Sherman Firefly

Sherman Firefly
Một xe tăng Sherman Firefly đang làm nhiệm vụ tuần tra tại Namur, Bỉ, trong thời gian diễn ra Trận Bulge, 1944
LoạiXe tăng hạng trung
Nơi chế tạoAnh Quốc
Lược sử chế tạo
Năm thiết kế1943
Nhà sản xuất
  • Hoa Kỳ Xưởng Cơ khí Xe tăng Detroit (Xe gốc)
  • Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Nhà máy Vũ khí Hoàng Gia (ROF) (Nâng cấp xe)
Số lượng chế tạo2.100-2.200
Thông số
Khối lượng34.75 tấn Anh (35.3 tấn)
Chiều dài19 ft 4 in (5,89 m); 25 ft 6 in (7,77 m) tổng thể
Chiều rộng8 ft 8 in (2,64 m)
Chiều cao9 ft (2,7 m)
Kíp chiến đấu4 (Trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn viên / điện đài viên, lái xe)

Phương tiện bọc thép89 mm (mặt trước tháp pháo)
Vũ khí
chính
Pháo QF 17-pounder (76,2 mm) , 77 viên đạn
Vũ khí
phụ
Động cơĐộng cơ multibank hoặc động cơ xuyên tâm chạy bằng xăng tùy thuộc vào khung gầm được sử dụng
425 mã lực
Công suất/trọng lượng12 mã lực (9 kW) / tấn
Hệ thống treoLò xo cuộn dây điện áp thẳng đứng
Tầm hoạt động120 dặm (193 km)
Tốc độ20 mph (32 km/h) tiêu chuẩn
25 mph (40 km/h) tối đa[1]

Xe tăng Sherman Firefly là loại xe tăng hạng trung được sử dụng bởi Quân đội Anh Quốc và một số đơn vị thiết giáp Đồng Minh khác trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Firefly được thiết kế dựa trên mẫu M4 Sherman của Hoa Kỳ, nhưng được trang bị pháo chống tăng QF 17-pounder (76,2 mm) mạnh mẽ của Anh. Được thiết kế với vai trò là sự thay thế tạm thời tới khi các mẫu xe tăng mới của Anh được đưa vào sử dụng, Sherman Firefly đã trở thành mẫu xe phổ biến nhất được lắp pháo 17-pounder trong cuộc chiến.

Trong chiến tranh, Quân đội Anh được trang bị và sử dụng rộng rãi mẫu xe tăng Sherman. Mặc dù họ đã dự kiến phát triển các mẫu xe tăng của riêng mình, ý tưởng về việc lắp pháo chống tăng 17-pounder lên xe tăng Sherman, vốn đã bị từ chối trước đó, đã được chấp thuận, dù vẫn vấp phải sự phản đối của chính phủ. Việc này thành ra lại có lợi với người Anh, vì cả hai thiết kế xe tăng của họ, Mk VIII ChallengerMk VIII Cromwell, đều gặp nhiều khó khăn và sự trì hoãn trong thiết kế.

Sau khi việc lắp đặt một khẩu pháo lớn như vậy vào tháp pháo của Sherman được giải quyết thành công, Firefly được đưa vào sản xuất trong đầu năm 1944, để kịp trang bị cho Cụm tập đoàn quân 21 của Thống chế Benard Montgomery cho Cuộc đổ bộ vào Normandie. Firefly nhanh chóng nhận được đánh giá tích cực vì khẩu pháo mạnh mẽ của nó có thể bắn xuyên thủng lớp giáp của xe tăng PantherTiger của Đức tại Normandie, điều mà không một loại xe tăng nào khác của Quân đội Anh có thể làm được vào thời điểm đó. Nhận biết được điều này, nhiều đơn vị thiết giáp và pháo chống tăng của Đức đã được chỉ định bắn hạ các xe Sherman Firefly trước. Do Firefly có nòng pháo dài và nổi bật, các kíp lái đã cố gắng ngụy trang chúng để khi nhìn từ xa, nó sẽ giống như một khẩu 75 mm thông thường được trang bị tiêu chuẩn cho nhiều xe tăng Sherman. Khoảng 2.100 tới 2.200 chiếc Sherman Firefly đã được đưa vào hoạt động tới khi việc sản xuất được ngừng lại vào năm 1945.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Ý tưởng về việc lắp đặt một khẩu pháo 17-pounder lên xe tăng Sherman ban đầu đã bị từ chối bởi Ban Quyết định về Xe tăng (Tank Decision Board) của Bộ Cung ứng. Mặc dù Quân đội Anh đã sử dụng và biên chế rộng rãi xe tăng Sherman của Mỹ, nhưng theo dự định, sẽ có một thế hệ xe tăng mới của Anh thay thế Sherman trong nhiệm vụ chống tăng. Mẫu xe đầu tiên là xe tăng Cromwell, dự kiến sẽ sử dụng pháo 75 mm HV (High Velocity - Tốc độ cao) Vickers; khẩu pháo này có hiệu suất chống tăng vượt trội so với các mẫu pháo 75 mm và 76 mm của Mỹ được lắp đặt trên các dòng Sherman. Mẫu xe thứ hai là A30 Challenger, được phát triển dựa trên Cromwell nhưng được trang bị pháo 17-pounder uy lực hơn.[2] Hai mẫu xe tăng này - và các mẫu kế nhiệm, CometCenturion, vốn đã được nghiên cứu - sẽ thay thế xe tăng Sherman hiện đang biên chế trong Quân đội Anh, và đó là nguyên nhân việc lắp đặt pháo 17-pounder lên Sherman dường như là không khả thi.[3]

M4 Sherman, mẫu xe tăng được sử dụng để lắp pháo 17-pounder, sau được biết đến với tên gọi Sherman Firefly.

