Cửu đỉnh (chữ Hán:九鼎) là bộ gồm chín cái đỉnh (vạc) tượng trưng cho quyền lực phong kiến tại các nước Á Đông. Theo sử Trung Quốc thì vua Hạ Vũ (夏禹) là người đúc đầu tiên. Chế độ phong kiến Trung Quốc, Việt Nam... xem cửu đỉnh như là quốc bảo.
Theo truyền thuyết thì sau khi Hạ Vũ chia "thiên hạ" thành chín châu (cửu châu), lấy đồng của các châu đúc thành chín đỉnh (cửu đỉnh), khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào Cửu Đỉnh, mỗi Cửu Đỉnh tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kinh đô nhà Hạ. Vì thế, Cửu Đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Từ đó có câu nói "Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ".
Cửu đỉnh ban đầu được Hạ Vũ đặt ở kinh đô nhà Hạ. Khi Thành Thang diệt Hạ Kiệt, đưa cửu đỉnh về kinh đô nhà Thương, sau Chu Vũ vương diệt Đế Tân, đưa cửu đỉnh về kinh đô Chu là Cảo, sau Bình vương thiên đô thì chuyển về đô mới là Lạc. Đến đời Chu Noãn Vương thì vua Tần là Tần Vũ Vương ỷ sức mạnh muốn đòi lại chiếc đỉnh có khắc Ung châu về Tần nhưng ông bị cái đỉnh đè chết. Sau đến đời Tần Chiêu Tương vương đánh diệt nhà Chu, chiếm lấy Lạc Dương, sai tướng Doanh Cù cho di dời cửu đỉnh về Hàm Dương. Khi đi đến sông Tứ thủy, một cái đỉnh châu Đại bị rơi xuống sông, quân Tần xuống tìm thì thấy hiện lên một con rồng xanh nhe răng giơ vuốt đe dọa nên không dám tìm nữa, tối hôm đó Doanh Cù nằm mộng thấy Vũ Vương nhà Chu hiển mộng, cầm roi đánh mình, mấy hôm sau nổi nhọt độc trên lưng mà chết. Vì vậy đến Hàm Dương chỉ còn 8 đỉnh. Đến đời Tần Thủy Hoàng thì ông cho người nung chảy những chiếc đỉnh để lấy đồng đúc 12 tượng người đặt trong sân triều để ứng với sức mạnh của nhà Tần.