Nậm pịa hay nặm pịa, là món ăn truyền thống của tộc Thái ở vùng Tây Bắc, Việt Nam[1][2][3]. "Nậm" hay "nặm" trong tiếng Thái có nghĩa là nước, "pịa" là thứ dịch sền sệt trong ruột non của bò gồm dịch tiêu hóa và thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn, cho nên có người gọi là "phân non".
Cách lấy pịa của người Thái tương tự như cách chế biến phèo lợn. Chất dịch này được lấy ra rồi nêm gia vị, cho thêm nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù đem ninh nhừ, trở thành món Nặm pịa.
Nậm pịa có nguồn gốc từ món ngưu tát phiến ở Quý Châu, Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, khi xưa người Thái thịt những loại động vật ăn cỏ như trâu, bò thì họ nấu ăn cả các phần nội tạng bên trong chúng (bao gồm ruột non). Khi luộc ruột non và ăn, người ta ăn cả chất dịch sền sệt này và không thấy độc, thậm chí còn có tác dụng giải rượu. Từ đó, theo quan niệm người dân tộc Thái, chất dịch trong ruột non chính là phần tinh túy, ngon nhất khi thức ăn được chuyển hóa và chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể.
Theo phong tục, người Thái mỗi khi mổ trâu, bò, dê...đều thiên về món nướng và phần thịt khi đặt trên mâm sẽ hơi tái để giữ vị ngọt tự nhiên. Nậm pịa chuyên dùng như thứ đồ chấm thịt nướng sẽ khiến miếng thịt trở nên thơm ngon đặc biệt, nổi bật hương vị của đồ nướng hòa quyện các vị cay, mặn, ngọt, thơm..
Nậm pịa không phải là một món dễ ăn. Nó có vị đắng của lòng và pịa cũng đắng, tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng, nặm pịa cũng có vị cay cay của hạt mắc khén. Nậm pịa có tác dụng giải rượu rất tốt.