Tuy nhiên, lúc đó đã xuất hiện một vài nỗ lực (không chính thức) được thực hiện nhằm cải thiện hỏa lực của Sherman. Nỗ lực đầu tiên được ghi nhận là của Thiếu tá George Brighty, một sĩ quan của Trung đoàn Xe tăng Hoàng Gia, khi ông đang công tác tại Trường Thiết giáp Chiến đấu Lulworth vào đầu nằm 1943. Mặc dù A30 Challenger đang trải qua các cuộc thử nghiệm ban đầu tại Lulworth, Brighty tin rằng Sherman là mẫu xe tốt hơn để lắp đặt pháo 17-pounder. Tuy nhiên, tháp pháo của Sherman quá nhỏ đối với một khẩu pháo có độ giật rất lớn. Trong lúc điều chỉnh, Brighty đã tháo bỏ hoàn toàn hệ thống giảm giật và cố định khẩu pháo trong tháp pháo, điều đó sẽ làm toàn bộ xe tăng được hấp thụ độ giật, nhưng đây là một ý tưởng xa vời và không thể nói trước được xe tăng sẽ chịu được sức giật đó trong bao lâu.[3]

Vào khoảng tháng 6 năm 1943, một đồng nghiệp của Brighty, Trung tá George Witheridge, một sĩ quan của Trung đoàn Xe tăng Hoàng Gia, đã đến Lulworth. Là một cựu binh từng chiến đấu ở Mặt trận Bắc Phi, Witheridge đã trực tiếp trải qua các trận đánh một chiều giữa xe tăng Anh được trang bị pháo 2-pounder và xe tăng và pháo chống tăng uy lực của Rommel. Trong Trận Gazala giữa năm 1942, chiếc xe tăng hạng trung M3 Grant của Witheridge (do Mỹ cung cấp) đã bị bắn nổ và hất tung Witheridge ra khỏi xe. Mặc dù đã bình phục vết thương, ông vẫn bị tuyên bố là không đủ khả năng để quay trở lại chiến đấu. Vào tháng 1 năm 1943, Witheridge được cử đến Fort Knox ở Mỹ để làm cố vấn về trang bị xe tăng, và cũng được trực tiếp thử nghiệm xe tăng Sherman.[4] Trong thời gian ở Lulworth, Witheridge đã kiểm tra chiếc A30 Challenger, và "bắt đầu một điệp khúc phàn nàn" về chiếc xe tăng này. Khi biết được Brighty và những nỗ lực của anh trong việc sử dụng thân xe Sherman, Witheridge đã giúp đỡ Brighty và tư vấn cho Brighty các phương pháp nhằm giải quyết vấn đề về độ giật.[2]

Không lâu sau đó, Witheridge và Brighty nhận được thông báo từ Cục Thiết kế Xe tăng (DTD) rằng mọi nghiên cứu của họ nên được dừng lại. Không muốn từ bỏ dự án, Witheridge, đã sử dụng mối quan hệ của mình với những người có ảnh hưởng như Thiếu tướng Raymond Briggs, cựu Tư lệnh Sư đoàn Thiết giáp số 1 ở Bắc Phi và hiện là Tư lệnh Quân đoàn Thiết giáp Hoàng gia, và đã vận động thành công Claude Gibb, Cục trưởng Cục Sản xuất Vũ khí và Trang bị của Bộ Cung ứng, để biến nó thành một dự án chính thức của Bộ và dự án chính thức được chuyển đến các nhà phát triển xe tăng chuyên nghiệp.[2][5]

Thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]

Người được giao trách nhiệm cải tiến và phát triển mẫu xe tăng sẽ được quân đội Anh sử dụng trong cuộc đổ bộ vào Normandie là W. G. K. Kilbourn, một kỹ sư của Công ty Vickers, hiện đang công tác tại Cục Thiết kế Xe tăng (DTD). Điều đầu tiên Kilbourn phải khắc phục là bổ sung hệ thống giảm độ giật cho khẩu pháo 17-pounder. Pháo 17-pounder sẽ giật lùi lại khoảng 40 in (1,0 m) khi nó hấp thụ độ giật tạo ra bởi phát bắn, vốn quá dài so với tháp pháo của Sherman. Kilbourn đã giải quyết vấn đề này bằng cách thiết kế lại hoàn toàn hệ thống độ giật thay vì sửa đổi nó. Các trụ chống giật được rút ngắn và đặt ở hai bên thân súng để tận dụng chiều rộng của tháp pháo.[6]

Mặt phải của xe tăng Sherman Firefly cùng với hộp kim loại dùng để chứa radio phía sau tháp pháo.

Hệ thống khóa nòng pháo cũng được xoay 90 độ để có thể thực hiện việc nạp đạn ở bên trái thay vì nạp từ trên xuống. Hệ thống radio, thường được lắp đặt ở sau tháp pháo của các xe tăng Anh, đã được dời vào một hộp thép, được lắp ở phía sau tháp pháo, và hộp đó sẽ nối vào tháp pháo thông qua một lỗ lớn.[7]

Vấn đề tiếp theo mà mà Kilbourn gặp phải là bệ pháo, tức một khối kim loại để đặt khẩu pháo lên đó, phải được cắt ngắn để khẩu pháo 17-pounder có thể vừa vặn với tháp pháo và việc này sẽ khiến khẩu pháo trở nên thiếu ổn định. Kilbourn đã thiết kế nòng mới cho pháo 17 pounder với một phần không thon dài hơn ở chân bệ, giúp giải quyết vấn đề ổn định. Miếng giáp trước tháp pháo được thiết kế để phù hợp với khẩu pháo và giá đỡ pháo được sửa đổi. Firefly không có giáp hoặc không có lợi thế về khả năng cơ động so với xe tăng Sherman bình thường ngoài lớp bảo vệ 13 mm được bổ sung thêm vào mặt trước tháp pháo. Những nâng cấp và sửa đổi quy mô đến mức những khẩu pháo 17-pounder được lắp đặt cho Sherman Firefly phải được sản xuất riêng biệt.[3][7]

