Có người đề nghị trang Bão và lũ lụt miền Bắc Việt Nam 2024 nên được di chuyển thành Tác động và hậu quả của bão Yagi tại Việt Nam. Xin hãy thảo luận điều đó tại trang yêu cầu di chuyển. Vui lòng không di chuyển trang cho tới khi thảo luận kết thúc. |
Đầu tháng 9 năm 2024, miền Bắc Việt Nam đã xảy ra lũ lụt do ảnh hưởng của bão số 3. Cơn bão này được đánh giá đây là "mạnh nhất trong 30 năm qua" trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm "chưa từng có tiền lệ" gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngày 17 tháng 9, thống kê sơ bộ cho thấy đã có 329 người thiệt mạng, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại cùng 726 sự cố đê điều đã xảy ra. Cho đến ngày 18 tháng 9 năm 2024, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra được thống kê ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng.
Trước đợt đổ bộ của bão Yagi (bão số 3) vào Việt Nam, báo chí trong nước đã loan tin về sự bất thường của tình trạng thời tiết tháng 8. Trả lời báo Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết nền nhiệt trung bình cả nước đạt 28,3 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc.[1] Đồng thời, tháng 8 năm 2024 cũng là lần thứ 6 không có bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong vòng 61 năm tại biển Đông tính từ năm 1963,[2] một điều rất hiếm khi xảy ra.[3] Hệ thống khí quyển Trái Đất đạt trạng thái trung tính sau một năm duy trì hình thế El Niño từ tháng 5 năm 2023, và được dự báo chuyển pha sang hiện tượng La Niña từ tháng 9 năm 2024 đến đầu năm 2025. Ông Khiêm cho rằng sẽ có bão hoặc áp thấp nhiệt đới với số đợt xấp xỉ hoặc hơn trung bình nhiều năm, các cơn bão có thể đổ bộ vào miền Trung và miền Nam Việt Nam nhiều hơn.[1] Nền nhiệt cao của biển, kết hợp với La Niña, được dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các cơn bão mạnh hơn, với cấp độ từ 11–12 trở lên.[2]
Ngày 30 tháng 8, Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã công bố báo cáo về sự hiện diện của một vùng áp thấp ở khu vực tây bắc Palau.[4] Đến ngày 1 tháng 9, áp thấp này mạnh lên thành bão nhiệt đới và được JMA đặt tên là Yagi.[5] Sáng ngày 2 tháng 9, bão Yagi di chuyển dọc theo bờ biển đảo Luzon, miền Bắc Philippines, gây ngập lụt ở nhiều khu dân cư địa phương.[6] Trong ngày này, các chuyên gia khí tượng đã cho rằng bão Yagi có xác suất đi vào biển Đông tới 90%,[7] ở thời điểm chiều và đêm ngày kế tiếp.[8] Sáng ngày 3 tháng 9, bão Yagi đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024, di chuyển theo hướng tây tây bắc.[9] Yagi mạnh lên thành siêu bão vào trưa ngày 5 tháng 9, sức gió đạt 201 km/h (cấp 16).[10] Cơn bão này đổ bộ vào thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với sức gió trên cấp 17 lúc 16:20 ngày 6 tháng 9 theo giờ địa phương (CST).[11] Đến 22:20 cùng ngày, bão Yagi tiếp tục đổ bộ lần hai vào Trung Quốc tại huyện Từ Văn, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.[12]
Ngày 7 tháng 9, bão Yagi đi vào vịnh Bắc Bộ, tăng tốc từ lúc rời đảo Hải Nam. Theo JTWC, do điều kiện thuận lợi, bão Yagi dự kiến mạnh lên đến ít nhất 215 km/h trong 6–12 giờ tới trước khi đổ bộ vào Việt Nam.[13]
7 giờ sáng, cơn bão càn quét đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cô Tô (Quảng Ninh) với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; khiến nhiều cây cối ngã đổ và hư hại hạ tầng. Các địa phương ở đất liền Quảng Ninh và Hải Phòng cũng đã có gió mạnh cấp 7–9.[14] Chiều ngày 7 tháng 9, bão đổ bộ vào đất liền Quận Hải An của Hải Phòng và Thị xã Quảng Yên của Quảng Ninh với cường độ gió mạnh cấp 12–14, giật cấp 14–17; thiệt hại về nhà cửa, gãy đổ cây xanh, cột điện gây ra mất điện lâu dài ở Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó Hải Phòng ghi nhận nhiều nơi bị cắt điện, nhiều nhà dân bị tốc mái tôn, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, các khu vực chăn nuôi bị thiệt hại. Các tỉnh thành khác ở đồng bằng Bắc Bộ và trung du miền núi Bắc Bộ cũng chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh.[15]
