Dab là một điệu nhảy đơn giản mà trong đó người nhảy thực hiện việc cúi đầu xuống một khuỷu tay đang gập và đồng thời giơ cánh tay còn lại lên giống như đang hắt hơi vào khuỷu tay.[1] Kể từ năm 2015, dab được sử dụng như một cách ăn mừng thể hiện chiến thắng hay sự vui vẻ, đồng thời cũng là một hiện tượng văn hóa thanh thiếu niên tại Mỹ và trên Internet.[2]
Dab bắt nguồn từ những tụ điểm hip-hop ở Atlanta, nhưng không rõ ai là người sáng tạo ra điệu nhảy này.[1] Các nghệ sĩ thường được coi là người khai sinh là Migos, Soulja Boy, Skippa Da Flippa, Peewee Longway, hay Rich The Kid.
Rapper nổi tiếng Bow Wow giải thích rằng nguồn gốc của điệu nhảy này có liên hệ tới cộng đồng chơi cần sa được lập ra từ năm 2012. Anh ngay lập tức bị một số rapper khác phản đối trên Twitter.[3] Cũng có giả thuyết cho rằng nó có nguồn gốc từ "dabbing", từ để chỉ hành động hít cocaine trên khuỷu tay nhưng giả vờ như đang hắt hơi.
Dab gây chú ý trong làng thể thao Hoa Kỳ nhờ màn ăn mừng dab 8 giây của cầu thủ bóng bầu dục Mỹ Cam Newton, chủ công của đội Carolina Panthers tại giải National Football League, trong trận đấu thuộc tuần thứ mười mùa giải năm 2015 với Tennessee Titans vào ngày 15 tháng 11.[4][5] Khi hai cầu thủ Titans ra chắn trước mặt Newton lúc anh ăn mừng, anh vẫn tiếp tục nhảy trước mặt họ, thậm chí cả lúc đã đi xa.[2] Newton giải thích lý do anh thực hiện dab là nhờ sự hướng dẫn và gợi ý của em trai 16 tuổi của anh tên là Caylin.[6][7]
Một số vận động viên từng nhảy điệu dab gây chú ý trước cả Newton. Jeremy Hill của Cincinnati Bengals "dường như" là cầu thủ bóng bầu dục Mỹ đầu tiên thực hiện dab. Ngoài ra còn có các màn dab khác tới từ LeBron James, Jehu Chesson, D'Angelo Russell (người thực hiện một động tác dab đôi). Sau đó còn có các vận động viên nổi bật khác thực hiện dab như Paul Pogba, Jesse Lingard, Luciano Narsingh, Victoria Azarenka, Nathaniel Clyne, Jordon Ibe, Christian Pulisic, Romelu Lukaku, Paulo Dybala...
Tại Saudi Arabia, việc dab đã bị Ủy ban kiểm soát ma túy quốc gia coi là bất hợp pháp vì nó được coi là ám chỉ cần sa và các chất bất hợp pháp khác. Vào tháng 8 năm 2017, ca sĩ và diễn viên người Ả Rập Abdallah Al Shaharani đã bị bắt vì thực hiện động tác này tại một lễ hội âm nhạc ở Ta'if và sau đó đã xin lỗi trong một tweet. Vào tháng 1 năm 2018, một cầu thủ bóng đá Saudi đã bị chỉ trích trên phương tiện truyền thông xã hội vì đã thực hiện động tác này trong một trận đấu.