Lâm sàng (Pháp: clinique, Anh: clinical, từ Hán-Việt: lâm là đến gần, vào một hoàn cảnh nào đó, sàng là cái giường nghĩa giường bệnh) là một tính từ y khoa, chỉ những gì liên quan đến, xảy ra ở giường của người bệnh, bệnh viện (lúc khám bệnh).[1]
Tiếng Pháp, “clinique”, tiếng Anh “clinical” do từ Hy Lạp cổ "kline" là cái giường. Hippocrates (460-377 TTC), sinh ra ở đảo Kos, gần 100 năm sau khi Khổng tử ra đời, ông tổ ngành Tây Y tiên phong trong ngành chữa bệnh căn cứ trên quan sát người bệnh trực tiếp và lý luận trên cơ sở của những "triệu chứng" mà mình thấy, nghe, sờ và ngửi được.[1]
- Dấu hiệu lâm sàng (clinical signs): Những triệu chứng (symptoms) do bệnh nhân khai (có tính cách chủ quan); và khám nghiệm trên người bệnh nhân để phát hiện những dấu hiệu (signs) khách quan. Những dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu lâm sàng (clinical signs).
- Chẩn đoán lâm sàng (clinical diagnosis); Chẩn đoán bệnh căn cứ vào quá trình khám trên (dựa vào dấu hiệu lâm sàng).
- Cận lâm sàng (subclinical, paraclinical): Bao gồm các xét nghiệm, chiếu, chụp X quang, điện tim....trợ giúp cho việc thăm khám lâm sàng.
- Chết lâm sàng: Hiện tượng tim bệnh nhân ngừng đập, Không còn thở, không còn mạch, não không còn tín hiệu hoạt động nhưng họ vẫn có thể sống lại, khi dùng sốc điện bắt trái tim phải làm việc trở lại,
- Thử nghiệm lâm sàng: Các nghiên cứu được tiến hành trên người để xác định tính an toàn và hiệu quả của thuốc (phần chính) và phương pháp điều trị.