Cồn Thới Trung, cù lao Thới Trung hay cồn Nổi là một cù lao nhỏ trên sông Tiền. Cồn nằm ở hạ lưu sông Tiền, cách cửa Đại vài km.[1] Cho đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất trong việc phân định đường địa giới hành chính và quyền quản lý, khai thác cồn giữa huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.[2][3]
Chính quyền tỉnh Tiền Giang thì gọi là cồn Nổi, còn chính quyền tỉnh Bến Tre thì gọi là cồn Thới Trung.[3] Tháng 6 năm 2017, Thông tư 12/2017/TT-BTNMT do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì địa danh chuẩn hóa cho cồn là "Cồn Thới Trung".[4]
Cồn có hướng Bắc giáp xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang; hướng Nam giáp xã Định Trung (cách bờ khoảng 700 m); hướng Đông giáp xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.[2]
Đây là một cù lao mới, hình thành từ việc bồi đắp phù sa trên sông Tiền.[5] Cồn Thới Trung có chiều dài 5,3 km, chiều ngang rộng nhất khoảng 470 m.[2] Năm 2014, cồn có diện tích đất khoảng 201 ha (~ 2 km²).[5]
Diện tích toàn cồn hơn 201,43 ha gồm 62 thửa đất, trong đó xã Bình Thới quản lý 122,65 ha với 35 thửa, xã Định Trung quản lý là 78,78 ha với 27 thửa.[2] Dân số vào năm 2016 là 27 hộ dân là người từ Bình Đại, Bến Tre.[5]
Vào những năm 1990 cồn bắt đầu nổi lên, một số hộ dân chủ yếu từ xã Bình Thới và Định Trung đã đến định cư và canh tác.[2]
Ngày 10 tháng 12 năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ra Quyết định số 2030/QĐ-UB, giao cồn cho huyện Bình Đại quản lý và có kế hoạch khai thác sử dụng. Quyết định ghi:[2]
"Cồn mới nổi trên sông Cửa Đại có diện tích 200 ha từ Rạch Cả Nhỏ xã Định Trung, cách bờ khoảng 450m đến Rạch Bến Đình xã Bình Thới, cách bờ khoảng 750m. Giao cho Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại quản lý, có dự án khai thác đưa vào sử dụng theo qui hoạch và quy định của pháp luật".
Từ năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã giao cồn cho huyện Bình Đại quản lý. Ủy ban nhân dân huyện đã giao cồn cho 2 xã là xã Bình Thới và xã Định Trung quản lý, sử dụng.[2]
Năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành khảo sát 2 huyện Bình Đại và Ba Tri để đầu tư nhà máy điện mặt trời, sau cuộc khảo sát, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết vị trí cồn Thới Trung là địa điểm thuận lợi nhất do gần vị trí đấu nối điện cách trạm 110kV Bình Đại khoảng 3km. Hiện trạng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nên sẽ bớt khó khăn với vấn đề giải tỏa, nhưng chưa tiến hành vì cần phân định chủ quyền quản lý thuộc Tiền Giang hay Bến Tre.[6]
Tháng 11 năm 2016, Đoàn công tác Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Bình Đại tiến hành khảo sát thực địa, hiệp thương thống nhất đường địa giới hành chính cấp tỉnh tại khu vực cù lao này.[5]
Theo Báo cáo số 129/BC-UBND của Ủy ban nhân dân xã Định Trung ngày 6 tháng 5 năm 2015 về tình hình đất Cồn nổi Thới Trung và Báo cáo số 241/BC-UBND của Ủy ban nhân dân xã Định Trung, ngày 12 tháng 6 năm 2017 về việc điều tra tình hình sử dụng đất tại Cồn Thới Trung, có 15 hộ dân đang quản lý sử dụng với 94 nhân khẩu thì phần lớn các hộ dân đều có nguyện vọng phần Cồn Thới Trung giao về cho tỉnh Bến Tre quản lý, vì đa số người dân sinh sống trên Cồn đều là người dân Bến Tre. Đồng thời, các hộ dân này đều có đất và nhà trên địa bàn huyện Bình Đại. Do đó, theo Thạc sĩ Phan Văn Thuận và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Giao thì việc liên hệ giải quyết các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính và sinh hoạt sẽ thuận tiện hơn.[2]
Năm 2017, trong 12 hộ thuộc xã Bình Thới có 3 hộ cất nhà ở trực tiếp tại cồn, 9 hộ khác canh tác nhưng chưa cất nhà; 14 hộ thuộc xã Định Trung thì có 6 hộ cất nhà ở trực tiếp tại cồn, 8 hộ khác canh tác nhưng chưa cất nhà.[2] Họ canh tác cây ăn trái trên tổng diện tích 110 ha (~ 1,1 km²) và nuôi thủy sản.[5]
Cồn là nơi cát tặc thường xuyên đến hút cát nên gây sạt lở nhiều điểm dọc sông. Năm 2010, UBND xã Định Trung đã lập Đội dân phòng gồm 31 người chuyên bảo vệ trên sông. Từ 2010 đến 2018, hơn 40 phương tiện khai thác cát sông trái phép, trong đó có nhiều tàu sắt trọng tải hơn 200 m³ bị bắt và xử phạt.[7]