Trần Dương (chữ Hán: 陈旸, 1064 – 1128), tự Tấn Chi, người huyện Mân Thanh, địa cấp thị Phúc Châu, Phúc Kiến, quan viên, nhà lý luận âm nhạc cuối đời Bắc Tống.
Anh trai của Dương là Trần Tường Đạo, trước tác Lễ thư, 150 quyển.
Năm Thiệu Thánh đầu tiên (1094), Dương trúng chế khoa Hiền lương phương chánh [1], được thụ chức Thuận Xương quân [2] Tiết độ sứ Thôi quan [3]. Năm Kiến Trung Tĩnh Quốc đầu tiên (1101), Dương dâng Nhạ hành tập (ngày nay không còn), chủ trương khuyến khích nghiên cứu học thuật và cổ vũ trước thuật [4], được tiến làm Thái học bác sĩ, đổi làm Bí thư tỉnh chánh tự [5].
Dương tinh thông nhạc luật, trong năm này ông dâng lên Nhạc thư. Đây là trước tác chuyên đề về âm nhạc được biết đến sớm nhất của Trung Quốc, có nhiều sử liệu được đánh giá rất cao [6]. Lễ Bộ thị lang Triệu Đĩnh Chi ca ngợi sách này "quán (liền lạc) xuyên (thông suốt) minh (sáng tỏ) bị (đầy đủ)", Dương xin dựa theo tiền lệ của anh trai Trần Tường Đạo mà được cấp giấy, bút [7]. Dương được thăng làm Thái thường thừa [8], rồi được tiến làm Giá bộ viên ngoại lang [9], Giảng nghị tư Tham tường lễ nhạc quan.
Ngụy Hán Tân bàn về âm nhạc [10], dùng lý luận Nhị biến tứ thanh của Kinh Phòng [11]; Dương nói: "Ngũ thanh Thập nhị luật là chánh thống của nhạc. Nhị biến tứ thanh là sâu mọt của nhạc. Nhị biến lấy Biến Cung làm Quân, tứ thanh lấy Hoàng Chung Thanh làm Quân. Việc đến lúc làm, thì có thể Biến (thay đổi), nhưng Quân thì không thể Biến. Thái Thốc, Đại Lữ, Giáp Chung còn có thể Phân (chia lìa), nhưng Hoàng Chung thì không thể Phân. Há chẳng phải người xưa có ý nói bề trên không thể có 2 [12] hay sao?" [13] Phần lớn dư luận ủng hộ Ngụy Hán Tân, nên đề nghị của Dương bị bãi truất. Nhưng hoàng đế ban thưởng cho lòng trung thành của Dương bằng việc thăng ông làm Hồng lư [14] Thái thường thiếu khanh, rồi lại thăng làm Lễ bộ thị lang.
Đầu niên hiệu Chánh Hòa (1111 – 1117), Dương dâng thư nói về muối – sắt, nghị luận không hợp nên rời chức, nhận hư hàm Hiển Mô các đãi chế, Đề cử Lễ Tuyền quan [15].
Năm thứ 3 (1113), Dương hồi hương. Năm Kiến Viêm thứ 2 (1128), Dương bệnh mất [16].
Năm Kiến Trung Tĩnh Quốc đầu tiên (1101), Dương hoàn thành Nhạc thư, có 200 quyển [17]: quyển 1 ÷ 95, dẫn lời của Tam lễ (Nghi lễ, Chu lễ, Lễ ký), Thi, Thư, Xuân Thu, Chu Dịch, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử, thêm chú thích; quyển 96 trở đi thì luận thuật về Ngũ thanh Thập nhị luật và nhạc chương, nhạc vũ, tạp nhạc, bách hý [18] và âm nhạc dân gian các đời, lại ký thuật về các loại nhạc khí, phụ lục còn có nhạc đồ. Xem toàn văn tại đây.
Ngoài Nhạ hành tập, Dương còn trước tác Lễ ký giảng nghĩa 10 quyển, Mạnh tử giải nghĩa 14 quyển, Bắc giao tự điển 10 quyển, ngày nay đều không còn.
