Khoảng cách hợp lý (tiếng Anh: decent interval) là một lý thuyết liên quan đến sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam. Lý thuyết này cho rằng từ năm 1971 hoặc 1972, Chính quyền Nixon đã từ bỏ mục tiêu duy trì miền Nam Việt Nam, mà thay vào đó, tìm cách tạo ra một "khoảng cách hợp lý" (hay một khoảng thời gian phù hợp) giữa việc rút quân và sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam nhằm giữ thể diện. Từ đó, Nixon có thể tránh khỏi việc trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thua trận.
Nhiều bằng chứng từ các băng ghi âm của Nixon và từ bản ghi các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài được trích dẫn để hỗ trợ lý thuyết này, bao gồm tuyên bố của Henry Kissinger trước Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 rằng "các điều khoản của chúng tôi cuối cùng sẽ tiêu diệt ông ta"[1] (đề cập đến Tổng thống miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu). Tuy nhiên, cả Kissinger và Nixon đều phủ nhận rằng có một chiến lược như vậy.
Vào cuối năm 1970 hoặc đầu năm 1971, Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia của ông là Henry Kissinger đã "từ bỏ hy vọng về một chiến thắng quân sự" trong Chiến tranh Việt Nam. Càng ngày, họ càng đặt câu hỏi về tiền đề rằng Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ có thể bảo vệ đất nước của mình mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ, đặc biệt là sau sự kiện Lam Sơn 719.[2]
Sau Hiệp định Hòa bình Paris, chính quyền Nixon tuyên bố rằng "hòa bình trong danh dự" đã đạt được và nền độc lập của miền Nam Việt Nam đã được đảm bảo. Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Nixon và Kissinger đổ lỗi cho sự thất bại của các hiệp định là do Quốc hội Hoa Kỳ từ chối tiếp tục hỗ trợ cho miền Nam Việt Nam[3] - nói cách khác, đó là huyền thoại đâm sau lưng Việt Nam.[4]
Nixon công khai tuyên bố rằng mục tiêu của ông từ hiệp định hòa bình là để miền Bắc Việt Nam công nhận quyền lựa chọn lãnh đạo của miền Nam Việt Nam bằng cách bầu cử dân chủ. Lý thuyết khoảng cách hợp lý cho rằng, một cách riêng tư, chính quyền Nixon không có kế hoạch cho việc duy trì miền Nam Việt Nam và chỉ quan tâm đến việc thả các tù binh Hoa Kỳ và duy trì một "khoảng thời gian hợp lý" trước khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.[3][5] Nếu một "khoảng thời gian hợp lý" trôi qua giữa việc rút quân của Mỹ và sự sụp đổ của chính phủ miền Nam Việt Nam, Nixon có thể tránh được trách nhiệm là tổng thống Mỹ đầu tiên thua trận.[5]
Ý tưởng về khoảng cách hợp lý không xuất hiện công khai trong những năm Nixon tại vị và lần đầu tiên được đưa ra trong cuốn sách Decent Interval xuất bản năm 1977 của nhà phân tích CIA Frank Snepp.[6] Tuy nhiên, Snepp không ủng hộ lý thuyết đầy đủ về việc cố ý bỏ rơi miền Nam Việt Nam, mà cho rằng Kissinger, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Graham Martin và những người khác đã có một kiểu suy nghĩ tự huyễn hoặc sau hiệp định Paris.[7] Điều mà Snepp phẫn nộ nhất là sự rút quân vội vã của người Mỹ vào tháng 4 năm 1975, bỏ rơi nhiều đồng minh ở miền Nam Việt Nam và các tài sản tình báo chủ chốt.[8] Snepp không tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao có thể đã đề cập đến chiến lược "khoảng cách hợp lý".[6]
Nhà sử học Ken Hughes đã viết, "Bằng chứng cho thấy Nixon và Kissinger sắp xếp thời gian rút quân cho cuộc bầu cử năm 1972 và thương lượng một "khoảng cách hợp lý" đến từ các nguồn cực kỳ phong phú và không thể phủ nhận - các băng ghi âm của Nixon và các bản ghi gần nguyên văn mà các trợ lý NSC đã thực hiện các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo nước ngoài."[9][Chú giải 1] Điều này bất chấp "việc con người không muốn đưa ra bằng chứng buộc tội bản thân"[Chú giải 2], theo những giải thích của Hughes cũng là lý do mà nhiều chi tiết về chiến lược này không được biết đến.[9]