Sáng ngày 8 tháng 9, sau khi đi vào Bắc Bộ, bão Yagi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.[16] Các cơ quan cấp cao của Việt Nam đã phát động khẩn trương công tác khắc phục hậu quả các thiệt hại của bão gây ra. Thành phố Hải Phòng cùng các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình đã thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, tìm người mất tích.[17] Tại Hà Nội, báo cáo nhanh cho thấy bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương, hàng nghìn cây gãy đổ; ngập 1.700 ha lúa. Trong ngày, gió đã giảm nhẹ, mưa nhỏ. Hà Nội đã cử các lực lượng tiến hành xử lý các cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.[17]
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm qua và sáng sớm nay (9/9), ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 8/9 đến 3h ngày 9/9 có nơi trên 150 mm như: An Phú (Yên Bái) 256,4 mm, Minh Tiến (Yên Bái) 219,2 mm, Gia Phú (Lào Cai) 157,8 mm, Nấm Dẩn (Hà Giang) 153,4 mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 219,2 mm... Mực nước của một số sông ở miền Bắc ở mức báo động 2, báo động 3.[18]
Khoảng 10 giờ sáng ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra vụ sập nhịp cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông) và xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao).[19] Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe môtô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.[20]
Vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70–150 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm. Từ đêm 10/9 đến ngày 11/9, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40–80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.[21]
Ở Tây Bắc Bộ, một số tỉnh thành như Yên Bái, Lào Cai và miền núi Đông Bắc Bộ xảy ra tình trạng sạt lở đất khiến cho nhiều người thiệt mạng, mất tích. Một số tỉnh thành ở Đông Bắc Bộ, mực nước ở một số sông lên cao, gây ra tình trạng ngập lụt.[21] Một vụ sạt lở tại Bắc Hà, Lào Cai đã làm 18 người chết và mất tích, đồng thời vùi lấp 8 ngôi nhà tại khu vực. Do địa hình bị sạt lở chia cắt giao thông và mất tín hiệu viễn thông nên công tác thông tin giữa huyện và vùng sạt lở bị gián đoạn.[22]
Theo trang đưa tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, vào ngày 11 tháng 9, bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (bao gồm 26 tỉnh, thành phố), trong đó hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Theo số liệu đua ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê một số thiệt hại về người và tài sản đến 11 giờ ngày 11 tháng 9, đã có tới 152 người chết và 140 người mất tích.[23] Tối cùng ngày, thành phố Cẩm Phả đã tổ chức di dời khẩn cấp 136 hộ dân nằm trong vùng do có nguy cơ sạt lở do nghi khu vực đồi cao bị úng nước trong đất.[22] Về nông nghiệp, số ha diện tích lúa bị ngập lụt đã lên tới hơn 160.000. Những thiệt hại khác về diện tích hoa màu, lồng bè thủy sản, gia cầm và gia súc chăn nuôi lên tới hàng trăm, hàng nghìn đơn vị. Do thời gian hoàn lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 101.344 nhà ở bị hư hỏng.[23]
Mực nước lũ lên cao đồng thời gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê ven sông. Tình trạng sạt lở cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí điểm yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. Các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình cũng bị ảnh hưởng.[24]
Ngày 12 tháng 9, hoàn lưu bão số 3 lại gây mưa lớn, sạt lở tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nơi đã xảy ra những tai nạn nghiêm trọng. Dù có một số sông như sông Thao, sông Lô đã giảm mức báo động 2 và 1, nhưng một số các sông mực nước vẫn đang dâng cao, rút chậm gây xáo trộn đời sống người dân tại khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Yên Bái để kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời thăm hỏi và động viên người dân và lực lượng tham gia ứng phó, cứu nạn tại đây.[22]