Ngoài ra, vẫn còn các vấn đề khác Kilbourn phải khắc phục. Đối với những chiếc Sherman tiêu chuẩn, chỉ có duy nhất một cửa sập trên tháp pháo để cho trưởng xe, pháo thủ và nạp đạn viên ra vào xe. Hệ thống giảm giật và khóa nòng của khẩu 17 pounder sẽ khiến nạp đạn viên khó thoát ra khỏi xe hơn trong trường hợp xe bị trúng đạn hoặc bị bắn cháy, nên một cửa sập đã được lắp đặt bổ sung trên nóc tháp pháo, bên trên vị trí của pháo thủ để giải quyết vấn đề này. Thay đổi lớn cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn vị trí của xạ thủ súng máy bên cạnh chỗ của lái xe để có thêm không gian cho việc trữ đạn pháo 17-pounder, vốn dài hơn đạn 75 mm thông thường của Mỹ.[8]

Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 1943, dự án bắt đầu nhận được sự quan tâm của các đơn vị quân đội Anh. Cụm tập đoàn quân 21 được thông báo về loại xe tăng mới này trong tháng 10 năm 1943. Ngay cả trước khi cuộc thử nghiệm cuối cùng được tiến hành vào tháng 2 năm 1944, đã có đơn đặt hàng gồm 2.100 xe tăng Sherman trang bị pháo 17-pounder do chương trình phát triển Xe tăng Challenger đang gặp nhiều trì hoãn, và người Anh nhận ra rằng sẽ có rất ít xe Challenger được sẵn sàng cho Normandie. Tệ hơn, người Anh phát hiện ra Cromwell không có vành tháp pháo đủ rộng để lắp đặt khẩu pháo 75mm HV mới, và thay vào đó, chúng sẽ được lắp đặt pháo QF 75 mm đa dụng tiêu chuẩn. Điều này khiến Sherman Firefly trở thành xe tăng duy nhất của quân đội Anh có hỏa lực vượt trội hơn khẩu pháo QF 75 mm, và nó nhanh chóng được Winston Churchill đặt lên ưu tiên hàng đầu.[2]

Biệt danh

[sửa | sửa mã nguồn]

Biệt danh "Firefly" (Đom đóm) được lính Anh sử dụng để gọi những chiếc Sherman mang pháo 17-pounder dựa theo chớp sáng được tạo ra bởi bộ bù giật lắp trên pháo chính. Biệt danh này đôi khi được sử dụng trong các cuốn nhật trình của các đơn vị cấp lữ đoàn và trung đoàn từ tháng 3 năm 1944, cùng với biệt danh "Mayfly". Trong cuộc chiến, mẫu Sherman trang bị pháo 17-pounder thường được biết đến là "1C", "1C Hybrid", hoặc "VC", tùy theo phiên bản của các xe. Theo danh pháp của Anh, ký tự C ở cuối mỗi số La Mã ấn định xe tăng đó được trang bị pháo 17-pounder.[9]

Pháo Ordnance QF 17-pounder, loại pháo được trang bị cho xe tăng Sherman Firefly.

Pháo chính của Sherman Firefly là Pháo Ordnance QF 17-pounder. Phát triển dựa trên phiên bản QF 6-pounder trước đó, 17-pounder là pháo chống tăng mạnh mẽ nhất của Quân đội Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và là một trong những khẩu pháo chống tăng mạnh nhất so với những khẩu pháo của các quốc gia khác, có khả năng xuyên mạnh hơn pháo 8.8 cm KwK 36 được lắp đặt trên xe tăng Tiger I của Đức Quốc Xã. Theo lý thuyết, pháo 17-pounder của Firefly có để xuyên được lớp giáp dày 163 mm (6,4 in) ở khoảng cách 500 m và 150 mm (5,9 in) ở khoảng cách 1.000 m với loại đạn pháo APCBC (Armor-piercing, capped, ballistic capped shell - Đạn xuyên giáp đầu cứng chóp gió). Đạn APDS (Armour piercing, discarding sabot - đạn xuyên giáp có guốc giảm cỡ nòng) có thể xuyên được lớp giáp dày khoảng 256 mm ở khoảng cách 500 m và 233 mm ở khoảng cách 1.000 m, trên lý thuyết, có thể bắn xuyên được giáp của gần như tất cả các loại xe thiết giáp Đức ở mọi khoảng cách.[10] Tuy nhiên, đạn APDS sản xuất trong thời chiến có độ chính xác kém, và đầu xuyên 50 mm có sát thương thấp hơn sau khi xuyên thủng lớp giáp xe tăng địch so với đạn APCBC. Việc cung cấp APDS khá hạn chế tới khi chiến tranh kết thúc. Trong khi Sherman Firefly có khả năng mang theo 77 viên đạn, việc thiết kế và nâng cấp cho thấy chỉ có 23 viên đạn là có thể sẵn sàng và dễ đưa vào chiến đấu hơn khi xe tăng tiến công trên mặt trận.[11]

Mặc dù pháo 17-pounder có khả năng chống tăng vượt trội, đạn HE (High Explosive - Đạn nổ mạnh) của chúng có hiệu quả kém và yếu thế hơn so với đạn HE của pháo 75 mm tiêu chuẩn của Sherman khi chống lại các mục tiêu như lính bộ binh, các tòa nhà hoặc thiết giáp hạng nhẹ. Một loại đạn HE tốt hơn cho khẩu pháo 17-pounder chỉ được cung cấp vào cuối năm 1944, và mặc dù vậy, chúng vẫn không hiệu quả bằng đạn HE tiêu chuẩn của pháo 75 mm.[2]

Một tổ pháo 17-pdr của Anh đang bắn phá vị trí của quân Đức tại Medenine, Tunisia, 11 tháng 3 năm 1943. Khói bụi bốc lên mù mịt do sức giật và luồng phụt mạnh của khẩu pháo.

