Nam Việt–Dương hạp tự vị (chữ Hán: 南越洋合字彙, tiếng Latinh: Dictionarium Anamitico-Latinum) là cuốn từ điển song ngữ Việt–Latinh, trong đó tiếng Việt được viết bằng cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ.[1] Cuốn sách này được giám mục Jean-Louis Taberd (tên tiếng Việt là cố Từ)[2] biên tập dựa trên toàn bộ thủ bản soạn thảo năm 1773 của giám mục Pierre Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc).
Vì Giám mục Taberd là người soạn xong và đem in nên cuốn từ điển này còn được gọi là Từ điển Taberd. Cuốn từ điển này được chia làm 2 pho sách. Pho 1 có tựa là Dictionarium Anamitico-Latinum. Pho 2 có tựa là Dictionarium Latino-Anamiticum.[3]
Lần in đầu tiên năm 1838 được trợ giúp của Hội Á châu (The Asiatic Society) và giới chức Anh tại Bengal. Năm 2004, pho 1 của cuốn từ điển được Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học tái bản.
Từ điển Taberd có ba phần.
Giám mục Taberd hoàn tất công việc soạn thảo cuốn tự điển khi ông đã rời Nam Kỳ, lánh sang Xiêm, Penang và cuối cùng sang đến chủng viện Serampore ở Ấn Độ. Dưới sự bảo trợ của Hội Á châu (Société asiatique du Bengale) và giúp đỡ tài chánh của Bá tước Auckland, tức Toàn quyền Ấn Độ George Eden, việc ấn loát hoàn tất năm 1838.[7]
Bá tước Auckland nhận mua ngay 100 bộ nhưng vì Ấn Độ là thuộc địa của Anh nên ông đòi Giám mục Taberd soạn thêm phần tiếng Anh. Phần này được chép thành phụ lục 135 trang mang tên "Appendix ad Dictionarium Latino-Annamiticum" để đáp ứng yêu cầu của Toàn quyền Anh.[7]
Từ điển Taberd là mốc quan trọng nên sau đó nhiều bộ từ điển chiếu theo Từ điển Taberd làm gốc như:[7]
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Kham thì Từ điển Taberd thiên về các danh từ tiếng miền Trung và miền Nam Việt Nam, thiếu những từ của miền Bắc. Điều này phản ảnh địa bàn hoạt động của Giám mục Taberd, vốn tập trung ở Hà Tiên và Lái Thiêu. Việc dùng tiếng Latinh cũng là chủ tâm của người soạn muốn nhấn mạnh công việc truyền giáo.