Nihon Hidankyō | |
---|---|
![]() | |
Thành lập | 10 tháng 8 năm 1956 |
Tiêu điểm | Xóa bỏ vũ khí hạt nhân |
Trụ sở chính | Shibadaimon, Minato, Tokyo |
Vùng phục vụ | Nhật Bản |
Phương pháp | Vận động hành lang |
Giám đốc điều hành | Kido Sueichi |
Giải thưởng | Giải Nobel Hòa bình năm 2024 |
Trang web | www |
Hội đồng các nhóm nạn nhân bom nguyên tử và bom nhiệt hạch Nhật Bản (日本原水爆被害者団体協議会 (Nhật Bản nguyên thủy bạo bị hại giả đoàn thể hiệp nghị hội) Nihon gensuibaku higaisha dantai kyōgi-kai), thường được rút ngắn thành Nihon Hidankyō (日本被団協 (Nhật Bản bị đoàn hiệp) Nihon Hidankyō), là một tổ chức đại diện cho các nạn nhân (được gọi là hibakusha) của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, được thành lập vào năm 1956.
Nihon Hidankyō vận động chính phủ Nhật Bản tăng cường hỗ trợ các nạn nhân và quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân.[1] Các hoạt động của tổ chức bao gồm ghi lại hàng ngàn lời khai của nhân chứng, công bố các nghị quyết, lời kêu gọi và mỗi năm cử phái đoàn đến các tổ chức quốc tế để vận động giải trừ hạt nhân, bao gồm Liên Hợp Quốc.[2]
Nihon Hidankyō được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2024 "vì nỗ lực thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua lời khai của nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân tuyệt đối không thể được sử dụng nữa".[2][3]
Sau khi cư dân của các đảo san hô lân cận Đảo san hô vòng Bikini và 23 thuyền viên tàu đánh cá Nhật Bản Daigo Fukuryū Maru mắc hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính vì bị nhiễm phóng xạ từ vụ thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch Castle Bravo vào năm 1954, Hội đồng Nhật Bản cấm bom nguyên tử và bom nhiệt hạch được thành lập ở Hiroshima vào năm 1955.[4] Nihon Hidankyō được những nạn nhân vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki thành lập vào ngày 10 tháng 8 năm 1956 tại hội nghị thường niên lần thứ hai của Hội đồng ở Nagasaki.[5]
Phong trào chống hạt nhân Nhật Bản bị chia rẽ nội bộ khi Hội đồng tham gia tích cực vào biểu tình chống Hiệp ước an ninh Nhật Bản - Hoa Kỳ cùng với Đảng Xã hội Nhật Bản vào năm 1959.[6] Một số lượng lớn những người ủng hộ rút khỏi Hội đồng và thành lập một tổ chức mới dưới sự lãnh đạo của Matsushita Masatoshi, lãnh đạo Đảng Xã hội Dân chủ, với sự hỗ trợ của Đảng Dân chủ Tự do.[7] Khi phe cộng sản trong Hội đồng từ chối lên án Liên Xô tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1961, căng thẳng nội bộ phong trào trở nên nghiêm trọng,[8] khiến cho một nhóm chống thử nghiệm vũ khí hạt nhân được Đảng Xã hội Nhật Bản hậu thuẫn tách ra thành một tổ chức mới.[9] Những căng thẳng trong phong trào chống hạt nhân gây chia rẽ nội bộ ở một số Hidankyō cấp tỉnh. Ví dụ: ở Hiroshima có hai Hidankyō do Đảng Xã hội Nhật Bản hậu thuẫn và Hidankyō do Đảng Cộng sản Nhật Bản hậu thuẫn. Năm 1965, Nihon Hidankyō tuyên bố không liên kết với bất kỳ đảng phái chính trị nào.[10]
Các hoạt động của Nihon Hidankyō bao gồm:[11]
Trước khi được trao Giải Nobel Hòa bình, Nihon Hidankyō được Phòng Hòa bình Quốc tế đề cử vào các năm 1985, 1994 và 2015.[24]