Liệt nữ truyện (chữ Hán giản thể: 列女传; phồn thể: 列女傳; bính âm: Liènǚ zhuàn; Wade–Giles: Lieh nü chuan) là bộ sách giới thiệu hành vi của phụ nữ Trung Quốc cổ đại. Sách do tác giả Lưu Hướng là học giả Nho gia thời Tây Hán biên soạn vào năm 18 TCN đời Hán Thành Đế.
Tuy nhiên, có người cho rằng toàn bộ sách này không phải do chính Lưu Hướng viết nên, một quyển tụng văn (đoạn văn khen ngợi thường viết ở đầu trang sách) kèm theo trước tác tương truyền là do Lưu Hâm soạn ra, trong phiên bản lưu hành hiện nay do Sái Kỳ thời Nam Tống biên soạn lại, cộng thêm phần khen ngợi trong bảy quyển của nguyên tác, bên cạnh tám quyển bổ sung của Tục Liệt nữ truyện. Do có một vài phiên bản của tác giả vẫn còn đánh dấu khuyết danh. Cũng có người cho rằng, phiên bản lưu truyền hiện tại là do người đời sau mượn danh Lưu Hướng mà viết thêm một số thiên vào đầu trang sách.
Bản "Liệt nữ truyện" hiện còn có 7 thiên, nội dung chủ yếu thuật lại chuyện về 105 người phụ nữ mẫu mực. Có tham khảo từ nhiều nguồn sử liệu khác như Kinh Xuân Thu, Tả truyện và Sử ký, riêng văn phong và cách trình bày đều chịu ảnh hưởng phần lớn từ thể liệt truyện trong Sử ký của Tư Mã Thiên.
Bảy thiên này gồm: Mẫu nghi (母儀), Hiền minh (賢明), Nhân trí (仁智), Trinh thuận (貞順), Tiết nghĩa (節義), Thông biện (辯通) và Nghiệt bế (孽嬖). Lưu Hướng chia phụ nữ thời Tiên Tần làm bảy loại điển hình, ngoài loại Bế nghiệt là hình tượng phản diện, sáu loại còn lại đều là điển hình mà Lưu Hướng tán dương. Lưu Hướng không đòi hỏi một chuẩn mực hoàn hảo đối với phụ nữ, chỉ cần nổi bật về một phương diện nào cũng được khen ngợi, đúng như Minh sử, thiên Liệt nữ truyện nói: "Lưu Hướng viết truyện liệt nữ, chuyện gì thu nhặt vào cũng có thể làm tấm gương, không chỉ theo một loại".
Trong sáu loại Mẫu nghi, Hiền minh, Nhân trí, Trinh thuận, Tiết nghĩa, Thông biện; phụ nữ chỉ cần thuộc một hai loại là có thể được biểu dương thành khuôn mẫu cho phụ nữ. Mẫu nghi, Hiền minh, Nhân trí và Thông biện, đặc biệt là ba loại sau chủ yếu đánh giá phụ nữ từ các nhân tố trí lực như tài đức, khí chất, năng lực, tinh thần dáng vẻ, nhân tố nhân cách. Chỉ có Trinh thuận và Tiết nghĩa mới đánh giá phụ nữ từ góc độ đạo đức thuần túy.
Sự phân loại phụ nữ của Lưu Hướng cho thấy người thời Tây Hán có nhiều tiêu chuẩn và rộng rãi trong việc đánh giá phụ nữ. Thời Tây Hán, thông minh tài trí, khí chất năng lực, tinh thần phong mạo, thậm chí năng lực ngôn ngữ vân vân, các phương diện đức, tài, trí, biện đều là tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp bên trong của phụ nữ.
Thiên | Hán tự | Hán Việt | Dịch nghĩa |
---|---|---|---|
1 | 母 儀 傳 | Mẫu nghi truyện | Hình mẫu đoan trang |
2 | 賢 明 傳 | Hiền minh truyện | Kính trọng và minh bạch |
3 | 仁 智 傳 | Nhân trí truyện | Nhân đức và thông thái |
4 | 貞 順 傳 | Trinh thuận truyện | Tiết hạnh và hiếu thuận |
5 | 節 義 傳 | Tiết nghĩa truyện | Phép tắc và đạo đức |
6 | 辯 通 傳 | Biện thông truyện | Biện bác và hoàn mỹ |
7 | 孽 嬖 傳 | Nghiệt bế truyện | Những ái thiếp đồi trụy |
8 | 續 列 女 傳 | Tục liệt nữ truyện | Tiểu sử bổ sung |
Vào thời Tây Hán, thế lực ngoại thích lớn mạnh, triều đình hỗn loạn do có quá nhiều bóng dáng ngoại thích can thiệp vào việc chính sự, khiến cho quốc lực dần suy yếu. Lưu Hướng tự nghĩ Phép vua do trong cùng ngoài, khởi đầu từ những kẻ thân cận, câu này nghĩa là phép vua cần phải giáo dục bắt đầu từ những kẻ xung quanh Hoàng đế, vì vậy mà viết thành sách này, cốt để khuyên can hoàng đế và răn đe đám phi tần, ngoại thích lộng hành trong triều.