Thời Càn Long nhà Thanh, Lễ thư của Trần Tường Đạo và Nhạc thư của Trần Dương được đưa vào Tứ khố toàn thư.
Hai anh em Dương đều nhờ lễ nhạc mà nổi danh, là những danh nhân văn hóa hiếm hoi của huyện Mân Thanh. Hiện nay huyện có Hội nghiên cứu văn hóa Trần Tường Đạo, Trần Dương và Website Văn hóa lễ nhạc Mân Thanh (http://www.mqlywh.com Lưu trữ 2021-04-14 tại Wayback Machine), với phần lớn nội dung là bài viết nghiên cứu về hai anh em Dương.
- ^ Tống sử, tlđd chép là "trúng Thiệu Thánh chế khoa". Khoa cử đời Đường – Tống chia làm hai loại: cử khoa (tổ chức định kỳ 3 năm/lần) và chế khoa (tổ chức không định kỳ, theo chế lệnh của hoàng đế); tháng 9 ÂL năm Thiệu Thánh đầu tiên, Tống Triết Tông tổ chức khoa Hiền lương phương chánh nhằm chọn tiến sĩ có thể "năng ngôn (dám nói) trực gián (can thẳng)"
- ^ Nay là Phụ Dương, An Huy
- ^ 推官/thôi quan là thuộc quan của Tiết độ sứ, quản lý hình ngục
- ^ Tống sử, tlđd chép là "劝导绍述/khuyến đạo Thiệu thuật"; khuyến đạo tức là 规劝开导/quy khuyến (khuyên dụ) khai đạo (mở lối); Thiệu thuật là đường lối chính trị của Tống Triết Tông trong niên hiệu Thiệu Thánh: khôi phục tân pháp của Vương An Thạch thời Tống Thần Tông; người viết dựa theo Phúc Kiến tỉnh chí, tlđd, nhằm diễn giải cụ thể và dễ hiểu hơn quan điểm của Trần Dương
- ^ Bí thư tỉnh là cơ quan quản lý thư tịch của triều đình, đứng đầu là Giám, thứ đến là Thiếu giám, Thừa, lang, Hiệu thư lang, rồi mới đến Chánh tự
- ^ Nhận xét của Phúc Kiến tỉnh chí, tlđd
- ^ Tống sử, tlđd chép là "给札/cấp trát"; trát là thẻ gỗ dùng thay giấy. Xuất xứ là điển cố Hán Vũ đế ban thưởng bút và trát cho Tư Mã Tương Như (xem Sử ký – Tư Mã Tương Như truyện), đời sau gọi sự đãi ngộ đặc thù mà triều đình dành cho văn sĩ là "cấp trát". Ở đây Trần Tường Đạo khi trước dâng Lễ thư, được Phạm Tổ Vũ đánh giá rất cao, tiến cử lên triều đình; vì thế Tống Triết Tông cấp cho Tường Đạo giấy bút, sai thợ giỏi thư, họa giúp việc sao chép
- ^ Thái thường tự là cơ quan quản lý lễ nghi của triều đình; đứng đầu là Khanh, thứ đến Thiếu khanh, Thừa
- ^ 驾部/Giá bộ là cơ quan quản lý xe cộ, chuồng bò, ngựa, vào đời Tống là một trong 4 tư của bộ Binh, đứng đầu là Lang trung, cấp phó là Viên ngoại lang
- ^ Ngụy Hán Tân, nhà âm nhạc đời Bắc Tống, xuất thân lính quèn, nhờ dâng Nhạc nghị mà nổi danh; trước tác tiêu biểu là Đại thịnh nhạc thư, ngày nay chỉ còn 2 thiên
- ^ Kinh Phòng, họ gốc là Lý, quan viên, nhà Dịch học thời Hán Nguyên đế đời Đông Hán, trước tác tiêu biểu là Kinh thị dịch truyện; cần phân biệt với Kinh Phòng, cũng là quan viên, nhà Dịch học thời Hán Chiêu đế đời Tây Hán. Cả hai Kinh Phòng đều có truyện trong Hán thư
- ^ Tống sử, tlđd chép là "tôn vô nhị thượng", ý nói "quốc vô nhị quân" (nước không hai vua)
- ^ Ngũ thanh tức là Ngũ âm: Cung, Thương, Giác, Chủy, Vũ, tương đương với các số 1, 2, 3, 5, 6 của giản phổ hiện nay. Theo Uyên giám loại hàm, quyển 184 – Nhạc tổng tải, Ngũ âm tương ứng với các khái niệm: Cung → quân (vua hay chủ), Thương → thần (bề tôi), Giác → dân, Chủy → sự (việc), Vũ → vật. Biểu diễn trên đường tròn, ta có Cung ở trung tâm, Chủy ở vị trí 12:00, tiếp theo lần lượt xoay theo chiều kim đồng hồ mà xác định vị trí của Thương, Vũ, Giác. Nhị biến là Biến Cung, Biến Chủy, tương đương với các số 7, 4. Như thế ta có 1 toàn âm giai (diatonic scale) như sau: Cung, Thương, Giác, Biến Chủy, Chủy, Vũ, Biến Cung, Cung. Vì vậy đôi khi Ngũ thanh (hay Ngũ âm) Nhị biến được gọi là Thất âm. Thập nhị luật là phương pháp định âm đời xưa: cứ 1 quãng 8 lấy 12 dấu, tức 12 bán âm, từ thấp đến cao là Hoàng Chung, Đại Lữ, Giáp Chung, Thái Thốc, Cô Tẩy, Trọng Lữ, Nhuy Tân, Lâm Chung, Di Tắc, Nam Lữ, Vô Dịch, Ứng Chung, với Hoàng Chung ở vị trí 6:00 của đường tròn, tiếp theo lần lượt xoay theo chiều kim đồng hồ mà xác định các vị trí còn lại. Theo ký âm hiện đại, ta có 1 bán âm giai (chromatic scale) như sau: F, #F, G, #G, A, #A, B, C, #C, D, #D, E, F. (Trong đó 6 dấu lẻ (Dương) gọi là Luật gồm có: Hoàng Chung, Thái Thốc, Cô Tẩy, Nhuy Tân, Di Tắc, Vô Dịch; 6 dấu chẵn (Âm) gọi là Lữ gồm có: Lâm Chung, Nam Lữ, Ứng Chung, Đại Lữ, Giáp Chung, Trọng Lữ; vì thế Thập nhị luật còn gọi là Luật Lữ.) Cũng theo Uyên giám loại hàm, Hoàng Chung tương ứng với khái niệm Dương khí từ hoàng tuyền bốc lên (khởi đầu quá trình khai sinh vạn vật). Ở đây Trần Dương cho rằng không lấy Cung làm âm chủ đạo và không đảm bảo luật Hoàng Chung là sự xúc phạm đối với hoàng quyền
- ^ Hồng lư tự là cơ quan coi việc triều cống của nước ngoài, yến tiệc, ban thưởng, đón rước; cơ chế tương đồng Thái thường tự
- ^ Hiển Mô các là cơ quan cất giữ Văn tập do Tống Thần Tông ngự chế, thiết lập vào năm Nguyên Phù đầu tiên (1098) thời Tống Triết Tông, đứng đầu là Học sĩ, thứ đến là Trực học sĩ, Đãi chế. Đề cử, ý nói đứng đầu hay nắm quyền (chưởng quản). Lễ Tuyền quan là một trong các cung quan (tức đạo quan), đời Tống đặt các chức nhàn "đề cử cung quan", nhằm an trí những đại thần già, bệnh hoặc bị cấm cố, được nhận bổng lộc mà không coi việc
- ^ Tống sử, tlđd chép là "thọ 68 tuổi", ở đây người viết căn cứ vào Phúc Kiến tỉnh chí, tlđd
- ^ Tống sử, tlđd chép là "20 quyển"; căn cứ Tứ khố toàn thư thì Tống sử đã lầm
- ^ 百戏/bách hý là các hình thức biểu diễn dân gian Trung Quốc, chủ yếu là tạp kỹ