Lãnh thổ Alaska | |||||
Lãnh thổ hợp nhất có tổ chức của Hoa Kỳ | |||||
| |||||
Cờ | |||||
Lãnh thổ Alaska | |||||
Thủ đô | Juneau | ||||
Chính phủ | Lãnh thổ hợp nhất có tổ chức | ||||
Thống đốc | |||||
- | 1912–1913 | Walter E. Clark | |||
- | 1958–1959 | Waino E. Hendrickson | |||
Lịch sử | |||||
- | Địa khu Alaska | 24 tháng 8 1912 | |||
- | Trở thành tiểu bang | 3 tháng 1 1959 |
Lãnh thổ Alaska (tiếng Anh: Territory of Alaska hay Alaska Territory) từng là một lãnh thổ hợp nhất có tổ chức của Hoa Kỳ tồn tại từ ngày 24 tháng 8 năm 1912 cho đến ngày 3 tháng 1 năm 1959 khi nó được phép gia nhập vào liên bang để trở thành tiểu bang Alaska. Lãnh thổ này trước đó từng là Địa khu Alaska được thành lập vào ngày 17 tháng 5 năm 1884.
Việc thông qua bộ luật hình sự năm 1899 mà trong đó gồm có phần nói về việc thu thuế đánh vào chất rượu cồn đã dẫn đến những lời kêu gọi ngày càng gia tăng, đòi hỏi rằng người Alaska cần có đại diện trong Quốc hội Hoa Kỳ.[1] Cuộc tranh luận cuối cùng kết thúc vào ngày 24 tháng 8 năm 1912 khi Lãnh thổ Alaska trở thành một lãnh thổ hợp nhất có tổ chức của Hoa Kỳ.
Đạo luật tổ chức chính quyền lần thứ hai vào năm 1912 đã đưa Địa khu Alaska thành lãnh thổ Alaska.[2] Đến năm 1916, dân số của lãnh thổ này là khoảng 58.000 người. James Wickersham, một đại diện của Alaska tại quốc hội, giới thiệu một đạo luật thành lập tiểu bang cho Alaska lần đầu tiên nhưng thất bại vì thiếu sự quan tâm từ chính người dân cư ngụ tại Alaska. Ngay cả chuyến viếng thăm của tổng thống Warren G. Harding vào năm 1923 vẫn không thể gây ra mối quan tâm rộng rải của dân chúng về việc Alaska có nên trở thành tiểu bang hay không. Dưới các điều kiện của Đạo luật tổ chức chính quyền lần thứ hai, Alaska được chia thành bốn khu vực. Khu vực đông dân nhất trong số các khu vực này, nơi có thủ phủ của Alaska là Juneau, do dự chẳng biết là có nên trở thành một tiểu bang tách biệt khỏi các khu còn lại hay không. Sự kiểm soát của chính phủ liên bang là mối quan tâm chính yếu vì lãnh thổ này có đến 52 cơ quan chính phủ liên bang đang quản lý mình.
Năm 1920, việc thông qua Đạo luật Giao thương Đường biển năm 1920 đã buộc các tàu thuyền mang cờ Hoa Kỳ phải là các tàu thuyền được đóng tại Hoa Kỳ, do công dân Hoa Kỳ làm chủ, và được cấp giấy phép theo luật lệ của Hoa Kỳ. Tất cả hàng hóa ra vào Alaska phải do các hãng vận tải Mỹ đảm trách và được đưa đến Seattle trước khi được chuyên chở đi xa hơn, khiến cho Alaska lệ thuộc vào tiểu bang Washington. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phán quyết rằng điều khoản trong hiến pháp nói về một tiểu bang không được kiểm soát nền thương mại của một tiểu bang khác không thể áp dụng bởi vì Alaska chỉ là một lãnh thổ. Chi phí trả cho các nhà vận chuyển thương mại của Seattle bắt đầu gia tăng vì lợi dụng tình hình do phán quyết đưa ra.
Đại khủng hoảng làm cho giá cá và đồng là hai nguồn quan trọng của nền kinh tế Alaska vào thời gian đó giảm mạnh. Tiền lương giảm và lực lượng lao động giảm hơn phân nửa. Năm 1935, tổng thống Franklin Delano Roosevelt nghĩ rằng người Mỹ từ các khu vực nông nghiệp có thể được đưa đến Thung lũng Matanuska-Susitna của Alaska để có cơ hội tự mưu sinh bằng nông nghiệp. Những người thực dân phần lớn là từ các tiểu bang miền bắc như Michigan, Wisconsin, và Minnesota theo niềm tin rằng chỉ có những người lớn lên tại vùng khí hậu tương tự như khí hậu của Alaska thì mới có thể chịu đựng nổi cuộc sống định cư tại nơi đó. Hội Cải thiện người gốc Congo thống nhất (United Congo Improvement Association) yêu cầu tổng thống cho định cư khoảng 400 nông dân người Mỹ gốc châu Phi tại Alaska. Hội cho rằng lãnh thổ này sẽ mang đến quyền chính trị đầy đủ cho những nông dân này. Tuy nhiên thành kiến phân biệt chủng tộc và niềm tin cho rằng chỉ có những ai từ các tiểu bang miền bắc mới có thể trở thành người định cư thích hợp tại nơi đó đã khiến cho lời đề nghị trên bị thất bại.
Việc thám hiểm và định cư tại Alaska đã sẽ không thể nào thực hiện được nếu như không có sự phát triển về máy bay. Máy bay giúp cho một làn sóng người định cư đến được những vùng đất nằm xa bên trong Alaska. Tuy nhiên vì điều kiện thời tiết khắt nghiệt của Alaska cũng như tỉ lệ cao số phi công so với dân số, có trên 1700 vụ máy bay rơi trên khắp lãnh thổ của Alaska. Nhiều vụ rơi máy bay có nguồn gốc từ cuộc tăng cường quân sự tại Alaska trong suốt cả thời Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh lạnh.
Tầm quan trọng chiến lược của Alaska đối với Hoa Kỳ trở nên ngày càng rõ rệt trong suốtChiến tranh thế giới thứ hai. Từ tháng 6 năm 1942 đến tháng 8 năm 1943, Nhật Bản đã tìm cách xâm nhập Hoa Kỳ bằng ngả chuỗi quần đảo Aleut qua trận Quần đảo Aleut. Sự kiện này đánh dấu lần thứ hai kể từ Chiến tranh 1812 rằng đất Mỹ bị chiếm đóng bởi một kẻ thủ ngoại quốc. Lần đầu tiên là sự kiện Nhật Bản chiếm đóng đảo Guam vào tháng 12 năm 1941. Người Nhật sau cùng cũng bị đánh bật khỏi Quần đảo Aleut bởi một lực lượng gồm 34.000 binh sĩ Mỹ.[3] Vào mùa xuân và hè năm 1945, Cold Bay trên bán đảo Alaska là nơi thực hiện chương trình chuyển giao tham vọng nhất và lớn nhất trongChiến tranh thế giới thứ hai có tên gọi là Dự án Hula. Trong chương trình này, Hoa Kỳ chuyển giao 149 tàu hải quân các loại cho Liên Xô và đào tạo 12.000 nhân lực Xô Viết trước khi Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật Bản. Tại mọi thời điểm nào, có khoảng 1.500 người Mỹ hiện diện tại Cold Bay và đồn Randall trong suốt Dự án Hula.[4]
Sau cùng chính phủ Hoa Kỳ trở nên ý thức được tiềm năng vô tận của vùng đất này và vào ngày 3 tháng 1 năm 1959, Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ. Có chút ít trì hoãn để thu nhận Alaska thành tiểu bang vì sự lo âu của các thành viên trong đảng Cộng hòa rằng Alaska sẽ bầu các thành viên đảng Dân chủ vào Quốc hội Hoa Kỳ.[5].