Bao Tự

Bao Tự
褒姒
Tranh vẽ Bao Tự
Chu U vương Vương hậu
Tại vị774 TCN - 771 TCN
Tiền nhiệmThân Phế hậu
Kế nhiệmKỷ Quý Khương
Thông tin chung
Sinh
nước Bao
Mấtkhông rõ
không rõ
Phối ngẫuChu U vương
vua Khuyển Nhung (?)
Hậu duệCơ Bá Phục
Hoàng tộcTự thị (xuất thân)
Cơ thị (hôn nhân)

Bao Tự (chữ Hán: 褒姒), hay Tụ Tự hoặc Ly Bích (褎姒)[1]Vương hậu thứ hai của Chu U vương, vị Thiên tử cuối cùng của giai đoạn Tây Chu trong lịch sử Trung Quốc.

Truyền thuyết kể rằng, Bao Tự là một mỹ nhân cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ, Chu vương mê say nàng nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười, lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Để thấy nụ cười của Bao Tự, Chu U vương nghe theo một nịnh thần, đốt lửa trên đài để lừa triệu chư hầu chạy đến. Trò đùa này đã gây ra họa mất Cảo Kinh khi quân Khuyển Nhung thực sự chiếm đánh. Nhà chu bắt đầu suy yếu từ đây. Điển tích nổi tiếng này gọi là Phóng hỏa hí chư hầu (烽火戲諸侯).

Mỹ danh của Bao Tự về sau được lưu truyền như một "Hồng nhan họa thủy" (紅顏禍始 - nghĩa là Người đẹp làm hại đất nước), thường liệt kê vào danh sách các mỹ nhân nổi tiếng và có ảnh hưởng trong lịch sử. Nàng cùng Muội Hỉ, Đát KỷLy Cơ được xem là Tứ đại yêu cơ (四大妖姬), khiến cho cơ nghiệp các quân vương thời Tiên Tần bị phá hoại (nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chunhà Tấn).

Câu chuyện

[sửa | sửa mã nguồn]

Bao Tự không rõ tên gì, là người nước Bao (褒国, nay là khu vực Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây), họ Tự. Cũng như hầu hết phụ nữ thời Tiên Tần, phụ nữ nước này được gọi bằng tên nước nơi mình sinh ra kèm theo họ gia tộc đằng sau, do đó nàng được gọi luôn là Bao Tự[2][3]. Một số phụ nữ nổi bật có thuỵ hiệu sẽ được gọi theo thứ tự: nước - hiệu - họ, ví dụ như Tề Văn Khương, trong đó "Tề" là nước bà sinh ra, "Văn" là hiệu, còn "Khương" là họ gia tộc của Tề vương.

Câu chuyện về Bao Tự được Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại mang màu sắc truyền thuyết:

Bao Tự nhập cung, được Chu U Vương ngày đêm ân ái. Năm thứ 4 (778 TCN), nàng sinh một con trai, đặt tên Cơ Bá Phục (姬伯服). Khi này U vương đã có Thân vương hậu, và lập con trai bà là Cơ Nghi Cữu làm Thái tử. Tuy nhiên, vì sủng ái mẹ con Bao Tự mà năm thứ 8 (774 TCN), ông phế truất cả Thân hậu lẫn Nghi Cữu; lập Bao Tự làm Kế hậu, Bá Phục làm Thái tử thay thế[4][5].

Việc này làm phật ý cha của Phế hậu là Thân hầu - quân chủ nước Thân (nay là Nam Dương, tỉnh Hà Nam). Thân hầu liên hệ nước Tằng (nay là Phương Thành, tỉnh Hà Nam) cùng quân Khuyển Nhung kéo đến đánh úp Cảo Kinh. Chu U vương vội đốt lửa trên đài, ra hiệu triệu chư hầu nhưng không ai tới cứu, có thuyết cho rằng vì bình thường không có giặc, các chư hầu thường xuyên bị lừa để chọc Bao Tự cười nên nghĩ lần này cũng vậy. U vương bất lực mang Bao Tự và con nhỏ tháo chạy. U vương và Bá Phục bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Bao Tự bị bắt trong cơn hỗn loạn, không rõ kết cục[6], có khả năng bị vua Khuyển Nhung bắt làm thiếp vì nhan sắc xinh đẹp.

