Hệ thống phòng thủ chủ động hay hệ thống bảo vệ chủ động (tiếng Anh: Active protection system – APS) là hệ thống có chức năng ngăn chặn hoặc tiêu diệt các loại vũ khí thông minh như tên lửa/đạn có điều khiển, được thiết kế và sử dụng phổ biến nhằm mục đích bảo vệ các phương tiện chiến đấu bọc thép.
Các biện pháp đối phó có thể che giấu phương tiện hoặc vô hiệu hóa sự dẫn đường của mối đe dọa đang tới gần được gọi là biện pháp tiêu diệt mềm.
Các biện pháp đối phó tấn công vật lý vào mối đe dọa đang tới gần để gây hư hại hoặc phá hủy nó, từ đó hạn chế khả năng xuyên giáp của nó được gọi là biện pháp tiêu diệt cứng.
Các biện pháp tiêu diệt mềm được thiết kế để đối phó với vũ khí dẫn đường bằng cách che giấu phương tiện được bảo vệ khỏi chúng (ví dụ như màn khói) hoặc gây nhầm lẫn cho hệ thống dẫn đường của chúng bằng bức xạ (ví dụ như thiết bị gây lóa mắt). Một số hệ thống sử dụng thiết bị gây lóa mắt bằng laser để gây mù tạm thời cho người vận hành hoặc làm "chói mắt" các cảm biến quang học của tên lửa điều khiển chống tăng SACLOS, chẳng hạn như JD-3 được trang bị trên xe tăng Type 99. Những hệ thống khác sử dụng bộ phát hồng ngoại mạnh để gây nhiễu đầu dò hồng ngoại có trên nhiều loại tên lửa điều khiển chống tăng SACLOS, chẳng hạn như Shtora-1.
Các biện pháp tiêu diệt mềm có thể được chia thành các biện pháp đối phó cố định (chẳng hạn như thiết bị gây lóa mắt, được gắn cố định trên bệ) và các biện pháp đối phó tiêu hao (chẳng hạn như lựu đạn khói, được phóng ra khi sử dụng).
Các biện pháp tiêu diệt mềm có thể được sử dụng để phòng ngừa, tuy nhiên chúng thường được sử dụng để phản ứng với các mối đe dọa được phát hiện.
Các biện pháp tiêu diệt cứng được thiết kế để tấn công vật lý vào tên lửa dẫn đường hoặc các loại đạn dược khác đang bay tới, thường ở phạm vi rất gần với phương tiện được bảo vệ, bằng cách sử dụng đạn đánh chặn chủ động có khả năng kích nổ hoặc làm lệch hướng tấn công nhằm hạn chế tác động của mối đe dọa đối với mục tiêu. Đầu nổ xuyên tự định hình (EFP) hoặc các loại đầu đạn nổ phá mạnh định hướng thường được sử dụng làm đạn đánh chặn. Việc hệ thống kích hoạt đạn đánh chặn có thể dẫn đến:
Có nhiều ví dụ về biện pháp tiêu diệt cứng. Hệ thống Arena của Nga sử dụng radar Doppler để phát hiện, định vị các mối đe dọa tiếp cận phương tiện được bảo vệ và kích hoạt đạn đánh chặn để loại bỏ mối đe dọa. Hệ thống Trophy của Israel bắn một đầu đạn đa đầu nổ xuyên tự định hình (MEFP) để tiêu diệt mối đe dọa. Hệ thống Quick Kill của Hoa Kỳ phát hiện các mối đe dọa đang đến bằng cách sử dụng mảng quét điện tử chủ động, đánh giá mối đe dọa và triển khai một rocket đánh chặn cỡ nhỏ. Một hệ thống khác của Hoa Kỳ, được gọi là Iron Curtain, sử dụng hai cảm biến giúp giảm tỉ lệ cảnh báo sai và đánh bại các mối đe dọa cách mục tiêu cần bảo vệ vài inch bằng cách kích hoạt đạn đánh chặn được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại. Hệ thống Afganit của Nga trang bị trên xe chiến đấu bộ binh Armata sử dụng radar bước sóng milimét để phát hiện, theo dõi và đánh chặn các loại đạn chống tăng đang bay tới. Theo báo cáo, nó có thể đánh chặn các loại đạn xuyên động năng thoát vỏ ổn định bằng cánh đuôi cũng như các loại đạn chống tăng dùng thuốc nổ mạnh (HEAT).[1][2]
Núi và các phương tiện xung quanh phản xạ lại sóng vô tuyến, do đó gây ra hiện tượng nhiễu radar, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất phát hiện, định vị và khóa mục tiêu của radar cảnh giới được trang bị trong hệ thống.[cần dẫn nguồn]
Các loại tên lửa điều khiển chống tăng tấn công theo kiểu đột nóc như FGM-148 Javelin (Hoa Kỳ) và Trigat (Đức) có đường bay lao từ trên xuống mục tiêu. Không phải tất cả các hệ thống phòng thủ chủ động đều được thiết kế có thể bắn ở độ cao cực đại cần thiết nhằm chống lại các loại vũ khí như vậy. RPG bắn ở góc dốc xuống từ các vị trí trên cao có thể gây ra mối đe dọa tương tự.