Các nhóm dân sự lớn gồm Hiệp hội Chuyên gia Sudan và Lực lượng Tự do và Thay đổi đã kêu gọi bất tuân dân sự và từ chối hợp tác với những người tổ chức đảo chính.[8] Các cuộc biểu tình quần chúng đã diễn ra vào ngày 25 và 26 tháng 10 chống lại cuộc đảo chính.[8] Phía quân đội thực hiện các biện pháp gây chết người.[9] Ít nhất 10 thường dân thiệt mạng và hơn 140 người bị thương trong ngày đầu tiên của các cuộc biểu tình.[1] Bộ Ngoại giao,[4] Bộ Thông tin[2] và Văn phòng Thủ tướng[5] từ chối công nhận việc chuyển giao quyền lực, nói rằng cuộc đảo chính là một tội ác và Hamdok vẫn là thủ tướng.[2] Ngày 26 tháng 10, Liên minh châu Phi đã đình chỉ tư cách thành viên của Sudan, trong khi chờ chính phủ Hamdok trở lại nắm quyền.[10] Vào ngày 27 tháng 10, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác tuyên bố rằng họ tiếp tục công nhận nội các Hamdok là "các nhà lãnh đạo hợp hiến của chính phủ chuyển tiếp" và yêu cầu các đại sứ của họ được tiếp cận với nội các của Hamdok.[11]