Một vấn đề nữa là luồng phụt lớn của pháo 17-pounder mỗi khi khai hỏa sẽ tạo ra chấn động rất lớn tới môi trường xung quanh, khói thuốc súng và đất bốc lên mù mịt có thể khiến pháo thủ khó định vị được điểm rơi của viên đạn (và đôi khi phải phụ thuộc vào sự quan sát của trưởng xe để lấy đường bắn chuẩn) và dễ làm lộ vị trí của xe (buộc Firefly phải thay đổi vị trí sau vài phát bắn). Ngoài ra, sức giật và tiếng nổ lớn của khẩu pháo có thể khiến kíp lái Firefly bị chói tai nghiêm trọng và thường xuyên gây bệnh quáng gà. Tháp pháo chật chội của Sherman đồng nghĩa với việc nạp quả đạn pháo lớn rất khó khăn, vì vậy Firefly thường có tốc độ bắn chậm hơn một chiếc M4 Sherman tiêu chuẩn. Do Firefly chỉ là một sự thay thế tạm thời, các vấn đề trên không bao giờ được khắc phục, và người Anh hi vọng chúng sẽ nhanh chóng được thay thế bởi các mẫu xe tăng mới trong tương lai là Comet và Centurion.[7]

Cận cảnh tháp pháo và vị trí trưởng xe (dùng ống nhòm) của một xe tăng Sherman Firefly tại Argentan, Pháp, 21 tháng 8 năm 1944. Phần lớn các khẩu súng máy M2 Browning được lắp đặt phía sau vị trí trưởng xe đều bị các kíp lái Anh tháo bỏ vì bất tiện.

Vũ khí phụ của Firefly là súng máy Browning M1919 đồng trục với tháp pháo, vị trí xạ thủ súng máy phụ cạnh lái xe đã bị dỡ bỏ để lấy chỗ chứa đạn cho pháo chính. Một khẩu súng máy hạng nặng M2 Browning cũng được lắp đặt trên nóc tháp pháo, mặc dù phần lớn đều bị các kíp lái tháo bỏ do vị trí lắp đặt không thuận lợi và quá gần vị trí trưởng xe, tầm bao quát 360 độ của súng sẽ bị hạn chế nếu trưởng xe mở cửa nóc tháp pháo.

Vào năm 1945, nhiều xe Firefly của Anh được lắp đặt một hệ thống thanh ray ở hai bên tháp pháo để trang bị hai tên lửa RP-3 3-inch. Được gọi là "Sherman Tulips", những chiếc xe kiểu này được sử dụng trong Cuộc vượt sông Rhine bởi Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cận vệ Coldstream. Tên lửa RP-3, được đánh giá là có độ chính xác cao khi được phóng từ máy bay, lại tỏ ra thiếu chính xác khi bắn từ các vị trí cố định như xe tăng do luồng phụt khí yếu hơn.[12]

Sản xuất

[sửa | sửa mã nguồn]

Ba biến thể khác nhau của Sherman Firefly đã được sản xuất và tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, mỗi biến thể dựa trên một biến thể khác nhau của M4 Sherman, bao gồm: Sherman I (M4), Sherman I Hybrid (M4 Composite) và Sherman V (M4A4). Một số lượng nhỏ những chiếc Sherman II (M4A1) của Canada, Sherman Grizzly, được nâng cấp thành Firefly và được sử dụng để huấn luyện, nhưng không có chiếc nào tham chiến ở các mặt trận trong cuộc chiến. Phần lớn những chiếc Firefly được hoán cải từ Sherman V (M4A4) trong số khoảng 7.200 chiếc được viện trợ cho Quân đội Anh.[13]

Xe tăng Cromwell (trái) và Sherman Firefly (phải)

Việc sản xuất Firefly được bắt đầu từ tháng 1 năm 1944, và đến 31 tháng 5, có khoảng 342 xe tăng Sherman Firefly đã được cung cấp cho Tập đoàn quân 21 để chuẩn bị cho Chiến dịch Overlord.[7] Kết quả là mỗi trung đội xe tăng Anh sẽ bao gồm ba xe tăng Sherman tiêu chuẩn và một xe tăng Sherman Firefly. Điều này được áp dụng tương tự với các trung đội xe tăng Cromwell, nhưng điều này gây ra nhiều vấn đề về hậu cầu, vì giờ đây người Anh sẽ phải cung cấp phụ tùng cho hai loại xe tăng khác nhau cho mỗi trung đội Cromwell. Các trung đội xe tăng Churchill không nhận xe tăng Firefly, nên họ phải phụ thuộc vào các đơn vị pháo tự hành chống tăng M10 Wolverine hoặc M10 Achilles để tăng cường hỏa lực chống lại các loại xe tăng mà xe tăng Churchill không thể tiêu diệt được.[2]