Quân khuyển Nhung tiếp tục cướp bóc, giết hại người trong kinh thành. Thân hầu ân hận nên viết thư triệu chư hầu các nước Tấn, Tần, VệTrịnh đến đánh quân Khuyển Nhung. Quân bốn nước kéo đến đánh tan quân Nhung, khôi phục quyền kế vị cho Cơ Nghi Cữu, tức Chu Bình vương[7][8].

Phóng hỏa hí chư hầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là một điển tích rất nổi tiếng gắng liền với danh tiếng của Bao Tự. Vì nàng vào cung mà không cười, Chu U vương tìm mọi cách để nàng cười, thậm chí dùng nghìn lượng vàng để thưởng ai có thể khiến nàng cười. Sau đó Chu vương nghe Thạc Phụ nước Quắc đốt đài lửa đùa giỡn với chư hầu để Bao Tự cười, làm cho nhà Chu diệt vong[9].

Có hai ghi chép về câu chuyện này:

Chu U vương không ngó ngàng gì tới việc triều chính, chỉ vui chơi hưởng lạc, phái người đi khắp nơi tìm gái đẹp. Có một đại thần là Bao Quýnh khuyên can U vương, ông không những không nghe theo, còn bắt Bao Quýnh giam vào ngục. Về sau, gia đình Bao Quýnh thấy Bao Tự xinh đẹp, bèn mua về rồi dâng Chu U vương để thoát tội. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy Bao Tự, Chu U vương đã mê mẩn tinh thần. Chốn phòng the, Chu U vương càng mê mẩn hơn khi trên người nàng luôn tỏa ra một mùi hương hấp dẫn, dễ chịu mà không một phi tần trong cung nào sánh được. Vốn là một Hoàng đế đa tình, thường xuyên sai nội thị đi khắp nơi tìm con gái đẹp đưa về cung nhưng từ khi có Bao Tự, Chu U vương quên hẳn việc tuyển mỹ nữ. Bao Tự được Chu U vương sủng ái nhất.

Nhưng từ ngày vào cung Bao Tự tỏ ra buồn bã, không lúc nào cười. U vương tìm mọi cách để có được nụ cười của mỹ nhân nên treo giải, rằng người nào làm cho Bao Tự cười thì sẽ được thưởng một ngàn lạng vàng. Một kẻ là Quắc Thanh Phụ nghĩ ra một kế. Vốn là, để đề phòng sự tiến công của bộ tộc Khuyển Nhung, vương triều Chu cho xây dựng ở vùng Ly Sơn (nay ở vùng đông nam Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây) hơn 20 đài đốt lửa (Phong Hỏa Đài), cứ cách mấy dặm là một đài, nếu quân Khuyển Nhung tấn công thì các đài đốt khói lửa truyền tin báo động cho các nước chư hầu, để họ mang quân tới cứu viện. Quắc Thạch Phụ nói với Chu U vương cho đốt các đài lửa lên để quân chư hầu kéo tới, Bao Tự thấy quân chư hầu mắc lừa kéo tới thì nhất định là sẽ bật cười. Chu U vương làm theo. Các nước chư hầu gần đó tưởng rằng quân Khuyển Nhung kéo đến, vội vàng mang quân tới cứu. Không ngờ khi tới nơi chỉ thấy trên núi đang đàn sáo vang lừng, còn U vương cử người ra bảo các nước chư hầu quay về. Các nước chư hầu thấy mình bị đem ra làm trò đùa, đều rất tức giận dẫn quân về. Bao Tự thấy dưới chân núi Ly Sơn ồn ào binh mã, quả nhiên thích thú, cười khanh khách. U vương thấy Bao Tự khi cười lại càng xinh đẹp, liền thưởng cho Quắc Thạch Phụ một ngàn lạng vàng.

Câu chuyện này về sau được gọi là Phóng hỏa hí chư hầu (烽火戲諸侯), vang danh sử sách, trở thành một trong những điển tích nổi tiếng nhất về "mối họa hồng nhan".

