “ý mình là ý trời”, Hoàng đế Marcus Aurelius luôn tự răn bản thân thành thực và khiêm nhường (điều này lặp lại tương đối nhiều trong sách, với ý nghĩa quan trọng). Ông hiểu rằng mọi thứ có nguyên nhân đến từ một mạng lưới vĩ đại mà không ai có thể tùy tiện thay đổi và nhận thức giới hạn của con người thì hiếm khi bằng lòng với những gì mình nhận được. Còn tự nhiên thì không muốn giải thích về biển cả với những chú ếch trong giếng hay giải thích về bầu trời với đám côn trùng sống dưới tán lá cây.
Chấp nhận tự nhiên với tâm thế tích cực và lòng tin tưởng là cách sống khôn ngoan nhất nhưng thường ít được chọn lựa nhất. Kháng cự trong bối cảnh này mang lại sự đau khổ: hành động chống lại tự nhiên là vô ích.
Giữa người với người

“28. Đừng để mình bực dọc với mùi cơ thể hay mùi hôi miệng của kẻ khác. Điều đó mang lại lợi ích gì? Với cái mồm, hay nách như thế, họ sẽ buộc phải sinh ra những mùi ấy.

- Nhưng họ có não! Vậy tại sao họ không thể nhận ra vấn đề.

Ta cũng có não đúng không? Vậy là tốt rồi. Hãy dùng lý lẽ để thuyết phục, giúp người đó nhận ra vấn đề. Nói rõ và chỉ rõ cho anh ta. Nếu anh ta nghe theo, ta đã giải quyết được vấn đề. Đâu cần phải giận dữ.”

(trang 141)
Tôi nghĩ đây là đoạn văn khá gần gũi, bình dân được một Hoàng đế viết ra. Là người trên muôn người, ông sớm học được cách phải sống giữa những lời ca tụng và những âm mưu mà không để cho thứ mật ngọt hoặc rượu đắng ấy giết chết mình.
Đủ tỉnh táo để nhận ra thật vô ích khi đợi người khác thay đổi, Hoàng đế Marcus Aurelius chủ động chọn ra chiến thuật phù hợp nhất để họ không tạo ra thêm các vấn đề mới cho đến khi nhận thức và sửa chữa được vấn đề ban đầu của bản thân.
Ông cũng cảm thấy việc tỏ ra bực tức với người khác sẽ không khiến họ tốt hơn và nếu chỉ tìm cách sửa đổi người khác khỏi bản tính tự nhiên của họ, chúng ta sẽ quên mất rằng chúng ta và họ đều là những con người bất toàn đang học cách để sống cuộc đời mình.
Không quan trọng hóa những điều tầm thường, không bị động trước thách thức và không nổi giận với điều không như ý- đây có thể là cốt cách của bậc Đế vương hoặc cũng có thể là điều mà ai cũng có thể làm được, nếu biết bớt đi “cái tôi” vị kỷ.
Bìa sau sách "Suy tưởng"

Thay cho lời kết


Trong bài viết, tôi hầu như không nhắc đến Chủ nghĩa Khắc kỷ hoặc Chủ nghĩa Khoái lạc- dù tư tưởng của hai trường phái này đã ảnh hưởng đến Hoàng Đế Marcus Aurelius khi viết “Suy tưởng”.
Bởi tôi nghĩ gắn một con người với chủ nghĩa nào đó có thể khiến họ trở nên đẹp đẽ hơn nhưng lại vô tình thiếu tôn trọng cá tính riêng và bản sắc của họ trong chuyến viếng thăm trần thế duy nhất. Với tôi, số lượng cá thể là điều ít có tính độc độc đáo so với sự tồn tại của một cá thể không bao giờ lặp lại.
Ngoài ra, tôi cũng thắc mắc là một người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ thì hiểu gì về Khoái lạc và một người theo Chủ nghĩa Khoái lạc thì vì sao lại cần tới Chủ nghĩa Khắc kỷ?- điều này kỳ lạ như việc chỉ hít vào mà không thở ra hoặc thở ra mà không cần hít vào vậy.
Như đã chia sẻ từ đầu bài viết, tôi cho rằng người sống đúng như những gì mình nghĩ, nói và viết là triết gia chân chính. Hoàng đế Marcus Aurelius có lẽ sẽ rất vui nếu hậu thế không “chế tạo” ra thêm một “chủ nghĩa Marcus Aurelius” chỉ để tranh cãi và chia rẽ lẫn nhau. Hình như trong khi người ta tranh luận thì chân lý ít khi hiển lộ- người muốn vươn đến hiểu biết thực sự sẽ không phải là người thích lý luận quá nhiều. Có phải vì thế nên Hoàng đế Marcus Aurelius chỉ âm thầm viết “Suy tưởng” cho mình và cũng không có ý định công khai, dạy bảo ai?
Đến đây thì tôi nhận ra “thắng lợi cuối cùng” là gì. Đó không phải là tính hiếu thắng, chấp nhận đánh đổi để đạt được tham vọng mà chỉ đơn giản là tìm ra con đường của mình, vui vẻ đi đến tận cùng, dù thuận lợi hay khó khăn, dù có bạn đồng hành hay đơn độc, dù được khen ngợi hay bị chê trách. Nếu không đến được nơi muốn đến thì lãng khách ấy cũng vẫn vui vẻ kết thúc hành trình vào thời điểm và ở nơi chốn nó cần phải kết thúc.
Nếu chọn lối “Khắc kỷ”, anh ta không tồn tại để chiến thắng cuộc đời, mà chiến thắng chính mình.
Nếu theo nẻo “Khoái lạc”, anh ta có thể bị ghét bỏ, nhưng lại được sống đúng với con người thực của mình.
Hình như hai điều này không khác nhau lắm, bởi chúng đều là “con đường” (từ “Đạo” nghe có vẻ hấp dẫn hơn). Người tìm ra và sống trọn vẹn với Đạo của mình là người thắng lợi sau cùng- dù đến sau cùng, họ không còn quan tâm lắm đến thắng, bại nữa. Tôi nghĩ khoái hoạt như Osho cũng thành công và nghiêm cẩn như Hoàng đế Marcus Aurelius cũng thành công bởi họ đã chiến đấu không khoan nhượng để được sống với điều họ tin tưởng. Họ cùng lúc là bậc thầy và người học trò xuất sắc của đời sống.

“Người học trò tựa như người võ sĩ, không phải một tay đấu kiếm.

Vũ khí của tay kiếm được nhặt lên rồi lại đặt xuống.

Nhưng vũ khí của người võ sĩ là một phần của anh ta. Tất cả những gì anh ta cần làm là nắm chặt nắm đấm của mình.”

(trang 262)
Hoạt động suy tưởng không phải là đặc quyền của ai cả. Gấp cuốn sách này lại, bạn cũng có thể bắt đầu hành trình suy tưởng của riêng mình. Tôi tin đó sẽ là một hành trình thú vị, bổ ích khi chúng ta sống mà không quên chiêm nghiệm. Triết học không phải là điều gì đó xa lạ với những sinh hoạt thường ngày và cũng không phải là điều bất thường trong cuộc sống của những con người bình thường.
188 | 10/21/2023 8:48:33 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký