Luật 10-59

Luật 10/59 do Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành

Luật 10/59 là một đạo luật do chế độ Việt Nam Cộng hòa ban hành ngày 6 tháng 5 năm 1959, quy định việc "trừng phạt sự phá hoại, sự xâm phạm an ninh Quốc gia, sự xâm phạm sanh mạng hay tài sản của nhân dân" và thiết lập các Tòa án quân sự đặc biệt nhằm xét xử trong 3 ngày các "tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa". Đối tượng mà bộ luật này nhắm đến là những người phạm tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhưng trên thực tế thì luật này xử đa số những đảng viên Cộng sản, cán bộ cách mạng từng tham gia chiến tranh Đông Dương trong hàng ngũ Việt Minh, những người dân thường và người bất đồng chính kiến bị quy chụp là Đảng viên cộng sản.[cần dẫn nguồn]

Hoàn cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Máy chém dưới thời Ngô Đình Diệm. Hiện máy đang được trưng bày tại Bảo tàng TP. Cần Thơ, Việt Nam.

Từ năm 1955, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đứng đầu là Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bắt đầu thi hành chính sách tố Cộng[1], huy động mọi lực lượng quân sự, an ninh, hành chính, tình báo, thông tin tuyên truyền... thực hành cuộc càn quét, đàn áp toàn diện cả về quân sự, chính trị, tâm lý, kinh tế,... đối với những thành viên từng tham gia chiến tranh Đông Dương ở bên phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (được gọi chung với cái tên Việt Minh), là đối thủ cũ của Pháp và Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng hòa).[2][3]

Từ năm 1956 đến 1958, việc thi hành chính sách tố Cộng diệt Cộng được tăng cường cả về quy mô lẫn hình thức. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức một số cuộc hành quân như chiến dịch Thoại Ngọc Hầu, chiến dịch Trương Tấn Bửu,... để tiêu diệt những người được gọi là Việt Cộng (được hiểu là những người theo chủ nghĩa cộng sản trong Việt Minh).[2] Lực lượng Việt Minh cũ chỉ tập trung vào hạn chế tổn thất (bằng cách chuyển vùng hoặc trốn vào rừng), tăng cường đấu tranh chính trị.[4] Sự chống trả bằng vũ trang chỉ nhằm mục đích tự vệ và diễn ra lẻ tẻ ở một số nơi.[2]

Năm 1958, Mỹ tăng cường viện trợ về tài chính và vũ khí, nên chế độ Việt Nam Cộng hoà được củng cố và tăng cường các hoạt động quân sự. Cũng vào thời điểm này, lực lượng Việt Minh bắt đầu có sự chống trả quyết liệt hơn. Theo Ralph K. White, tuy chiếm ưu thế nhưng quân lực Việt Nam Cộng hoà đang gặp thách thức nghiêm trọng. Trên chiến trường, những thành viên cũ của lực lượng Việt Minh không chỉ hoạt động để tự vệ mà nhiều nhóm đã dần tập hợp lại thành tổ chức có quy mô tiểu đội, trung đội, đại đội thuộc sự lãnh đạo của các Tỉnh uỷ hoặc Xứ uỷ Nam Bộ. Những nhóm này bắt đầu thực hiện những cuộc tấn công vào lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà tại nhiều nơi. Cũng theo Ralph K. White, từ năm 1957, lực lượng Việt Minh cũ bắt đầu thực hiện hành động ám sát các quan chức Việt Nam Cộng hòa[5]. Theo tác giả Anthony James Joes, đến cuối năm 1958 có 20% trưởng làng do Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm bị ám sát.[6] An toàn cá nhân tại các làng bị đe dọa tác động tiêu cực rất lớn đến hoạt động tại địa phương, và thông qua các hoạt động ám sát, Việt Minh đã cho nông dân thấy sự nguy hiểm nếu cộng tác với Việt Nam Cộng hòa.[6] Điều này giải thích vì sao đầu năm 1959, trong khi hô hào "Bắc tiến", chính phủ Việt Nam Cộng hoà lại tuyên bố "đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh" (tháng 3 năm 1959).[cần dẫn nguồn] Quan điểm ở Việt Nam lại cho rằng các chính sách dân cư ở địa phương của Việt Nam Cộng hòa như Dinh điền và Khu trù mật không thành công do mục đích ban đầu của các chính sách đều nặng tính quân sự, phục vụ cho việc bóc lột kinh tế và các hoạt động chống Cộng. Việc thi hành cũng đi kèm với việc đàn áp bằng bạo lực.[7][8][9]

Tháng 4 năm 1959, Quốc hội Việt Nam Cộng hoà thông qua luật số 91. Luật ấy được ban hành ngày 6 tháng 5 năm 1959 mang tên "luật 10-59" về thành lập các "tòa án quân sự đặc biệt". Theo luật 10-59, bản án chỉ có hai mức: tử hình cho các tội cố sát, đầu độc hay bắt cóc; phá hoại cơ sở hạ tầng, nhà cửa, mùa màng, hầm mỏ, phương tiện vận chuyển hoặc khổ sai chung thân với các tội cướp có khí giới hoặc từ 2 người trở lên; cản trở giao thông bằng cách khủng bố, đe doạ; đe dọa giết người, ám sát; phá phiên chợ hay ngăn cản không cho họp chợ. Những người gia nhập một tổ chức hoặc giao kết với nhau, để giúp đỡ chuẩn bị hoặc thực hiện những hành vi vừa kể cũng sẽ chịu hình phạt như thủ phạm. Bộ trưởng Quốc phòng có thể ra lệnh có viện dẫn lý do để đưa bị can ra Toà án Quân sự Đặc biệt xét xử, không cần thẩm cứu; toà án Quân sự Đặc biệt sẽ nhóm họp để xét xử trong thời hạn là 3 ngày sau khi nhận được lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng, Toà án Quân sự Đặc biệt xử chung thẩm và án văn không được thượng tố lên Toà Phá án; trong trường hợp xử tử hình, án văn chỉ được thi hành sau khi đơn xin ân xá bị bác bỏ.

Đạo luật 10-59 có thể nói là tiếp nối chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” của Ngô Đình Diệm. Chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” là chính sách của Ngô Đình Diệm khi còn là Thủ Tướng, được thi hành từ 1954, và kéo dài trong nhiều năm sau khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống.

Máy chém từng được sử dụng làm công cụ hành quyết nhiều phạm nhân bị kết án theo luật này. Việc hành quyết những người bị kết tội ban đầu được thực hiện bằng máy chém với mục đích răn đe, gây khiếp sợ cho những người cộng sản. Cũng với mục đích này, chính phủ Ngô Đình Diệm đặt máy chém giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội (Củ Chi), kèm theo lời đe dọa: "Ai liên quan đến cộng sản sẽ mất đầu".[10]

Nhiều vụ xử chém của Việt Nam Cộng hòa được diễn ra công khai trước dân chúng, đầu phạm nhân được bêu để thị uy:

  • Báo The Straits Times (Singapore) ngày 24 tháng 7 năm 1959 có bài viết tường thuật cảnh 1.000 người dân xem xử chém công khai ở Sài Gòn[11]
  • Báo Buổi sáng (Sài Gòn) ngày 12-10-1959 có đăng ảnh máy chém kèm chú thích “Đây là chiếc máy chém (ảnh) đã chặt đầu tên Cộng sản Võ Song Nhơn, ngay lập tức sau khi tòa tuyên án”[12]. 3 ngày sau, Báo Buổi sáng (Sài Gòn) ngày 15-10-1959 có đăng tin: “Theo một phán quyết của phiên xử vắng mặt của Tòa án Quân sự Đặc biệt ngày 02 tháng 10, Nguyễn Văn Lép, tức Tư Út Lép, một Việt Cộng, đã bị tuyên án tử hình. Cách đây một tuần, Lép đã bị sa vào lưới của Cảnh sát trong một khu rừng ở Tây Ninh. Bản án tử hình đã được thi hành … Hiện đầu và gan của tên tử tù đã được Hội đồng xã Hào Đước cho đem bêu trước dân chúng”[13].
  • Tờ "Công báo" phát hành tại Sài Gòn ngày 23-5-1962 thông báo việc xử bằng máy chém diễn công khai bằng hàng tít cỡ lớn: "4 ÁN TỬ HÌNH - 1 giáo sư, 1 học sinh, 1 cựu binh nhì và 1 vô nghề nghiệp sẽ bị đoạn đầu bằng máy chém."[14]
  • Theo Chương 4 trong  tài liệu “Diem and The Republic Of Vietnam (1955-1960)” thì: “Vào tháng 5, 1959, Diệm ban hành đạo luật 10-59, thiết lập các Tòa Án Quân Sự để đi săn lùng Cộng sản ở Nam Việt Nam, những người mà ông ta nhạo báng là Việt Cộng. Những Tòa Án này không đếm xỉa gì tới công lý, và Đạo luật 10-59 đã được áp dụng một cách tàn bạo… Chế độ Diệm là chế độ phi dân chủ, tham nhũng và cực đoan ngay từ đầu. (In May 1959, Diem passed Law 10/59 , establishing military tribunals to search out Communists in South Vietnam, whom he derisively referred to as Viet Cong. These tribunals were unconcerned with justice, and Law 10/59 was brutal in its application… Diem’s regime was undemocratic, corrupt, and extreme from the beginning.)

Chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức những đội vũ trang có nhiệm vụ chống cộng đưa về các địa phương. Các đội này hoạt động rất tích cực và dùng nhiều biện pháp giết người bị lên án. Cho đến năm 1959, ở Củ Chi đã có 500 người bị moi gan mổ bụng, 600 người bị dồn vào bao bố cột đá dìm xuống sông, 150 người bị buộc vào sau xe ôtô kéo trên đường đá.... Toàn bộ số cán bộ ở Củ Chi bị bắt, bị giết lên đến 75%.[15]

John Guinane cho rằng chỉ tính riêng từ năm 1957 tới 1959, đã có hơn 2.000 người bị tình nghi là cộng sản bị Việt Nam Cộng hòa hành quyết, thường là bằng máy chém sau khi bị kết tội bởi những tòa án lưu động theo bộ luật này.[16] Theo Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thì "Trong những năm 1954 - 1959, ở miền Nam đã có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết."[17]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau này, Robert McNamara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ghi trong Hồi ký "Nhìn lại quá khứ-Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam" như sau[18]:

"Ngày 6-5-1959, Diệm đã ký Luật 10/59. Mỉa mai là ông ta như thể đã khôi phục lại phương cách của các ông chủ thuộc địa người Pháp từng thực thi, cái đã mở đầu kỷ nguyên của những cái chết bằng cách chặt đầu. Lính của ông Diệm đi đến các vùng nông thôn với những chiếc máy chém cơ động và những cái sàn để đi tìm "những người cộng sản".

Trong một cuốn sách khác, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - McNamara đã tả lại một vụ chặt đầu mà ông chứng kiến[19]:

"Chính phủ Diệm đã có nhiều vụ hành quyết. Rất nhiều người ở phương Tây phủ nhận điều đó đã xảy ra, nhưng ông Diệm không che giấu bất kỳ cảm xúc nào về chuyện đó. Họ thông báo công khai các vụ hành quyết và có những bức ảnh trong các bài báo chụp những chiếc đầu người bị cắt rời bởi một máy chém. Mọi chuyện đều vì mục đích dọa người dân không tham gia vào các cuộc nổi dậy chống lại ông Diệm.. Vào năm 1959, tôi đã đi vòng quanh với các nhóm làm bản đồ, ở đó có các tiền đồn của quân đội, nơi mà họ đã chặt đầu nhanh chóng những người mà họ cho là Cộng sản. Họ treo những chiếc đầu người vào ngay trước cổng tiền đồn của họ, đôi khi với hai điếu thuốc lá cắm lên mũi. Họ thậm chí còn mời mọi người chụp ảnh điều đó. Những binh lính đó rất tự hào về hành động của bản thân."

Sử gia Edward Miller mô tả tổng quát về Luật 10/59 trong cuốn sách "Liên minh sai lầm- Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ, và số phận Nam Việt Nam" như sau[20]:

"Luật 10/59 đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến thuật đàn áp của chế độ Diệm. Sau quyết định bị chỉ trích nhiều về việc xử tử hình với Ba Cụt, thủ lĩnh của nhóm nổi loạn theo phật giáo Hòa Hảo, vào năm 1956, ông Diệm đã chuyển hướng từ tử hình sang tù nhân chính trị. Nhưng với quyết định thông qua về luật 10/59, ông Diệm đã quay lại sử dụng tử hình như là sự đe dọa tới đối phương. Đại sứ quán Mỹ đã nói, chính phủ đã ban bố luật như là một tín hiệu của một sự quyết định mới, "Việt Cộng sẽ không được sự khoan dung nào.
Số người bị xử tử dưới luật 10/59 vẫn còn là một ẩn số. Nhưng những bằng chứng đã có cho thấy rằng tổng số người bị xử tử thấp hơn nhiều so với những con số của các nhà phê bình chế độ sau này. Thay vì sử dụng luật này để xử tử hàng loạt, ông Diệm sắp xếp cho những tòa án quân đội di động để kết tội một con số nhỏ những người bị buộc tội là Cộng sản, cái đã dẫn tới một loạt buổi xét xử công khai. Theo ông Diệm, đó là một sự hạn chế đã được chuẩn bị chu đáo, cái có thể chứng minh cho sự quyết đoán về chuyện trừng phạt đối phương mà không cần hủy đi công sức xây dựng sự hỗ trợ từ người dân.
Nhưng mà sự ảnh hưởng về tâm lý của luật này đã diễn ra rất khác so với cách ông Diệm mong muốn. Trước kia, đa số những án tử hình của Việt Nam Cộng Hòa diễn ra trên đảo Côn Sơn, nơi không thu hút nhiều sự chú ý; luật 10/59 đã tạo ra mâu thuẫn khi những án xử này diễn ra ở trung tâm thành phố hay làng mạc, nơi có các tòa án di động. Động thái này đã tăng cường sự suy nghĩ của công chúng về việc sự đàn áp của chính phủ đã trở nên hà khắc hơn. Hình ảnh một chế độ khát máu đã trở nên gần hơn khi mà chính phủ quyết định tiếp tục các sự thực hành của chế độ thực dân. Những thành viên của tòa án đem một phiên bản di động của cái máy tàn nhẫn đó với họ khắp nơi trên đất nước - một chi tiết mà các tuyên truyền viên của những người Cộng sản không thế thất bại trong việc nhấn mạnh trong các bản tố cáo về các tòa án."

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Âm mưu thủ đoạn "tố cộng", "diệt cộng" của địch, chủ trương và phong trào đấu tranh của Nhân dân tỉnh Gia Lai”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2022.
  2. ^ a b c “II - NHÂN DÂN MIỀN NAM TRỰC TIẾP CHỐNG XÂM LƯỢC MỸ VÀ TAY SAI, LÀM PHÁ SẢN NHIỀU CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỦA MỸ, GIẢI PHÓNG MIỀN NAM”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ [1]
  4. ^ Nhân dân miền Nam trực tiếp chống xâm lược Mỹ và tay sai, làm phá sản nhiều chiến lược chiến tranh của Mỹ, giải phóng miền Nam
  5. ^ Ralph K. White, Misperception of Aggression in Vietnam, Journal of International Affairs Vol. 21, No. 1, Image and Reality in World Politics (1967), pp. 123-140 (18 pages)
  6. ^ a b The War for South Viet Nam, 1954-1975, Anthony James Joes, page 49-50, Praeger, 2001
  7. ^ [2]
  8. ^ Chính sách “khu trù mật” của chính quyền Ngô Đình Diệm những năm 1959-1960
  9. ^ “Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Di tích tội ác Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2022.
  10. ^ Anh hùng Hoàng Minh Đạo: Nhà tình báo huyền thoại, Báo An ninh Thế giới, 18/11/2010
  11. ^ The Straits Times, 24 July 1959
  12. ^ Báo Buổi sáng, số ngày 12-10-1959
  13. ^ Báo Buổi sáng, số ngày 15-10-1959
  14. ^ Công báo, số ngày 23-5-1962
  15. ^ Cuộc đồng khởi kì diệu ở miền Nam Việt Nam 1959-1960, Tác giả Lê Hồng Lĩnh, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 102
  16. ^ John Guinane (4 tháng 6 năm 2015). “Where Have All the Flowers Gone: gone to graveyards everyone” (bằng tiếng Anh). Dorrance Publishing. tr. 285. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2015.
  17. ^ TBT Trọng: '160 nghìn Đảng viên hy sinh'
  18. ^ http://www.executedtoday.com/2009/03/12/1960-hoang-le-kha-cadre/
  19. ^ Patriots: The Vietnam War Remembered from All Sides
  20. ^ E. Miller. Misalliance- Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Borrowed Time - bộ phim ngắn khá u tối của Pixar
Borrowed Time - bộ phim ngắn khá u tối của Pixar
Pixar Animation Studios vốn nổi tiếng với những bộ phim hơi có phần "so deep"
Điều gì xảy ra khi một Ackerman thức tỉnh sức mạnh
Điều gì xảy ra khi một Ackerman thức tỉnh sức mạnh
Khi một Ackerman thức tỉnh sức mạnh, họ sẽ thường phải hứng chịu những cơn đau đầu đột ngột
Vài câu tỏ tình hàng tuyển
Vài câu tỏ tình hàng tuyển
Những lời tỏ tình với đôi chút lãn mạn và một bầu trời yêu thương
Tóm tắt chương 248: Quyết chiến tại tử địa Shinjuku - Jujutsu Kaisen
Tóm tắt chương 248: Quyết chiến tại tử địa Shinjuku - Jujutsu Kaisen
Những tưởng Yuuji sẽ dùng Xứ Hình Nhân Kiếm đâm trúng lưng Sukuna nhưng hắn đã né được và ngoảnh nhìn lại phía sau