Việc sản xuất nhanh chóng bị hạn chế do sự sẵn có của các loại xe tăng phù hợp không còn nhiều, và do Sherman mang pháo 75 mm đã được ngừng sản suất. Để khắc phục vấn đề, các mẫu xe tăng Sherman I và Sherman I Hybrids đã được đưa vào nâng cấp.[3] Từ Ngày D (6 tháng 6) tới khi Trận Normandie kết thúc vào cuối tháng 8, gần 400 xe tăng Sherman Firefly đã được sản xuất từ việc nâng cấp xe Sherman I và Sherman I Hybrids, quá đủ để có thể thay thế bất kỳ tổn thất về xe tăng nào trong cuộc chiến.[14] Vào cuối năm 1944, với việc chế tạo thành công một loại đạn HE cho pháo 17-pounder, các đơn vị xe tăng Anh được nâng lên hai xe Firefly mỗi đại đội. Đến tháng 2 năm 1945, có khoảng 2.000 xe tăng Sherman Firefly đã đựoc chế tạo và cung cấp cho các đơn vị thiết giáp Anh và Khối Thịnh vượng chung, và các đơn vị thiết giáp của Ba Lan được trang bị xe tăng Sherman 75 mm và Sherman Firefly một cách hỗn hợp.[2]

Mùa xuân năm 1945, quy mô sản xuất Firefly được giảm xuống, và chiếc xe tăng cuối cùng được chuyển vào mặt trận trong tháng 5 năm 1945. Nguyên nhân là những mẫu xe tăng Anh mới như Comet và Centurion, sở hữu nhiều thiết kế ưu việt, sắp được đưa vào trang bị để thay thế Firefly; thất bại cận kề của Đức Quốc Xã và những thiết kế yếu kém của xe tăng Nhật Bản, có thể sẽ là đối thủ tiếp theo mà người Anh sẽ phải đối mặt sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng.[7]

Ước tính đã có khoảng 2.100-2.200 xe tăng Sherman Firefly đã được sản xuất, con số chính xác hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi và các tài liệu tổng hợp đưa ra các số liệu trái ngược nhau.[7] Cuốn Jane's World War II Tanks and Fighting Vehicles của Lee Ness viết rằng có 1.783 xe Firefly được đưa vào hoạt động trong năm 1944 và 563 xe vào năm 1945, tổng cộng là 2.346 xe.[15] Cuốn The Sherman Firefly của Mark Hayward đưa ra con số 2.002 xe tăng Sherman Firefly đã được sản xuất giữa tháng 1 năm 1944 và tháng 2 năm 1945,[16] và tổng cộng là 2.139 xe tính đến thời điểm chiến tranh kết thúc.[17]

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]
Một xe tăng Sherman FIrefly thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 7 đang đổ bộ vào Bãi Gold, 7 tháng 6 năm 1944

Firefly lần đầu tiên được đưa vào biên chế của các lữ đoàn và sư đoàn của Cụm tập đoàn quân 21 trong năm 1944, ngay trước khi bắt đầu Chiến dịch Overlord. Vào thời điểm đó, tình báo Đồng Minh bắt đầu nhận được những thông tin rằng quân đội Đức hiện đã triển khai một số lượng lớn xe tăng mạnh mẽ hơn (như Panther) so với dự đoán ban đầu. Tuy nhiên, thông tin này đã không kịp đưa lên các cấp chỉ huy Đồng Minh một cách nhanh chóng, vốn vẫn đang lầm tưởng rằng Panther, giống như Tiger, sẽ là một loại xe tăng hạng nặng hiếm hoi, được sản xuất với số lượng hạn chế, sẽ không tham chiến nhiều trên các mặt trận. Vì vậy, số lượng xe tăng Panther được triển khai ở Normandie nhiều hơn dự kiến đã gây ra bất ngờ đối với các chỉ huy và đội xe tăng Đồng Minh, và họ buộc phải giao chiến bằng những khẩu pháo không thể xuyên thủng giáp của chúng trừ khi được bắn ở cự ly gần.[2]

Ken Tout, một trưởng xe phục vụ tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Kỵ binh Northamptonshire, tại Normandie năm 1944, đã kể lại về hiệu ứng gây ra bởi khẩu pháo 17-pounder lắp trên Sherman:

Firefly là một chiếc Sherman bình thường, nhưng để mang được khẩu pháo 17-pounder và chứa được số lượng đạn lớn đó, vị trí người lái phụ đã bị dỡ bỏ và được sử dụng làm chỗ chứa đạn. ... Chớp pháo sáng đến mức pháo thủ và trưởng xe buộc phải chớp mắt ngay sau khi khai hỏa. Nếu không, họ sẽ bị mù tạm thời khá lâu và không thể quan sát được phát bắn đó có trúng mục tiêu hay không. Bộ bù giật phụt ra nhiều luồng lửa tới mức, sau một hoặc hai lần bắn, hàng rào hoặc bụi cây phía trước xe có khi sắp cháy. Khi di chuyển, súng phải chĩa về phía trước hoặc, nếu quay sang hai bên, do pháo dài nên cả lái xe, pháo thủ và trưởng xe phải liên tục để ý tới các vị trí xung quanh để tránh khẩu pháo bị quệt vào những cái cây, cột đèn hoặc ngôi nhà nào đó.[18]

