Kim cương chử hay chày kim cương (tiếng Phạn: वज्र - vajra) là một trong những biểu tượng quan trọng của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Đặc biệt, nó là biểu tượng của Kim cương thừa. Theo ngôn ngữ Tây Tạng thì nó có tên là dorje (Wylie: rdo-rje, ZMPY: dojê), cũng là một cái tên nam giới ở Tây Tạng và Bhutan. Dorje cũng có nghĩa là một cái vương trượng nhỏ được các vị lạt-ma Tây Tạng cầm ở bên tay phải trong các buổi lễ tôn giáo. Đây là một pháp khí có tính chất cứng rắn của kim cương, có thể cắt mọi vật thể khác mà không vật thể nào cắt được nó, đồng thời, nó có thêm sức mạnh vô địch của sấm sét. Do vậy, nó là biểu tượng cho tinh thần kiên định và uy lực tâm linh.
Trong các cuộc hành lễ Phật giáo Tantra, kim cương chử và kiền trùy là cặp pháp khí được sử dụng cùng nhau. Trong đó, kim cương chử tượng trưng cho yếu tố Nam, còn kiền trùy tượng trưng cho yếu tố nữ (có học giả cho rằng kim cương chử tượng trưng cho sinh thực khí nam còn kiền trùy (chuông) thì tượng trưng cho sinh thực khí nữ[1]). Trên đỉnh của kiền trùy dùng trong nghi lễ Phật giáo Tantra cũng có gắn một kim cương chử (đơn) với vai trò cán chuông, pháp khí này được gọi là vajraghanta (chuông kim cương)[1]). Kim cương chử còn được phối cặp với hoa sen, trong đó, kim cương chử biểu thị dương và kiến thức, còn hoa sen biểu thị âm và lý tính.
Hình ảnh 2 kim cương chử song trùng đặt chéo nhau có thể tạo nên bố cục cơ bản của Mạn đà la, tạo thành 4 điểm biểu thị 4 phương của vũ trụ. Nó cũng xuất hiện qua nhiều hình dáng như một trong những vòng bảo vệ chung quanh phần trung tâm của Mạn đà la. Kim cương chử thường được đúc bằng đồng và được mạ vàng. Có nhiều loại Kim cương chử nhưng loại phổ biến nhất là Kim cương chử ba ngạnh. Loại này có thể được so sánh với cây đinh ba thường được dùng ở Ấn Độ để tượng trưng cho uy quyền. Kim cương chử còn là vũ khí ưa thích của thần Indra trong điện thờ Ấn giáo.