Đến 17 giờ cùng ngày, tổng cộng số người chết cũng như mất tích do bão và mưa lũ gây ra đã lên tới 330 người. Đến đêm, các tỉnh Bắc Bộ và Hà Nội tiếp tục có mưa rào rải rác và dông.[22]
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, sau khi siêu bão đi qua là khoảng thời gian lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sau hoàn lưu bão liên tiếp. Những điều này gây nên nỗi khủng hoảng cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người dân tại khu vực Bắc Bộ. Trong những ngày sau bão đến ngày 13 và những ngày kế tiếp là công tác khắc phục hậu quả bão lũ vẫn đang được thực hiện một cách "khẩn trương". Trong chiều ngày này, Quân đội Việt Nam đã điều động trực thăng quân sự từ Hà Nội nhằm hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp tục tiếp ứng cho đồng bào tại các khu vực đang bị cô lập, giao thông chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ ở huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để tiếp ứng cho người dân vùng lũ. Tới 17 giờ, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng.[25] Tổng số người chết và mất tích được thống kê tới 336 người.[26]
Đến ngày 14 tháng 9, các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ thời tiết đã có sự cải thiện khi lượng mưa đã giảm. Công tác khắc phục hậu quả mưa bão tiếp tục được chính quyền các cấp triển khai khẩn trương. Đến 17 giờ cùng ngày, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương 1.001 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ. Trong khi đó số người chết và mất tích vẫn được thống kê tăng lên 352 người.[27] Theo thống kê sơ bộ từ báo Thanh Niên, đến ngày 17 tháng 9, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều được ghi nhận.[28] Trong ngày này, vẫn còn 99 trường và điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể hoạt động do nước chưa rút hết.[29]
Theo nhiều trang báo đưa tin, bão số 3 được cho là có nhiều "điểm dị thường" như tăng cấp nhanh, thời gian duy trì cấp độ siêu bão lâu mà "không giảm cấp theo quy luật thông thường", cũng như việc hoàn lưu bão cũng bất thường khi gây mưa rất lớn cho khu vực không nằm trong hoàn lưu bão.[30][31] Theo VnExpress, bão Yagi tăng cấp nhanh "bất thường" và có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua một phần do nhiệt độ nước biển Đông tăng mạnh.[31] Cũng do tác động của mưa lớn từ siêu bão mà, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3, thậm chí lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73 m, trên mức báo động 3 3,73 m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968.[30]
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã thể hiện cảm xúc bật khóc trước công chúng khi nói về những mất mát của người dân do bão Yagi gây ra và ông "khẳng định quyết tâm khắc phục hậu quả của cơn bão lịch sử này".[32] Ông đánh giá rằng, công tác dự báo "cơ bản sát tình hình", ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão "chưa thật chính xác". Theo đó ngoài những nguyên nhân khách quan đến từ hậu quả trực tiếp mà bão và lũ lụt gây ra, còn do người dân chủ quan như một số người chưa tuân thủ khuyến cáo, lãnh đạo có nơi chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu.[32]
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết số 143 ngày 17 tháng 9 nhằm ban hành gói hỗ trợ khẩn cấp về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả bão số 3 "một cách khẩn trương" nhằm nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế. Nghị quyết của chính phủ nước này cũng được đánh giá đây là cơn bão "mạnh nhất trong 30 năm qua" trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm "chưa từng có tiền lệ" gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.[33] Thời báo Tài chính cũng cho biết tới ngày 15 tháng 9, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu của bão và lũ lụt gây ra trên 31.596 tỷ đồng và vẫn được các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.[34] Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết sau cơn bão số 3 Yagi, toàn ngành thủy sản tại Việt Nam "điêu đứng", theo đó các doanh nghiệp chịu thiệt hại về cơ sở vật chất, giảm cơ hội kinh doanh.[35]
Trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão số 3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2 chiến sĩ thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam thiệt mạng. Trong đó một người bị ngã khi giúp người dân tránh cây đổ, và một người tử vong do bị lũ cuốn trôi.[36] 2 người này đều được truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và được trao tặng một số tiền về cho gia đình.[37][38]
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra được thống kê ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD) tới ngày 18 tháng 9, tại thời điểm này một dự báo cho thấy có thể tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của quốc gia này giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.[33][39] Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão Yagi đã ghi nhận 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương, ước tính thiệt hại quy đổi ra hơn 23.700 tỷ đồng.[28] Ngành Giáo dục nước này cũng chịu thiệt hại nặng nề với 59 học sinh, giáo viên tử vong và mất tích, trong đó nhiều công trình trường học bị sụp đổ, tốc mái, trang thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.[29]
Vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9 tháng 9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng bị sập nhịp, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ bên phải phía sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông. Theo thông tin ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện), khiến cho 8 người mất tích, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.[40][41] Vào tối cùng ngày, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ đã công bố nguyên nhân về sự cố gây ra sập, trôi cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C là do ảnh hưởng của bão số 3.[42] Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ ban đầu xác định bão khiến mưa lũ, nước sông dâng, chảy xiết, dẫn đến thay đổi địa hình dưới cầu, làm sập hai nhịp cầu.[43]
Ngày 13 tháng 9, UBND tỉnh Phú Thọ mới có thể gửi văn bản gửi các Sở, ban ngành liên quan về việc thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sự cố sập cầu Phong Châu do nước lũ lúc này mới xuống mức báo động 1.[44] Chiều ngày sau đó, mực nước sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống mức dưới báo động 1 nhưng dòng chảy vẫn rất mạnh khiến cho việc tìm kiếm, giải cứu nạn các nạn nhân mất tích gặp khó khăn, đồng thời việc lắp đặt cầu phao qua sông vẫn chưa được tiến hành.[45] Sáng ngày 15 tháng 9, sau khi tìm thấy 1 thi thể trôi dạt cách khoảng 10 km về phía hạ lưu sông Hồng, lực lượng chức năng đã xác nhận được danh tính nạn nhân đầu tiên được tìm thấy trong vụ sập cầu.[46] Trưa ngày 16 tháng 9, một thi thể nam giới khác được tìm thấy và cũng được xác định là nạn nhân trong vụ sập cầu.[47] Ngày 20 tháng 9, nạn nhân thứ 3 được phát hiện khi trục vớt một ô tô đầu kéo.[48] Sáng ngày 23 tháng 9, nạn nhân thứ 4 được phát hiện là tài xế một xe đầu kéo.[49] Đến ngày 23 tháng 10, việc tìm kiếm nạn nhân mất tích được tạm dừng.[50][51]
Vào ngày 10 tháng 9, một trận lũ quét nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), khiến cho 37 ngôi nhà bị chôn vùi, kéo theo đó là 51 người chết và 33 người mất tích. Núi Con Voi được xem là nơi chứa lượng đất đá khổng lổ cuốn theo dòng nước lũ đã san phẳng 37 căn nhà tại Làng Nủ, chỉ còn 2 ngôi nhà còn nguyên vẹn.[52] 1 ngày sau đó, thời tiết vẫn đổ mưa lớn, nước tiếp tục chảy xuống từ các khe núi khiến cho công tác cứu hộ chưa thể tiếp cận được hiện trường để tìm thi thể các nạn nhân. Do đường vào thôn này bị tắc nên người dân bị cô lập hoàn toàn, đặc biệt trong khu vực lũ quét. 100 chiến sĩ đã được điều động để tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin.[52] 14 giờ cùng ngày các lực lượng chức năng tìm thấy thêm 5 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng được 30 người.[53]