Số lượng xe tăng Panther và Tiger chỉ chiếm khoảng 126 chiếc trong tổng số 2.300 xe tăng Đức được triển khai ở Normandie; số còn lại là Panzer IV, Sturmgeschütz III và các loại xe tăng khác mà pháo 75 mm của Sherman có thể bắn xuyên được. Tầm quan trọng của thành phố Caen, cùng với các chiến dịch của Thống chế Montgomery, đã cầm chân các đơn vị thiết giáp Đức ở trước phòng tuyến quân đội Anh để các đơn vị của Mỹ có thể tiến công về phía tây, đồng nghĩa với việc các đơn vị Anh và Khối Thịnh vượng chung đang phải đối mặt với hơn 70% lực lượng thiết giáp Đức được triển khai tại Normandie, cũng như hơn một nửa số đơn vị thiết giáp của Waffen-SS. Do đó, Sherman Firefly có lẽ là chiếc xe tăng được các chỉ huy của Khối Thịnh vượng chung Anh và các nước khác đánh giá cao nhất, vì nó là chiếc xe tăng duy nhất trong Quân đội Anh có thể xuyên thủng lớp giáp trước của Panther và Tiger một cách đáng hiệu quả ở phạm vi chiến đấu tiêu chuẩn ở Normandie.[2] Sự có mặt của Firefly sớm được người Đức để ý. Họ nhận ra rằng những chiếc Sherman nòng dài này có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với các xe tăng hạng nặng của họ so với Sherman thông thường, và các kíp lái xe và đơn vị pháo chống tăng được chỉ thỉ tiêu diệt Firefly trước nếu phát hiện ra chúng. Tương tự, các kíp lái Firefly cũng ý thức được độ dài của khẩu pháo 17-pounder dễ khiến họ nổi bật hơn so với các loại xe Sherman tiêu chuẩn. Vì vậy, họ đã cố gắng ngụy trang xe tăng của mình để làm giảm khả năng bị phát hiện và trở thành mục tiêu của xe tăng hoặc pháo chống tăng Đức.[19] Một số kíp lái đã sơn một nửa phía trước của khẩu pháo màu trắng ở phía dưới, hoặc màu trắng với xanh lá cây đậm ở phía trên, nhằm đánh lừa thị giác của các hoa tiêu Đức rằng đây là pháo 75 mm ngắn hơn.[7]

Xe tăng Sherman 75 mm và Sherman Firefly cùng bộ binh Anh trước Chiến dịch Goodwood, 18 tháng 7 năm 1944.

Hoặc dù được coi là mục tiêu ưu tiên cần phải tiêu diệt, theo thống kê, Firefly có khả năng bị bắn hạ thấp hơn so với các mẫu xe Sherman tiêu chuẩn khác, có thể là do cách chúng được vận hành hiệu quả hơn việc sơn ngụy trang vào khẩu pháo. Một chiến thuật phổ biến được sử dụng bởi các chỉ huy xe tăng Anh là trinh sát khu vực chiến trường trước khi trận chiến diễn ra nhằm tìm các vị trí quan sát và bắn tốt nhất. Trong trận chiến, các xe Firefly sẽ đóng tại các vị trí đó và bắn yểm trợ cho các xe Sherman thông thường làm nhiệm vụ xung kích, bắn hạ bất kỳ xe tăng nào của đối phương làm lộ vị trí của mình sau khi khai hỏa vào đoàn Sherman đang xung kích, và chỉ tiến lên khi những chiếc Sherman đã kiểm soát được khu vực hoặc khi Firefly không thể bao quát được khu vực để yểm trợ nữa. Tương tự, khi đang di chuyển, những người chỉ huy có xu hướng bố trí Firefly ở phía sau để giảm khả năng bị bắn hạ. Với tính chất tương đối khó đoán của trận chiến, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được và không ít lần, Firefly buộc phải giao chiến với xe tăng kẻ thù ở khu vực trống, thoáng và không có chỗ nấp hoàn hảo.[2]

Mặc dù vậy, hỏa lực mạnh mẽ của Firefly vẫn được đánh giá cao, và trong nhiều trận đánh, Firefly đã chứng tỏ giá trị của mình bằng việc bắn hạ nhiều xe tăng TigerPanther ở khoảng cách xa, cũng như các loại xe khác như Panzer IV và pháo tự hành xung kích Sturmgeschütz.

Norrey-en-Bessin

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 9 tháng 6 năm 1944, các đơn vị xe tăng của Sư đoàn Panzer SS 12 tổ chức tấn công vào Norrey-en-Bessin, đang được trấn giữ bởi các đơn vị thuộc Sư đoàn Bộ binh số 3 Canada và Lữ đoàn Thiết giáp số 2 Canada. Lúc 12:30, 12 chiếc Panther thuộc Đại đội 3, Trung đoàn Panzer SS 12, Sư đoàn Panzer SS 12, theo lệnh của Đại tá SS Kurt Meyer, tấn công vào Norrey-en-Bessin nhằm đẩy lùi quân Canada ra khỏi khu vực. Lúc 13:00, xe tăng Panther tiến công về thị trấn với tốc độ tối đa, và chỉ dừng lại nếu họ muốn khai hỏa vào các mục tiêu họ thấy. Chúng nhanh chóng vượt qua các đơn vị bộ binh Đức, đang bị hỏa lực pháo binh Đồng Minh bắn áp chế khiến họ không thể tiến lên để phối hợp với xe tăng. Trong vòng 1.000 m của ngôi làng, chín chiếc Sherman của Canada, trong đó có một chiếc Firefly của Trung úy G. K. Henry, thuộc Trung đoàn Hussars số 1, đã phục kích vào những chiếc Panther đang tiến công vào thị trấn. Theo A. Chapman, pháo thủ của G. K. Henry, Henry đã cho đợi những chiếc Panther "xếp thành hàng như những con vịt đi theo hàng lối" và ra lệnh khai hỏa, và một mình chiếc Firefly của họ bắn hạ năm chiếc Panther chỉ với sáu viên đạn. Cuộc tấn công bị đẩy lùi với tổn thất của quân Đức là bảy xe tăng Panther bị bắn hạ.[20]