Cũng có ý kiến khác cho rằng, Lưu Hướng nhằm mục đích châm biếm chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức được Hán Thành Đế cực kỳ sủng ái, sẽ gây nên họa vong quốc về sau mà viết ra sách này cốt để cảnh tỉnh người đời. Những truyện được lựa chọn sử dụng trong Liệt nữ truyện thể hiện quan điểm chuẩn mực của Nho gia đối với phụ nữ, nhất là về mặt đạo đức và tiết hạnh.
Liệt nữ truyện đã để lại ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế và lan truyền đến một số nước chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Một số truyện còn được lưu truyền cho đến ngày nay, chẳng hạn như truyện Mạnh mẫu tam thiên (孟母三遷; Mẹ Mạnh Tử ba lần dời nhà) đều lấy từ sách này.
Về sau, trong sử sách Trung Quốc có nhiều thiên chương riêng biệt chuyên thuật lại sự tích phụ nữ các triều đại trong lịch sử Trung Quốc, được soạn tùy theo sự biến hóa về cái nhìn của phụ nữ qua mỗi thời đại, việc chú trọng ghi chép đức hạnh những phụ nữ được biểu dương của các triều đại có đôi chỗ khác nhau.
Những chú thích nguyên thủy trong Liệt nữ truyện của các học giả đời sau như Ban Chiêu, Mã Dung thời Hán, Triệu thị vợ Ngu Vĩ nước Ngô thời Tam Quốc, Kỳ Vô Thúy thời Tấn hiện nay không còn nữa. Thay vào đó, chỉ còn lại những chú giải trong các trước tác của đám học giả thời Thanh như Cổ Liệt nữ truyện bổ chú của Vương Chiêu Viên, Cổ Liệt nữ truyện khảo chứng của Cố Quảng Kỳ và Liệt nữ truyện hiệu chú của Lương Đoan.
Ngoài ra, học giả người Nhật thời Minh Trị là Matsumoto Mannen còn thêm vào phần chú giải trong trước tác Tham đính Lưu Hướng Liệt nữ truyện của ông.
Một họa sĩ thời Đông Tấn là Cố Khải Chi (顾恺之) đã lấy phương thức hội họa nhằm truyền đạt lại những mẫu chuyện kinh điển của các liệt nữ trong sách. Liệt nữ nhân trí đồ (列女仁智图) là bản sao chép lại tranh Cố Khải Chi của người thời Tống. Nét vẽ tỉ mỉ chi tiết, bảo lưu được kỹ năng hội họa xuất sắc của Cố Khải Chi. Hiện chỉ còn lại 28 vật dụng cá nhân trong Liệt nữ nhân trí đồ là còn tồn tại.
Dưới ngòi bút của Cố Khải Chi, thân phận, khí chất, thần thái của từng nhân vật trong họa quyển đều được miêu tả rất sinh động, có hồn và thỏa đáng. Cố Khải Chi đối với việc quan sát đời sống thì mười phần tinh tế tỉ mỉ. Tài năng như vậy có thể miêu tả khí chất, thần thái của mỗi một nhân vật một cách sinh động.
Trong Liệt nữ nhân trí đồ, phương pháp vẽ hình người ngang hàng với bối cảnh cân xứng, phương pháp hội họa áp dụng phần lớn đề tài cùng loại vào thời Hán, tục gọi là phương pháp tạo tranh ngang hàng. Kỹ năng hội họa của Cố Khải Chi thông qua biểu cảm phong thái của nhân vật, dùng khoảng không gian của nhân vật khi để lộ xiêm y có phần liên hệ nội tại. Những hiện vật này nay được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.
Tiếng Việt
Tiếng Trung
Tiếng Anh
Tiếng Nhật