Tổng số người chết và mất tích trong vụ lũ quét ở Làng Nủ theo thống kê ngày 15 tháng 9 là 66, giảm 29 người so với số liệu công bố ban đầu.[54][55] Tới sáng ngày 18, một nạn nhân tử vong khác đã được tìm thấy. Tổng số người chết ở thời điểm này là 53 người, trong đó vẫn còn 13 người mất tích.[56]
Báo VnExpress đã đưa ra 5 nguyên nhân gây ra sự việc, trong đó là các ý kiến đến từ những chuyên gia khác nhau. Theo đó, yếu tố địa hình, độ dốc, địa chất, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu với những đợt mưa lớn sau bão là nguyên nhân tác động đến hiện tượng lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ cũng như các tỉnh vùng núi khác.[57] Theo Tuổi Trẻ đưa tin, mỗi hộ dân chịu thiệt hại từ vụ lũ quét sẽ được bố trí từ 50 đến 60m2 diện tích đất ở tạm cư trong khoảng thời gian chờ khu tái định cư hoàn thiện. Khu tạm cư được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.[55]
Tối ngày 10 tháng 9, một sự cố vỡ đê tại sông Lô đã xảy ra, khiến cho nhiều nhà dân tại xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang bị nhấn chìm dưới nước trong một khu vực rộng lớn.[58] Vị trí đê bị vỡ giáp với ranh giới giữa xã Quyết Thắng với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.[59] Theo VTV đưa tin vào sáng hôm sau, đoạn đê bị vỡ có độ dài khoảng 10m và chưa được khắc phục. Theo đó, có 35 hộ và 138 nhân khẩu trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đê, tuy nhiên các hộ dân này đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn.[58] Báo Thanh Niên lại đưa tin đoạn đê bị vỡ là 22m và nguyên nhân gây ra sự cố là do mưa lũ do ảnh hưởng sau bão số 3 Yagi khiến cho mực nước sông Lô dâng cao trên mức báo động 3, khiến cho đê bị vỡ.[60]
Theo VnExpress đưa tin, ngay từ trước khi bão số 3 Yagi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, chiều ngày 5 tháng 9, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã huy động tổng số 457.460 người sẵn sàng ứng phó bão Yagi. Trong đó số lượng quân bộ đội là 99.100, 318.900 dân quân tự vệ, 39.370 người dự bị động viên. Hơn 10.100 phương tiện, trong đó có 400 xe đặc chủng, 4.770 ô tô, 4.940 tàu thuyền và 6 máy bay cũng được huy động.[61] Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng của các tỉnh giáp với Biển Đông từ Quảng Ninh đến Phú Yên được giao phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu, thông báo và hướng dẫn ngư dân tránh khỏi nơi nguy hiểm. Để ứng phó với bão, Thủ tướng VIệt Nam đã ban hành hai công điện. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đứng ra làm chủ trì cuộc họp phòng chống bão Yagi với 28 tỉnh thành, yêu cầu các tỉnh thành chống bão quyết liệt trên tinh thần "hành động không nuối tiếc", thậm chí sẽ tuyên bố "xử lý nghiêm" trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh đó nếu có sự chủ quan, lơ là.[61]
Với các khu vực tỉnh thành không giáp biển như tại ngoại thành Hà Nội, Thái Nguyên, lực lượng công an cùng người dân đã đắp đê ngăn lũ, lội ruộng gặt lúa để chống ngập úng cả trước và trong bão.[62][63] Công an một số huyện đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn cùng cùng các lực lượng khác ở cơ sở triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện, tài sản... Trong thời gian cơn bão số 3 đổ bộ và gây nhiều thiệt hại, lực lượng Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chỉ đạo và tham gia trực tiếp vào công tác cứu hộ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão gây ra.[62] Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ tại miền Bắc, Quân Đội Việt Nam đã được giao xây dựng phương án sử dụng máy bay, trực thăng tham gia cứu hộ. Trong sáng ngày 12 tháng 9, một chiếc trực thăng EC-155-B1 số hiệu VN-8621 của Công ty Trực thăng miền Bắc đã được khởi hành từ sân bay Gia Lâm để vận chuyển 600 kg hàng hóa nhu yếu phẩm gồm nước uống, lương khô, sữa, mì ăn liền đến Cao Bằng.[64][65]
Một người trưởng bản tên Ma Seo Chứ tại Bắc Hà, Lào Cai đã được các phương tiện truyền thông và chính quyền địa phương khen ngợi vì hành động cứu giúp người trong thời gian xảy ra bão lũ.[66] Trong đó, khi phát hiện nguy cơ sạt lở trên địa bàn, anh đã vận động 115 người dân trong thôn di dời lên một điểm an toàn để dựng lều tránh trú.[67][68]