Dấu hiệu đầu tiên của chiến lược này xuất hiện trong cuộn băng Nixon ngày 18 tháng 2 năm 1971, Kissinger nói rằng sau khi một hiệp định hòa bình được ký kết, "Những gì chúng ta có thể nói với người miền Nam Việt Nam - họ đã có một năm không có chiến tranh để chuẩn bị."[Chú giải 3] Theo Hughes, tuyên bố chỉ ra rằng Kissinger đã nhận ra hòa bình sẽ không thể được duy trì.[10] Vào ngày 19 tháng 3, Kissinger tuyên bố rằng "Chúng ta không thể đánh đổ nó — một cách tàn bạo — nói một cách tàn bạo — trước cuộc bầu cử",[Chú giải 4] biện minh cho việc sắp xếp thời điểm rút quân cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1972.[11] Nixon cũng có nghi ngờ riêng về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, mà ông chính thức tuyên bố là "một kế hoạch trong đó chúng ta sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Việt Nam theo lịch trình phù hợp với chương trình của chúng ta, khi miền Nam Việt Nam trở nên đủ mạnh để bảo vệ tự do của họ"[Chú giải 5][11] Hughes viết rằng tuyên bố của Nixon về Việt Nam hóa chiến tranh rõ ràng là sai sự thật và chương trình này là một "trò lừa đảo"[Chú giải 6][11]
Trong cuộc gặp bí mật đầu tiên với Chu Ân Lai năm 1971, Kissinger giải thích rằng Hoa Kỳ muốn một cuộc rút lui toàn bộ, trao trả các tù nhân chiến tranh, và một thời gian ngừng bắn "18 tháng hoặc gì đó." Kissinger lưu ý rằng "Nếu chính phủ đó không được lòng dân như bạn nghĩ, lực lượng của chúng tôi rút lui càng nhanh chóng thì họ sẽ càng nhanh bị lật đổ. Và nếu họ bị lật đổ sau khi chúng tôi rút quân, chúng tôi sẽ không can thiệp."[Chú giải 7][12] Trong các cuộc gặp sau đó, Kissinger sử dụng các cụm từ "reasonable interval", "sufficient interval", và "time interval" để nhắc tới thời gian cần thiết phải trôi qua để nếu có tấn công vào miền Nam thì Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.[12]
Trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô, Kissinger tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp sau hơn mười tám tháng kể từ khi dàn xếp.[9] Một điểm quan trọng của cuộc đàm phán là nhượng bộ từ phía miền Bắc về yêu cầu từ chức đối với Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu; theo tình báo Hoa Kỳ, chính quyền miền Nam sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu không có Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 3 tháng 8 năm 1972, Nixon tuyên bố, "Tôi nghĩ rằng, theo quan điểm của tôi, thẳng thắn mà nói, chúng ta có thể ép Thiệu bất kỳ điều gì. Miền Nam Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ sống sót."[Chú giải 8] Kissinger trả lời: "Ta phải tìm ra cách để duy trì thêm một hoặc hai năm nữa".[Chú giải 9][13] Hai ngày trước khi hiệp định Hòa Bình Paris được ký kết theo đề nghị của trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ (ngày 8 tháng 10 năm 1972), Kissinger nói với Nixon hai lần rằng các điều khoản sẽ hủy diệt miền Nam Việt Nam: "Tôi cũng nghĩ rằng Thiệu đã đúng, các điều khoản của chúng ta sẽ hủy diệt ông ta.".[Chú giải 10][14]
Nhà sử học Jeffrey Kimball ủng hộ và giới thiệu khoảng cách hợp lý trong nhiều cuốn sách, trong đó có The Vietnam War Files (2004)[15] và Nixon's Nuclear Specter (2015).[16] Kimball cho rằng chính quyền Nixon đã áp dụng chiến lược này kể từ nửa sau nhiệm kỳ đầu tiên của Nixon. Theo Hughes, Kimball là "học giả hàng đầu về khoảng cách hợp lý"[Chú giải 11].[17]
Trong cuốn sách Henry Kissinger and the American Century, Jeremi Suri viết: "Đến năm 1971, [Kissinger] và Nixon sẽ chấp nhận một 'khoảng cách hợp lý' giữa việc Mỹ rút quân và Bắc Việt tiếp quản ở miền Nam. Các cuộc đàm phán bí mật với Hà Nội sẽ cho phép Kissinger quản lý tiến trình này, duy trì hình ảnh sức mạnh và sự tin cậy của Mỹ."[Chú giải 12][18]
Trong một bài báo năm 2003, nhà sử học Phần Lan Jussi Hanhimäki viết
from the summer of 1971 to the conclusion of the Paris Agreements in January 1973 Kissinger tried to "sell" a peace agreement to his Soviet and Chinese interlocutors by stressing the American willingness to accept a "decent interval" solution: that is, the United States would not reenter the war provided that the collapse of the South Vietnamese government did not occur immediately after the last US ground troops returned home.[19]
(từ mùa hè năm 1971 đến khi ký kết Hiệp định Paris vào tháng 1 năm 1973 Kissinger cố gắng "bán" một hiệp định hòa bình cho những người đối thoại Liên Xô và Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng chấp nhận một giải pháp "khoảng cách hợp lý": đó là Hoa Kỳ sẽ không tái phát chiến tranh với điều kiện là sự sụp đổ của chính phủ miền Nam Việt Nam không xảy ra ngay sau khi những binh lính mặt đất cuối cùng của Hoa Kỳ trở về nước.)
