Thiết chế là toàn bộ các quy định chi phối một tổ chức, một đoàn thể; chỉ toàn bộ hệ thống tổ chức và hệ thống giám sát mọi hoạt động xã hội, nhờ đó mà các quan hệ xã hội kết hợp lại với nhau, đảm bảo cho các cộng đồng hoạt động nhịp nhàng.
Về mặt tổ chức, thiết chế được hiểu là “hệ thống tổ chức bộ máy” được thiết lập trên cơ sở thể chế quy định của Hiến pháp, pháp luật để thực hiện một hoạt động nào đó của xã hội; là hệ thống các cơ quan quyền lực, các đại diện cho cộng đồng, đảm bảo những hoạt động đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cộng đồng và cá nhân. Ngoài việc giám sát của các hệ thống tổ chức, còn có hệ thống giám sát không theo hình thức có tổ chức, đó là phong tục, tập quán, dư luận, luôn luôn đánh giá và điều chỉnh hành vi của các thành viên trong cộng đồng.[1][2]
Các thiết chế xã hội có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và của các thành viên; điều chỉnh hành động của các bộ phận trong cộng đồng, các thành viên; kết hợp hài hoà các bộ phận, đảm bảo sự ổn định của cộng đồng.