Lingèvres

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Perch, ngày 14 tháng 6, chiếc Firefly của Trung sĩ Wilfred "Spit" Harris thuộc Trung đoàn Cận Vệ Kỵ binh Hoàng Gia 4 và 7, với sự hỗ trợ của ba xe tăng Sherman tiêu chuẩn khác, đã thiết lập một tuyến phòng thủ với các đơn vị bộ binh thuộc Trung đoàn Bộ binh Hạng nhẹ Durham, sau khi chiếm được thị trấn Lingèvres, gần Tilly-sur-Seulles. Khoảng mười phút sau khi Harris đưa chiếc Firefly vào vị trí phòng thủ ở phía đông Lingèvres để kiểm soát con đường D13 nối giữa Lingèvres và Tilly-sur-Seulles. Harris sau đó phát hiện ra hai chiếc Panther, thuộc Sư đoàn Panzer Lehr 130, đang tiến về Lingèvres. Khi chiếc Panther đầu tiên đi vào tầm ngắm, cách chiếc Firefly khoảng 800 m, pháo thủ Ian Mackillop khai hỏa và bắn hạ chiếc Panther bằng viên đạn đầu tiên và chiếc thứ hai cũng bị hạ bởi viên đạn thứ hai. Khoảng 16:15, Harris nhận được tin có một nhóm Panther được phát hiện ở phía tây thị trấn, và ông cho lùi xe về phía một trang trại nhỏ và di chuyển vào vị trí mớ. Tại đó, Harris phát hiện ra thêm ba chiếc Panther đang di chuyển trên đường D13 từ Balleroy để tiến vào Lingèvres. Do vị trí nấp quá hoàn hảo giữa các rặng cây và tòa nhà, lính Đức không phát hiện ra chiếc Firefly của Harris. Khi chiếc Panther đầu tiên tiến vào ngoại ô Lingèvres, nó nhanh chóng bị bắn hạ bởi chiếc Firefly của Harris. Chiếc Panther thứ hai cố vượt qua chiếc Panther đầu tiên nhưng cũng bị Harris bắn trúng. Chiếc Panther thứ hai hỏng nặng tới mức kíp lái đã phải bỏ xe khi họ tiến được vào trung tâm Lingèvres. Chiếc Panther thứ ba, sau khi vượt qua xác chiếc Panther đầu tiên, ngay lập tức bị xe tăng của Harris bắn hạ. Quân Đức nhanh chóng rút lui khỏi Lingèvres. Trong tổng số mười xe tăng Đức (chín Panther và một Tiger) bị bắn hạ tại Lingèvres, năm chiếc bị bắn hạ bởi chiếc Firefly của Wilf Harris chỉ với năm viên đạn duy nhất.[7][21][22]

Saint-Aignan-de-Cramesnil

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc đấu tăng giữa lực lượng Anh-Canada và Đức tại Saint-Aignan-de-Cramesnil trong Chiến dịch Totalize ngày 8 tháng 8 năm 1944 là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất gắn liền với tên tuổi của Sherman Firefly, khi có năm xe tăng Tiger I bị bắn hạ, trong đó có chiếc Tiger của Michael Wittmann, một trong những chỉ huy xe tăng tài ba nhất của Đức trong cuộc chiến. Lực lượng Anh-Canada bao gồm những chiếc Sherman Firefly của Đại đội A, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Kỵ binh Northamptonshire, Lữ đoàn Thiết giáp 33, cùng với Đại đội A, Trung đoàn Thiết giáp 27, Lữ đoàn Thiết giáp số 2 Canada và Đại đội B, Trung đoàn Thiết giáp Hoàng Gia 144, Lữ đoàn Thiết giáp 33. Họ đã phục kích một nhóm xe tăng gồm bảy chiếc Tiger I thuộc Đại đội 3, và Đại đội HQ, Tiểu đoàn Tăng Hạng nặng SS 101, có sự hỗ trợ của các xe tăng Panzer IV và pháo tự hành xung kích Sturmgeschütz IV.[2][3][7][23][24] Các xe tăng của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Kỵ binh Northamptonshire, sau khi đến làng Saint-Aignan-de-Cramesnil trong sáng ngày 8 tháng 8 năm 1944, đã chia nhỏ ra để bảo vệ ngôi làng. Đại đội B đóng ở trong làng, Đại đội A và C tiến về phía nam rồi đóng trong một khu rừng tên là Delle de la Roque.[24][25][26]

Đại đội C đóng ở mạn phía đông của khu rừng và Đại đội A đóng ở phía bắc, với Trung đội 3 của Đại đội A canh giữ rìa phía tây của khu rừng. Từ khu vực này, họ có thể bao quát được toàn bộ khu vực trống rộng lớn và dễ dàng quan sát được các xe tăng Đức đang tiến về ngôi làng từ Cintheaux trên Đường Nationale 158.[7][25][26] Những chiếc xe tăng Anh kiên nhẫn đợi xe tăng Đức đi vào tầm bắn của họ.[27] Khi những chiếc Tiger đi vào tầm bắn, những gì xảy ra sau đó là một trận chiến kéo dài 12 phút, và Joe Ekins, pháo thủ một chiếc Sherman Firefly tên là Velikye Luki, dưới sự chỉ huy của Trung sĩ Douglas Gordon, đã bắn hạ ba chiếc Tiger I mà Đại đội 3 có thể phát hiện ra được.[25][26] Một trong số đó có chiếc Tiger I mang số hiệu 007 của Đại úy Michael Wittmann. Chiếc Tiger của Wittmann trúng đạn vào khu vực hầm đạn khiến chiếc xe cháy rực và phát nổ, thổi tung tháp pháo ra khỏi xe. Một lúc sau, nhóm xe tăng Đức tấn công vào vị trí của Đại đội C, Đại đội A rời vị trí và tiến vào hỗ trợ, và Ekins một lần nữa bắn hạ một chiếc Panzer IV trước khi xe của anh bị trúng đạn và toàn bộ kíp lái phải bỏ xe.[7]

Mặc dù được ưu tiên cho các đơn vị Anh ở Normandie, Firefly cũng được cung cấp cho các đơn vị Anh, Khối Thịnh vượng chung và Ba Lan ở Mặt trận Italy.

