Lạc Biên Quận công 樂邊郡公 | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Hoàng tử nhà Nguyễn | |||||||||||||
Thông tin chung | |||||||||||||
Sinh | 8 tháng 7 năm 1826 | ||||||||||||
Mất | 2 tháng 9 năm 1863 (37 tuổi) | ||||||||||||
An táng | Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế | ||||||||||||
Hậu duệ | 4 con trai 3 con gái | ||||||||||||
| |||||||||||||
Thân phụ | Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng | ||||||||||||
Thân mẫu | Quý nhân Lương Thị Nguyện |
Nguyễn Phúc Miên Khoan (chữ Hán: 阮福綿寬; 8 tháng 7 năm 1826 – 2 tháng 9 năm 1863), hiệu là Lật Viên 栗園、Tử Dụ 子裕[1], tước phong Lạc Biên Quận công (樂邊郡公), là một hoàng tử con vua Minh Mạng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Hoàng tử Miên Khoan sinh ngày 4 tháng 6 (âm lịch) năm Bính Tuất (1826), là con trai thứ 33 của vua Minh Mạng, mẹ là Thất giai Quý nhân Lương Thị Nguyện[1]. Hoàng tử là em ruột cùng mẹ với Hương La Công chúa Quang Tĩnh và Tân Hòa Công chúa Đoan Thận. Lúc còn là hoàng tử, ông là người có học hạnh[2].
Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ông được phong làm Lạc Biên Quận công (樂邊郡公)[3]. Cùng năm đó, vua cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân anh em, các hoàng tử công và hoàng tử chưa được phong tước. Quận công Miên Khoan được ban cho một con tê giác bằng vàng nặng 4 lạng 8 đồng cân[4].
Tháng 2 (âm lịch) năm 1849, quận công Miên Khoan theo hầu vua Tự Đức nhân dịp vua thăm nhà Thái học. Ông vâng lệnh vua ứng chế 12 bài Thị học[2]. Những bài thơ ấy được vua khen, cho chép vào tập thơ Tích Ung Canh Ca hội tập. Thơ có lời rằng[2]:
Quận công Miên Khoan vốn giỏi văn, có lưu lại tác phẩm Lạt Viên thi tập[1]. Vua Tự Đức so sánh ông ngang với hai người anh là Tuy Lý vương Miên Trinh và Tùng Thiện vương Miên Thẩm, bảo rằng: "Đỉnh túc tam phân" (cái đỉnh chia làm ba chân)[1].
Lúc sắp mất ông có để thư cho Tuy Lý vương rằng: "Vân hạc tương chiêu thỉnh tiên sinh nhất lai, trì tất bất cập", nghĩa là "Mây bạc sắp mời tôi, thỉnh ngài đến ngay, chậm là không kịp". Dùng từ "vân hạc" là do lúc sinh thời, ông theo tiên thuật, ở giữa sân phủ có xây cái hồ bán nguyệt để dùng vào việc tu hành[1]. Trong phủ có biển đề ba chữ "Dưỡng hối trai" (nhà nuôi sự tối tăm) bày tỏ ý muốn ở ẩn của mình[1].
Ngày 20 tháng 7 (âm lịch) năm Quý Hợi (1863)[1], dưới triều Tự Đức, quận công Miên Khoan qua đời, hưởng dương 38 tuổi, thụy là Đôn Lượng (敦亮)[2]. Mộ của ông được táng tại Nguyệt Biều (thuộc Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), phủ thờ dựng tại ấp Trung Bộ (thuộc Hương Thủy)[1]. Đến năm 1876, hậu duệ của ông mua lại phủ đệ của Mỹ Trạch Công chúa Trinh Nhu cũng ở đất ấy làm phủ thờ cho ông[1].
Quận công Miên Khoan có 4 con trai và 3 con gái[2]. Ông được ban cho bộ chữ Tiêu (髟) để đặt tên cho các con cháu trong phòng[5]. Con trai thứ ba là công tử Hồng Kiêm trước được tập phong, do có mưu phản nghịch trong vụ loạn Chày Vôi nên bị cách tước, sau được khai phục làm Kỳ ngoại hầu (外侯)[2].