Hughes chỉ trích kịch liệt chiến lược khoảng cách hợp lý:
[Nixon] forfeited America’s geopolitical credibility abroad to maintain his political credibility at home. In their furtive negotiations for a "decent interval," Nixon and Kissinger revealed themselves to the Communists as craven and treacherous in their relationship with a supposed ally. They showed that they could accept the reality of defeat as long as they could avoid the appearance of it in the eyes of American voters... Nixon and Kissinger got the North to sign the Paris Accords in the first place by letting it know that it could conquer the South militarily as long as it waited an extra year or two.[20]
([Nixon] đã đánh mất uy tín địa chính trị của Mỹ ở nước ngoài để duy trì uy tín chính trị của mình ở trong nước. Trong các cuộc đàm phán lén lút của họ để có một "khoảng cách hợp lý", Nixon và Kissinger đã hành xử trước những người Cộng sản như những kẻ hèn nhát và phản bội trong mối quan hệ của họ với một đồng minh. Họ đã cho thấy rằng họ có thể chấp nhận thực tế thất bại miễn là họ có thể tránh để nó xuất hiện trong mắt cử tri Mỹ... Nixon và Kissinger đã khiến miền Bắc ký Hiệp định Paris ngay từ đầu bằng cách cho họ biết rằng họ có thể chinh phục miền Nam miễn là phải đợi thêm một hoặc hai năm.)
Theo nhà sử học Nhật Bản Yusuke Tega, viết vào năm 2012, khoảng cách hợp lý "đang trở thành cách giải thích tiêu chuẩn" vì trên thực tế, miền Nam Việt Nam đã sụp đổ vào năm 1975.[21]
Cả Kissinger và Nixon đều phủ nhận việc sử dụng chiến lược "khoảng cách hợp lý". Kissinger viết, "...cũng không chính xác rằng tất cả những gì chúng tôi tìm kiếm là một 'khoảng cách hợp lý' trước khi Sài Gòn sụp đổ. Tất cả chúng tôi, những người đàm phán thỏa thuận ngày 12 tháng 10 đều tin rằng chúng tôi đã kết thúc nỗi thống khổ của một thập kỷ không phải bằng một 'khoảng cách hợp lý' mà bằng một sự dàn xếp hợp lý."[Chú giải 13][4] Tuy nhiên, cả hai đều có lợi ích trong việc giữ bí mật về "khoảng cách hợp lý".[9]
Dựa trên những tài liệu mới được giải mật, năm 2001 Larry Berman đã viết một cuốn sách với tựa đề No Peace, No Honor trong đó ông cho rằng Nixon trên thực tế đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến kéo dài dai dẳng ở Việt Nam, thay vì một khoảng cách hợp lý trước khi thất bại.[3]
Luke Nichter, một nhà sử học từng nghiên cứu các cuốn băng ghi âm của Nixon, đã cho rằng, trước chuyến thăm của Nixon tới Trung Quốc đầu năm 1972, lý thuyết khoảng cách hợp lý không giải thích được thái độ dao động của Nixon và Kissinger đối với cuộc chiến (thái độ thay đổi liên tục tùy theo báo cáo tin tức và con số thương vong). Nichter viết, "đôi khi họ còn chẳng thiết nói về mong muốn có khoảng cách nào ngoài khoảng thời gian cần thiết để nhanh chóng rút quân và tù binh chiến tranh"[Chú giải 14]. Sau chuyến thăm Trung Quốc, họ có vẻ quan tâm hơn đến một khoảng cách hợp lý.[16][Chú giải 15] Trong cuốn sách mang tên The Nixon Tapes, Nichter và các đồng tác giả phản đối "những học giả cho rằng chiến lược của Nixon và Kissinger chỉ đơn thuần là bảo đảm một khoảng cách hợp lý"[Chú giải 16]. Hughes coi đây là một sự trình bày sai bởi vì ông không biết bất kỳ học giả nào cho rằng khoảng cách hợp lý đặc trưng cho toàn bộ chiến lược của chính quyền.[17]
Johannes Kadura lập luận rằng cả Nixon và Kissinger đồng thời duy trì một phương án A để tiếp tục hỗ trợ Sài Gòn và một phương án B để bảo vệ Washington nếu các kế hoạch thất bại[Chú giải 17]. Theo Kadura, khái niệm "khoảng cách hợp lý" đã bị trình bày một cách sai lầm[Chú giải 18], theo nghĩa Nixon và Kissinger đã cố câu giờ, làm cho miền Bắc quay lui và duy trì một sự cân bằng lâu dài[Chú giải 19], không phải là họ chấp nhận sự sụp đổ của miền Nam.[22]