Tuy nhiên, vào năm 2012, Đại học Thanh HoaBắc Kinh đã tiến hành nghiên cứu "Thanh Hoa giản" (清华简), một cuốn sách sử được viết vào khoảng năm 335 trước công nguyên (được phát hiện vào năm 2008). Họ phát hiện một lượng lớn ghi chép so với Sử ký hoàn toàn khác biệt. Đại khái rằng, Chu U vương năm đó chủ động đem quân đánh nước Thân, Thân hầu bèn liên lạc quân Khuyển Nhung để đánh bại Chu U vương, không hề có bất cứ ghi chép nào tương tự "Phóng hỏa hí chư hầu" như vậy. Giáo thụ của Đại học Thanh Hoa là Lưu Quốc Trung (刘国忠) từng bày tỏ sự nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện, khả năng cao đây chỉ là tiểu thuyết do cuốn Sử ký biên lại ở một khoảng thời gian đã quá lâu về sau, khó tránh khỏi chắp nhặt những câu chuyện truyền miệng để ghi vào[10].

Trong văn thơ

[sửa | sửa mã nguồn]

Sách Kinh Thi, phần "Tiểu nhã" có câu về Bao Tự:"Hách hách tông Chu, Bao Tự diệt chi" (赫赫宗周,褒姒灭之。).

Câu nói Trường thiệt phụ (长舌妇; Người đàn bà lưỡi dài) là một thành ngữ ám chỉ Bao Tự. Ấy là trong Kinh Thi, phần "Chiêm ngang" của Phong Nhã, chỉ trích Chu U vương say mê Bao Tự mà rời xa hiền thê, còn châm chọc Bao Tự rằng[11]:

妇有长舌,维厉之阶。
乱匪降自天,生自妇人。
Phụ hữu trường thiệt, duy lệ chi giai.
Loạn phỉ hàng tự thiên, sinh tự phụ nhân.

Nhà thơ Lý Bạch có câu:"Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim" (美人一笑換千金; Người đẹp nở một nụ cười đáng đổi lấy nghìn lạng vàng).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Liệt nữ truyện ghi nhận
  2. ^ 《史记索隐》:襃,国名,夏同姓,姓姒氏。礼妇人称国及姓。
  3. ^ 《史记·卷四·周本纪第四》:宣王之时童女谣曰:“檿弧箕服,实亡周国。”於是宣王闻之,有夫妇卖是器者,宣王使执而戮之。逃於道,而见乡者後宫童妾所弃妖子出於路者,闻其夜啼,哀而收之,夫妇遂亡,饹於襃。襃人有罪,请入童妾所弃女子者於王以赎罪。弃女子出於襃,是为襃姒。
  4. ^ 《史记·卷四·周本纪第四》:襃姒生子伯服,幽王欲废太子。太子母申侯女,而为后。後幽王得襃姒,爱之,欲废申后,并去太子宜臼,以襃姒为后,以伯服为太子。
  5. ^ 《太平御览·卷一百四十七·皇亲部十三》:《纪年》曰:幽王八年,立褒姒之子曰伯服,为太子。
  6. ^ 《史记·周本纪》:“遂杀幽王骊山下,虏褒姒,尽取周赂而去。”
  7. ^ Tư Mã Thiên Sử ký • Chu bản kỷ
  8. ^ Trúc thư kỉ niên
  9. ^ 《史记·周本纪》说:“褒姒不好笑,幽王欲其笑,万方故不知。”《琱玉集》说褒姒性不喜笑,“其一笑有百二十种媚”。
  10. ^ “清华简推翻《史记》记载 "烽火戏诸侯"是戏说”. 成都日报. ngày 13 tháng 1 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2013.
  11. ^ 许晖 (2012年3月). 这个词,原来是这个意思!. 上海: 上海人民出版社. tr. 17. ISBN 9787208105225. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2018. 这句俗语的源头单指一人,这个人是个女人,叫作褒姒(sì)......“长舌妇”这一俗语流传开来。 Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]