Bão số 3 Yagi đã gây ra một thiệt hại lớn cho Việt Nam về người, tài sản, vật chất, cũng như các hạ tầng kinh tế – xã hội, qua đó gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bao gồm cả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.[69] Việc chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, nhiều thách thức đã được đặt ra trong việc tìm giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân sau thiên tai.[70]
Nhiều người dân chịu thiệt hại trực tiếp từ các cơn bão tỏ ra mệt mỏi, bất lực trước cảnh "đổ nát, hoang tàn, ngổn ngang, bề bộn" sau khi trải qua cơn bão.[71] Báo Thanh Niên cho rằng hơn 10 ngày sau khi bão Yagi đổ bộ Việt Nam, "rất nhiều chuyện đã xảy ra, những mất mát, đau thương mà có lẽ phải rất, rất lâu nữa mới có thể nguôi ngoai, hoặc cũng có thể là không bao giờ". Thậm chí bài viết cho rằng "tưởng chỉ có trong chiến tranh mới có những nỗi đau xé lòng như vậy", nhưng hàng trăm người dân trong 1 ngôi làng trong tích tắc đã bị nhấn chìm "sau tiếng nổ vang trời".[72] Nhiều trẻ em không thể đến trường hoặc không còn trường học sau bão lũ.[73] Từ những sự việc này, nhiều người dân, tổ chức và các chương trình từ thiện đã đứng ra quyên góp, chia sẻ và cảm thông với những người dân phải gánh chịu hậu quả do bão.[74][75][76]
Các cơ quan, quan chức cấp cao và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần tập trung lực lượng và tìm ra các giải pháp để cùng người dân khắc phục các hậu quả do bão Yagi để lại. [77] Thủ tướng Phạm Minh Chính từng bày tỏ cảm xúc "bật khóc" khi nhắc đến hiện trường vụ lũ quét ở Làng Nủ.[78] Ông cũng tiếp tục phát biểu trong chương trình "Điểm tựa Việt Nam" phát sóng ngày 15 tháng 9 để động viên nhân dân và một lần nữa "bật khóc".[79][80] Ngày 10 tháng 9, trước khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan diễn ra, ban tổ chức và VFF đã quyết định dành 1 phút mặc niệm, chia sẻ cùng người dân và các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 Yagi.[81] Chính phủ Việt Nam cũng dành một phút mặc niệm các nạn nhân thiệt mạng do bão lũ trong sáng ngày 14 tháng 9 tại một phiên họp.[82]
2 ngày trước khi xảy ra bão, người dân Hà Nội và Hải Phòng đã đến các siêu thị, chợ dân sinh mua rau củ quả, thực phẩm, buộc các siêu thị liên tục phải cung cấp hàng hóa. [83] Trong khi đó 2 ngày sau bão , tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội, Hải Phòng ngày 8 tháng 9, các loại rau có sự tăng giá so với hai ngày trước.[84]
Theo nhiều cơ quan truyền thông đưa tin, nhiều vấn đề đã bùng nổ trên mạng xã hội liên quan đến việc từ thiện trong và sau bão Yagi đổ bộ, như việc nhiều tài khoản, trong đó cả người nổi tiếng có đóng góp tiền từ thiện nhưng không đúng với nội dung số tiền đã công khai, gây nên tranh cãi trong suốt nhiều ngày.[85] Theo đó, nhằm công khai minh bạch nguồn quỹ cứu trợ theo quy định pháp luật, tối ngày 12 tháng 9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai hơn 12.000 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại bởi lũ lụt trên trang Facebook của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đồng bào cả nước biết. Qua đó khi cộng đồng mạng kiểm tra, nhiều tài khoản giả mạo số tiền từ thiện đã bị phát hiện.[86]
Cộng đồng mạng và báo chí đã gọi những trường hợp cố tình giả mạo số tiền từ thiện bằng cụm từ "phông bạt", nhằm ám chỉ tới những người có thái độ khoe mẽ, sống ảo. Trong số này, có những người đã lên tiếng xin lỗi, "ăn năn" với hành vi của mình, nhưng cũng có những người né tránh hoặc đổ lỗi.[87][88] Một số người thậm chí đã lợi dụng các hoạt động quyên góp, từ thiện để trục lợi. Chính phủ Việt Nam cho biết những người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với hành vi "dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản".[89]
Sau khi bão Yagi gây hậu quả nặng nề cho miền Bắc Việt Nam, nhiều sự việc liên quan đã xảy ra gây nên một số tranh cãi trong dư luận.