Hậu chiến

[sửa | sửa mã nguồn]
Hai xe tăng Firefly của Quân đội Argentina trong thời gian diễn ra Cuộc bạo động "Azules y Colorados" năm 1962

Năm 1947, Quân đội Argentina đã mua lại số vũ khí dư thừa được lưu trữ ở Bỉ, bao gồm khoảng 200 xe tăng Sherman Firefly; và được đưa vào biên chế quân đội Argentine từ năm 1948. Bắt đầu từ năm 1959, 150 xe tăng Firefly Mk.V có động cơ Chrysler A-57 được thay thế bởi động cơ Ford GAA V8 đáng tin cậy hơn; tiếp tục phục vụ cho đến giữa những năm 1970.[28] Do xung đột trong khu vực ngày càng gia tăng, Firefly được nâng cấp theo tiêu chuẩn "Sherman Repotenciado", bao gồm pháo chính mới (lấy từ pháo của CN-105-57) và động cơ mới Poyaud 520/V8-S2. Các đơn vị đầu tiên sử dụng bản nâng cấp này được thành lập vào tháng 1 năm 1978.[29]

Năm 1971, Quân đội Argentina đồng ý chuyển giao cho Quân đội Paraguay ba xe tăng Firefly được nâng cấp pháo và động cơ mới, ba xe "Sherman Repotenciados" này được trao đổi vào năm 1988 và hiện đã nghỉ hưu.[30]

Các quốc gia vận hành

[sửa | sửa mã nguồn]

Thế chiến II

[sửa | sửa mã nguồn]
Xe tăng Firefly của Trung đoàn Pretoria, Sư đoàn Thiết giáp số 6 Nam Phi, Italy 1944
 Anh Quốc

Tây-Bắc Châu Âu

  • Lữ đoàn Thiết giáp số 4
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 8
  • Lữ đoàn Thiết giáp 27
  • Lữ đoàn Thiết giáp 33
  • Sư đoàn Thiết giáp Cận Vệ
  • Sư đoàn Thiết giáp số 7
  • Sư đoàn Thiết giáp 11

Italy

  • Sư đoàn Thiết giáp số 1
  • Sư đoàn Thiết giáp số 6
Canada Canada
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 1 (được biên chế hai xe Firefly mỗi trung đội khi tiến quân vào Hà Lan từ Italy năm 1945).
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 2
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 4
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 5 (được trang bị Firefly khi chiến đấu ở đông-bắc Châu Âu năm 1945).
 New Zealand
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 4 New Zealand
 Ba Lan
  • Sư đoàn Thiết giáp số 1 Ba Lan
  • Lữ đoàn Thiết giáp số 2 Ba Lan
 Nam Phi
  • Sư đoàn Thiết giáp số 6 Nam Phi

Hậu chiến

[sửa | sửa mã nguồn]
 Argentina
  • Quân đội Argentina đặt mua hơn 200 xe tăng Sherman Firefly vào năm 1947, trong biên chế tới giữa những năm 1970.
 Bỉ
 Italy
 Lebanon
  • Quân đội Lebanon đặt mua 16 xe tăng Firefly từ Italy vào năm 1949. Hai trong số đó được chuyển giao cho Phiến quân Al-Mourabition trong năm 1976.
 Hà Lan
 Paraguay
  • Quân đội Paraguay mua ba xe Sherman Repotenciado (phiên bản nâng cấp của Sherman Firefly) từ Argentina trong năm 1971.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Hunnicutt, R (1978). Sherman: A History of the American Medium Tank. San Rafeal: Taurus Enterprises. tr. 550. ISBN 978-0-89141-080-5.
  2. ^ a b c d e f g h i j k J. Buckley (2004)
  3. ^ a b c d e Fletcher (2008)
  4. ^ Fletcher (2008), p. 10
  5. ^ Fletcher (2008), pp. 11–12
  6. ^ Fletcher (2008), p. 13
  7. ^ a b c d e f g h i j k Hart (2007),
  8. ^ Fletcher (2008), p. 14
  9. ^ Zaloga, Steven. Armored Thunderbolt – The U.S. Army Sherman in World War II. Stackpole Books, 2008. p. 133.
  10. ^ Bird, Lorrin Rexford; Livingston, Robert D. (2001). WWII Ballistics: Armor and Gunnery. Overmatch Press. tr. 60.
  11. ^ Fletcher (2008), tr. 19.
  12. ^ Fletcher (2008), p. 6
  13. ^ Skaarup, Harold (2011). "Ironsides": Canadian Armoured Fighting Vehicle Museums and Monuments. iUniverse.com. tr. 78. ISBN 978-1462034642.
  14. ^ Hayward (2001), p. 20
  15. ^ Ness (2002), p. 22
  16. ^ Hayward (2001), p. 22
  17. ^ Hayward (2001), p. 21
  18. ^ Tout (1989), p. 130
  19. ^ Fletcher (2008).
  20. ^ Milner (2014), 5
  21. ^ “Operation Perch”. Tour the Battlefields of Normandy. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2022.
  22. ^ “Lingèvres (Calvados) - The cities of Normandy during the 1944 battles”. D-Day Overlord. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2022.
  23. ^ Reid (2005), p. 414
  24. ^ a b Tout (1998)
  25. ^ a b c Reid (2005)
  26. ^ a b c Tout (2007)
  27. ^ Hart (2007), pp. 52-69
  28. ^ Cicalesi & Bianucci (2018), pp. 4-8, 16-17
  29. ^ Cicalesi & Bianucci (2018), pp. 16-17, 29-30
  30. ^ Cicalesi & Bianucci (2018), pp. 38

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan